Một tuần đối mặt với Covid-19 của gia đình nhỏ giữa tâm dịch TPHCM
Ngày 11/8, cả gia đình bắt đầu cuộc chiến với Covid-19, khi tôi và “cậu cả” tự test nhanh tại nhà có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Anh Michael Hoang (nickname) hiện đang sống cùng vợ và 3 người con trai tại phường 16, quận 8, TPHCM. Ngày 11/8, anh và con trai cả có kết quả dương tính SARS-CoV-2, gia đình anh bắt đầu “đóng cửa” và tự điều trị Covid-19.
Nhìn 2 vạch đỏ chót trên que test tôi nghĩ ngay đến lần mình đi mua thuốc cảm cúm cách đó 3 ngày.
- Anh cẩn thận chứ trong ngõ có mấy người bị Covid-19 rồi đấy , cô bán thuốc nhắc.
- Cả mấy tháng rồi không đi đâu, chả lẽ ra ngoài mua thuốc một chút cũng dính , tôi cười thầm trong bụng.
Ấy vậy mà tôi dương tính thật. Gia đình có 5 người, mà 2 người đã dương tính, nên tôi cũng xem cả nhà là “F0″.
“Bế quan, tỏa cảng” bắt đầu cuộc chiến
Bắt đầu quá trình “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tự chữa Covid-19. Việc đầu tiên là đóng sập cánh cửa cuốn xuống nhưng vẫn mở các khe thoáng. Xong công đoạn “bế quan, tỏa cảng”, toàn bộ cửa sổ, cửa chính các tầng lầu được mở tung để đón ánh nắng mặt trời và đảm bảo thoáng khí.
Anh và con trai cả có kết quả dương tính SARS-CoV-2 ngày 11/8 (Ảnh: NVCC).
Sắp xếp xong việc trong nhà và thông báo đến xóm giềng là gia đình bị dương tính, chúng tôi bắt đầu bước vào cuộc chiến.
Video đang HOT
Từ tháng 6 đến nay, chúng tôi ít khi ra khỏi nhà vì lệnh giãn cách xã hội, mà có đi cũng chẳng biết đi đâu. Vậy nên, việc nhiều ngày phải “bó chân” trong nhà cũng không phải là thử thách quá lớn với chúng tôi, ngay cả mấy cu cậu vốn hiếu động cũng đã quen với việc này.
Bài toán nhu yếu phẩm cũng sớm được giải quyết bởi trước đó có mua thực phẩm dự trữ và ông bà ngoại thông báo đã hết bị phong tỏa, có thể “chi viện” thêm mấy ngày tới.
Còn thuốc men, tôi nhờ bạn bè mua: vitamin C, siro ho, thuốc hạ sốt, giảm đau, viên xông. Gia đình cũng gửi lên mấy loại lá để xông, bạn thân “góp” cái lều xông để cho gia đình xông hơi.
Việc còn lại chỉ là chuẩn bị một tâm lý thật vững trước Covid-19.
Đói không muốn ăn, khát không muốn uống
Từ khi TPHCM bùng dịch, tôi cũng đã vào nhiều hội nhóm của các F0 để xem cách điều trị, đọc thêm các tin tức trên báo nên hiểu rằng “mắc Covid-19 không phải là chết”.
May mắn, tình trạng bệnh của chúng tôi đều không nặng. Tôi bị mệt mỏi, ê ẩm, sổ mũi, viêm họng, mất vị giác, thính giác, tiêu chảy, đổ mồ hôi. Vợ tôi và các bé triệu chứng nhẹ hơn: chỉ có ho nhẹ và viêm họng nhẹ. Các cu cậu vẫn ăn uống, vui chơi như bình thường.
Cậu con trai út chơi đùa qua khe cửa mở hé trong những ngày cả gia đình “bế quan, tỏa cảng để điều trị Covid-19 (Ảnh: NVCC).
Giai đoạn bệnh của tôi diễn tiến nặng nhất là vào ngày thứ 2-3 sau khi có kết quả dương tính.
Vị giác mất hoàn toàn nên chẳng buồn ăn. Đến bữa, chỉ chan canh vào cơm và húp nhanh cho xong chuyện để còn uống thuốc. Đến uống nước cũng “ngán”. Rõ ràng là đói nhưng không muốn ăn, khát nhưng không muốn uống, lại cộng thêm tình trạng tiêu chảy, nên người tôi khô róc, mép khô, lưỡi nhợt cả ra. Hết đợt điều trị, tôi tụt đến 6 kg.
Người mệt mỏi ê ẩm chỉ muốn nằm, không muốn vận động và ngủ li bì. Mọi việc trong nhà đành nhờ cậy hết vào tay vợ.
Ngày hôm sau, tôi gắng sức để dậy vận động nhẹ, quyết không nằm ì trên giường. May mắn là nhờ nỗ lực và tinh thần lạc quan (Tôi thậm chí còn hát karaoke và livestream để người thân và bạn bè biết rằng mình mắc Covid-19 nhưng vẫn rất ổn, không phải là “chết đến nơi” như nhiều người lo ngại), tình trạng của tôi nhanh chóng được cải thiện.
Đến ngày thứ 4, tôi tỉnh táo hẳn, chỉ còn triệu chứng mất vị giác và khứu giác.
Suốt cả quá trình chiến đấu với Covid-19, việc điều trị của cả nhà cũng không cầu kì. Trừ 3 ngày đầu tôi bị nặng nên uống thêm thuốc trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm ho. Còn lại, mỗi ngày cả nhà uống mỗi người một viên vitamin C và siro ho. Kết hợp thêm các biện pháp sát khuẩn và tăng sức đề kháng như: xông hơi, súc miệng bằng nước muối, uống nước cam, chanh. Cả nhà cũng tuân thủ quy tắc không uống nước đá, không ngủ điều hòa và phải luôn tắm nước nóng.
Mắc Covid-19 không phải là “dấu chấm hết”
Ngày 16/8, tôi test lại và nhận “món quà” một vạch. Ngày hôm sau kết quả test của vợ và cậu con trai lớn cũng tương tự.
Cả nhà ôm nhau cười vì đã chiến thắng Covid-19 chỉ sau một tuần. Vợ trêu rằng nhờ có Covid-19 mà tôi sụt cân lại thành “dáng chuẩn”.
Nhiễm Covid-19 không phải là “dấu chấm hết”, mà bạn cần phải có tinh thần thật vững và biết mình cần làm gì. Phải giải quyết từng bước, nắm được tình trạng sức khỏe của mình thực sự đang như thế nào để có cách điều trị. Luôn nhớ rằng, trong cuộc chiến này, chúng ta không hề “bước đi” một mình, mà luôn có gia đình ở bên.
Hỗ trợ điều trị Covid-19 sớm nhờ bộ test nhanh tại nhà
Test nhanh giúp truy vết nhanh các trường hợp F0, giảm lây lan dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát mạnh, nhiều chuyên gia y tế nhận định, việc phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm sẽ giúp khoanh vùng kịp thời, truy vết nhanh, can thiệp điều trị sớm trong trường hợp bệnh nhân dương tính.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, ngoài yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch 5K, người dân nên thực hiện tự xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) tại nhà để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt nguy cơ diễn tiến nặng. Việc triển khai cách sử dụng test nhanh song song với xét nghiệm khẳng định RT-PCR cũng giúp truy vết nhanh các trường hợp F0 để giảm sự lây lan mầm bệnh ra cộng đồng.
Đối với hộ gia đình sống tại điểm nóng vùng dịch, test nhanh Covid-19 tại nhà sẽ giúp người dân nhanh chóng nhận diện những trường hợp nghi nhiễm khi có yếu tố tiếp xúc dịch tễ. Từ đó, chủ động tự cách ly sớm để bảo vệ sức khỏe cho những thành viên còn lại trong gia đình.
Bộ kit test nhanh giúp người dân tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Ảnh: ShutterStock
Trong khi đó, với những người thường xuyên phải đi ra khỏi nhà để làm việc và tiếp xúc với nhiều người như tài xế, shipper trong khu vực nội thành; nhân viên bán hàng thực phẩm... thì sử dụng bộ kit test nhanh Covid-19 sẽ là một trong những biện pháp giúp kiểm tra nhanh mức độ an toàn của bản thân. Điều này giảm nguy cơ lây lan bệnh kịp thời trong gia đình và cộng đồng trước những diễn biến khó lường của đợt dịch lần này.
Bác sĩ Khanh cho rằng, việc hướng dẫn và cho người dân tự xét nghiệm nhanh ở nhà sẽ thuận tiện cho người dân chủ động theo dõi sức khỏe, đồng thời giảm tải cho ngành y tế trong công tác xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, cần lưu ý, test nhanh là một xét nghiệm tầm soát chứ chưa phải xét nghiệm khẳng định Covid-19. Vì thế, khi phát hiện dương tính cần bình tĩnh, thông báo với cơ quan y tế và chờ được xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR mang tính khẳng định.
Xử trí với kết quả test nhanh Covid-19
Nếu lo lắng, nghi ngờ bản thân có khả năng nhiễm bệnh, bạn có thể sử dụng test nhanh Covid-19 ở giai đoạn đầu khởi phát để đạt được hiệu quả sàng lọc tốt nhất.
Nếu kết quả test nhanh dương tính, người test cần bình tĩnh, liên hệ ngay với trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong lúc chờ được xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR.
Người tiêu dùng mua test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Pharmacity. Ảnh: Pharmacity
Nếu test nhanh cho kết quả âm tính thì cũng không nên chủ quan vì vẫn có thể xảy ra sai số nhất định. Người dân vẫn tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng. Trong trường hợp lịch sử dịch tễ có tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ khả năng cao bản thân mắc Covid-19 thì việc thực hiện lại test nhanh sau 3-5 ngày là cần thiết.
Hiện nay, việc xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà khá đơn giản thông qua các bộ kit test nhanh có bán tại các nhà thuốc lớn trên toàn quốc. Người dùng hoàn toàn có thể chủ động thực hiện theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trong bộ kit. Tuy nhiên, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân nên chọn những sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được bán tại các nhà thuốc bán lẻ được cơ quan y tế cho phép.
Trẻ hen phế quản: Cần được chăm sóc đặc biệt Phổi của trẻ nhỏ không hoạt động hiệu quả như phổi của trẻ lớn và người trưởng thành. Vì vậy, một đợt hen nặng có thể làm suy giảm chức năng phổi nhanh chóng. Bạn sẽ giúp con bạn tránh khỏi nguy hiểm và bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bé nếu biết cách chăm sóc...