Một sản phụ mang song thai tự nhiên cực kỳ hiếm gặp
Người phụ nữ 23 tuổi mang song thai tự nhiên được 7 tuần. Tuy nhiên, một thai nằm trong tử cung và một thai nằm ngoài.
“Đây là trường hợp rất hiếm gặp với tần suất 1/30.000 ca mang thai tự nhiên”, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, cho hay.
Thai phụ trên trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, đi khám tại nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được là có một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung.
5 ngày trước khi đến cơ sở y tế trên, nữ bệnh nhân thấy đau bụng nhưng chỉ nghĩ là rối loạn tiêu hóa, không đi khám, sau đó cơn đau xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán dọa sẩy thai kèm rối loạn tiêu hóa, điều trị một ngày thì được kê đơn thuốc về nhà uống.
Sau uống thuốc, thai phụ thấy buồn nôn, chóng mặt, đau bụng. Bệnh viện tuyến huyện chẩn đoán chị có nhiều dịch trong ổ bụng, nghi ngờ có thể do nang buồng trứng bị vỡ nên được chuyển tuyến tới tỉnh.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, qua siêu âm, bác sĩ nhận thấy có một thai trong tử cung (7 tuần), chiều dài phôi 7,1 mm, nhịp tim thai 156 lần/phút; đồng thời có một khối tăng âm kích thước 51×27 mm cạnh trái tử cung; dịch tự do ổ bụng khoang sâu nhất 29 mm.
Theo bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc bệnh viện, thai phụ đến bệnh viện trong tình trạng chảy máu trong ổ bụng, nghi ngờ do vỡ nang buồng trứng nên cần phẫu thuật cấp cứu để cầm máu. Tuy nhiên, thai nhi phát triển trong tử cung được 7 tuần, nếu do vỡ nang hoàng thể thai nghén thì khi phẫu thuật sẽ gây tổn thương nang hoàng thể dẫn tới thiếu hụt nội tiết và gây sẩy thai.
Video đang HOT
Để đảm bảo an toàn cho thai nhi trong tử cung, bác sĩ quyết định tiêm thuốc nội tiết Progesteron trước khi mổ để chống sẩy thai do giảm nội tiết, sau đó mới phẫu thuật nội soi.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ phát hiện khối thai ngoài tử cung ở bóng vòi tử cung có đường kính 3 cm, chiều dài 5 cm chuyển màu tím sẫm và có điểm vỡ chảy máu.
Bên cạnh việc thao tác cẩn thận, tỉ mỉ cắt khối chửa ngoài tử cung, lấy hết máu cục rửa sạch ổ bụng để tránh áp xe tồn dư và dính ruột, ê-kíp phẫu thuật phải thực hiện rất nhẹ nhàng hạn chế động chạm vào tử cung, tránh gây bong rau dẫn tới sảy thai đang phát triển trong tử cung.
Ca phẫu thuật thực hiện thành công sau gần 2 giờ. Người phụ nữ được truyền 4 đơn vị hồng cầu 250 ml và 4 đơn vị huyết tương, tiếp tục được điều trị giữ thai bằng thuốc nội tiết và thuốc giảm co tử cung.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ khi thấy chậm kinh 7-10 ngày cần phải đi siêu âm để xác định xem có thai trong hay ngoài tử cung. Trường hợp siêu âm thấy thai phát triển trong tử cung thì vẫn phải kiểm tra xem có thai ngoài tử cung hay không.
Hơn nữa, khi phụ nữ có dấu hiệu đau bụng, trước tiên cần phải đi khám chuyên khoa để xem có phải nguyên nhân do thai nghén hay không. Khi loại trừ nguyên nhân thai nghén, bạn mới nên đi khám các chuyên khoa khác để đảm bảo được điều trị đúng bệnh lý.
Sự nguy hiểm khi mang thai mắc lao
Bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng đối với bà mẹ mang thai. Nó có thể khiến suy thai, sảy thai, thai chết lưu, lây bệnh cho thai nhi...
Ngoài ra, bệnh lao phá hủy phổi và những bộ phận khác của cơ thể, và có thể gây tình trạng trầm trọng.
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác. Khi người mẹ mắc bệnh thì những đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai, đó là lao bẩm sinh, việc điều trị sẽ rất khó khăn.
Bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng đối với bà mẹ mang thai. Nó có thể khiến suy thai, sảy thai, thai chết lưu, lây bệnh cho thai nhi... Ảnh minh họa
Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc lao?
Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ và nuôi con lại dễ bị mắc lao hơn so với các lứa tuổi khác và nam giới là do rất nhiều yếu tố. Trong đó đáng kể nhất là sự thay đổi các nội tiết tố oestrogen, progesteron. Sự xuất hiện nội tiết tố rau thai làm cho các cơ quan phục vụ cho quá trình mang thai chuẩn bị cho cuộc đẻ và nuôi con như hệ sinh dục, vùng chậu hông, da, cơ... tăng cường chuyển hóa các chất, ngấm nhiều nước hơn,... kéo theo cả tổ chức phổi - những tổ chức xơ sẹo trở nên mềm hơn, làm cho vi khuẩn lao dễ dàng hoạt động và tấn công hơn.
Bên cạnh sự thay đổi nội tiết, khi mang thai, cơ thể người mẹ giảm miễn dịch tự nhiên để chấp nhận một cơ thể lạ mà một nửa là của người khác; do ăn uống không đủ chất; sự vất vả trong mang thai, cuộc đẻ và lúc nuôi con... cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến họ dễ nhiễm lao hơn bao giờ hết.
Khi mắc lao, thai phụ sẽ xuất hiện các triệu chứng khá điển hình như: ho (thường kéo dài 3 tuần hoặc hơn), đau ngực, mỏi mệt, chán ăn, cảm giác ăn không ngon, ớn lạnh, sốt hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm...
Nên làm gì khi nghi ngờ mắc lao?
Bà bầu cần thực hiện theo hướng dẫn sau đây khi nghi ngờ mắc lao:
Làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện chuyên khoa. Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo. Dùng thuốc điều trị bệnh lao theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất, có giá trị dinh dưỡng cao.
Bệnh nhân cần phải tái khám liên tục, khám thai định kỳ để có những điều chỉnh kịp thời vì thuốc chữa bệnh lao mang hàm lượng kháng sinh rất mạnh nên thuốc dùng cho phụ nữ mang thai ở mỗi giai đoạn khác nhau bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Có chế độ nghỉ ngơi thích hợp để giảm sự hô hấp, có lợi cho phục hồi vùng phổi.
Sau khi sinh con, người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất để phục hồi sức khỏe và cần nghiêm túc thực hiện đúng phác đồ điều trị lao, không để vi khuẩn lao kháng thuốc. Ảnh minh họa
Cách chăm sóc trẻ sau sinh khi mẹ đang nhiễm và điều trị lao
Sau khi sinh con, người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất để phục hồi sức khỏe và cần nghiêm túc thực hiện đúng phác đồ điều trị lao, không để vi khuẩn lao kháng thuốc. Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được viêm BCG sớm (bắt buộc) để phòng bệnh lao sơ nhiễm.
Khi mẹ bị nhiễm lao hay đang trong quá trình điều trị bệnh lao, cần thực hiện theo đúng lời khuyên của bác sĩ và nhân viên y tế về các kế hoạch chăm sóc bé.
Đối với những người mẹ vẫn còn vi khuẩn lao ở trong đờm, cần tuyệt đối tránh không cho bé bú sữa mẹ khi mẹ đang bị lao phổi. Người mẹ cũng nên cách ly bé để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho bé.
Để an toàn cao nhất, mẹ mắc lao không nên chăm sóc trẻ, ôm, hôn hay có những cử chỉ tiếp xúc thân mật, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh truyền trực tiếp sang cho con. Việc này cần thực hiện nghiêm túc cho đến khi mẹ xét nghiệm vi khuẩn lao âm tính.
Thường xuyên đeo khẩu trang và uống thuốc điều trị đúng liều lượng, quy định của bác sĩ chuyên khoa.
Cứu sống sản phụ thai ngoài tử cung hiếm gặp Khoa Phụ ngoại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi cho sản phụ 36 tuổi mang thai ngoài tử cung, bám tại buồng trứng. Đây là vị trí thai ngoài hiếm gặp, đã có biến chứng chảy máu trong ổ bụng. Nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng người...