Một thời bao cấp trong 2.000 tấm tem phiếu
Hoàng Anh Tuấn lần đầu tiên nhìn thấy tờ phiếu thịt năm 25 tuổi, nằm lẫn trong mớ giấy tờ cũ ở hiệu sách.
Đó là một chiều hè năm 2013, trong hiệu sách cũ ở TP Bắc Ninh. Tuấn khi ấy mới tốt nghiệp, tranh thủ cuối tuần đi mua tiểu thuyết trinh thám và thăm lại nơi mình từng thực tế khi còn học trong trường cảnh sát.
Tờ tem thịt phát hành năm 1966, trị giá 5 kg – tiêu chuẩn dành cho cán bộ nhà nước, kẹp trong một mớ giấy có cả bì thư. Hiện vật đặc trưng của thời bao cấp “cho tôi những mường tượng đầu tiên về thời kỳ gian khó chỉ thường xuất hiện trong câu chuyện của cha mẹ”, người đàn ông 33 tuổi, sống ở Gia Lâm (Hà Nội) nhớ lại.
Sau tám năm sưu tầm, anh Tuấn hiện sở hữu gần 2.000 mẫu tem phiếu các loại. Ảnh: Hoàng Phương
Hoàng Anh Tuấn sinh tháng 6 năm 1988, hai năm sau ngày Đại hội Đảng VI (tháng 12/1986) quyết định Đổi mới, xóa bỏ nền kinh tế tập trung, bao cấp. “Thời bao cấp” là từ mà nhiều người Việt vẫn dùng để nhắc về một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được nhà nước bao cấp theo hình thức kế hoạch hóa. Sổ gạo, tem phiếu dùng phân định các mặt hàng nhu yếu phẩm, từ gạo, thịt, mắm muối, chất đốt… Mỗi gia đình tùy vào vị trí công việc, nghề nghiệp và niên hạn, được quy định mặt hàng, số lượng được phép mua.
Tuổi thơ Tuấn không có chút ký ức nào về cái thời cả nước chạy ăn từng bữa. Nhưng mẹ hay kể anh lớn lên một phần nhờ các bác trong cơ quan nhường cho phiếu sữa. Người cha thi thoảng phàn nàn “Chúng mày nào biết ăn cơm độn bo bo là gì” mỗi lần trông thấy đồ ăn thức uống còn thừa trên mâm, phải đổ đi.
Bố mẹ Tuấn đều là cán bộ nhà nước, năm 1989 xin “về hưu một cục” theo chế độ 176 và ra ngoài bươn chải những năm đầu Đổi mới. Người cha vốn là cán bộ trại tạm giam công an chuyển sang buôn bán vật liệu, thầu các công trình xây dựng. Người mẹ từng làm việc trong bệnh viện nhi học thêm ngành dược rồi đi bán thuốc tây. Tuấn cùng hai em trai, em gái lớn lên từ nồi cơm trắng, không phải ăn độn sắn khoai, dù gia đình khi ấy sống ở một vùng trung du của xứ Thanh.
Mẫu phiếu gạo phát hành năm 1953 tại Liên khu Việt Bắc. Ảnh: Hoàng Phương
Anh Tuấn bỏ hơn 100.000 đồng mua lại số giấy tờ và bắt đầu tìm hiểu về tem phiếu từ thời điểm đó, cạnh thú vui sưu tập tiền giấy từ ngày còn là sinh viên. Sau tám năm, anh sở hữu bộ sưu tầm gần 2.000 tem phiếu, chưa kể các loại sổ gạo, bì thư, tranh cổ động. Tấm tem phiếu sớm nhất phát hành năm 1952, mẫu muộn nhất năm 1989 khi mà chế độ phân phối này bị xóa bỏ. Các hiện vật sưu tầm được từ nhiều nơi, nhà dân, hiệu sách cũ, nhưng phần lớn là qua cộng đồng “chơi” tem phiếu. Có người chuyển nhượng, có người tặng nhưng cũng có người bán.
Nhưng có những mẫu tem phiếu không phải cứ bỏ ra vài triệu bạc là mua được mà phải mất công đi lại, giao lưu nhiều lần.
Tuấn quen một người trong giới sưu tầm là bộ đội phục viên ngoài 60 tuổi, còn giữ hàng trăm mẫu tem phiếu. Anh nhiều lần ngả lời mua lại những mẫu phiếu gạo của Liên khu Việt Bắc, nhưng ông không bán. Hiểu ông là người thích giữ kỷ vật để hoài niệm hơn là vì vật chất, Tuấn thường đến chơi dịp cuối tuần, có khi chơi cờ, uống nước, rồi tặng, đổi những hiện vật tương đương như bì thư, tranh cổ động khi đã thân thiết. Sau gần hai chục lần đi 30 km từ Gia Lâm sang Hà Đông vào mỗi dịp cuối tuần, anh được ông nhượng lại 5 mẫu phiếu mua hàng trong quân đội. Có những mẫu tem phiếu anh phải bỏ công lên tận Lạng Sơn, Tuyên Quang để mua, hoặc phóng xe 50 – 60 km lên tận Sóc Sơn, Ba Vì sau giờ làm rồi về tay trắng.
“Ma trận” tem phiếu một thời. Ảnh: Hoàng Phương
Sưu tầm tem phiếu mang lại cho người đàn ông 33 tuổi nhiều hiểu biết về một thời “trăm thứ gì cũng phân”. Như sữa là mặt hàng chỉ dành cho trẻ em và người ốm, bìa mua hàng hộ gia đình do Sở thương nghiệp cấp, đóng dấu đỏ “mất không cấp lại”. Đến chuyện sinh tử cũng được quy định thành giấy tờ để mua hàng. Có giấy khai sinh cho trẻ được mua vải làm tã lót, chậu tắm. Giấy báo tử cho phép chủ hộ mua một quan tài kèm theo một số vải tang.
“Có thể phân phối hàng hóa theo tem phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị thị thường, ngăn trở sự phát triển xã hội thời kỳ này. Nhưng quy định định mức giúp bớt lãng phí trong những năm dài thiếu đói, phù hợp với điều kiện đất nước vừa xây dựng miền Bắc và dồn lực cho kháng chiến ở miền Nam”, anh nhận định.
Điều tiếc nhất với anh Tuấn là trong bộ sưu tập, một số mẫu đã bị rách do thời tiết ẩm của miền Bắc. Học hỏi những người chơi trước, Tuấn mua máy ép, giấy bọc về tự bảo quản tem phiếu. Nhiều hôm anh thức đến 3h sáng để hàn, bọc tem phiếu khi vợ con đã đi ngủ. “Ban đầu ham quá, cô ấy không thích khi thấy mình đem sổ sách, giấy tờ cũ về chật nhà. Có lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng giờ cân bằng được giữa công việc, thú vui thì cũng ổn”, Tuấn kể.
Cuối tháng ba, anh mang tặng Bảo tàng tuổi trẻ gần trăm hiện vật dịp Trung ương Đoàn tròn 90 tuổi, cho Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh mượn trưng bày các mẫu thẻ cử tri bầu cử Quốc hội các khóa. Anh nhận định sưu tầm là thú vui riêng nhưng cần học cách chia sẻ với cộng đồng. Đó là cách mỗi người giữ lại một phần tư liệu, ký ức dân tộc, bên cạnh công tác bảo tồn, bảo tàng của nhà nước.
“Gạo mốc, thịt đông cứng” thời bao cấp. Video: Nhật Quang
Ảnh : T em phiếu thời bao cấp
Đóng cửa phòng COVID-19, đền Bà Chúa Kho vắng khách đến 'vay lộc' đầu năm
Những năm trước du khách nườm nượp kéo về, chen chúc đứng lễ thì năm nay, đền Bà Chúa Kho và các di tích ở Bắc Ninh đóng cửa, dừng đón khách để phòng dịch COVID-19.
Những ngày trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhiều di tích, đình, đền nổi tiếng tại Bắc Ninh như đền Bà Chúa Kho, Đền Cùng- Giếng Ngọc, Đền Đô, chùa Phật Tích... vẫn tấp nập du khách, thậm chí có nơi vẫn tập trung đông đến mức gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Tại Đền Bà Chúa Kho, những ngày cuối năm có hàng nghìn lượt khách đến "trả nợ" mỗi ngày khiến giao thông thường xuyên tắc nghẽn, đặc biệt do lượng khách nhiều, Ban quản lý Đền Bà Chúa Kho phải khuyến cáo, cho từng nhóm vào làm lễ vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.
Sau khi tỉnh Bắc Ninh có yêu cầu đóng cửa toàn bộ các di tích, đình đền, chùa... tạm dừng phục vụ khách tham quan, đi lễ đầu năm để phòng dịch COVID-19. Phóng viên VTC News ghi nhận thực tế tại một số điểm di tích, đình đền tại Bắc Ninh.
Đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh đóng cửa, tạm dừng đón khách để phòng dịch COVID-19.
Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho không đón khách đến hành lễ, xin lộc.
Đền Bà Chúa Kho vắng lặng trong những ngày đầu năm mới.
Các cửa hàng cũng đóng cửa, dừng bán hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hường, thôn Cô Mễ, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh cho biết, gia đình chị cùng phường và Ban quản lý Đền chấp hành theo quy định của thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. "Nhiều khách đến chúng tôi cũng chỉ khuyên đi về khi nào mở cửa trở lại chúng tôi sẽ thông tin lại cho khách đến lễ sau", chị Hường cho hay.
Một số du khách chưa nắm được việc các di tích, đình đền đóng cửa để phòng dịch COVID-19 vẫn tới làm lễ tại đền Bà Chúa Kho nhưng lực lượng chức năng tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu quay về.
Ông Lê Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh cho biết, UBND phường đã chỉ đạo Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, kiên quyết không để du khách vào trong đền làm lễ. Tại các điểm di tích cũng được lắp đặt các biển báo không đón khách.
Đền Trình, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh cũng đóng cửa, không đón khách.
Đền Cùng- Giếng Ngọc, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh cũng đóng cửa ngày đầu năm.
Chùa Phật Tích cũng vắng vẻ những ngày đầu năm mới.
Các điểm di tích, đình chùa không đón khách để chung tay phòng chống dịch COVID-19.
Đền Đô- Di tích Quốc gia đặc biệt cũng đóng cửa từ chiều mùng 2 Tết.
Thông báo tạm dừng đón khách của Đền Đô.
Ảnh: Người dân tâm dịch Chí Linh mang tem phiếu đi chợ theo ngày chẵn - lẻ Sáng 17/2, TP Chí Linh (Hải Dương) triển khai phát thẻ vào chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ nhằm đảm bảo giãn cách, ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Sáng 17/2, các chợ dân sinh trên địa phận TP Chí Linh (Hải Dương) kiểm soát người dân vào chợ bằng tem phiếu. Mỗi gia đình sẽ đi chợ...