Một số hạng mục ở Thương xá Tax được xem xét bảo tồn
Những con gà ở chân cầu thang, sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn hoặc các đầu cầu thang trạm trổ… của trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TP HCM có thể sẽ được bảo tồn.
UBND TP HCM vừa có văn bản giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo chính xác về quá trình hình thành và thay đổi theo thời gian của Thương xá Tax; chủ trương trước đây của thành phố định hướng quy hoạch và bảo tồn trung tâm thương mại này. Đồng thời tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học và đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu đề xuất cụ thể việc bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax.
Thương xá Tax tiếp giáp 3 đại lộ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur. Từ ngày 25/9, nơi này đã ngừng hoạt động, hiện một số hạng mục phụ cận đang được tháo dỡ. Ảnh: Thương xá Tax.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một Thành Viên (SATRA) được giao làm việc lại với đơn vị tư vấn thiết kế để nghiên cứu kỹ, đề xuất cụ thể giải pháp bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax và báo cáo thông qua Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch thành phố trước khi trình UBND thành phố.
Trước đó, sau khi có thông tin Thương xá Tax sắp bị phá dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại hiện đại 40 tầng, ngày 5/10, đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP HCM đã gửi thư các cơ quan ban ngành đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần công trình này.
Theo nội dung thư, giải pháp được đề nghị trước tiên là giữ nguyên trạng “phần sảnh lobby chính, cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính của Thương xá Tax” để sau này “tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới sẽ được xây dựng thay thế”. Còn nếu giải pháp trên không được thực hiện thì lá thư đề nghị “sẽ có một giải pháp khác để tháo dỡ, di chuyển và giữ lại các phần thiết kế (sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn và các đầu cầu thang trạm trổ) của cầu thang và lobby sảnh chính”.
Video đang HOT
Đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan hứa có thể đứng ra tự thu xếp nhân công và chi phí để thực hiện giải pháp thứ hai. Sau này các bộ phận được tháo dỡ sẽ được “tích hợp vào các công trình bảo tàng và tôn tạo khác một cách có hệ thống và chuyên nghiệp thay vì chỉ đập bỏ, chia nhỏ hay phân tán cho mỗi nơi một mẩu”.
Cầu thang sảnh chính của Thương xá Tax, một trong những khoản mục được giữ nguyên bản từ năm 1924 được đề nghị bảo tồn. Ảnh: Trung Sơn.
Tiếp đó, ngày 8/10, Bộ Văn hóa cũng có công văn đề nghị UBND TP HCM giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có phương án xử lý hiệu quả trong việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thương xá Tax và có văn bản gửi Bộ sau khi đã có phương án thống nhất.
Tại cuộc họp vào chiều 16/10 về kinh tế – xã hội TP HCM trước kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa 13, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch cũng đề nghị UBND thành phố mời các nhà khoa học, giới tri thức góp ý về đề án phá bỏ Thương xá Tax. Lý do vì đây là một cảnh quan lịch sử, gắn liền với trụ sở UBND TP HCM và Nhà hát thành phố…
Mới đây nhất, tại cuộc họp ngày 21/10, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận thay mặt Thường trực UBND thành phố ghi nhận đề nghị của đại biểu Quốc hội và cử tri thành phố xung quanh đề án xây dựng liên quan đến Thương xá Tax. Tuy nhiên, cụ thể sẽ bảo tồn được những hạng mục gì, cách thức bảo tồn ra sao, điều chỉnh thiết kế công trình xây mới như thế nào… vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Thương xá Tax là một trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng hàng đầu tại TP HCM với diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1, tiếp giáp 3 đại lộ mua bán sầm uất và nhộn nhịp nhất thành phố là Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur.
Được xây dựng vào năm 1880, Thương xá Tax cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP HCM) được xem là những biểu tượng của Sài Gòn. Thông tin Thương xá Tax bị tháo dỡ để phục vụ việc thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên và xây cao ốc 40 tầng đã khiến nhiều người dân Sài Gòn luyến tiếc.
Trung Sơn
Theo VNE
Xin một... đoạn cầu thang của Thương xá Tax về lưu giữ!
Trước sự "lên tiếng" của giới khoa học và dư luận về những được - mất khi phá bỏ Thương xá Tax để thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, UBND TPHCM vừa có buổi lấy ý kiến về việc bảo tồn trung tâm mua sắm lâu đời nhất Sài Gòn này.
Khu mua sắm lâu đời nhất Sài Gòn được xây dựng năm 1880 sắp trở thành "ký ức" với người dân thành phố (nguồn internet)
Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM và đáp ứng yêu cầu của Ban quản lý Đường sắt Đô thị về việc tháo dỡ và bàn giao một phần mặt bằng phục vụ công tác thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên vào ngày 1/10/2014, để đảm bảo an toàn trong quá trình tháo dỡ và bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, Thương xá Tax đã ngừng đón khách vào tham quan mua sắm và dừng mọi hoạt động kinh doanh từ ngày 25/9/2014. Theo đó, Thương xá Tax đã bàn giao khoảng 500 m2 mặt bằng ở số 39 Lê Lợi cho Ban Quản lý Đường sắt Đô thị để thi công tháp thông gió nhà ga Nhà hát thành phố tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.
Vấn đề bảo tồn một số hạng mục còn lại của Thương xá Tax được giới khoa học học, trí thức và dư luận đề cập tới khi hay tin phần còn lại của công trình lâu đời và mang nhiều ý nghĩa văn hóa này sẽ bị đập bỏ để xây dựng trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn cao 40 tầng.
Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM xin đoạn cầu thang của Thương xá Tax để về lưu giữ (nguồn internet)
Một trong những luồng ý kiến này được đưa ra từ Tổng lãnh sự quán Ba Lan tại TPHCM, thông qua bức thư gửi đến UBND TP và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần của công trình này. Ngay sau đó, phía Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cũng đã gửi công văn đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP để xin đoạn cầu thang của Thương xá Tax để đưa về lưu giữ. Bởi, đoạn cầu thang này có kiến trúc rất đẹp và cùng năm xây dựng với kiến trúc của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố - năm 1924.
Tại cuộc họp ngày 21/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã lắng nghe ý kiến của các sở, ngành về đề nghị bảo tồn công trình Thương xá Tax. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp lãnh đạo, thành phố cũng chưa đưa ra kết luận cụ thể là sẽ bảo tồn được những hạng mục gì, điều chỉnh thiết kế công trình xây mới như thế nào, cách thức bảo tồn ra sao... mà vẫn đang dừng ở mức giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP chủ trì tổng hợp ý kiến, đề xuất cách thức bảo tồn một số hạng mục của công trình này, để báo cáo Thường trực UBND TP xem xét.
Thương xá Tax được người Pháp xây dựng vào năm 1880, là một trong những trung tâm thương mại lâu đời nhất tại Sài Gòn. Qua 7 lần nâng cấp, sửa chữa kể từ năm 1942 đến nay, Thương xá Tax gần như là được phục giữ nguyên trạng.
Nơi đây không chỉ được xếp vào danh sách 5 điểm mua sắm được yêu thích nhất tại TPHCM mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của người Sài Thành. Cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Hội trường Thống Nhất, tòa nhà UBND TP, Thương xá Tax được xem là những biểu tượng của Sài Gòn, mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa.
Quốc Anh
Theo Dantri
Không để Hà Nội bị phai nhạt trong vùng không gian rộng lớn "Sáp nhập với Hà Tây, về lâu dài tạo sự phát triển cho Hà Nội. Nhưng nếu không có cái nhìn sâu sắc, trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ bị phai nhạt, bị hòa đồng với vùng nông thôn rộng lớn ở xung quanh", Giáo sư Phan Huy Lê nói. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng...