Mũ bảo hiểm và “bão dư luận”
Sau cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 7, dư luận “thở phào” khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chính thức khẳng định chủ trương không phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, rởm.
Nhưng trước đó, báo chí đồng loạt thông tin về việc xử phạt người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, rởm như không đội mũ bắt đầu từ 1/7. Chuyện gì đã xảy ra? Mập mờ chữ nghĩa
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh rằng: “Chính phủ đã bàn và thống nhất nên thông báo để người dân yên tâm rằng, theo Điều 8 (Nghị định 171/2013) về xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông đội mũ bảo hiểm, có hai trường hợp vi phạm: Thứ nhất là không đội mũ bảo hiểm, thứ hai là đội mũ bảo hiểm mà không cài dây. Tất nhiên, chúng ta cũng muốn bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân một cách đầy đủ. Nhưng trong điều kiện này, chúng ta chỉ xử phạt hai trường hợp trên”.
Cảnh sát giao thông Hà Nội tuyên truyền, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiển không đạt chuẩn. Ảnh: Chí Cường
Theo Người phát ngôn Chính phủ, vấn đề mũ bảo hiểm rởm là thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý và xử lý, không thể bắt người dân gách vác trách nhiệm đó. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị báo chí thông tin lại rõ ràng quy định để nhân dân hiểu rõ, đồng thời cho rằng thông tin thời gian qua có mặt chưa chuẩn khiến người dân bất an.
Tuy nhiên, chính Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong kế hoạch ra giữa tháng 4/2014 đã “buộc” báo chí và dư luận hiểu rằng từ 1/7/2014 sẽ phạt hành vi đội mũ bảo hiểm rởm như (hành vi) không đội. Mục đích, yêu cầu của Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ký thể hiện rõ: “Kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm; đội mũ không phải mũ bảo hiểm”.
Lộ trình của kế hoạch này cũng cho thấy, từ 15/6, CSGT sẽ dừng xe tuyên truyền, nhắc nhở người đội mũ không phải MBH, từ 1/7 thì tiến hành dừng xe, xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, thu hồi để tiêu hủy mũ không phải mũ bảo hiểm. Kế hoạch cũng hướng dẫn cách nhận biết mũ không phải mũ bảo hiểm là “mũ không có đủ 3 lớp (vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai mũ); không ghi nhãn mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; không có dấu hợp quy CR”.
Kế hoạch và nội dung rất rõ ràng, nên báo chí và dư luận đã hiểu những kiểu “mũ nhựa lưỡi trai” màu mè, mỏng dính mà người dân đội đầy đường, bán đầy các con phố, đương nhiên là mũ bảo hiểm rởm, là mũ không phải mũ bảo hiểm. Và nếu không phải những loại mũ “mũ nhựa lưỡi trai” này, không biết Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia muốn xử phạt người dân và tiêu hủy loại mũ nào?
Video đang HOT
Một nỗ lực thất bại?
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhận định rằng, để mũ bảo hiểm kém chất lượng tồn tại trên thị trường không phải lỗi của người tiêu dùng, không có chuyện đội mũ rởm thì bị coi như hành vi không đội mũ và bị phạt. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, phạt người đội mũ bảo hiểm rởm cũng chỉ là xử lý phần ngọn, còn gốc của vấn đề chính là người sản xuất, kinh doanh, bán sản phẩm ra thị trường. Nhưng quan điểm này cũng đã được đề cập đến từ vài năm nay. Nhiều độc giả cho rằng cơ quan quản lý đang “đá bóng” tránh nhiệm sang phía người tiêu dùng.
Và trong Kế hoạch 69 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc xử lý các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh buôn bán mũ bảo hiểm giả, mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy cũng được vạch ra kỹ càng. Đó là các loại mặt hàng “mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy đúng quy chuẩn chất lượng”.
Những dữ liệu đó cho thấy, các cơ quan quản lý đã ngầm tiến tới xử lý loại mũ bảo hiểm rởm kiểu “mũ nhựa lưỡi trai” bằng cách “đánh” cả vào người tiêu dùng lẫn các đối tượng sản xuất, buôn bán loại mũ này – vốn chỉ giúp người dân làm đẹp và cố tình đội để đối phó với CSGT khi ra đường. Nhưng kế hoạch và nỗ lực đó đã thất bại trước áp lực quá lớn từ dư luận và bởi những quy định vượt khỏi Nghị định 171 của Chính phủ, dù thực tế là đa số người dân, chỉ bằng cảm quan, cũng có thể hiểu những loại mũ mỏng dính đầy màu sắc không có tác dụng bảo vệ gì nhiều khi họ xảy ra tai nạn nhưng cố tình mua sử dụng.
Dường như Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia muốn diệt loại mũ không phải mũ bảo hiểm nhưng đã không vượt qua được “bão dư luận”?
Theo Gia đình Xã hội
Dân ngỡ ngàng bị xử phạt vì mũ 'không đủ 3 lớp'
Nhìn mắt thường thấy mũ khá cứng cáp, anh Quân nghĩ rằng mũ đó đạt chuẩn nên bỏ 130.000 đồng ra mua. Tuy nhiên, khi bị cảnh sát dừng xe kiểm tra anh mới biết đã mua nhầm hàng dởm.
Sáng 1/7, các Đội CSGT Hà Nội ngày đầu ra quân xử lý người điều khiển phương tiện đội mũ bảo hiểm không đủ ba lớp. Tại nút giao thông Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh, nhiều người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đã được lực lượng CSGT nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện theo quy định.
Ở một số điểm khác, cảnh sát cũng nhắc nhở nhiều thanh niên đội mũ lưỡi trai vỏ mỏng, không có lớp đệm, không có tem, nhãn mác... Ngoài ra, một số công nhân mặc đồng phục công trường đội các loại mũ bảo hộ lao động giống mũ bảo hiểm cũng bị dừng xe kiểm tra.
Lực lượng CSGT nhắc nhở, xử lý người ham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Bị cảnh sát dừng xe, anh Ngô Văn Quân (thợ sửa chữa xe gắn máy) thoáng chút ngạc nhiên. Anh cho biết, ngay khi có thông tin từ ngày 1/7 phải đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, anh đã đi mua mũ mới, giá 130.000 đồng.
"Nhìn bằng mắt thường, thấy mũ đảm bảo độ cứng, bên trong có một lớp bảo vệ nên tôi nghĩ mũ đó đã đạt chuẩn", anh Quân cho hay.
Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông kiểm tra thì chiếc mũ này không đạt chuẩn vì thiếu lớp xốp bảo vệ. Ngoài ra, nhãn mác cũng không đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất, kích cỡ và tem bảo đảm chất lượng.
"Sau khi được nhắc nhở, tôi đã hiểu và rút kinh nghiệm để nhận biết mũ đạt chuẩn tránh trường hợp mua nhầm", anh Quân chia sẻ.
Đứng rụt rè bên cạnh chiếc xe máy cà tàng, anh Nguyễn Bá (23 tuổi, làm thợ sơn) cho biết, ngày đi làm công trình, tối về lán trọ không có tivi nên không nắm được quy định đội mũ bảo hiểm đủ 3 lớp. Trong khi lâu nay anh vẫn thường đội mũ bảo hộ lao động thay cho mũ bảo hiểm mà không bị nhắc nhở nên nghĩ đây là việc bình thường.
"Giờ tôi mới biết là không được đội mũ bảo hộ lao động khi đi xe máy. Chiều nay đi làm về tôi sẽ đi mua mũ mới theo hướng dẫn của cảnh sát", anh Bá chia sẻ.
Đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn bị CSGT dừng xe, ông Trần Quang (58 tuổi) dắt chiếc xe Wave màu xanh chở cháu nội bức xúc nói: "Mũ của tôi cũng đầy đủ quai, lớp xốp chống sốc và vỏ cứng nhưng vẫn bị dừng xe là sao? Chẳng lẽ chỉ vì có tem ghi chữ nước ngoài?".
Theo ông Quang, chiếc mũ này được mua từ nhiều năm trước, dù cũ nhưng vẫn rất chắc chắn và chỉ không có tem hợp chuẩn. Nếu cảnh sát xử phạt vì đội mũ này và phải mua mũ khác thì quá lãng phí.
Sau khi được cảnh sát nhắc nhở, ông Quang lại đội chiếc mũ bảo hiểm không có tem hợp chuẩn chở đứa cháu đi tiếp.
Theo thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó đội CSGT số 2, từ ngày 1/7, cảnh sát mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp đội mũ không phải mũ bảo hiểm. Những người cố tình không chấp hành sẽ cương quyết xử lý để đảm bảo an toàn giao thông.
Thiếu tá Hải cho hay, riêng trong buổi sáng đầu tiên ra quân, đội đã nhắc nhở, xử lý hàng chục trường hợp. Đa số lỗi vi phạm đều do chưa biết mũ không đạt chuẩn. Theo đó, mũ bảo hiểm phải có đủ 3 lớp: vỏ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ và quai đeo. Đồng thời, mũ phải có tem, nhãn mác ghi rõ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng.
"Bằng biện pháp nghiệp vụ, qua vi phạm của người tham gia giao thông chúng tôi sẽ dừng xe, kiểm tra, từ đó phát hiện mũ không phải mũ bảo hiểm", thiếu tá Hải nói.
Các loại mũ công trường không được phép sử dụng khi tham gia giao thông.
Trong ngày đầu ra quân, CSGT chỉ nhắc nhở những người đội mũ chưa đạt chuẩn, còn những người không đội mũ hoặc cố tình đội mũ không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử lý. Người đội mũ cũ mất tem sẽ được tuyên truyền và hướng dẫn tới những điểm bán mũ tốt, đầy đủ tem.
Theo chỉ đạo của Ủy ban An toan giao thông quốc gia, từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2014, các Đội Cảnh sát giao thông (số 1 đến 14) thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Hà Nội, sẽ ra quân kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, đội mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Thời gian xử lý từ 6h đến 22h hằng ngày, chia làm 3 ca. Theo đó, các hành vi sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử lý như hành vi không đội mũ bảo hiểm. Mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
TheoZing News
Ngày đầu xử lý mũ bảo hiểm "rởm": Chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền Nhiều người tham gia giao thông cho biết không nắm được tiêu chí của một chiếc mũ bảo hiểm (MBH) đúng quy định. Vì vậy, các chiến sĩ CSGT phải tuyên truyền cho người tham gia giao thông các văn bản quy định về tiêu chuẩn của một chiếc MBH đạt chuẩn để tham gia lưu thông. Sáng nay (1.7), lực lượng CSGT...