Một trong những vụ án mạng bí ẩn nhất lịch sử Anh Quốc sẽ được giải mã, nếu như…
Thời Trung Cổ, hoàng gia Anh Quốc xảy ra rất nhiều cuộc tranh đoạt quyền lực đẫm máu với âm mưu cực kỳ bí hiểm, mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ tường tận mọi chuyện ra sao.
Lịch sử loài người không chỉ có chiến tranh giữa các quốc gia, mà còn rất nhiều vụ thanh trừng đẫm máu trong nội bộ hoàng tộc.
Với một đất nước có lịch sử hoàng tộc lâu đời như Anh Quốc thì đương nhiên cũng không ngoại lệ. Trong đó có những vụ án hết sức bí ẩn mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa biết căn nguyên ra sao, như vụ án mạng mang tên “Hoàng tử trong ngọn tháp” liên quan đến vua Richard III chẳng hạn.
Vụ án quá nhiều giả thuyết
Câu chuyện diễn ra vào vào cuối thế kỷ 15. Sau khi vua Edward IV đột ngột qua đời vào năm 1483, người con trai 12 tuổi của ông là Edward V kế vị. Tuy nhiên, triều đại của Edward V chỉ kéo dài 2 tháng, rồi sau đó bị Richard III cướp đoạt.
Edward V cùng người em trai là công tước Richard sau đó bị giam lỏng trong Tháp London (Tower of London). Và kể từ đó, không còn ai trông thấy họ nữa.
Vua Edward V và Richard – công tước xứ York trong Tháp London do danh họa Paul Delaroche thể hiện
Vô số người – từ các nhà sử học cho đến cả thiên tài soạn kịch Shakespeare – đều tin rằng Richard III đã ra tay sát hại cả hai cậu bé, đề phòng bị trả thù sau này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chuyên gia tin tưởng rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. Muốn biết chính xác, chỉ có cách là tìm ra được di cốt của hai vị hoàng tử ngắn số mà thôi.
Theo như câu chuyện, thì xác của hai vị hoàng tử ban đầu được chôn cất bên ngoài tòa tháp, rồi chuyển sang lọ đựng hài cốt tại tu viện Westminster sau đó 2 thế kỷ, và được lưu trữ đến ngày nay.
Tuy nhiên, lại xuất hiện rất nhiều giả thuyết về địa điểm có khả năng là nơi chôn họ, gây nhức nhối cho giới sử học. Nếu các giả thuyết ấy đúng, thì 2 bộ xương tại tu viện Westminster là của ai?
Tòa tháp London (Tower of London) nổi tiếng
Một trong các giả thuyết có liên quan đến một người đàn ông mang tên Perkin Warbeck. Warbeck đã giả làm công tước Richard – chính là một trong 2 vị hoàng tử bị nhốt trong tháp. Tuy nhiên, Warbeck đã bị lật tẩy sau đó. Gã bị treo cổ, và chôn trong một ngôi mộ vô danh tại London.
Nhưng lỡ đâu Warbeck đã nói thật? Lỡ đâu đó chính là công tước Richard thì sao? Ngày càng nhiều giả thuyết tương tự được đưa ra, mà không ai có thể giải đáp.
Hy vọng tìm ra đáp án đã đến, tuy nhiên…
Và hy vọng ấy được nêu ra trong cuốn sách “Hoàng tử trong tòa tháp” do tiến sĩ John Ashdown-Hill từ ĐH Essex mới công bố, trong đó có liên quan đến một đột phá về di truyền sẽ giúp giải đáp được thắc mắc bây lâu nay của các nhà sử học.
Cụ thể thì theo Ashdown-Hill, chúng ta có hậu duệ nhà ngoại của 2 vị hoàng tử, đó là Elizabeth Roberts – một nữ ca sĩ opera người Anh. Tiến sĩ cho rằng nếu như 2 bộ xương tại Wstminster Abbey có ADN khớp với Roberts thì nhiều khả năng thủ phạm chính là vua Richard III. Đơn giản là vì 2 bộ xương được tìm thấy ngay cạnh tháp London, và ngay trong thời gian nhà vua trị vì gần đó.
Nhưng nếu không trùng khớp, thì có khả năng hai vị hoàng tử đã chết ở một thời điểm khác, chứ không phải thời gian Richard III sống tại đó. Thậm chí, chưa chắc thủ phạm đã là Richard III.
Mọi chuyện tưởng như đã rất suôn sẻ, nhưng không! Tu viện Westminster đã từ chối không cho phép bất kỳ xét nghiệm nào được thực hiện trên hai bộ xương. Mọi xét nghiệm, dù là tối tân nhất, đều không được chấp nhận.
Vậy đấy! Khi chúng ta tưởng như bí ẩn kéo dài 6 thế kỷ đã được giải đáp, thì mọi cánh cửa đã khép lại chỉ bằng một lời chối từ. Cũng nên hiểu cho họ, vì 2 bộ xương ấy có giá trị lịch sử khá to lớn, nên mọi phương pháp có nguy cơ xâm hại đến đều không được thông qua là phải rồi.
Tham khảo: IFL Science
Theo Helino
Jackalope: Từ huyền thoại thỏ sừng nai trong truyện dân gian Mỹ đến những con thỏ "quái vật" ngoài đời thực vì căn bệnh đáng sợ
Những chú thỏ với cặp sừng nai trên đầu Jackalope là một hình tượng vô cùng phổ biến, mang những ảnh hưởng văn hóa trong đời sống người dân nước Mỹ.
Jackalope hay thỏ sừng nai, đúng như tên gọi của nó là loại thỏ đồng sở hữu một cặp sừng lớn chính giữa đầu. Đây là một con vật rất phổ biến trong nhiều mẩu chuyện dân gian vùng Bắc Mỹ. Truyền thuyết về Jackalope còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa người dân nơi đây, cho đến ngày nay, vẫn còn rất nhiều đồ lưu niệm, tranh ảnh đều mang biểu tượng của Jackalope, trong nhiều quán rượu, nhà hàng vẫn còn treo đầu nhồi bông của những con Jackalope nhân tạo.
Trong truyện dân gian miêu tả Jackalope là những con vật cực kỳ thông minh và nhanh nhẹn. Chúng có đôi chân sau rất khỏe và khả năng lẩn trốn cực nhanh, chính vì thế rất khó để người ta có thể bắt sống được một con Jackalope. Với vũ khí là cặp sừng dài và nhọn, dù là kẻ thù hay con người cũng phải e sợ một khi làm cho con Jackalope nổi giận.
Bên cạnh đó, loài Jackalope còn có khả năng nghe hiểu tiếng nói của con người, thậm chí còn có thể giả giọng để đánh lạc hướng thợ săn. Một trong những trò chọc ghẹo con người mà nó thích nhất là trốn trong một góc tối, rồi nhại lại giọng hát của những cao bồi đang ngồi đốt lửa trại gần đó. Sữa của con Jackalope cái còn được xem là một loại thuốc quý rất có giá trị.
Huyền thoại về những con thỏ có sừng dù là bắt nguồn và nổi tiếng ở Mỹ nhưng thực chất nó từng xuất hiện ở các nền văn hóa và ở nhiều thời đại khác nhau. Người Ba Tư đã vẽ những con thỏ có sừng từ thế kỷ thứ 13 hay trong những cuốn sách lịch sử và lịch sử tự nhiên của thời trung cổ, thời phục hưng cũng có những mô tả về loài vật kỳ bí này. Cho đến thế kỷ 18, khi các nhà khoa học đi sâu vào tìm hiểu và nghiên cứu, họ mới xác nhận là loại thỏ có sừng hoàn toàn là một con vật hư cấu do con người tưởng tượng ra.
Hình tượng Jackalope phủ sóng rộng rãi trên nước Mỹ bắt đầu từ những năm 1930 do hai anh em thợ săn nhà Herrick, sống tại Wyoming khởi xướng nên. Họ vốn là những người có tay nghề cao trong lĩnh vực nhồi bông thú vật. Trong một lần bắt được vài con thỏ đồng, họ bỗng nảy ra ý định nhồi bông đầu thỏ rồi ghép sừng nai vào, dựa trên truyền thuyết về Jackalope họ đã từng được nghe từ rất lâu.
Mẫu nhồi bông của họ bất ngờ bán đắt như tôm tươi, gần như các nhà hàng, quán rượu nào tại Wyoming đều có treo một cái đầu thỏ có sừng. Những thợ nhồi bông thú khác trên khắp nước Mỹ bắt đầu lao vào chế tác con vật huyền thoại này. Những địa điểm du lịch tại Wyoming đua nhau bán những tấm bưu thiếp, móc khóa, đồ lưu niệm với hình của con Jackalope.
Tại Douglas, Wyoming, quê hương của anh em Herrick, thỏ sừng nai được xem như linh vật của thành phố với bức tượng lớn được đặt ở quảng trường Jackalope. Người dân nơi đây thậm chí còn tổ chức ngày lễ ăn mừng Jackalope vào đầu tháng 6 hàng năm. Năm 2014, công ty xổ số Wyoming chọn hình tượng Jackalope cho logo in trên những tấm vé số và đặt tên con vật lại là YoLo.
Năm 2013, một đoạn phim được ghi lại tại Minnesota cho thấy một con thỏ với rất nhiều sừng mọc tua tủa xung quanh đầu của nó đã khiến cho nhiều người thấy tò mò đồn đoán rằng Jackalope là có thật. Tuy vậy, các nhà khoa học đã chứng minh rằng, hiện tượng thỏ mọc sừng này bắt nguồn do một loại bệnh do Shope Papilloma - loại virus u nhú (CRPV) gây ra các khối u ở khu vực đầu của con vật.
Điều này cho thấy thỏ có sừng là hoàn toàn có thật chứ không chỉ là sản phẩm của con người tưởng tượng. Chỉ có điều đó là do hậu quả của một căn bệnh virus hiếm gặp mà thôi. Những chiếc sừng đen có thể phát triển lớn hơn, ảnh hưởng tới khả năng ăn uống của con thỏ và dần dà làm con thỏ suy kiệt đến chết vì đói.
(Nguồn: Wired)
Theo Helino
Rừng thông uốn cong kì dị ở Ba Lan: Điều bí ẩn mà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp chính xác Vì sao chỉ những cây thông ở đúng khu vực này của Ba Lan mới mang hình thù kì lạ đến như vậy? Liệu đó là do thiên nhiên hay do bàn tay nhào nặn của con người? Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra xung quanh khu rừng thông Krzywy Las này. Nằm ngay gần thị trấn Gryfino, phía Tây Ba...