Mua – bán lại nhà ở được vay gói 30.000 tỷ đồng, rủi ro rình rập
Nhiều giao dịch lách luật tại các dự án được vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang âm thầm diễn ra trên thị trường. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý đối với cả người bán và người mua.
Âm thầm giao dịch
Vào vai người tìm mua căn hộ tại 1 dự án nhà ở giá rẻ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội đang được rao bán trên thị trường, phóng viên Đầu tư Bất động sản được một “cò” đất tên Thủy cho biết, cô là chủ sở hữu căn hộ này, hiện không có nhu cầu để ở, nên muốn tìm người để bán lại. Căn hộ có diện tích khoảng 60 m2, có giá bán khoảng hơn 700 triệu đồng, được vay gói 30.000 tỷ đồng và đã giải ngân tới 70% gói tín dụng.
“Cò” Thủy cho biết, nếu đồng ý mua, toàn bộ giấy tờ chỉ được thực hiện bằng viết tay, sau đó sẽ làm hợp đồng ủy quyền công chứng cho người mua. Sở dĩ phải làm như vậy, vì đây là căn hộ được vay gói 30.000 tỷ đồng và theo quy định, không được chuyển nhượng khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng. Để khiến người mua yên tâm, “cò” Thủy cam kết sẽ làm cả di chúc để lại cho người mua.
“Nếu em không mua ngay thì có người khác đang đợi. Chị nể lắm mới muốn bán cho em. Giá chị bán lại là giá cắt lỗ trên thị trường. Em chỉ cần nộp đúng số tiền 550 triệu đồng, còn lại chờ đến khi bàn giao thanh toán nốt cho chủ đầu tư là có căn nhà. Đến lúc nộp nốt 3% để nhận sổ hồng thì bảo chị ra là làm thủ tục được ngay”, “cò” Thủy nhấn mạnh.
Khi muốn phóng viên tìm hiểu dự án khác, “cò” Thủy nhanh nhạy chia sẻ ngay về một suất nhà ở xã hội cũng nằm trong khu vực Hoài Đức. Theo lời “cò” Thủy, đây là suất của bà chị họ, vừa mới giải ngân được khoảng 50% giá trị gói vay, diện tích trên 60 m2, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách.
Theo chia sẻ của chủ nhà, căn nhà này ban đầu dự định mua để ở, nhưng vì chuyển sang chỗ làm xa hơn, nên muốn nhượng lại. Mức giá nhượng lại khoảng 500 triệu đồng, gồm tiền chênh 20 triệu đồng. Theo giải thích của chủ nhà, tiền chênh này là để bù đắp lại tiền chi phí thủ tục ban đầu. Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp trên, hợp đồng sẽ được viết tay, công chứng ủy quyền và làm di chúc để lại cho người mua nhà.
Những rủi ro pháp lý
Video đang HOT
Nghị định 188/2013/NĐ-CP quy định, người mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi trả hết tiền theo hợp đồng đã ký và được cấp sổ đỏ, nhưng phải bảo đảm thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua.
Đối với nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, trường hợp này được hiểu là một trường hợp người mua vay ngân hàng một phần tiền để thanh toán cho chủ đầu tư và phải thế chấp, thường là chính nhà ở mua bán đó để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng sẽ giữ bản hợp đồng gốc mua bán nhà ở giữa chủ đầu tư và người mua – cũng là người vay tại ngân hàng.
Chừng nào người mua còn chưa giải chấp được nhà ở, thì không thể chuyển nhượng cho bên thứ ba, trừ trường hợp ký hợp đồng ba bên với ngân hàng và ngân hàng chấp thuận cho việc đó. Thực tế, chưa có ngân hàng nào đồng ý với phương án này, mà thường thì bên bán và bên mua lại sẽ ký hợp đồng đặt cọc, bên mua sẽ chuyển cho bên bán số tiền đặt cọc bằng số tiền mà bên bán nợ ngân hàng để bên bán hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, giải chấp tài sản bảo đảm, nhận lại bản gốc Hợp đồng mua bán, lúc ấy, hai bên mới có thể thực hiện được thủ tục chuyển nhượng.
Hay nói cách khác, chừng nào người vay còn chưa giải chấp được tài sản đảm bảo, thì chừng đó chưa chuyển nhượng được. Do vậy, việc mua bán nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ đồng hay xã hội theo những trường hợp nêu trên đều có thể coi là trái pháp luật và có thể mang lại rủi ro cho cả người bán lẫn người mua.
Cụ thể, nhà ở là một loại tài sản mà Nhà nước quy định phải đăng ký quyền sở hữu và mọi giao dịch có liên quan đều phải được công chứng. Thế nên, giấy tờ viết tay là vô hiệu về mặt hình thức. Khi giao dịch vô hiệu, thì không có giá trị thực thi trên thực tế. Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp, thì bên nhận chuyển quyền sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, những người có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ đồng vào thời điểm này trước khi mua.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Gói vay 30 nghìn tỷ: Khách hàng lo lắng chờ ngân hàng tiếp tục giải ngân
Nhiều khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng như "ngồi trên đống lửa" khi thời hạn dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến gần, nhưng các ngân hàng lại từ chối việc cho vay theo lãi suất ưu đãi.
Phản ánh lên báo chí, khách hàng Phạm Thúy An cho biết, do điều kiện kinh tế khó khăn, nên khi mua căn hộ tại dự án Kim Văn Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội), chị có làm thủ tục để được vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng với ngân hàng BIDV. Theo đó tháng 8/2015, chị An ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng BIDV Tôn Đức Thắng.
Hiện tại bên ngân hàng đã giải ngân cho chị An được 3 đợt. Đợt tiếp theo sẽ là lúc cất nóc tòa nhà và rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 5 đến đầu tháng 6.
"Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết gói 30.000 tỷ đồng sẽ được gia hạn thêm thời gian chứ không phải là dừng giải ngân các đợt tiếp theo sau ngày 1/6/2016. Mặc dù vậy ngân hàng BIDV Tôn Đức Thắng vẫn nói là chưa nhận được công văn hướng dẫn gì về việc gia hạn gói này. Nếu như thế thì việc giải ngân đợt tiếp theo của tôi có thể sẽ phải hưởng lãi suất thương mại bình thường", chị An lo lắng nói.
Thực tế, đây không chỉ là thắc mắc của riêng chị An, nhiều khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng thương mại khác cũng nhận được câu trả lời như chị An.
Liên hệ với 1 nhân viên tư vấn cho vay tín dụng của một ngân hàng thương mại, anh này cũng cho biết, thông tin trên báo chí đều nói gói 30.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân cho đến khi nào hết thời hạn vay đối với các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31/3. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể nào từ phía ngân hàng nhà nước cả. Vì vậy, mức lãi suất sẽ áp dụng như lãi suất thương mại bình thường.
Trả lời về thắc mắc của khách hàng Nguyễn Thúy An, đại diện ngân hàng BIDV cho biết: Thời điểm gần nhất là ngày 16/5/2016 BIDV đã có công văn số 3321/BIDV-NHBL gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nội dung đề nghị sớm có hướng dẫn chi tiết thông tin gói 30.000 tỷ đồng sẽ được gia hạn giải ngân vốn vay với lãi suất ưu đãi cho đến khi hết 30.000 tỷ đồng, thay vì đến hết 1/6/2016 như hiện tại để có cơ sở hướng dẫn khách hàng. Tuy nhiên đến hiện tại (tức ngày 30/5 PV), NHNN vẫn chưa có phản hồi chính thức bằng văn bản về nội dung này.
Do vậy, trong thời gian Ngân hàng nhà nước chưa có hướng dẫn, hiện tại việc giải ngân vốn vay ưu đãi theo gói 30.000 tỷ vẫn được thực hiện theo hướng dẫn hiện tại của NHNN tại công văn số 1425/NHNN-TD ngày 14/03/2016 và công văn số 1449/BIDV-NHBL ngày 15/03/2016 của BIDV đã được gửi hướng dẫn các cá nhân thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng tiếp tục giải ngân
Trước sự hoang mang của các khách hàng và sự bối rối của nhiều ngân hàng thương mại về việc thực hiện tiếp gói 30.000 tỷ đồng này, một thông tin rất đáng mừng là chiều 30/5, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hỏa tốc gửi các ngân hàng thương mại để hướng dẫn việc thực hiện cho vay sau thời hạn 1/6.
Công văn hỏa tốc số 3955 của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016.
Trong công văn hỏa tốc NHNN vừa gửi cho các ngân hàng thương mại, cơ quan này cho biết, ngày 22/3, NHNN đã có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đến ngày 1/6/2016 mà chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, NHNN sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ chương trình.
Theo đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại đến ngày 10/5/2016, ngày 30/5/2016, NHNN đã có công văn trình Thủ tướng về phương án gia hạn chương trình theo hướng:
Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016.
Dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng đã ký. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.
Như vậy, các khách hàng vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục được giải ngân cho đến khi hết hợp đồng đã ký với các ngân hàng thương mại.
Khánh An
Theo_VnMedia
Sẽ tiếp tục giải ngân gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Thủ tướng phương án giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói 30.000 tỷ đồng) đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN. bat-dong-sản-vietnamfiance.jpg Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, theo quy định tại Thông tư 11, việc giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ nhà...