Một số đề nghị xây dựng luật chưa đủ căn cứ khoa học, thực tiễn
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng chất lượng một số đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo luật còn hạn chế. Nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ký, không đóng dấu. Một số đề nghị xây dựng luật chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bộ Tư pháp vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 4 tháng đầu năm 2018.
Nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật không ký, không đóng dấu
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, 4 tháng đầu năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên; các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng nên việc chuẩn bị các dự luật (trừ một số dự án xin lùi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cơ bản hoàn thành. Nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành đúng thời hạn, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Nội dung các văn bản quy định chi tiết cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi.
Tuy vậy, Bộ Tư pháp thẳng thắn cho rằng chất lượng một số đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo luật còn hạn chế. Báo cáo của Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị về Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 và công văn của Ủy ban Tư pháp mới đây cũng phản ánh tình trạng nhiều tài liệu trong hồ sơ dự án luật mà Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ký, không đóng dấu.
Một số đề nghị xây dựng luật chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài; đánh giá về dự kiến nguồn lực hoặc dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.
“Thực tế, một số đề nghị xây dựng luật do Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 nhưng không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Dự phòng và nâng cao sức khỏe hoặc đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, làm rõ thêm các chính sách (Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)) và các nội dung sửa đổi về xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…. 2 dự án Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định rút ra khỏi Chương trình Kỳ họp thứ 5 là Luật Dân số và Luật Quản lý phát triển đô thị”- Bộ Tư pháp chỉ rõ.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định.
Video đang HOT
Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn, số lượng văn bản nợ ban hành là 18 văn bản, đặc biệt, có 8/18 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ. Có những văn bản nợ kéo dài từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Căn cứ để Quốc hội xem xét, đánh giá tín nhiệm
“Lãnh đạo một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự quan tâm, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là xây dựng các dự án luật. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật có lúc còn chưa nghiêm”- Bộ Tư pháp nêu nguyên nhân thực trạng.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan còn hạn chế, có Bộ chưa thực sự chủ động, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc cập nhật thông tin tiến độ soạn thảo, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc. Trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản…
Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình, ban hành văn bản, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.
Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, tiến hành kiểm điểm, nhắc nhở các bộ, cơ quan ngang bộ tại các phiên họp của Chính phủ và lấy đó làm tiêu chí để Quốc hội xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Các Bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 86 văn bản quy định chi tiết thi hành 17 luật và các nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới nhất là đối với 58 văn bản quy định chi tiết 9 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018, phải ban hành bảo đảm chất lượng, tiến độ của văn bản, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để tái diện tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản.
Thế Kha
Theo Dantri
"Cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cánh cửa"
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường...
Ngày 26/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác tới kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Tư pháp.
Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm qua, Bộ Tư pháp có rất nhiều đổi mới, giúp Chính phủ, Thủ tướng bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là trong việc quan tâm xây dựng hoàn thiện thể chế, Bộ đã đi đầu, gương mẫu, đoàn kết, trách nhiệm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp
Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ Tư pháp hết sức quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ kế cận; có những phản ứng kịp thời để xử lý những vụ kiện, tranh chấp quốc tế; phối hợp với các cấp, ngành để xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiện nay, Bộ Tư pháp quản lý 98 điều kiện kinh doanh tại 6 luật và 4 nghị định. Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo sát sao, rà soát và đề xuất đơn giản, cắt giảm, bãi bỏ 43 trong 98 điều kiện kinh doanh.
Bộ trường Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát lược bỏ những chính sách chồng chéo, chung chung. Theo ông Mai Tiến Dũng, những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu.
Cũng đánh giá cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc "gác cổng" văn bản pháp luật, rà soát điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, việc đánh giá tác động rất quan trọng, nếu thực hiện hình thức sẽ không góp phần nâng cao chất lượng văn bản.
Cũng theo ông Hiếu, khi rà soát chất lượng văn bản pháp luật, không phải chỉ để cắt, giảm các điều kiện kinh doanh mà là để phát hiện, loại bỏ bất kể quy định nào là rào cản.
Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm, cần loại bỏ những điều kiện hạn chế gia nhập thị trường như văn phòng phải bao nhiêu m2 để lưu trữ tài liệu. Nhưng trong lĩnh vực tư pháp, không thể "hạ" các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm hành nghề chất lượng, có trách nhiệm đạo đức.
"Luật sư khi mở văn phòng phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm, phải đáp ứng yêu cầu đạo đức, không thể một người lừa dối làm việc này, việc kia mà chúng ta cho mở công ty luật được. Hay một công chứng viên nếu không đáp ứng được yêu cầu năng lực chuyên môn để bảo đảm hành nghề, không phát hiện được giấy tờ giả hoặc vì tham vọng, vi phạm đạo đức xác định sai một giao dịch thì hệ quả khôn lường", Bộ trưởng Long nói.
Bộ trưởng Bộ tư Pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Long cam kết, các điều kiện sẽ được rà soát tính toán kỹ với tinh thần tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp hoạt động, giải phóng sức lao động, giảm thiểu các điều kiện gia nhập thị trường, không dùng hàng rào kỹ thuật để hạn chế.
"Cái gì liên quan đến yêu cầu vị trí hành nghề, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp thì phải bảo đảm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đồng tính với ý kiến của Bộ trưởng Tư pháp.
Nhưng theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì phải rà soát, cương quyết bãi bõ những điều kiện kinh doanh, những tiêu chí "nhiều nghĩa, mập mờ nghĩa bóng, nghĩa đen, hiểu thế nào cũng được".
Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường...
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chính là dư địa tăng trưởng. Cho nên cần làm quyết liệt, tránh việc "không giữ được nhịp độ, hôm nay không nợ đọng, mai lại nợ đọng".
Quang Phong
Theo Dantri
Đánh thuế 45% tài sản "bất minh": Bộ trưởng Bộ Tư Pháp nói gì? Trả lời chất vấn của các ĐBQH về vấn quy định đánh thuế 45% với tài sản "bất minh" của quan chức đang gây tranh cãi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ông là thành viên Chính phủ nên sẽ tuân theo ý kiến của Chính phủ. Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn của các ĐBQH...