Một thương vụ “đứng tên” của Cotana
Cụ thể là thương vụ “đứng tên hộ” ở Công ty cổ phần Comaland Đầu tư và Phát triển Bất động sản (viết tắt: Comaland BT).
Tòa nhà Cotana – đại bản doanh của Tập đoàn Cotana. (Ảnh: CSC)
Comaland BT được thành lập ngày 19/03/2010 bởi Tổng Công ty cơ khí Xây dựng – Công ty TNHH MTV (Coma) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (tiền thân của CTCP Tập đoàn Cotana; Mã chứng khoán: CSC).
Nó ra đời với sứ mệnh của một doanh nghiệp dự án khi liên danh Coma – Cotana được Hà Nội lựa chọn làm nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên dài gần 4,2km, tổng mức đầu tư 379 tỷ đồng (sau được điều chỉnh thành 497 tỷ đồng), theo hình thức BT.
Ngoài Coma và Cotana, trong danh sách cổ đông sáng lập của Comaland BT còn có sự xuất hiện của bà Đặng Thị Ngọc Bích – phu nhân của ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Tập đoàn Ecopark (tên cũ: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico)) – chủ đầu tư thành phố xanh Ecopark, đại dự án 500ha ngay kề Hà Nội và cũng là đối tượng được hưởng lợi lớn từ dự án BT trên.
Dữ liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cho thấy, sau khi Coma thoái vốn, Cotana là cổ đông chi phối gần như tuyệt đối ở Comaland BT, với tỷ lệ sở hữu lên đến 97%. Kể cả cho đến giữa năm 2017, Cotana đã nhượng bớt một phần vốn ở Comaland BT để giảm tỷ lệ sở hữu về 51% thì về mặt lý thuyết, Cotana sẽ vẫn được xem như công ty mẹ của Comaland BT.
Cơ cấu sở hữu ở Comaland BT, theo ĐKKD thay đổi ngày 27/7/2017.
Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 27/07/2017 thể hiện, Comaland BT đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ mức 100 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu 51% và lượng vốn góp đăng ký ở 408 tỷ đồng ở Comaland BT khi này là một con số đáng kể với Cotana. Bởi lẽ, tính đến thời điểm ấy, vốn điều lệ đăng ký của Cotana chỉ là 100 tỷ đồng và tổng tài sản cũng chỉ hơn 500 tỷ đồng.
Chưa kể, với vai nhà đầu tư BT của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên, Comaland BT dự kiến sẽ được khai thác khu đất đối ứng rộng 63ha ở Đa Tốn, Gia Lâm (theo Quyết định số 4852/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 của UBND Tp. Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đối ứng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Hà Nội – Hưng Yên, tỷ lệ 1/500).
Hẳn nhiên, theo suy nghĩ thông thường, Comaland BT sẽ là một thành viên tối quan trọng của Cotana. Ấy nhưng thực tế lại khác!
Suốt nhiều năm qua, trong các Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên của mình, Cotana hầu như không ghi nhận và liệt kê Comaland BT trong danh sách công ty con, công ty thành viên.
Bộ phận kế toán của Cotana có cái lý của họ!
Đứng tên hộ
Theo tìm hiểu của VietTimes, một phần đáng kể sở hữu của Cotana ở Comaland BT thuộc diện “đứng tên hộ”.
Bởi từ nhiều năm trước, một số cá nhân – có thể kể đến như ông Phạm Mạnh Long, bà Lê Thị Vân Anh – đã ủy thác hàng chục tỷ đồng để Cotana góp vốn vào Comaland BT. Việc ủy thác này thậm chí phát sinh ngay từ khi Comaland mới thành lập. Sau đó, đến năm 2015, Cotana còn tiếp tục nhận thêm gần 7 tỷ đồng được ủy thác từ bà Đặng Thị Ngọc Bích để đầu tư vào cổ phiếu Comaland BT.
Cotana vì thế – dù đứng tên sở hữu cổ phần ở Comaland BT – nhưng thực quyền lại thuộc về bên ủy thác. Kể cả giữa năm 2017, Cotana quyết định thoái một phần vốn ở Comaland BT cho Công ty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển BB và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB – bộ đôi doanh nghiệp của vợ chồng ông bà chủ Tập đoàn Ecopark Lương Xuân Hà & Đặng Thị Ngọc Bích – thì thực chất cũng chỉ là chuyển nhượng hộ các cá nhân như ông Phạm Mạnh Long và bà Lê Thị Vân Anh. Cập nhật đến đầu năm 2019 cho thấy, thương vụ chuyển nhượng này vẫn chưa được tất toán, Cotana chưa thu hồi được khoản chuyến nhượng vốn góp này để trả cho các nhà đầu tư cá nhân đã ủy thác.
Video đang HOT
4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên mà Comaland BT đầu tư theo hình thức BT chạy qua dự án Ecopark. Dĩ nhiên nó cũng giúp dự án này nâng tầm và nâng địa tô chênh lệch! (Ảnh: Internet)
Nhắc lại rằng, Hà Nội đã “chấm” khu đất đối ứng rộng 63ha tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm để đổi lại cho việc Comaland BT đầu tư 4,2 km đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên. Tham gia nhận chuyển nhượng cổ phần Comaland BT, đồng nghĩa, vợ chồng ông bà Hà – Bích lại sắp có thêm một dự án “khủng” cách không xa Thành phố xanh Ecopark – dự án hưởng lợi lớn từ tuyến đường BT mà Comaland BT sắm vai nhà đầu tư.
Nói đến Tập đoàn Ecopark có lẽ cũng nên đề cập đến ông chủ Cotana – doanh nhân Đào Ngọc Thanh, người được biết đến rộng rãi trên vai trò Tổng Giám đốc của Tập đoàn Ecopark.
Ông Đào Ngọc Thanh
Là người thường xuyên xuất hiện trước truyền thông và đứng tên người đại diện theo pháp luật của Vihajico (tên cũ của Tập đoàn Ecopark), ông Thanh thậm chí được nhiều người nghĩ là ông chủ của Ecopark, hơn là vợ chồng doanh nhân phố cổ Lương Xuân Hà – Đặng Thị Ngọc Bích.
Dĩ nhiên, đấy là với số đông, chứ không phải với những người trong ngành, trong nghề! Bởi Cotana và hai công ty thành viên của nó dù cũng được xem như các cổ đông sáng lập của Vihajico nhưng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm này chỉ là 10%. Trong khi phần còn lại chủ yếu được sở hữu – cả gián tiếp và trực tiếp – bởi vợ chồng ông bà Hà – Bích.
Ông Đào Ngọc Thanh vẫn đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc Tập đoàn Ecopark cho đến cuối tháng 1/2019, trước khi bàn giao lại cho người kế nhiệm Trần Quốc Việt. Song thực tế nhóm Cotana đã rục rịch rút khỏi Ecopark từ trước đó hàng năm – theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01 ngày 21/04/2017 của Cotana.
Chủ trương này được hiện thực hóa bằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ký giữa nhóm Cotana và bên nhận chuyển nhượng – là ông Nguyễn Vũ Kiên – vào ngày 25/12/2017. Với các phụ lục hợp đồng được ký bổ sung vào ngày 8/3/2018 và 24/3/2018, nhóm Cotana cơ bản đã chuyển nhượng hết cổ phần tại Vihajico. Thương vụ đã mang về cho công ty của ông Đào Ngọc Thanh hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận và xem như khép lại quãng đường hợp tác nhiều trái ngọt với chủ đầu tư của dự án Ecopark.
Ngôn phong điều hành của ông Đào Ngọc Thanh tại phiên ĐHĐCĐ mới đây của Vinaconex phần nào phản ánh “vai” của người đang đứng ghế Chủ tịch HĐQT VCG.
Hậu cuộc tình Ecopark, theo tìm hiểu, ông Đào Ngọc Thanh từng định “về đội” của đại gia Phương Hữu Việt. Nhưng có vẻ việc hợp tác với ông chủ Tập đoàn Việt Phương không có kết quả. Rồi mới đây, như đã thấy, ông Thanh bất ngờ xuất hiện trong vai trò Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Vị doanh nhân hiện đã 73 tuổi này được coi là một thành viên trong liên minh đứng sau Công ty TNHH An Quý Hưng – nhà đầu tư đã bỏ ra 7.400 tỷ đồng để thâu tóm 58% cổ phần Vinaconex từ SCIC. Trao đổi với truyền thông, ông Thanh cũng hơn một lần xác nhận điều này.
Tuy được liên minh lựa chọn và bố trí ở vị trí cao nhất tại Vinaconex – với chức danh Chủ tịch HĐQT – nhưng không nhiều người tin cựu giảng viên Đại học Xây dựng là người “cầm cơ”. Quy mô của Cotana và tầm lực của ông Đào Ngọc Thanh, so sánh với tầm vóc của “ game” Vinaconex, dù muốn hay không, vẫn cho thấy những sự chênh lệch.
“Có lẽ ông Thanh chỉ là người ra mặt” – một cổ đông bình luận với VietTimes bên lề ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 mới diễn ra của Vinconex, nơi ông Đào Ngọc Thanh đã có màn trình diễn “xứng tầm”./.
Theo viettimes.vn
ĐHĐCĐ Vinaconex: "Có xấu cũng phải nói tốt để giá cổ phiếu tăng"
Sáng nay (28/6) Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Đây là kỳ Đại hội đầu tiên sau thương vụ đấu giá cổ phần đình đám và những vụ kiện tụng liên quan đến việc bầu HĐQT của công ty.
ĐHĐCĐ Vinaconex đang diễn ra sáng 28/6.
Star Invest gửi đơn kiến nghị bổ sung nhiều nội dung
Đại hội bắt đầu làm việc từ 8h00 sáng, tuy nhiên, cho đến 10h00 sáng cùng ngày mới bắt đầu đi vào nội dung báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 do thời gian lấy biểu quyết của cổ đông có nhiều nội dung không nhận được đồng thuận giữa các cổ đông.
Cụ thể, trong nội dung lấy biểu quyết tại phiếu biểu quyết số 5 nội dung biểu quyết thông qua việc bổ sung các nội dung theo kiến nghị của cổ đông - Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (sở hữu 7,57% vốn điều lệ) tại đơn kiến nghị ngày 25/6 vào chương trình đại hội, số cổ đông tán thành chiếm khoảng hơn 31% cổ phiếu.
Đơn kiến nghị của Star Invest đã đề nghị Ban tổ chức ĐHĐCĐ Tổng công ty Vinaconex bổ sung vào chương trình họp bổ sung Báo cáo của HĐQT về việc sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty.
"Việc sửa đổi Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty có đảm bảo tính cẩn trọng, tuân thủ pháp luật và nguyên tắc quản trị công ty đại chúng?
Theo Quy chế hoạt động của HĐQT và Quy chế tài chính của Tổng công ty sửa đổi thì Chủ tịch HĐQT được quyết định các giao dịch lên đến 10% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (tức khoảng 950 tỷ đồng) và Tổng giám đốc được quyết định các giao dịch đến 5% tổng giá trị tài sản của Tổng công ty (khoảng 475 tỷ đồng)", đơn của Star Invest nêu.
Star Invest cũng đặt vấn đề việc "trao quyền quá lớn" cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc có phải là hình thức thâu tóm quyền lực vào nhóm cổ đông An Quý Hưng hay không?
Star Invest đề nghị làm rõ việc mua cổ phiếu quỹ theo Quyết định số 0139/2019/QĐ-HĐQT ngày 26/02/2019 căn cứ pháp lý và mục đích của việc HĐQT quyết định mua lại 23.578.299 cổ phiếu VCG làm cổ phiếu quỹ. Nguồn tiền sử dụng để mua cổ phiếu quỹ lấy từ Quỹ đầu tư phát triển có trái với quy định tại Quy chế tài chính của Tổng công ty?
Đặt vấn đề căn cứ nào để HĐQT thông qua mức giá mua cổ phiếu quỹ tối đa 30.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá thị trường tại thời điểm đó?
Star Invest cũng đề nghị bổ sung Báo cáo của Ban kiểm soát về giám sát hoạt động chi tiêu tài chính của Tổng công ty. Cụ thể, tổng số tiền Tổng công ty chi tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân tử đầu năm 2019 đến nay? Căn cứ, mục đích của việc chi các khoản tạm ứng trên? Việc chi tạm ứng cho cá nhân thời gian qua có đúng nguyên tắc tài chính không?...
Đồng thời kiến nghị Đại hội đồng cổ đông giao nhiệm vụ HĐQT xây dựng bộ các quy chế, ưu tiên quy chế tài chính và quy chế quản trị điều hành cho phù hợp với thông lệ của công ty đại chúng niêm yết.
Cuối cùng là về công tác nhân sự, cổ đông trên đề nghị HĐQT báo cáo về tình hình biến động nhân sự quản lý của Tổng công ty và các công ty con trong thời gian qua.
"Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện nay có 16 chủ tịch và 08 tổng giám đốc được thay thế và chúng tôi cũng rất bức xúc là các vị trí lãnh đạo tập trung hết vào nhóm người do An Quý Hưng đề cử, sự thiếu minh bạch thông tin trong HĐQT và các cổ đông, gây nhiều rủi ro cho các hoạt động của công ty", đơn kiến nghị của Star Invest nêu.
Việc thoái vốn 2 cổ đông lớn ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp
Năm 2018 Vinaconex đạt 9.731 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 10% so với năm 2017, trong đó riêng doanh thu từ mảng sản xuất công nghiệp còn 886 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động dịch vụ thương mại đạt 721 tỷ đồng, giảm 3,4%; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 60% so với năm 2017, còn 639 tỷ đồng.
Vinaconex trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, trong đó dành hơn 530 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 12% cho các cổ đông.
Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, việc 2 cổ đông lớn thực hiện thoái vốn năm 2018 phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Năm 2019 được xem là năm đầu tiên Vinaconex hoạt động theo mô hình công ty cổ phần không còn phần vốn góp của Nhà nước. Vinaconex dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 10.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 743 tỷ đồng, tăng 16% so với lợi nhuận đạt được năm 2018.
Chuyển sang cơ chế tư nhân, lợi ích cổ đông bị ảnh hưởng
Tại đại hội, ông Thân Thế Hà, thành viên HĐQT Vinaconex, đại diện Star Invest giải thích với cổ đông lý do vì sao đệ đơn kiện Vinaconex: "Sau khi tổ chức ĐHĐCĐ phía các tổ chức chúng tôi nhận thấy trong tiến trình tổ chức ĐHCĐ, trong quy trình và thủ tục triển khai có gì đó thiếu, không đầy đủ, đặc biệt Vinaconex là doanh nghiệp lớn, trong 90 ngày sự việc xảy ra vẫn có thể hồi tố, trên cơ sở chưa đầy đủ nên chúng tôi đã gửi toà thụ lý theo phạm vi của cơ quan pháp luật thực thi và bây giờ như ông Thanh (ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex- PV) nói, sau một tháng đã có kết luận của toà. Tôi hay anh Trung là đơn vị doanh nghiệp đại diện, vấn đề chúng tôi tuân thủ quy định pháp luật".
Ông Hà cũng nói, về góc độ doanh nghiệp, tại Vinaconex ông và ông Yên (Phó TGĐ) có thời gian công tác tại Vinaconex lên đến 27-28 năm, là người còn sót lại lâu nhất, tham gia khi Vinaconex chỉ có 50 người, từ lúc là doanh nghiệp nhà nước đến cổ phần nhà nước và sang doanh nghiệp cổ phần tư nhân.
Ông Hà đề cập đến "truyền thống rất đoàn kết" của Vinaconex và cho biết "rất đau xót, rất buồn" khi Vinaconex chuyển sang cơ chế tư nhân, lợi ích của cổ đông bị ảnh hưởng đương nhiên các ý thức bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến sự đoàn kết.
"Chúng tôi kêu gọi đoàn kết và mong muốn đoàn kết, đảm bảo lợi ích cho nhau là nền tảng của sự đoàn kết, phải công khai minh bạch. Hiện với hành lang để làm được việc đó, các điều lệ, quy chế, có một số cổ đông có ý kiến và hiện với Quy chế tài chính, quy chế HĐQT phạm vi quy mô Vinaconex các quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, nhân sự nếu được các thành viên HĐQT ở nhiều phía được bàn nhưng đằng này, cá nhân quyết, và vi phạm ngay vấn đề quản trị rủi ro", ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, CTCP hơn hẳn các hình thức công ty gia đình, công ty TNHH, thời đại 4.0 là chia sẻ, kết nối, kết hợp, nếu một cá nhân quyết những vấn đề như vậy sẽ gây ra bức xúc. Ông Hà đang nói, ông Thanh ngắt lời vì "thời gian không còn nhiều". Chốt lại ông Hà nói: "cần phát triển Vinaconex là công ty cổ phần chứ không phải công ty gia đình".
Bổ sung thêm về nội dung này, ông Nguyễn Quang Trung, người đại diện của Bất động sản Cường Vũ tham gia HĐQT của Vinaconex cho biết, Vinaconex là công ty cổ phần có những vấn đề chưa thống nhất được chúng ta sẽ làm với với nhau ở cuộc họp, nếu không được nữa sẽ ở cấp toà đây là việc bình thường. "Thúc đẩy và bảo vệ giá trị của công ty tốt hơn, không có sự thiệt hại gì, đây là sự đấu tranh để phát triển và hoàn thiện hơn", ông Trung nói.
Không phải ngân hàng mà nhiều cổ đông bỏ tiền cho An Quý Hưng
Trước câu hỏi cổ đông, HĐQT có làm đúng luật không, có mục tiêu chiếm đoạt không, ông Đào Ngọc Thanh dẫn lại ý ông Hà, phải đoàn kết mới thành công, nhưng điều quan trọng đoàn kết trên cơ sở nào, đó là cơ sở pháp luật không phải đoàn kết trên cơ sở "chén chú chén anh".
"HĐQT bầu lên mà làm sai pháp luật phải giải tán. Quan trọng đầu tiên là chúng ta phải thượng tôn pháp luật. Tôi không thích về đây làm Chủ tịch HĐQT, đây là doanh nghiệp thứ 4 tôi đến làm, trước giờ tôi cũng toàn làm doanh nghiệp lớn. Tôi không về đây chiếm lĩnh chức chủ tịch cho oai. Tôi đề nghị chúng ta làm việc gì cũng dựa trên thượng tôn pháp luật. Ở đây không có khái niệm phân chia quyền lực hay hợp tác xã, vợ, chồng, con, cháu làm mà ai có năng lực thì làm. Tiền lệ là có đúng pháp luật hay không", ông Thanh nói.
"Xấu cũng phải nói là tốt để thương hiệu nó (Vinaconex) tăng, giá cổ phiếu tăng", ông Thanh nói với cổ đông.
Một cổ đông ngắt lời ông Đào Ngọc Thanh, yêu cầu quy định việc phát biểu, nêu ý kiến của mỗi người chỉ 5-10 phút. "Đấu với nhau về pháp lý, pháp lý đang trong quá trình hội nhập cũng không theo kịp xu thế. Mong UBCK nhà nước can thiệp để ĐHCĐ đi vào trọng tâm", vị cổ đông cho hay.
Quay lại câu chuyện "tẩu tán tài sản", ông Thanh cho biết, số dư tiền mặt tại TCT còn 1.811 tỷ đồng. "Tôi nhắc lại là tôi và anh Đông đại diện cho nhóm cổ đông rất nhiều tiền và ít tiền, tâp trung vào An Quý Hưng. Báo cáo kiểm toán số dư nợ phải trả của An Quý Hưng lớn, nợ có ý kiến nói chúng tôi tìm cách rút tiền từ Vinaconex. Sau tôi không có ngân hàng nào, đây là tiền các cổ đông đóng góp với An Quý Hưng để mua. Chúng tôi chết thì còn con cháu trả nợ", ông Thanh nói.
Splendora cần tối thiếu 1.500-2.000 tỷ đồng mỗi bên để khởi động lại
Dự án Splendora, ông Đào Ngọc Thanh thông tin: Vinaconex và Posco trước đây có điều kiện "trớ trêu" 50%-50%, hội đồng quản trị mỗi bên 2 người. Trong hợp đồng Posco cũng như Sovico bây giờ, với Vinaconex không hạch toán khoản vay, mà công ty Liên doanh sẽ trả. 200 ha có 70 ha đất thương mại và là miếng đất ngon nhất Việt Nam, còn chỗ nào ngon hơn. Bán rẻ cũng được 2 tỷ USD đất dự án đó. Sovico muốn mua lại có thể bán cho họ, miễn là bán bao nhiêu, bán lấy tiền mình đi làm việc khác.
Ông Nguyễn Quang Trung, TGĐ của An Khánh: Để có thể bán được và sánh vai với các dự án xung quanh phải đầu tư rất quy mô, không thể xé nhỏ 3-5ha. Muốn làm được lại phải tăng vốn, tối thiếu 1.500-2.000 tỷ đồng mỗi bên. Vấn đề 2 bên như ông Thanh nói là chuyện nhỏ, tôi trong cuộc và rất băn khoăn, cần cổ đông ngồi lại với nhau, cần tiền, sổ đỏ không có, chúng ta không thể vay ngân hàng. Giải pháp nguồn tiền ở đâu để An Khánh có thể thực hiện được.
"Ai góp tiền vào An Quý Hưng chúng tôi không nói"
Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề nguồn tiền của An Quý Hưng mua cổ phần Vinaconex, ông Nguyễn Xuân Đông nói: "Ai góp tiền vào An Quý Hưng chúng tôi không nói".
Và ông Đào Ngọc Thanh cũng khẳng định lại An Quý Hưng không liên quan đến Vinaconex.
Về vấn đề mua cổ phiếu quỹ, ông Thanh nói: "Có vi phạm pháp luật không mà tránh, cho đến giờ phút này tôi chưa có cảm giác tôi có vi phạm về việc mua cổ phiếu quỹ. Tại sao mua cổ phiếu quỹ 1.800 tỷ gửi ngân hàng lãi suất 5%, bây giờ mua cổ phiếu quỹ 30.300 đồng/cổ phiếu, rồi lấy dự án ở các tỉnh, làm thương hiệu cho tốt, cổ phiếu lên 40.000 đồng, kiếm thôi chứ, lý luận nhiều, kiếm tiền được là được, các ông cãi nhau quá kiện quá nên tôi bảo không mua nữa không phải vì tôi sợ".
12h50, vẫn có cổ đông của Star Invest muốn phát biểu, tuy nhiên, ông Thanh nói với cổ đông muốn phát biểu là phụ nữ rằng: "phụ nữ phải nữ công gia chánh" và đề nghị có ý kiến gửi văn bản.
Hơn 13h00 cùng ngày ĐHĐCĐ Vinaconex mới kết thúc.
Theo bizlive.vn
Cổ đông yếu thế trong công ty cổ phần và chỗ dựa tòa án Từ vụ việc nhóm cổ đông nhỏ tại Vinaconex khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty do nhóm cổ đông lớn "áp đặt" nhằm thâu tóm quyền lực trong công ty cho thấy một bài học cần nhớ là lẽ phải không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh và tòa án là nơi...