Một tuần ‘tự chữa Covid-19′ của chàng trai gốc Việt
Dương tính với nCoV nhưng không được nhập viện, Bùi Phi Long tự cách ly trong nhà, uống paracetamol khi sốt và tập thể dục để chống chọi với Covid-19.
Với tay mở rộng cửa sổ, luồng không khí buổi sớm tràn tới, phả vào mặt khiến Phi Long tỉnh táo hẳn. Nhiệt kế treo trên tường chỉ 5 độ C, chàng thanh niên 19 tuổi vươn ra ngoài hít một hơi thật dài, thật sâu. Bỗng chuông điện thoại reo, phía bên kia mẹ cậu hỏi: “Hôm nay ổn không con? Có sốt lại không? Mẹ mang đồ ăn qua nhé”. Buông điện thoại xuống, Phi Long tự kẹp thân nhiệt cho mình. “35 độ 8, mọi thứ đều ổn”, cậu tự nói.
Đã một tuần, kể từ ngày nhận kết quả dương tính với nCoV, Bùi Phi Long (hiện đang ở Vacsava, Ba Lan), phải tự cách ly trong phòng. Những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh Covid-19 xuất hiện với Long khoảng nửa tháng trước, khi cậu vẫn đang đi học ở London. “Tôi bị tiêu chảy. Có thể đó là triệu chứng đầu tiên”, chàng sinh viên năm thứ nhất cho biết. Khi đó, không ai nghĩ Long có thể trở thành nạn nhân của bệnh dịch đang gây ra nỗi sợ hãi trên toàn thế giới này. Cậu không ho, không sốt hay tức ngực.
Những ngày tiếp theo, hơi thở của Long bắt đầu thở nặng dần lên. “Nó giống như bạn hút quá nhiều shisha vào đêm hôm trước”, cậu ví von. Nhưng triệu chứng này cũng không thực sự rõ ràng nên bị bỏ qua. Ngày 14/3, trước tình hình Covid-19 bùng lên mạnh ở Anh, Long quyết định trở về nhà Ba Lan, đúng một ngày trước khi biên giới nước này đóng cửa, dù giá vé đã tăng gấp 10 lần, từ 60 lên tới 600 bảng. Xuống sân bay, được kiểm tra sức khỏe, cậu vẫn thông quan khi không có triệu chứng nhiễm virus.
Bùi Phi Long, 19 tuổi, sinh viên năm nhất trường King’s College London. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Biết mình về từ tâm dịch, dù đi qua các cửa kiểm soát ở sân bay một cách dễ dàng do không có biểu hiện gì đáng kể, Long vẫn tự động cách ly trong phòng. Video chat trở thành công cụ giao tiếp chính với mọi người trong gia đình. Cậu thường xuyên nói chuyện với mẹ để báo cáo tình hình sức khỏe, ra khỏi phòng đeo khẩu trang, trong túi lúc nào cũng có bình rửa tay khô.
Triệu chứng tiêu chảy của Long về đến Ba Lan đã thuyên giảm nhưng cơ thể bắt đầu nặng nề, lồng ngực nhói đau mỗi khi hít sâu. Đêm 17/3, thấy sức khỏe có vẻ không ổn, Long gọi cho bố đưa đến bệnh viện truyền nhiễm cách nhà 7 km làm xét nghiệm. “Tôi muốn chắc chắn mình có mắc bệnh hay không bởi còn một em trai 2 tuổi ở nhà”, cậu nói.
Ở Ba Lan, Covid -19 diễn tiến phức tạp, số người đi xét nghiệm ngày càng đông. Long chọn đến viện vào ban đêm vì nghĩ khi đó ít người, mọi việc sẽ nhanh chóng hơn. Đến nơi, chàng trai 19 tuổi không được vào khám ngay mà phải chờ trong một chiếc lều dã chiến dựng bên ngoài. Ở phía trong, bệnh viện đã quá tải. Khi đến lượt khám vì không có triệu chứng chính như sốt, ho hay thở dốc nên các bác sĩ khuyên không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, Long vẫn khẩn cầu được xét nghiệm.
20h ngày 17/3, Long nhận được kết quả qua email của bệnh viện. Nhìn thấy chữ “dương tính” hiện trên màn hình, mắt Long bỗng nhòe đi, tay run run bấm số gọi mẹ. Nghe thấy tiếng mẹ khóc ở đầu bên kia, Long trấn an: “Con còn trẻ không sao đâu. Mai bố mẹ đi xét nghiệm nhé”. Ngày hôm sau, nhận được kết quả âm tính từ cả nhà, Long thở hắt, trút được đá tảng đè nặng trong lòng.
Thời gian cách ly trong phòng, Long chủ yếu là tự học. Lúc rảnh rỗi cậu tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Dù dương tính với nCoV, hàng ngày Long vẫn học tập và tập thể dục đều đặn. Chỉ khác mọi hoạt động đều diễn ra trong căn phòng 15m2.
Sau khi có kết quả, năm người trong gia đình Long đều tự cách ly ở nhà, nội bất xuất ngoại bất nhập, mọi thứ được đặt mua trên mạng. Ngày ba bữa mẹ Long mang đồ ăn lên tận phòng cho con trai. Sau tiếng gọi “Thức ăn Long nhé”, 5 phút sau cậu mới ra ngoài lấy đồ. Hàng ngày, cứ mỗi ba tiếng Long lại đo thân nhiệt rồi gọi điện báo cho mẹ.
Trong phòng được trang bị thêm một chiếc máy lọc không khí. Ngoài cửa, mẹ Long đặt một nồi cơm điện to, trong đổ nước, giấm, rượu và vỏ bưởi rồi đun sôi. “Hơi nước bốc lên từ hỗn hợp này vừa làm ẩm không khí, vừa có thể ngăn ngừa virus lây lan. Đây là cách tôi được người bạn bày cho”, chị Thanh Hương – mẹ Long chia sẻ.
Được bố trí một nhà vệ sinh riêng nhưng chỉ có toilet và bồn rửa tay, nên hàng ngày Long lấy khăn nhúng nước rồi lau người. Cậu cũng phải cúi đầu vào bồn rửa tay rồi xả nước mỗi khi muốn gội đầu. “Chỉ 14 ngày thôi con. Mọi việc rồi sẽ ổn”, chị Hương an ủi con.
Ngày thứ hai chống chọi với Covid-19, hơi thở của Long vẫn khá nặng. Đến đêm, hai mắt bỗng nhiên cay xè, cậu liên tục kiểm tra nhiệt độ, mức cao nhất chỉ 37,5 độ. “Đó chưa phải cơn sốt, cần 38 độ để sốt”, nói lời an ủi mình nhưng Long đã dùng thuốc hạ sốt. Đây là lần đầu tiên cũng là duy nhất đến thời điểm hiện tại, cậu phải dùng đến loại thuốc này.
Video đang HOT
Ngày thứ ba nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm, trung bình là 35,8. Chàng thanh niên 19 tuổi vẫn có thể học tập bình thường và mỉm cười khi được hỏi thăm. “Tôi vẫn đang tập thể dục”, Long chia sẻ trên Instargram. Thay vì tập gym như trước, mỗi ngày cậu chống đẩy 100 cái, chia làm 5 lần. Các triệu chứng chính như sốt, ho, chưa thấy xuất hiện.
Ngày thứ tư, bệnh viện gọi đến nhà để nhắc nhở bệnh nhân phải tự cách ly mà không có hướng dẫn chữa bệnh cụ thể. Lần này, Long nói muốn được nhập viện để chữa trị nhưng bị từ chối. Bệnh viện chỉ nhận những người trên 65 tuổi.
Gia đình Phi Long có 5 người, hiện đang sinh sống tại thủ đô Vacsava của Ba Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ngay khi có kết quả dương tính với Covid-19, Long thông báo lên nhóm lưu học sinh đang ở khu ký túc xá tại Anh.
“Tôi đã bị dính Covid-19, đừng nghĩ thanh niên không thể mắc bệnh. Thời gian này mọi người nên tự cách ly ở nhà, đừng ra ngoài tụ tập nơi đông người nữa”, cậu viết lời cảnh báo.
Trong số 600 sinh viên của nhóm, nhiều lời cảm ơn gửi tới Long nhưng không ít người lại gửi ảnh đi chơi tại các quán bar hay câu lạc bộ đông đúc. Trong lớp cũng đã có 4 bạn nhiễm nCoV nhưng có bạn học vẫn nói: “Đây là cúm thường thôi, nhiễm rồi tự khắc sẽ khỏi”.
Trước thái độ dửng dưng của bạn bè với Covid-19, ngày 19/3, Long quyết định quay video và đăng trên Istargram thông báo về bệnh tình của mình nhằm cảnh báo tới người khác.
“Covid-19 có thể chưa có triệu chứng, nhưng chúng có thể lây lan cho người thân và những người sức khỏe yếu hơn chúng ta”, Long nói trong video. Trong một ngày video này đã nhận được hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Trước khi quay video vài tiếng, Long bàn về ý định này với mẹ. Hai ngày trước đó ở Ba Lan, một bác sĩ đã phải tự tử vì không chịu được chỉ trích từ dư luận khi mắc nCoV. Chị Hương sợ nếu công khai bệnh tình, Long sẽ phải chịu những áp lực lớn từ dư luận, nhưng thấy con quyết tâm, chị không ngăn cản nữa.
“Long muốn kêu gọi mọi người bình tĩnh đối phó nếu chẳng may mắc bệnh”, chị Hương nói. Theo người phụ nữ này, hiện ở Ba Lan có rất nhiều thông tin sai lệch về Covid-19. Rất nhiều người hoảng loạn về dịch bệnh và nghĩ rằng họ sẽ chết nếu chẳng may mắc phải.
Khi video được đăng tải, nó tạo ra cơn địa chấn mạnh bởi Long là người đầu tiên dám công khai mắc bệnh trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Nhiều người biết tin đã yêu cầu phải nêu rõ danh tính cũng như địa chỉ gia đình để phòng tránh. Thậm chí có người còn tung tin nhà bạn gái Long ở cùng thành phố cũng bị nhiễm virus. “Có người khẳng định rằng tự cách ly ở nhà thì 90% là chết, điều này rất nguy hiểm cho các cơ sở y tế đang quá tải”, Long nhận định.
Ngoài những bình luận không hay, chàng sinh viên năm nhất nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người thân và bạn bè, thậm chí cả những người không quen biết. Nhiều người trong số này còn nhắn tin học hỏi kinh nghiệm từ Long khi họ bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh.
Những ngày qua, sức khỏe Long vẫn ổn định, không ho, không sốt, vẫn ăn uống và tập thể dục đều đặn. Cậu cho biết, tinh thần hiện rất lạc quan, rảnh rỗi là lên mạng tìm kiếm những tour du lịch giá rẻ khắp nơi trên thế giới. “Khi nào có kết quả âm tính, con sẽ đi du lịch khắp nơi. Nhưng việc đầu tiên khi khỏi bệnh là sẽ ra ngoài đi tắm và cắt tóc”, Long tâm sự với mẹ và cho biết những việc trước đây cứ nghĩ là bình thường thì giờ lại trở nên xa xỉ.
Sáng ngày 23/3, tròn một tuần con trai nhận kết quả dương tính với Covid-19, thay vì cuộc gọi hỏi thăm như thường ngày, chị Hương gửi một tin nhắn: “Bảy ngày qua con đã rất dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh. Cố lên con, rồi mọi việc sẽ ổn cả thôi”.
Hải Hiền
"Nghẹt thở" cảnh tiếp tế đồ cho người thân trong khu cách ly
Mỗi ngày có hàng trăm người xếp hàng kín cổng khu A Ký túc xá Đại học Quốc Gia TPHCM để tiếp tế thức ăn, đồ dùng cá nhân... cho người thân từ nước ngoài về đang được cách ly tại đây.
Ngày 23/3, dòng người vẫn tấp nập đổ về tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người thân tại KTX Đại học Quốc gia ở Thủ Đức (TPHCM). Vì số lượng người quá đông nên các cơ quan chức năng quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8h-10h sáng và 14h-16h chiều mỗi ngày.
Xếp hàng chờ tiếp tế lương thực, đồ cá nhân vào cho người thân.
Hàng trăm người xếp hàng đợi đến lượt đưa đồ vào KTX.
Dù trời nắng gắt nhưng ai cũng chen chân để mong sớm gửi được đồ vào bên trong.
Mỗi ngày, cơ quan chức năng quy định khung giờ nhận nhu yếu phẩm từ 8h-10h sáng và 14h-16h chiều
Đồ tiếp tế có đủ loại, từ quần áo, thức ăn, quạt điện, thậm chí cả... chổi lau nhà...
Vì số lượng hàng hóa gửi vào quá lớn nên cơ quan chức năng phải dùng xe chuyên dụng để chở vào từng tòa nhà. Khoảng 5-10 phút sẽ có một xe chuyên dụng chở đồ từ cổng vào và quay ra.
Mỗi người gửi vào ít nhất 1 thùng gồm đồ ăn, đồ dùng cá nhân.
Nhiều người đặt đồ online chuyển đến.
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận 8) cho biết, chị có con gái là du học sinh từ Pháp về và được đưa vào KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sợ con gái thiếu đồ sinh hoạt nên hai vợ chồng chị Mai lên từ sáng sớm để xếp hàng gửi đồ cho con.
"Tôi đến đây chỉ tiếp tế cho con gái một cái quạt điện và vài món ăn vặt mà con gái tôi thích ăn khi ở Việt Nam. Ở trong đó, con gái cũng nhắn tin ra là được cán bộ y tế, các nhân viên phục vụ chăm sóc nhiệt tình; một ngày có hai lần kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Sau khi ăn cơm xong chỉ cần để ngoài cửa là có các nhân viên, cán bộ trong khu cách ly đi dọn dẹp sạch sẽ...", chị Mai chia sẻ.
Ông Đặng Bá Bính, Trưởng bộ phận Văn hoá thông tin hỗ trợ sinh viên thuộc Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết, 3 ngày nay rất đông thân nhân đến tiếp tế đồ cho người thân đang cách ly.
"Các điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất trong khu cách ly khá đầy đủ, không thiếu thốn nên người dân hãy yên tâm và khi tiếp tế, hạn chế tiếp tế đồ đạc cồng kềnh để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ.... Người dân mang đồ đạc cá nhân đến tiếp tế không bị hạn chế và lực lượng ở đây sẽ hỗ trợ bà con chuyển đồ vào cho người thân", ông Bính cho biết.
Chiếu, quạt, mì tôm, đồ hộp được chuyển đến.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, tại TPHCM, tính đến trưa ngày 23/3, KTX ĐHQG TP HCM đang cách ly 5.036 trường hợp. Tổng tất cả các khu cách ly tập trung của TP hiện nay đang cách ly 7.267 người.
Theo Sở Y tế TPHCM, thức ăn mang vào khu cách ly sẽ được kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Lượng thức ăn, nhu yếu phẩm mang vào khu cách ly cũng bị hạn chế. Tại các khu cách ly, TPHCM hỗ trợ ba bữa ăn mỗi ngày.
Lực lượng hỗ trợ căng mình giúp chuyển đồ tiếp tế đến tận tay người nhận.
Ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có quy mô khoảng 20.000 giường, cơ sở vật chất được trang bị khá đầy đủ. Mặt khác, khu vực này nằm trong khu vực Làng đại học Thủ Đức và không quá gần khu dân cư nên việc cách ly sẽ khá hiệu quả.
Mọi vật dụng đưa vào khu cách ly đều được kiểm tra nghiêm ngặt.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn
Bình yên như 'thời bao cấp' trong khu cách ly Trúc Bạch Thay vì ngày ngày tất bật đi chợ, trông cháu... giờ bà Lê Bích Loan (phố Trúc Bạch) lại ung dung đi tập thể dục, tập dưỡng sinh. Nhu yếu phẩm, hoa quả bổ sung vitamin, thuốc men... đều được phường Trúc Bạch và quận Ba Đình đảm bảo cho cả. Những tưởng sẽ không có thuốc để bổ sung vì thời gian...