Một vài nét về kinh tế Trung Quốc năm 2018
Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế Trung Quốc trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn và trở ngại, các chỉ số kinh tế đều có chiều hướng chậm lại, giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh và việc Trung Quốc phải đối mặt với thực trạng cọ xát thương mại với Mỹ, đã tác động không nhỏ đến kim ngạch xuất – nhập khẩu của nước này với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Giá trị đồng NDT giảm mạnh gây ra nhiều biến động cho kinh tế Trung Quốc – Nguồn: baoquocte.vn
Kinh tế Trung Quốc bộc lộ nhiều xu hướng tăng trưởng chậm lại
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê Trung Quốc, năm 2018 GDP của Trung Quốc dự kiến tăng 6,5%. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Trong quý II-2018, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,4%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với 06 tháng đầu năm 2018; tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 9,3%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm; đầu tư tài sản cố định đạt 48.344 tỷ NDT, tăng 5,4%, thấp hơn 0,6 điểm phần trăm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%. Các chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Công biến động thất thường. Theo Tạp chí Nhà Kinh tế, chỉ số chứng khoán CSI 300 bao gồm các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc giảm 29% kể từ tháng 01-2018, trở thành một trong những thị trường vận hành kém nhất thế giới (1).
Mặc dù trong năm 2018 xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ, nhưng kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tính đến hết quý III-2018, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Trung Quốc đạt 22,28 nghìn tỷ NDT (tương đương với 3.276 tỷ USD), tăng 9,9%, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đạt 1.744 tỷ USD (tăng 6,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 1.532 tỷ USD (tăng 14,1%), xuất siêu đạt mức 211 tỷ USD (tăng 8,3%). Trong 9 tháng đầu năm 2018, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực tế vào Trung Quốc đạt 97,9 tỷ USD (tăng 6,4%)… Riêng vốn FDI tại 11 khu thí điểm thương mại tự do tăng 14,7%, chiếm tỷ trọng 12,5% tổng số. Giá trị của đồng NDT giảm 0,11% so với đồng USD, khiến đồng tiền này tiệm cận mức 7 NDT đổi được 01 USD (tháng 11-2018). Như vậy, trong năm 2018, đồng NDT đã mất tới gần 6,5% giá trị so với đồng USD. Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm đồng tiền Trung Quốc yếu nhất.
Về các biện pháp cải cách kinh tế, Trung Quốc quyết tâm mở thêm lĩnh vực tài chính trong khi vẫn duy trì ổn định. Chính phủ Trung Quốc thực hiện các chính sách mới thúc đẩy một cách thận trọng, có lộ trình việc cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính và không giới hạn tỷ lệ cổ phần sở hữu cho người nước ngoài; cắt giảm thuế và chi phí, bao gồm tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu thụ; cắt giảm thủ tục hành chính, như giảm thời gian thông quan xuất nhập khẩu và các tài liệu chứng từ giám sát xuất – nhập khẩu xuống 1/3, giảm thủ tục hải quan.
Chính phủ Trung Quốc đề cao vai trò của khu vực tư nhân, tích cực tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân phát triển và tiếp cận thị trường tài chính – tín dụng; tăng cường phát triển doanh nghiệp tư nhân và cải cách doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy sự ra đời của các sáng kiến mới, trong đó có việc đẩy mạnh hình thức sở hữu hỗn hợp trong cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong sáp nhập và mua lại, hỗ trợ phát triển tài chính trái phiếu doanh nghiệp tư nhân và chương trình hỗ trợ tài chính chứng khoán (2). Kinh tế tư nhân đóng góp 50% thu nhập từ thuế của Trung Quốc, chiếm 60% GDP, 80% số việc làm ở thành thị, 90% số doanh nghiệp của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp tư nhân quý II-2018 đạt 835 tỷ USD, tăng 9,6%, lớn hơn kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nhà nước 7% và của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3,1%.
Bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện tại và những thách thức ngày càng nhiều từ bên ngoài, áp lực sụt giảm kinh tế ngày càng lớn, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất khó khăn, kỳ vọng thị trường và niềm tin bị ảnh hưởng.
Ứng phó của Trung Quốc đối với các thách thức kinh tế
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ diễn ra phức tạp, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để ổn định tình hình kinh tế trong nước, giảm thiểu tổn hại của cuộc cạnh tranh. Cụ thể là:
Thứ nhất, tại Hội nghị Bắc Đới Hà (tháng 8-2018), Trung Quốc đã đưa ra các giải pháp, như nhanh chóng kết nối với vùng biên giới, thông qua láng giềng trao đổi hàng hóa bên ngoài, “mềm hóa” quan hệ với các nước láng giềng.
Thứ hai, với mục tiêu duy trì “6 ổn định” (3), lãnh đạo chính phủ và các bộ, ngành Trung Quốc đã tận dụng nhiều diễn đàn kinh tế quan trọng để trấn an dư luận, duy trì lòng tin của giới doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc. Đơn cử như phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại buổi khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hay còn gọi là Diễn đàn “Davos mùa hè”, diễn ra tại thành phố Thiên Tân vào ngày 19-9-2018; Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình kinh tế, tài chính hiện nay ngay sau khi các số liệu thống kê kinh tế được công bố.
Thứ ba, ngày 20-10-2018, Ủy ban phát triển và ổn định tài chính của Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra biện pháp duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và tận dụng tốt hơn chức năng tài chính của thị trường vốn.
Video đang HOT
Thứ tư, để ứng phó với những rủi ro từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc giữ vững lập trường cứng rắn, không nhượng bộ trước các đòi hỏi “thái quá” của Mỹ, nhất là quyền lựa chọn mô hình phát triển; sẵn sàng đáp trả và giảm thiểu tác động tiêu cực ngắn hạn của các biện pháp thuế quan. Dù còn lúng túng trong tiến hành các biện pháp ứng phó với các biện pháp thương mại của chính quyền Mỹ, Trung Quốc vẫn khẳng định trong cuộc chiến thương mại tiêu hao, Trung Quốc sẽ có sức chống chịu tốt hơn do mô hình kinh tế tập trung và có kỷ luật. Ngoài ra, Trung Quốc xác định căng thẳng thương mại với Mỹ là cơ hội đẩy mạnh cải cách, mở cửa, đổi mới, sáng tạo, tự cường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế và giảm sự lệ thuộc đối với bên ngoài về khoa học – công nghệ. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh, xu hướng bảo hộ đang gia tăng và đang buộc Trung Quốc phải lựa chọn con đường tự lực cánh sinh.
Thứ năm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì tọa đàm với các cán bộ phụ trách chính quyền về kinh tế một số tỉnh; nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước đan xen phức tạp, áp lực suy giảm kinh tế gia tăng, xu thế các địa phương phân hóa, tất yếu phải: 1- Kiên định đi sâu mở rộng cải cách, mở cửa, tăng cường phát triển động lực và hỗ trợ, bảo đảm kinh tế vận hành ổn định, thúc đẩy phát triển chất lượng cao. 2- Bảo đảm tính ổn định liên tục của chính sách vĩ mô, kịp thời hoàn thiện chính sách, dự báo điều chỉnh, ổn định minh bạch; tạo môi trường kinh doanh công bằng, cạnh tranh. 3- Kiên định lấy cải cách tính kết cấu nguồn cung làm chủ đạo theo hướng giảm thuế, hạ phí, mở rộng thích ứng nhu cầu thị trường trong nước, bổ sung thiếu hụt; ủng hộ ngành chế tạo, dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tăng hỗ trợ mở rộng có hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách chính phủ. 4- Ưu tiên giải quyết vấn đề việc làm.
Một vài nhận xét
Theo các chuyên gia, GDP của Trung Quốc trong năm 2018 tăng trưởng 6,5% vẫn là ở mức cao so với thế giới và đủ để Trung Quốc hoàn thành mục tiêu tăng gấp 2 lần GDP đã đề ra tại Đại hội XIX. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc xu hướng kinh tế Trung Quốc “giảm tốc” cộng thêm tác động nhiều chiều của căng thẳng thương mại với Mỹ tạo nên tâm lý hoài nghi, bất định và không chắc chắn trong giới doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư, bị khuếch đại qua những biến động chứng khoán và tiền tệ gần đây.
Cọ xát thương mại Trung Quốc – Mỹ làm phức tạp thêm nỗ lực trong cuộc chiến phòng ngừa và hóa giải các rủi ro lớn, đặc biệt là rủi ro tài chính. Trung Quốc phải chuyển sang các biện pháp mở rộng tiền tệ – tài chính với quy mô hàng trăm tỷ USD nhằm kích thích kinh tế (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở và tái chiết khấu, thúc đẩy các dự án đầu tư công…). Một số rủi ro tài chính tiềm tàng hiện nay sẽ gia tăng, như: 1- Giá chứng khoán liên tục giảm buộc các quỹ đầu tư và ngân hàng bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo nên vòng xoáy đẩy thị trường chứng khoán tiếp tục xuống thấp hơn; 2- Bất động sản tiếp tục giảm giá khiến nguy cơ vỡ nợ tăng lên, đồng thời tạo nên tranh chấp, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội; 3- Nợ tiêu dùng có xu hướng tăng nhanh.
Việc Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc triệu tập cuộc họp Ủy ban phát triển và ổn định tài chính, trả lời phỏng vấn về tình hình kinh tế vĩ mô cho thấy, Trung Quốc coi trọng ổn định tâm lý thị trường, tránh những biến động xấu của thị trường chứng khoán và tiền tệ, ảnh hưởng tới đường hướng phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, so với thị trường chứng khoán của Nhóm các nước công nghiệp phát triển trên thế giới (G-7), thị trường chứng khoán Trung Quốc có quy mô nhỏ, chủ yếu bao gồm các nhà đầu tư cá nhân nên không thể phản ánh đầy đủ yếu tố nền tảng cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc. Từ kinh nghiệm của sự cố chứng khoán – tiền tệ năm 2015, Trung Quốc đang xử lý thận trọng trước những biến động của thị trường chứng khoán và tiền tệ gần đây; chú trọng các biện pháp cải cách căn bản, như đẩy mạnh cải cách về thể chế quản lý và vận hành kinh tế, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, khơi dòng tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giá trị đồng NDT giảm mạnh gây ra nhiều biến động cho kinh tế Trung Quốc và các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam; ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn đầu tư của nước ngoài ở Trung Quốc, làm mất lòng tin của các nhà đầu tư vào đất nước. Ngoài ra, việc mất giá của đồng NDT cũng có tác động nhất định đến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc; giá hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ rẻ hơn và có thể khiến hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ xảy ra, doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa thị trường và có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.
Định hướng phát triển kinh tế của Trung Quốc năm 2019
Trong bối cảnh môi trường phức tạp, nhiệm vụ cải cách phát triển ổn định trong nước gặp nhiều khó khăn, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đề ra 6 định hướng công tác kinh tế chính trong năm 2019.
Một là, tiếp tục duy trì “5 kiên trì” và “6 ổn định” trong công tác kinh tế. Đặc biệt, sau hơn 40 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc cần chú trọng đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách đối ngoại toàn diện, kiên trì con đường cải cách với thị trường hóa làm mục tiêu; đồng thời, tiếp tục đi sâu cải cách, hoàn thiện môi trường chính sách và thể chế có lợi cho việc thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Bên cạnh đó, trong năm 2019, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chủ trương đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường năng lực của nền kinh tế dịch vụ, tài chính, ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân phát triển theo hướng giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hai là, nhìn nhận đúng về sự thay đổi của tình hình trong nước và môi trường quốc tế. Môi trường phát triển trong và ngoài nước trong năm 2019 sẽ có nhiều áp lực, nhiều nhân tố không xác định có khả năng gây ra nhiều rủi ro và thách thức phức tạp đối với nền kinh tế Trung Quốc. Chính vì vậy, Trung Quốc nhất trí duy trì định hướng chiến lược, chú trọng ổn định, tăng cường điều chỉnh chính sách, tăng cường điều tiết chính sách vĩ mô, hình thành sức mạnh tổng hợp cho các chính sách và nỗ lực thực hiện các chính sách tối ưu và hiệu quả tối đa để phát triển kinh tế.
Ba là, thúc đẩy ngành chế tạo phát triển chất lượng cao, bởi Trung Quốc cho rằng ngành chế tạo là cái gốc kinh tế của đất nước.
Bốn là, thúc đẩy hình thành thị trường trong nước lớn mạnh. Nếu thị trường trong nước mạnh, có thể hóa giải những xung đột từ bên ngoài, đồng thời nâng cao sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống sản xuất kinh tế toàn cầu, từ đó sẽ phát huy đầy đủ vai trò quan trọng và hiệu quả của tiêu dùng và đầu tư. Thúc đẩy chiến lược chấn hưng nông thôn, củng cố tam nông, thúc đẩy các khu vực phát triển nhịp nhàng, phát huy tốt ưu thế của các khu vực, tạo nên không gian kinh tế rộng lớn giúp Trung Quốc duy trì được sự phát triển mạnh mẽ hơn.
Năm là, nỗ lực giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tăng cường cải thiện chính sách bảo đảm và cải thiện dân sinh, hoàn thiện các cơ chế chính sách về việc làm, giáo dục, dưỡng lão, bảo hiểm xã hội… theo hướng thực chất, mang lại nhiều phúc lợi cho nhân dân, nhằm duy trì ổn định xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Sáu là, tiếp tục thực thi chiến lược mở cửa tích cực và chủ động, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế với các quốc gia ven “Vành đai, Con đường”. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể cần phải đạt được trong năm 2019. Cụ thể là, GDP dự kiến tăng khoảng 6,3%, giảm 0,3% so với năm 2018; đầu tư tài sản cố định toàn xã hội dự kiến đạt 81.400 tỷ NDT; tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội đạt 43.300 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng của người dân (CPI) dự báo đạt khoảng 2,5%, tăng 0,3% so với năm 2018; tỷ lệ tăng trưởng thực tế về thu nhập bình quân đầu người của người dân ở nông thôn và bình quân thu nhập người dân ở thành thị lần lượt tăng trưởng là 6,3% và 5,4%; thu tài chính dự kiến đạt 19.800 tỷ NDT, tăng 6,6% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu dự kiến vẫn tăng so với năm 2018, nhưng quy mô sẽ tăng chậm lại.
Tựu trung, theo các chuyên gia phân tích kinh tế, để Trung Quốc triển khai tốt các định hướng và đạt được các kết quả nêu trên, một điều quan trọng không thể thiếu là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với công tác kinh tế và khả năng gánh vác công việc của cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương./.
—————————————————–
(1) Tuy nhiên, ngày 23-10-2018, chỉ số chứng khoán CSI 300 đã tăng điểm mạnh nhất trong vòng 3 năm (tăng 4,3%). Giới đầu tư nước ngoài giữ quan điểm khá tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc. Báo cáo tháng 9-2018 của Ngân hàng Standard&Chartered (Anh) xếp thị trường chứng khoán Trung Quốc là một trong những thị trường khuyến nghị đầu tư vì mức giá (P/E) hấp dẫn và triển vọng dài hạn sáng sủa. Đến cuối tháng 9-2018, tổng giá trị chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc do các quỹ đầu tư quốc tế năm giữ đạt 462,2 tỷ USD, tăng 122,5 tỷ USD so với năm 2018
(2) Gần đây, Trung Quốc nêu lên khái niệm mới về “tạo dựng cạnh tranh bình đẳng” giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước nhằm xóa bỏ quan ngại về chủ trương củng cố doanh nghiệp nhà nước như Văn kiện Đại hội XIX đã nêu
(3) 1- Ổn định việc làm; 2- Ổn định tài chính; 3- Ổn định ngoại thương; 4- Ổn định vốn nước ngoài; 5- Ổn định đầu tư; 6- Ổn định kỳ vọng
Theo Tạp chí cộng sản
Sự thật về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc
Giới chuyên gia nghi ngờ Trung Quốc đang tô vẽ số liệu kinh tế nước này, trong khi chính quyền Bắc Kinh nói những lo ngại đã bị thổi phồng.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới đang cố gắng hết sức để đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc, nhưng để có được một hình ảnh rõ ràng là rất khó khăn.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2018 đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, theo công bố của chính phủ Trung Quốc. Các thương hiệu hàng đầu thế giới, trong đó có Apple, Caterpillar đổ lỗi sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến doanh thu của họ gây thất vọng.
Theo các nhà phân tích, tình hình có thể còn tồi tệ hơn so với số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc.
CNN dẫn lời ông Leland Miller, CEO của công ty tư vấn China Beige Book thẳng thừng nhận xét: "Các chỉ số GDP Trung Quốc công bố đều không đáng tin cậy".
Công ty của Miller thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc để đưa ra bức tranh riêng về những gì đang xảy ra. Miller cho biết, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại "yếu hơn rất nhiều" so với số liệu mà chính phủ Trung Quốc công bố và tình hình không có khả năng sớm thay đổi.
Trung Quốc đang vật lộn giải quyết hậu quả của chiến dịch dọn dẹp nợ xấu và cuộc thương chiến với Mỹ.
Các chuyên gia nghi ngờ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm công bố nhiều dữ liệu quan trọng, chỉ lo tập trung "tô vẽ" để làm đẹp lòng chính phủ thay vì đánh giá chính xác sức khỏe nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại với Mỹ vì điều kiện tồi tệ hơn. Ảnh: CNN
Học giả Derek Scissors, Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nhận xét khó để xác định tỷ lệ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc vì nhiều dữ liệu "không có ý nghĩa". Ví dụ, số liệu về quy mô nền kinh tế so với thu nhập trung bình của người dân không phù hợp.
Vì lý do đó, rất nhiều nhà phân tích đã phải sử dụng số liệu của riêng họ để hiểu được nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động như thế nào.
Hãng nghiên cứu thị trường Capital Economics thẩm định một loạt dữ liệu về Trung Quốc bao gồm vận tải đường biển, sản xuất điện và cho vay tài chính để làm chỉ dấu thay thế.
Dựa trên đó, họ kết luận rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 5% trong năm ngoái thay vì con số chính thức 6,6%.
Các nhà đầu tư đang theo dõi kỹ lưỡng kinh tế Trung Quốc vì những dấu hiệu yếu kém, bao gồm lợi nhuận công nghiệp giảm và xuất khẩu giảm.
Hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một chìa khóa. Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng gần 10% trong năm ngoái, theo dữ liệu chính thức, nhưng thị trường xe hơi khổng lồ của đất nước này đã giảm lần đầu tiên vào năm 2018 sau khoảng 20 năm và doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tháng này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một thập kỷ.
"Số liệu chính thức của Trung Quốc có lẽ đã thổi phồng tăng trưởng tiêu dùng", nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận định.
Ông ước tính chi tiêu ở các đô thị lớn của Trung Quốc đã giảm khoảng 3% năm ngoái, cho thấy tầng lớp trung lưu đang thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc nói rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế ở nước này đang bị thổi phồng.
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng trước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn kêu gọi các nhà đầu tư ngừng lo lắng về nền kinh tế, rằng "sẽ có rất nhiều điều không chắc chắn trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục và bền vững".
Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc lại cho thấy dấu hiệu quan tâm hơn. Theo CNN, họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ các động thái này sẽ ngăn chặn được bao nhiêu đối với đà sụt giảm hiện tại bởi vì rất nhiều tiền đã được dành cho các doanh nghiệp quốc doanh vốn không mang lại hiệu quả thay vì khối tư nhân.
Nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc thường dựa vào nguồn "tài chính đen", các hình thức cho vay mờ ám được giữ ngoài bảng cân đối chính thức của các ngân hàng, vốn bị các cơ quan quản lý siết chặt trong những năm gần đây.
Nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro "hạ cánh cứng" gần hơn bao giờ hết. Vừa qua, Ngân hàng JPMorgan phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 từ 6,2% xuống 6,1%, trong khi báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có cái nhìn không mấy lạc quan về kinh tế Trung Quốc, khi tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng của nước này.
Trong dự báo gần đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và cũng là người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 - Nouriel Roubini cũng cho rằng việc Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách tài khóa và tín dụng lỏng lẻo là mối nguy hiểm thật sự. Theo đó, nếu Bắc Kinh không chủ động làm chậm tăng trưởng nền kinh tế để đối phó với hàng hóa dư thừa thì một điểm "hạ cánh cứng" cũng sẽ được kích hoạt.
An Nhiên
Theo baodatviet.vn
Hoạt động chế tạo suy yếu tại châu Á, PMI của Việt Nam vẫn tăng trưởng Hoạt động chế tạo hầu hết đều "hạ nhiệt" trên khắp khu vực châu Á trong tháng 1/2019, thậm chí giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều năm tại một số quốc gia. Dây chuyền hàn khung xe tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) Diễn biến này đã tăng thêm...