MU coi chừng ‘tẩu hỏa nhập ma’ vì Ronaldo
Phải đưa bóng về phía Cristiano Ronaldo thật nhanh. Các cầu thủ xung quanh phải chạy nhiều hơn, hỗ trợ tối đa, vì bản thân Ronaldo luôn có nhu cầu giữ sức, hoạt động ở mức độ ít nhất có thể… Đại khái, đấy là một vài lý thuyết rõ như ban ngày, cho một đội có Ronaldo.
Đội tuyển Bồ Đào Nha của HLV Fernando Santos dùng Ronaldo và có được danh hiệu mang tính lịch sử tại EURO 2016. Tuy không bảo vệ được vương miện tại EURO 2020 (dĩ nhiên là không), nhưng đấy cũng chẳng phải là giải đấu thất bại cho Ronaldo và đồng đội. Anh viết tiếp những kỷ lục ghi bàn, và Bồ Đào Nha dù sao cũng vượt qua “bảng tử thần”.
Cái giá phải trả khi có Ronaldo trong đội hình? HLV Santos nói luôn: “Chúng tôi quá phụ thuộc vào Ronaldo? Vâng. Chỉ sợ không có một cầu thủ như thế để phụ thuộc”. Ronaldo bây giờ chỉ đá trung phong, cần có người phục vụ và khâu phục vụ phải đủ chất lượng để Ronaldo biến thành bàn thắng. Người xem còn thấy trước những điều như vậy, rõ như ban ngày, huống hồ là đối thủ. Có hai bất lợi hiển nhiên: lối chơi đơn điệu và đối phương không khó bắt bài.
Cũng có những lúc, chính Ronaldo chủ động “muốn nghỉ ngơi”. Và đấy là những lúc mà Bồ Đào Nha tỏ ra linh động, đa dạng, sáng tạo hơn trong các giải pháp tấn công. Vấn đề là: ngần ấy cái “được” cộng lại vẫn chưa sánh nổi cái “được” tưởng như đơn giản – có Ronaldo trong đội hình.
Nếu có Ronaldo, nhưng không sử dụng? M.U của Solskjaer trong vòng đấu vừa qua ở Premier League chỉ là một dạng dễ thấy (Solskjaer xếp Ronaldo vào ghế dự bị). Còn một dạng nữa: Juventus của Max Allegri. Đã có Ronaldo, nhưng họ không dùng (bỏ luôn, qua hình thức chuyển nhượng). Hậu quả là tuy thắng liền 3 trận gần đây ở Serie A, Juventus chỉ đang đứng gần giữa bảng. Số trận thua hoặc hòa của họ vẫn cao hơn.
Thà không có Ronaldo! Suy cho cùng, bóng đá là môn đồng đội, mà người ta thậm chí không cần bất cứ ngôi sao nào. Có Ronaldo mà không dùng hoặc dùng không đúng cách, thì rất tai hại. Ronaldo là thứ vũ khí hạng nặng, sẽ phát huy uy lực khủng khiếp trong tay người biết sử dụng. Còn nếu ngược lại? Hãy hình dung một người chơi tennis “phong trào”, lại cứ muốn dùng vợt “khủng” với những thông số kỹ thuật như các ngôi sao hàng đầu thế giới, để rồi chịu tác dụng ngược là dễ chấn thương khuỷu tay! Hoặc như trong truyện võ hiệp: không đủ nội lực mà muốn luyện những võ công cao cấp, rút cuộc… tẩu hỏa nhập ma.
HLV Allegri chấp nhận mất cả khả năng ghi bàn, lẫn khả năng che đi một số nhược điểm của toàn đội, để Ronaldo ra đi. Đấy là vì ông tự tin sẽ sớm khắc phục được hậu quả (chứ chẳng phải ông không thấy trước hậu quả). Man City “chê” Ronaldo đơn giản vì họ không thể phụ thuộc, xây dựng lối chơi lâu dài quanh một cầu thủ 36 tuổi! Đội tuyển Bồ Đào Nha thì không xem trọng sự nhuần nhuyễn trong lối chơi, do thi đấu không nhiều… Tóm lại, chỉ có M.U là đang đứng trước nguy cơ hỏng bét, không phải vì Ronaldo, mà vì có nhưng không biết cách dùng vũ khí này.
Juventus đổ lỗi cho ai khi Ronaldo đã đi
Việc đẩy Cristiano Ronaldo ra đi không giúp Juventus giải quyết những vấn đề đã tồn tại ở đội bóng này. Vị trí thứ 16 tại Serie A sau 3 vòng là minh chứng.
Trong ngày Ronaldo khiến cả thế giới bóng đá phát cuồng với cú đúp trong ngày ra mắt Manchester United, CLB cũ Juventus của CR7 thua ngược bạc nhược trước Napoli. Kết quả thất vọng này đẩy Juve xuống vị trí thứ 16 trên bảng xếp hạng Serie A.
Sau 3 vòng, "Bà đầm già" vẫn chưa được hưởng niềm vui chiến thắng, bất chấp những niềm tin được tô vẽ xung quanh ứng cử viên số một cho chức vô địch theo quan điểm của không ít chuyên gia tại xứ sở mỳ ống.
Juventus thua 2 trong 3 trận đầu mùa. Ảnh: Reuters.
Lỗi của ai
Quan điểm phổ biến tới từ CĐV Juventus sau khi Ronaldo ra đi: Siêu sao người Bồ Đào Nha là nguyên nhân khiến Bianconeri sa sút trong 3 năm qua. CĐV Juventus thậm chí giơ tấm bảng "Who needs Ronaldo?" (Ai cần Ronaldo chứ?) ngay tại sân Allianz, bày tỏ sự thở phào khi Juve được giải phóng khỏi CR7.
Lý luận của nhóm CĐV này là việc Ronaldo khiến Juve chơi thiếu đột biến khi không tham gia phòng ngự. Mức lương quá cao của Ronaldo cũng khiến Juve không có tiền theo đuổi các thương vụ chất lượng khác.
Sami Khedira, đồng đội của Ronaldo ở cả Real Madrid và Juventus, mới đây cũng khẳng định với Gazzetta dello Sport : "Cristiano không giỏi ở khả năng phòng ngự, thậm chí cậu ấy đôi khi còn không buồn lui về để làm điều đó".
Cánh báo chí cũng phần nào ủng hộ quan điểm này. Jonathan Wilson của Guardian gọi thương vụ Ronaldo rời Real Madrid tới Juventus là "một trong những vụ chuyển nhượng tệ nhất lịch sử bóng đá". Juve đã vô địch Serie A 7 năm liên tiếp, và vô địch thêm 2 năm khi Ronaldo tới đây. Nhưng ở mùa thứ 3, Juve thất bại. Tại Champions League, Juve đều không qua nổi vòng tứ kết trong 3 mùa sở hữu CR7.
Mọi thứ xem chừng đều hợp lý cho tới khi nhìn Juventus thi đấu ở 3 vòng đầu tại Serie A mùa này. Ngoại trừ hiệp 1 trận ra quân gặp Udinese, thời điểm Juve ghi 2 bàn trong 10 phút đầu trận, mọi thứ Bianconeri làm đều thất vọng.
Hàng tiền vệ Juve mắc nhiều sai lầm khi không có cầu thủ cầm trịch thế trận. Hàng phòng ngự lỏng lẻo thấy rõ sau thời gian làm việc với các chiến lược gia đòi hỏi luân chuyển bóng từ tuyến dưới như Maurizio Sarri hay Andrea Pirlo.
Thủ thành Wojcech Szczesny liên tục mắc sai lầm, từ chuyền bóng vào chân đối phương, đến cản phá hời hợt.
Song điểm yếu nhất của Juve lúc này là tinh thần. Chỉ cần bị đối thủ chọc thủng lưới, Juve gần như vỡ vụn trước sức ép. Họ không đủ bình tĩnh để chơi bóng như nhà vô địch, điều vốn trong quá khứ, chính là thứ tạo ra khác biệt giữa Juve với phần còn lại tại Serie A.
Khi còn Ronaldo, Juve luôn biết cách vượt khó trong những thời khắc như vậy. Khả năng bùng nổ quãng ngắn của CR7 với độ thính nhạy bàn thắng hoàn hảo là thứ vũ khí có thể coi là duy nhất của Juve trong những mùa giải qua. Ghi hơn 100 bàn cho Juve trong 3 năm không phải chuyện đơn giản, nhưng CR7 đã làm được.
Khi Juve chia tay thứ vũ khí ấy, để trở lại với kế hoạch cũ cùng HLV cũ Max Allegri, đội bóng này lập tức cảm thấy khoảng trống trên hàng công. Moise Kean, chữ ký được Juve mang về để lấp vào khoảng trống Ronaldo để lại, gây thất vọng trước Napoli khi đánh đầu thẳng về gôn nhà trong tình huống phòng ngự phạt góc.
Pha xử lý gây ngỡ ngàng này là biểu tượng cho sự sa sút của Juve. Họ đánh mất nhà vô địch (Ronaldo) để tin vào cầu thủ trẻ, và giờ phải chấp nhận hệ quả.
Ronaldo thu hút mọi thứ khi còn khoác áo Juventus, bao gồm cả những chỉ trích. Ảnh: Reuters.
Đừng đổ lỗi cho Ronaldo
Juventus đã thống trị bóng đá Italy suốt 9 năm trước khi bị hạ bệ vào mùa giải trước. Đây là giọt nước tràn ly khiến ban lãnh đạo (BLĐ) Juve suy nghĩ nghiêm túc về kế hoạch xây dựng đội bóng quanh CR7.
Max Allegri trước khi rời Juve vào năm 2019 đã để lại mẩu giấy cho Chủ tịch Andrea Agnelli. Trong đó, ông nhấn mạnh Ronado sẽ "kéo lùi sự phát triển của Juve".
Sự trở lại của Allegri, thất bại ở mùa 2020/21, cùng quỹ lương của Ronaldo khiến BLĐ Juve quả quyết CR7 phải bị loại bỏ để đội bóng phát triển đúng quỹ đạo.
Tuy nhiên, BLĐ Juve dường như bỏ quên việc họ đã chia tay những tiền vệ giỏi nhất trong những năm qua. Từ Paul Pogba vào mùa hè 2016, Marchisio vào năm 2018 đến Pjanic vào mùa hè 2020, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được phương án thay thế.
Rodrgio Bentancur, Arthur, Aaron Ramsey, Adrien Rabiot những nhân sự được cho là sẽ giúp Juve có tuyến giữa hùng mạnh đều gây thất vọng nặng nề. Bentancur đá mãi không lớn. Arthur liên tục dính chấn thương. Ramsey và Rabiot hưởng lương cao ngất ngưởng nhưng đóng góp hạn chế.
Những lỗ hổng ấy bị che mờ bởi Ronaldo, người đều đặn phá lưới đối thủ. CR7 thu hút mọi hào quang tại Juventus, nhưng cũng kéo toàn toàn bộ căm ghét về mình. Có Ronaldo, Juve sở hữu chân sút siêu đẳng, và cả cột thu lôi hứng chịu mọi quan điểm trên thế giới.
Để Ronaldo ra đi, Juve coi như tự gỡ đi bộ giáp hào quang họ đã có suốt 3 năm qua. Những gì "Bà đầm già" đón nhận lúc này là sự thật trần trụi. Họ không đủ mạnh như mình nghĩ, và ngay cả sự trở lại của Max Allegri cũng chỉ là đổ rượu cũ vào bình mới.
Gazzetta dello Sport bày tỏ sự lạc quan khi dẫn lại câu chuyện xảy ra vào mùa giải 2015/16, thời điểm Juve không thể thắng sau 3 vòng đấu đầu tiên, nhưng sau cùng vẫn vô địch Serie A nhờ chuỗi bứt tốc hoàn hảo ở nửa sau mùa giải.
Năm đó, Juve chia tay cùng lúc Andrea Pirlo, Arturo Vidal và Carlos Tevez trong kỳ chuyển nhượng mùa hè để mang về Paulo Dybala, Mario Mandzukic hay Alex Sandro.
Song Juve hiện tại với ngày ấy là những tập thể khác nhau. Bonucci và Chiellini đều mới ngoài 30 vào mùa giải 2015/16. Paul Pogba, Claudio Marchisio hay Gianluigi Buffon đều là những ngôi sao lớn và đang đạt đỉnh cao phong độ.
Sức bật của Juve cùa Allegri ở mùa giải huyền thoại 2015/16 là điều Juve mùa này không dễ gì làm lại được.
Văn hóa đổ lỗi là thứ không tồn tại ở Bianconeri. Xuyên suốt truyền thống, Juve luôn tiến về phía trước và bỏ lại quá khứ phía sau. Đến Alessandro Del Piero lẫy lừng cũng bị Juve thanh lý trong một nốt nhạc.
Song nếu buộc phải tìm người để quy trách nhiệm cho thất bại này, đó chắc chắn không phải Ronaldo, người đã ra đi. Đó phải là đội ngũ lãnh đạo của Juve, những người được cho là khiến HLV Allegri phát điên khi không mang về nổi Pjanic cùng tiền đạo trong những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng.
Kế hoạch không nhất quán từ thượng tầng đã đẩy Juventus vào tình trạng vụn vỡ khi mùa giải mới đi qua 3 vòng. Trước kia, Ronaldo hứng mũi chịu sào cho mọi chỉ trích. Mọi chuyện giờ chỉ còn là quá khứ. Juve giờ phải tự mình đối mặt với thực tế này.
Juventus thua toàn diện trước Napoli. Đồ họa: Minh Phúc.
Phản ứng của CĐV khi được thấy Ronaldo tỏa sáng Sau khi chứng kiến Cristiano Ronaldo lập cú đúp vào lưới Newcastle tối 11/9 (giờ Hà Nội), người hâm mộ Man United kỳ vọng CR7 sẽ giúp đội nhà chinh phục các danh hiệu.
Bán tháo Ronaldo, Juventus thua sốc vì hàng công quá 'cùn' Bà đầm già thành Turin đã có thất bại đáng xấu hổ trước Empoli khi mà các chân sút của họ không thể khỏa lấp được khoảng trống trên hàng công mà Ronaldo để lại. Leonardo Mancuso sút cận thành giúp Empoli giành chiến thắng. Sau khi bán được Ronaldo cho Man United, không ít người hâm mộ Juventus đã tỏ ra hả...