Một số nước châu Âu cấm biểu tượng chữ V và Z
Quốc hội Latvia đã thông qua luật cấm hiển thị các chữ cái “Z” và “V” ở nơi công cộng với lý do đây là biểu tượng mà quân đội Nga sử dụng ở Ukraine.
Xe tăng Nga với biểu tượng chữ Z tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ảnh: iNews
Theo đài RT (Nga), Quốc hội Latvia ngày 31/3 đã thông qua luật cấm hiển thị các chữ cái “Z” và “V” ở nơi công cộng với lý do đây là biểu tượng mà quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, hiện là thành viên EU và NATO, đã hành động sau khi chính phủ Ukraine kêu gọi kiểm duyệt các biểu tượng.
Quốc hội Latvia đã sử dụng thủ tục khẩn cấp để bỏ phiếu trong ngày 31/3 về các sửa đổi luật, yêu cầu cấm hiển thị các biểu tượng về “xâm lược quân sự và tội ác chiến tranh” tại các sự kiện công cộng. Các cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tới 400 euro, trong khi các tổ chức có thể bị phạt tới 3.200 euro.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã kêu gọi toàn thế giới “hình sự hóa” việc sử dụng biểu tượng chữ “Z” như một sự ủng hộ Nga. Một nhà ngoại giao Slovenia cùng ngày 31/3 tiết lộ rằng đại sứ quán nước này ở Kiev đã bị yêu cầu hạ quốc kỳ của họ vì nó quá giống với lá cờ của Nga.
RT cho biết một số bang của Đức cũng tuyên bố sẽ phạt các cá nhân hiển thị biểu tượng chữ Z. Nước láng giềng của Latvia là Lithuania (Litva) cũng đang xem xét lệnh cấm hiển thị chữ “Z”.
Latvia vốn đã chính thức cấm các biểu tượng tôn vinh các chế độ Quốc xã trừ khi được sử dụng cho “mục đích giáo dục, khoa học hoặc nghệ thuật”.
Cả hai chữ V và Z đều không thuộc bảng chữ cái tiếng Nga vốn sử dụng hệ thống chữ viết Kirin. Cả hai ký hiệu đã được sử dụng để phân biệt các phương tiện của Nga tham gia các hoạt động quân sự ở Ukraine trong tháng qua.
Một xe tải quân sự của Nga mang biểu tượng chữ Z tại Mykolaivka, vùng Donetsk vào ngày 27/2/2022. Ảnh: AP
Theo đài NPR, từ trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, người ta đã thấy chữ “Z” được viết trên các xe tăng và phương tiện quân sự khác của nước này tập trung gần biên giới. Với việc cả Nga và Ukraine sử dụng xe tăng và xe tải tương tự nhau, ban đầu người ta cho rằng điều này nhằm mục đích phân biệt các đơn vị khác nhau để tránh “hỏa lực thân thiện” và hỗ trợ việc huy động lực lượng.
Một số người suy đoán rằng chữ “Z” có thể là viết tắt của “zapad”, có nghĩa là “phía tây” trong tiếng Nga.
Tài khoản Instagram của Bộ Quốc phòng Nga đã đăng cả ký hiệu “Z” và “V” với thông điệp “quyết thắng” và “chúng ta kết thúc chiến tranh”. Một thông điệp khác nói rằng “Chúng tôi có trách nhiệm đối với thế giới / hòa bình”. Những dải ruy băng màu đen và cam tạo thành chữ “Z” được hiển thị trên tài khoản này là “Ruy băng Thánh George”, vốn là biểu tượng tưởng nhớ những người Nga đã hy sinh trong Thế chiến thứ hai.
Không có gì lạ khi các phương tiện quân sự có các dấu hiệu để giúp cả binh lính và chỉ huy của họ nhận diện và tổ chức đội hình trong một cuộc chiến hỗn loạn. Một trong những dấu hiệu nổi tiếng nhất là dấu thập đỏ hoặc lưỡi liềm đỏ để phân biệt các phương tiện y tế.
Bất kể ý nghĩa quân sự ban đầu của nó là gì, chữ “Z” đã trở thành một biểu tượng để ủng hộ chiến dịch của Nga tại Ukraine ở cả trong và ngoài nước.
Vận động viên thể dục dụng cụ người Nga Ivan Kuliak đã phải đối mặt với án kỷ luật của Liên đoàn Thể dục dụng cụ Quốc tế (FIG) sau khi dán biểu tượng này vào trang phục thi đấu tại sự kiện World Cup thể dục dụng cụ ở Qatar. Kuliak đã đứng cạnh vận động viên Illia Kovtun, người Ukraine. FIG sau đó đã cấm cả các vận động viên Nga và Belarus thi đấu trong các sự kiện của mình.
Moskva đã đưa quân vào Ukraine vào cuối tháng 2, sau 7 năm bế tắc mà Nga cho là do Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk và chấm dứt xung đột với các khu vực ly khai Donetsk và Lugansk. Ngay trước khi phát động chiến dịch Nga đã công nhận hai khu vực này là quốc gia độc lập.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Trong khi đó Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass bằng vũ lực.
Video đang HOT
Nhìn lại cuộc chiến ở Ukraine sau một tháng
Tròn một tháng từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu tại Ukraine, tình hình chiến sự vẫn trong thế giằng co trong khi chưa đạt bước đột phá trên bàn đàm phán để chấm dứt xung đột.
Điểm nóng thực địa
Một tháng từ khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga vẫn chưa thể kiểm soát các thành phố chủ chốt của Ukraine. Tại Kyiv, lực lượng Nga được cho là tìm cách bao vây từ nhiều hướng nhưng theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, lực lượng Nga có vẻ đang thiết lập vị trí phòng thủ tại khu vực 15 - 20 km bên ngoài Kyiv khi không thể tiến được nhiều về phía trung tâm thủ đô.
Quan chức này nhận định có vẻ lực lượng Nga không còn cố gắng tiến quân vào thành phố và tại một số khu vực phía đông của Kyiv, binh sĩ Ukraine đã đẩy lui binh sĩ Nga ra xa hơn.
Một đoàn xe quân sự bị phá hủy tại thị trấn Bucha phía tây Kyiv. Ảnh REUTERS
Thay vào đó, Nga được cho là đang ưu tiên chiến đấu tại vùng Donbass, đặc biệt là Donetsk và Luhansk, nhằm cắt đứt liên lạc giữa lực lượng Ukraine và ngăn lực lượng chi viện cho các thành phố.
Quân đội Ukraine ngày 24.3 thông báo Nga vẫn đang tìm cách khôi phục chiến dịch kiểm soát Kyiv, Chernihiv, Sumy, Kharkiv và Mariupol. Để giải quyết tình trạng thiếu binh sĩ, Nga đang điều các đơn vị mới đến gần biên giới Ukraine và huy động binh sĩ gần đây phục vụ tại Syria. Dù vậy, giới lãnh đạo Nga vẫn liên tục tuyên bố chiến dịch quân sự diễn ra đúng kế hoạch.
Tổn thất chiến sự
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 23.3 thông báo Nga đã phá hủy 184 máy bay và trực thăng của Ukraine, 246 máy bay không người lái, 189 hệ thống tên lửa phòng không, 1.558 xe tăng và các loại xe thiết giáp chiến đấu, 156 giàn phòng rốc két đa nòng, 624 khẩu pháo các loại và 1.354 xe quân sự, theo TASS.
Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo đến ngày 23.3, Nga thiệt hại 101 máy bay, 124 trực thăng, 517 xe tăng, 267 khẩu pháo, 1.578 xe thiết giáp, 80 giàn phóng rốc két đa nòng, 4 tàu, 1.009 xe quân sự, 70 xe tiếp nhiên liệu, 42 máy bay không người lái, 47 giàn phóng tên lửa phòng không và 15 xe hậu cần, theo The Kyiv Independent.
Xác xe tăng Nga bị bắn cháy tại vùng Sumy. Ảnh REUTERS
Về thương vong, Ukraine ước tính xấp xỉ 15.600 binh sĩ Nga tử trận nhưng con số chưa được xác nhận. Trong thông báo gần nhất ngày 2.3, Nga cho biết có 498 binh sĩ Nga tử trận và 1.597 binh sĩ bị thương.
Một quan chức quân sự cấp cao của NATO ngày 23.3 ước tính khoảng 7.000 - 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng chỉ trong 4 tuần tham chiến tại Ukraine, theo AP. Tính luôn cả binh sĩ thiệt mạng và bị thương, con số có thể lên đến 30.000 - 40.000 người.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 12.3 thông báo có khoảng 1.300 binh sĩ Ukraine thiệt mạng. Một quan chức Mỹ ngày 10.3 ước tính 2.000 - 4.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng.
Dân thường và người tị nạn
Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền thông báo đến ngày 23.3, con số dân thường thiệt mạng là 977 người và 1.594 người bị thương. Con số chưa được cả Nga và Ukraine xác nhận.
Người tị nạn Ukraine tại cửa khẩu biên giới với Ba Lan.Ảnh REUTERS
Theo ước tính của Văn phòng cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, tính từ ngày 24.2 đến ngày 24.3, có 3.636.546 người Ukraine sang các nước khác để tị nạn, trong đó hơn 2,1 triệu người sang Ba Lan. Bên cạnh đó, còn có 113.000 người khác di chuyển từ hai vùng Donetsk và Luhansk sang Nga từ ngày 21 - 23.2.
Hơn 10 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa trong vòng một tháng qua.
Người dân tại Mariupol xếp hàng chờ nhận đồ tiếp tế ngày 23.3. Ảnh REUTERS
Tiến trình đàm phán
Hai bên đã trải qua ít nhất 5 vòng đàm phán và một cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10.3. Ba vòng đàm phán đầu tiên diễn ra tại biên giới Belarus với Ukraine trong đó phía Ukraine yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và rút binh sĩ Nga khỏi Ukraine. Nga yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ Nga, công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, yêu cầu Ukraine phi quân sự.
Dù không đạt được thỏa thuận nào nhưng hai bên đồng ý mở các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.
Vòng đàm phán thứ tư diễn ra từ ngày 14 - 17.3 theo hình thức trực tuyến. Tại đây, một kế hoạch 15 điểm được đưa ra, theo đó lực lượng Nga rút khỏi các vị trí tấn công tại Ukraine, quốc tế phải đảm bảo an ninh cho một Ukraine trung lập và đổi lại, Kyiv sẽ không gia nhập NATO.
Vòng đàm phán thứ năm diễn ra vào ngày 21.3 nhưng cũng không tạo ra đột phá. Tổng thống Zelensky đề nghị gặp trực tiếp Tổng thống Putin nhưng Điện Kremlin cho rằng cuộc gặp cấp lãnh đạo chỉ diễn ra khi đạt kết quả cụ thể trong những vòng đối thoại trước.
Phản ứng quốc tế, các bên hỗ trợ
Ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi nước này ngay lập tức ngừng chiến dịch. Ngày 25.2, Nga phủ quyết nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chiến dịch này. Ngày 2.3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga chấm dứt cuộc chiến và rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine. 141 nước bỏ phiếu thuận, 5 nước bỏ phiếu phản đối và 35 nước bỏ phiếu trắng.
NATO đã tăng cường lực lượng đến sườn phía đông của khối để đề phòng và trong diễn biến mới nhất, Tổng thư ký Jens Stoltenberg thông báo sẽ triển khai thêm 4 nhóm tác chiến mới đến Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
NATO và nhiều nước cũng đồng loạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không. Theo ước tính trong chưa đầy một tuần đầu tiên, các thành viên NATO cung cấp hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine.
Một số nước NATO còn có ý định cung cấp chiến đấu cơ, hệ thống tên lửa cho Ukraine nhưng kế hoạch chưa được thực hiện vì một số lý do. Ukraine đề nghị NATO thiết lập vùng cấm bay tại nước này nhưng bị bác bỏ vì nguy cơ xảy ra đụng độ NATO với Nga.
Thành viên lực lượng phòng vệ Ukraine tập sử dụng vũ khí chống tăng do nước ngoài viện trợ. Ảnh REUTERS
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 6.3 thông báo xấp xỉ 20.000 binh sĩ nước ngoài tình nguyện tham gia lực lượng phòng thủ của Ukraine. Phía Nga tuyên bố "lính đánh thuê nước ngoài" sẽ không được bảo vệ theo Công ước Geneva và sẽ bị coi như tội phạm.
Ngày 11.3, Nga thông báo 16.000 tình nguyện viên từ Trung Đông sẵn sàng gia nhập cuộc chiến cùng lực lượng ly khai tại Donbass. Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho những tay súng này tham gia chiến dịch.
Cấm vận
Sau khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, phương Tây và nhiều nước khác đã ban hành loạt cấm vận khổng lồ lên nền kinh tế Nga. Hàng loạt quan chức, giới tài phiệt, các công ty Nga và ngay cả cá nhân Tổng thống Putin bị cấm vận. Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng tài sản, nhiều ngân hàng bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, nhiều nước tước quy chế "tối huệ quốc" đối với Nga.
Nhiều công ty nước ngoài cũng rút khỏi Nga trong khi máy bay Nga bị cấm sử dụng không phận tại nhiều nước. Moscow cũng đáp trả bằng cách áp đặt lệnh cấm máy bay của nhiều nước sử dụng không phận Nga.
Nga cũng cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm đến hết năm 2022, ngăn chặn trả lãi cho nhà đầu tư nước ngoài giữ trái phiếu chính phủ Nga, cấm công ty Nga trả cổ tức cho cổ đông nước ngoài, ngăn nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản tại Nga như cổ phiếu, trái phiếu.
Nga cũng cấm vận Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao. Mới nhất, Tổng thống Putin ra lệnh yêu cầu khách hàng nước ngoài thuộc danh sách "nước không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Tác động đối với thế giới
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo xung đột Ukraine đặt ra nguy cơ kinh tế to lớn cho khu vực và quốc tế. IMF và Ngân hàng Thế giới thông báo đã dành ra những khoản hỗ trợ kinh tế tài chính cho Ukraine và các nước bị ảnh hưởng.
Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu thô, kim loại lớn nhất thế giới, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới về ngũ cốc, khí tự nhiên và phân bón nên từ khi chiến sự xảy ra, giá dầu và các mặt hàng nói trên đã tăng vọt giữa lo ngại khan hiếm nguồn cung. Giá dầu Brent vượt mốc 130 USD/thùng lần đầu tiên từ năm 2008. Nga và Ukraine cũng là những nước xuất khẩu lúa mì, bắp thuộc tốp đầu thế giới nên cuộc xung đột đã đặt ra đe dọa về an ninh lương thực.
Tranh cãi về vũ khí hóa học, vũ khí bội siêu thanh
Bộ Quốc phòng Nga cuối tuần qua thông báo đã sử dụng tên lửa bội siêu thanh Kinzhal nhằm vào một kho vũ khí tại miền tây Ukraine. Hãng thông tấn Interfax đưa tin đây là lần đầu tiên Nga sử dụng vũ khí bội siêu thanh trong chiến dịch tại Ukraine. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ ngày 21.3 đánh giá việc sử dụng vũ khí bội siêu thanh không có ý nghĩa về mặt quân sự mà có thể là chủ đích của Nga nhằm gửi thông điệp để Ukraine nhượng bộ thêm trên bàn đàm phán. Hoặc cũng có khả năng Nga sử dụng vũ khí bội siêu thanh vì thiếu nguồn cung các loại vũ khí dẫn đường chính xác cao khác.
Mặt khác, Nga cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học đối với chính người dân nước này nhằm đổ tội cho Moscow.
Trước đó, Nga cũng triệu tập cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bàn về việc Mỹ tài trợ cho những hoạt động sinh học quân sự tại Ukraine. Phía Mỹ cho rằng cáo buộc của Nga có thể là cái cớ để Moscow sử dụng loại vũ khí này tại Ukraine.
Trong khi đó, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị nói tại Hội đồng rằng Liên Hiệp Quốc không nhận thấy thông tin về chương trình vũ khí sinh học nào đang được thực hiện tại Ukraine.
Ba Lan cảnh báo Nga mở rộng chiến dịch quân sự sang các nước sau Ukraine Thủ tướng Ba Lan lo ngại Nga có thể mở chiến dịch quân sự tại nước này, Phần Lan hoặc các quốc gia Baltic sau Ukraine. Xe tăng Nga ở bắc Crimea (Ảnh: Tass). "Tổng thống Vladimir Putin muốn phát triển chính sách cứng rắn của mình, chiến dịch quân sự của ông ấy. Ông ấy đã bắt đầu ở Gruzia, bây giờ...