Mua 3 chiếc MacBook, suýt bị lừa hơn 120 triệu đồng
Kẻ gian dùng nhiều tài khoản ảo, giả danh cả người bán và người mua MacBook để lừa đảo số tiền hơn 120 triệu đồng.
Ngày 22/9, một người dùng chia sẻ câu chuyện bị lừa mua 3 chiếc MacBook với giá trị hơn 120 triệu đồng. Kẻ gian dùng nhiều tài khoản mạng xã hội ảo, đóng vai cả người bán, người mua để lừa đảo.
Mua 3 chiếc MacBook bằng tiền của người khác
Ngày 20/9, ông Nguyễn Đình Mạnh đăng bài tìm mua 7 chiếc MacBook Pro trong một hội rao vặt trên Facebook. Sau đó, có một tài khoản tên Nguyễn Trọng Quý liên hệ ông Mạnh để chào hàng. Người này tự xưng là nhân viên của Goka, một đơn vị bán MacBook lâu năm tại TP.HCM.
Ngay trong lúc trao đổi với ông Mạnh về hàng hóa, người này dùng một tài khoản ảo khác liên hệ với Goka, đóng vai người cần tìm mua 7 chiếc Macbook để yêu cầu cửa hàng gửi báo giá.
Bài đăng tìm mua 7 chiếc MacBook của ông Mạnh.
“Người này đóng vai trung gian giữa tôi và Goka, trao đổi thông tin qua lại. Còn tôi là người mua và phía Goka bán hàng lại không liên lạc trực tiếp với nhau. Ngoài ra, kẻ gian còn yêu cầu chuyển tiền vào chính xác tài khoản trên website của Goka nên tôi cũng không nghi ngờ”, ông Nguyễn Đình Mạnh, ngụ tại thành phố Thủ Đức trả lời PV .
Đại diện Goka cho biết người mua hàng tự xưng là nhân viên công ty Truy Phong và cần mua 7 chiếc MacBook cho công ty. “Sau khi trao đổi, người này quyết định mua 3 chiếc MacBook Pro M1 với tổng giá trị 124,8 triệu đồng. Số tiền này được chuyển từ tài khoản của công ty Truy Phong vào buổi chiều cùng ngày đúng như những gì kẻ gian cam kết”, đại diện Goka chia sẻ.
Video đang HOT
Tìm cách bán lại 3 chiếc laptop đã mua
Sau khi đứng ra mua 3 chiếc MacBook của cửa hàng với giá trị hơn 120 triệu đồng bằng tiền của ông Đình Mạnh, kẻ gian tiếp tục dùng một tài khoản ảo khác đăng bài lên hội buôn bán, tìm người mua 3 chiếc laptop.
“Người bán cho biết mua nhầm sản phẩm công ty yêu cầu nên cần thanh lý 3 chiếc MacBook Pro M1. Vì thị trường đang khan hàng nên tôi đã liên hệ để hỏi mua, dù giá không rẻ hơn máy chính hãng quá nhiều”, ông Nguyễn Tài, người mua 3 chiếc MacBook chia sẻ với PV .
Kẻ gian rao bán 3 chiếc lap top đã mua trên Goka cho một bên thứ 3.
Khi nhận máy vào ngày 21/9, ông Tài cảm thấy có điểm bất thường vì sản phẩm được chuyển từ Goka, phía đại lý ông có quen biết trước. Ông Tài liên hệ trực tiếp với cửa hàng và được biết những gì người bán chia sẻ là sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo.
Sau đó, phía Goka liên hệ với ông Nguyễn Đình Mạnh, cũng là người đã chuyển số tiền hơn 120 triệu đồng cho cửa hàng. Qua trao đổi, cả ông Mạnh và cửa hàng mới biết đã bị kẻ gian lừa đảo. Phía đại lý chủ động giao hàng đến địa chỉ ông Mạnh yêu cầu.
“Dù bị lừa nhưng tôi cảm thấy còn rất may mắn. Nếu ông Tài không nhận ra điểm bất thường về hàng hóa thì kẻ gian đã bán thành công 3 chiếc MacBook giá trị hơn 120 triệu đồng được mua bằng tiền của tôi”, ông Nguyễn Đình Mạnh cho biết.
Nâng cấp thủ đoạn lừa đảo
Tổng kết, kẻ gian giả mạo người bán để lấy số tài khoản doanh nghiệp, yêu cầu người mua chuyển tiền trước. Sau đó, người này yêu cầu bên bán chuyển hàng sang cho bên thứ ba để tẩu tán tài sản.
“Thủ đoạn lừa đảo này hướng vào các cửa hàng bán lẻ thiết bị điện tử, nơi mà mọi người làm việc với nhau bằng uy tín, số tài khoản công ty. Đồng thời, những giao dịch số lượng lớn, giá trị cao để điều phối thiết bị giữa các nhà bán hàng cũng là chuyện thường xảy ra nên ít người đề phòng”, đại diện Goka cho biết.
Các giao dịch số lượng lớn, giá trị cao là chuyện không hiếm trong giới buôn bán thiết bị điện tử.
Theo ông Tài, trong trường hợp này đối tượng đã nâng cấp thủ đoạn để khó bị phát hiện hơn bằng cách liên hệ thêm một người bán thứ 3 để tẩu tán món hàng mà không trực tiếp ra mặt.
“Vì hoạt động trong giới kinh doanh máy tính lâu năm nên tôi đã quen với những chiêu trò lừa đảo dạng này. Tuy nhiên trước đó, kẻ gian chỉ đóng vai trung gian giữa người mua và người bán để lừa tiền hoặc sản phẩm”, ông Nguyễn Tài chia sẻ với PV .
Sau khi đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, nhiều nạn nhân khác bị lừa với cùng một thủ đoạn nói trên cũng liên hệ với ông Mạnh để cùng trình báo với cơ quan chức năng.
FPT Shop sa thải nhân viên lấy cắp dữ liệu trong MacBook của khách
FPT Shop cho biết đây là hành động bộc phát của cá nhân. Nhân viên vi phạm và quản lý trực tiếp đã bị sa thải.
Ngày 21/9, một người dùng mạng xã hội đăng bài tố cáo nhân viên FPT Shop địa chỉ tại số 8 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội có hành vi đánh cắp thông tin nhạy cảm của khách hàng.
Trao đổi với PV , bà Đ.V, chủ nhân của chiếc máy tính bị đánh cắp dữ liệu cho biết đã được phía FPT Shop liên hệ trong chiều cùng ngày nhưng chưa thống nhất được phương án giải quyết. Nữ khách hàng chia sẻ bản thân đang rất căng thẳng và cần được nghỉ ngơi sau khoảng thời gian khủng hoảng.
Phản hồi về trường hợp này, FPT Shop khẳng định đây là hành vi bộc phát của cá nhân người lao động.
Bài đăng tố cáo nhân viên FPT Shop đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của người dùng.
"Nhân viên vi phạm và quản lý trực tiếp đã bị sa thải. Về phần khắc phục, giám đốc kỹ thuật của FPT đang phối hợp cùng Apple truy xuất iCloud, thiết bị phần cứng nơi nhân viên này chuyển dữ liệu người dùng để xóa tận gốc. Đồng thời, chúng tôi cũng bồi thường thiệt hại về tinh thần mà khách hàng phải gánh chịu", đại diện FPT Shop trả lời PV .
Theo bài đăng trên mạng xã hội, chiều 17/9, chủ tài khoản cùng một phụ nữ mang máy tính MacBook Air tới bảo hành lỗi touchpad (bàn di chuột) tại cửa hàng FPT Shop. Do nhân viên kỹ thuật đi giao hàng, nên hai người phải để máy lại.
Tới 21h cùng ngày, người phụ nữ nhận được thông báo tài khoản mạng xã hội bị đăng nhập trên chính máy tính đã gửi ở FPT Shop. Người này ngay lập tức liên hệ với kỹ thuật viên của cửa hàng để trao đổi về hoạt động đăng nhập bất thường. Khi đó, nhân viên của FPT Shop cam đoan không có ý định "lục lọi" thông tin cá nhân của khách hàng.
Sau quá trình khách hàng cùng đối chất với kỹ thuật viên nói trên, người này thừa nhận đã truy cập các tài khoản mạng xã hội của chủ nhân thiết bị và chia sẻ những dữ liệu nhạy cảm về điện thoại cá nhân. Những thông tin này đã được xóa ngay sau khi khách hàng liên hệ.
Theo chân Apple, Google sẽ dùng chip "nhà trồng" trên laptop Chromebook vào năm 2023 Google hiện đang sử dụng các chip do Intel và AMD sản xuất trên Chromebook. Cuối năm 2020, Apple đã ra mắt MacBook với chip "nhà trồng" M1, đánh dấu một sự thay đổi lớn trên thị trường. Giờ đây, theo chân Apple, Google đang tiến gần hơn đến việc tung ra các CPU của riêng mình cho dòng laptop Chromebook, theo những...