Một trăm cái lý không bằng cái tình Bộ Giao thông
Mấy ngày gần đây, dư luận đã vô cùng xôn xao về việc Bộ GTVT trích quỹ Bảo trì đường bộ để trả lương, trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động sau khi họ nghỉ việc tại các trạm thu phí vì điều này theo nhiều người rõ ràng là trái với mục đích sử dụng của quỹ.
Khỏi phải nói người dân đã bức xúc như thế nào. Trên thực tế, Bộ GTVT đã nhiều lần khẳng định: “Mục đích thành lập Quỹ bảo trì đường bộ là nhằm huy động các nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với ngân sách nhà nước dần từng bước đáp ứng nhu cầu vốn công tác quản lý, bảo trì đường bộ; thực hiện nguyên tắc theo cơ chế thị trường, người sử dụng các dịch vụ phải trả tiền để nhận được dịch vụ ngày càng tốt hơn. Quỹ bảo trì đường bộ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ bảo trì đường bộ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương”.
Ấy thế mà vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên Bộ GTVT lại công bố chuyện trích quỹ Bảo trì để hỗ trợ, chi trả cho công nhân thất nghiệp, quả thật là lạ lùng và khó hiểu.
Cựu nhân viên Công ty Quản lý khai thác cầu Cần Thơ trong một lần gặp gỡ lãnh đạo công ty – Ảnh: P.N.
Tuy nhiên, nếu có ai đó đã vội trách, vội một mực cho rằng Bộ GTVT sai quá rõ ràng trong chuyện này thì không phải đâu nhé, đường đường là một bộ quản lý ngành giao thông trong cả nước, làm gì có chuyện sai nghiêm trọng thế được. Bộ GTVT làm như vậy là bởi họ có lý của họ mà lý do thì bao giờ chẳng hợp lý.
Này nhé, giải thích về hành động trích quỹ bảo trì, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, “những người lao động đó trước đây phục vụ tại các trạm thu phí chính là công việc phục vụ mục đích bảo trì đường bộ”. Với cơ sở đó, ông khẳng định: “Đối với các lao động hợp đồng ngắn hạn (từ 3 – 6 tháng) sẽ được Bộ GTVT chủ trương giải quyết chế độ một lần, vì thế việc lấy kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ là hoàn toàn chính đáng”.
Ông Trường còn cho biết chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính – cơ quan quản lý về ngân sách đồng ý: “Nếu chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của những lao động này mới thấy thông cảm cho họ. Đơn cử như việc tạm dừng trạm thu phí tại Cần Thơ, đã có 40 công nhân không có việc làm. Bộ GTVT cũng đã tiến hành các biện pháp tích cực, nhưng những công nhân này vẫn không có lương. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã trích khoảng 20 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trì đường bộ để giải quyết một phần lương thất nghiệp, đồng thời trả chế độ một lần cho người lao động thuộc diện này”.
Video đang HOT
Hơn nữa, hiện nay Quỹ bảo trì đường bộ đã tạm cấp hơn 20 tỉ đồng để chi trả trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại trạm thu phí. Còn hơn 20,78 tỉ đồng trợ cấp mất việc đối với thời gian người lao động làm việc tại các công ty nhà nước trước khi chuyển sang làm việc ở trạm thu phí thì phải rà soát, làm rõ các trường hợp được trợ cấp theo đúng quy định.
“Số tiền này là rất nhỏ so với hơn 4.000 tỉ tiền quỹ đã thu được”, ông Trường nói.
Thế mới biết những ai đã vội bực tức, cho rằng Bộ GTVT sai phạm nghiêm trọng đã nhầm to rồi nhé! Trích quỹ bảo trì như vậy là quá đúng, quá chính xác rồi còn gì?
Còn nếu mọi người vẫn cố tình thấy không hợp lý thì cũng đừng mất công cãi làm gì, ‘trăm cái lý không bằng một tý cái tình’, Bộ GTVT đã cố gắng giải quyết cho người lao động là tốt lắm rồi, tiền nào mà chẳng là tiền. Số tiền ấy chi để giải quyết chế độ cho người lao động cũng còn tốt hơn nhiều so với việc đem đi bảo trì đường mà đường xấu vẫn hoàn xấu.
Nếu ai đó vẫn chưa thỏa mãn thì na rằng mặc dù theo quy định của Nhà nước, quỹ thu tiền phí bảo trì đường của người dân là Quỹ bảo trì đường bộ, nhưng người ta hoàn toàn có thể xem đó là Quỹ đời sống của Bộ GTVT.
Đấy là chưa kể có một thực tế trong xã hội hiện nay mà con người sống trong đó không thể không chấp nhận đó là các cơ quan chức năng liên tục phát minh, ghi nhận những tiêu chí, lý lẽ mới rất hay ho, khiến người dân không khỏi ngỡ ngàng như việc trích Quỹ bảo trì đường bộ đã nêu trên hay làm đường càng vòng vo là càng đẹp, càng tốt.
Như Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên mới đây đã khẳng định: “ Dự án Mỹ Đình -Bái Đính chủ yếu là phục vụ mục đích du lịch nên đường càng vòng vo càng đẹp”.
Cho nên mọi người cũng đừng thắc mắc làm gì, hãy cố mà hiểu đi, phải biết hòa nhập, học hỏi những tiêu chuẩn mới chứ.
Đường Mỹ Đình – Bái Đính càng vòng vo càng đẹp
Mà nếu đường lòng vòng là đẹp, thì rất có thể đường lún lại thành thẩm mỹ ấy chứ, tiêu chí hậu hiện đại hay và mới mẻ như vậy đấy. Người viết liên hệ luôn đến chuyện này ra đây để mọi người biết mà nhớ rằng cũng vì những lý lẽ rất mới ấy cho nên việc sắp tới, Bộ GTVT có thưởng 180 tỷ cho nhà thầu thi công cầu cạn đường vành đai 3 (Hà Nội) khi vượt tiến độ 18 tháng dù chỉ sau chưa đầy 1 năm thông xe đường đã bị lún cũng là chuyện bình thường, không có gì phải ngạc nhiên mà cho rằng lạ lẫm đâu nhé.
Quả thật là xã hội hiện đại luôn có chỗ cho những lý lẽ mới mẻ hiện đại.
Theo Phunutoday
Mở rộng cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ thành 6 làn xe
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Pháp Vân-Cầu Giẽ thành cao tốc 6 làn xe, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải việc nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo văn bản trên, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc triển khai theo phương án 1 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (Giai đoạn 1 thi công cải tạo đường cũ với quy mô 4 làn xe; Giai đoạn 2 thi công mở rộng đủ 6 làn xe) việc nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội).
Phó Thủ tướng đồng ý giao Nexco liên doanh với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án. Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe thay vì 4 làn như hiện nay.
Theo phương án được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, giai đoạn 1 của dự án sẽ giữ nguyên hiện trạng, cải tạo toàn bộ trắc dọc, mặt đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Mặt bằng giai đoạn I nằm hoàn toàn trong diện tích đã được giải phóng trước đây, trừ vị trí các trạm thu phí.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới và xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng.
Theo dự kiến, giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thi công từ quý 4/2013 đến quý 4/2014 và khai thác thu phí hoàn vốn từ quý 1/2015.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 28km, được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp I đồng bằng, 4 làn xe. Đây là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô và là đoạn đầu tiên của đường cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và các vùng lân cận. Sau 10 năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến khả năng khai thác, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Vạn Xuân
Theo_VnMedia
Cấm dùng nhà ở để làm... nhà nghỉ! Theo dự thảo luật nhà ở sửa đổi vừa được công bố, không được sửa dụng nhà ở vào để kinh doanh vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke... Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần thứ 4 vừa được công bố đã bổ sung phạm vi điều chỉnh của nhà ở trong Luật này bao gồm nhà ở riêng...