Một quận tại TPHCM đóng cửa quán rượu bia vì “đổi màu cam”
Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết, địa phương đã chỉ đạo các hàng quán ăn uống cần giảm công suất xuống 50%, nhà hàng không phục vụ đồ uống có cồn.
Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM chiều 9/12, phóng viên Dân trí đặt câu hỏi tới lãnh đạo UBND quận 4 về các biện pháp đã áp dụng sau khi cấp độ dịch của địa phương tăng từ 2 lên 3 hồi đầu tuần qua. Nguyên nhân khiến địa phương tăng cấp độ dịch Covid-19 và hướng khắc phục ra sao?
Trả lời câu hỏi trên, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết, trong thời gian mở lại các hoạt động, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có sự gia tăng. Nguyên nhân chính bởi sự giao lưu, tiếp xúc, đi lại, làm việc của người dân đã từng bước khôi phục.
Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, tại buổi họp báo (Ảnh: Q.H.).
“Ngay khi cấp độ dịch trên địa bàn gia tăng, UBND quận 4 đã chỉ đạo các phường, trung tâm y tế tăng cường truyền thông cho người dân đảm bảo các biện pháp an toàn. Các hàng quán ăn uống cần giảm công suất xuống 50%, nhà hàng không phục vụ đồ uống có cồn”, bà Đỗ Thị Trúc Mai chia sẻ.
Đối với các cửa hàng, nhà hàng vi phạm các quy định hạn chế theo cấp độ dịch, đội kiểm tra địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm soát để xử lý.
Đối với các biện pháp sẽ áp dụng thời gian tới, lãnh đạo UBND quận 4 cho biết, điều quan trọng nhất hiện tại là nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Cụ thể, nhiều người đã có tâm lý chủ quan khi khỏi bệnh hoặc đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19.
“Vì nhận thức đó, sự giao lưu trên địa bàn quận 4 ngày càng tăng thời gian qua. Với đặc thù nhiều khu dân cư lao động, ngõ hẻm nhỏ dày đặc, những giao lưu ấy tiềm ẩn nguy cơ lớn lây nhiễm dịch Covid-19″, bà Mai nhìn nhận.
Trong số các trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận 4 phân tích, hầu như trong gia đình có một người là F0 thì tất cả người còn lại đều dương tính SARS-CoV-2. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần giúp người dân hiểu rõ, ngay cả đã tiêm vaccine hay đã khỏi bệnh, họ vẫn cần bảo vệ chính mình và bảo vệ gia đình, cộng đồng.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, quận 4 là địa phương có hơn 18.000 ca mắc Covid-19. Thời điểm hiện tại, toàn địa bàn quận đang cách ly, điều trị tập trung cho 481 người, 370 trường hợp đang được áp dụng cách ly tại nhà.
Trong 24 giờ qua, toàn địa bàn TPHCM ghi nhận 1.475 bệnh nhân mắc Covid-19 mới. Ngành y thành phố đang điều trị cho 13.177 bệnh nhân, trong đó có 473 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 người cần can thiệp ECMO.
Trong ngày 8/12, khoảng cách giữa số người được điều trị khỏi, xuất viện và số trường hợp cần nhập viện trên địa bàn thành phố đã được thu hẹp. Cụ thể, thành phố có 1.271 bệnh nhân Covid-19 nhập viện và 1.167 người xuất viện.
TPHCM ghi nhận thêm 76 trường hợp tử vong do Covid-19 trong ngày. Số lượng bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM có xu hướng tăng trong khoảng một tuần trở lại đây.
Tính đến hết ngày 8/12, TPHCM đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi một cho hơn 7,9 triệu người, hơn 6,8 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.
Video đang HOT
Bà lão nhặt ve chai 18 tiếng khắp Sài Gòn kiếm không nổi 30.000 đồng
Từ khi nới lỏng giãn cách, bà Lan giảm 50% thu nhập, mỗi ngày chỉ kiếm được 30.000-40.000 đồng dù rong ruổi khắp Sài Gòn, từ 6h sáng tới tận 24h.
Gần 24h đêm, bà Lan bất ngờ có niềm vui khi nhặt được ít giấy carton. Ngày mai bà sẽ không phải lo đói bụng.
Ôm bụng đói đi khắp Sài Gòn
Gần 24h, bà Phạm Thị Lan (63 tuổi, quê Hải Phòng, ngụ quận 4) cặm cụi sắp xếp đóng bìa carton và vỏ lon bia, nước ngọt trước một quán ăn trên đường Khánh Hội (quận 4, TPHCM). Bàn tay chai sạn chằng chịt những gân xanh của bà Lan thoăn thoắt buộc thật chặt đống ve chai lên xe.
"Tưởng hôm nay lại phải chở cái bao trống về, ai ngờ giữa đêm lại nhặt được đóng bìa carton này. Chỗ này cũng được hơn 20 ngàn đó, không ít đâu. Thời buổi dịch Covid-19 mà kiếm được ngần này là tốt rồi, mai được no bụng rồi", bà Lan vui vẻ tâm sự.
Mỗi ngày bà đều đạp xe đi khắp TPHCM để nhặt ve chai từ 6h sáng tới 12h đêm.
Từ hôm nới lỏng giãn cách đến nay, ngày nào bà Lan cũng đạp xe đi khắp Sài Gòn để nhặt ve chai từ 6h tới 24h. Có ngày bà đi từ quận 4 qua Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú... nhưng cũng chỉ nhặt được vài vỏ chai nhựa. Bà chấp nhận ôm chiếc bụng đói về nhà vì ve chai ít quá, không đủ bán.
"Sau dịch không có nhiều ve chai để lượm bởi một đoạn đường giờ có đến cả chục "bạn nghề", họ còn chịu khó, chịu đi hơn tôi. Tiền không có, bữa đói bữa no nhưng ở tuổi này, tôi còn biết làm nghề nào khác...", bà Lan tâm sự.
Thỉnh thoảng gặp "bạn nghề" bà Lan lại tâm sự để hỏi những nơi có nhiều ve chai để nhặt, dù xa mấy bà cũng đi.
Bà Lan cho biết, trước dịch thu nhập của mình khoảng 60.000-70.000 đồng/ngày, tuy vậy từ khi nới lỏng giãn cách giảm còn khoảng 30.000-40.000 đồng. Thu nhập giảm, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, bà Lan cũng không dám than thở.
"Còn được đi làm là tôi mừng lắm rồi. Còn sống ngày nào thì tôi còn lượm ve chai ngày đó, phải làm mới có ăn, có tiền đóng điện nước, thuốc thang khi đau bệnh", bà lão kể.
Chiếc xe đạp như người bạn của bà Lan trong nhiều năm qua.
Bà Lan theo nghề nhặt ve chai được 14 năm. Trước đây, bà còn học nghề may và may khá đẹp nên cùng chồng vào TPHCM lập nghiệp. Năm 2007, chồng bà mất đột ngột. Bà khóc cả tháng khiến mắt mờ dần, không nhìn rõ đường kim, mũi chỉ.
Thu nhập giảm nhưng bà Lan không dám nghỉ ngày nào vì áp lực kinh tế gia đình.
"Không thể tiếp tục may vá, áp lực nuôi 4 đứa con nhỏ nên tôi chọn nghề nhặt ve chai. Hoàn cảnh đưa đẩy nhưng đây cũng là nghề chân chính để kiếm sống và lo cho gia đình. 4 đứa con giờ cũng khó khăn, đời cha, đời mẹ khó khăn thì làm sao đời con khá khẩm...", bà Lan chua xót nói.
Chưa bao giờ bà Lan nghĩ những năm tháng cuối đời mình lại thảm thương đến thế. Không chỉ bà, 4 người con cũng lao đao vì trận dịch quái ác khiến đứa nào cũng suy sụp tinh thần.
Nhắc về những ngày trước đây khi còn làm nghề may, bà Lan như muốn khóc nghẹn.
"Giờ tôi vẫn ráng đi lượm ve chai, được nhiều ăn nhiều, được ít ăn ít. Đời tôi chẳng còn hy vọng gì, chỉ mong đời con tôi tốt đẹp hơn, làm được những công việc sạch sẽ, thơm tho hơn...", người phụ nữ 63 tuổi rơi nước mắt.
"Gia tài" của chị Huệ chất đầy ve chai các loại được chị đẩy qua cầu Kênh Tẻ.
Sau dịch bỗng dưng thành... người nhặt ve chai
Cách đó không xa, chị Lương Kim Huệ (58 tuổi, quê Sóc Trăng) đang còng lưng đẩy "gia tài" qua cầu Kênh Tẻ (quận 4). Chị Huệ là "tân binh", vì cùng đường nên phải chọn nghề ve chai mưu sinh.
"Tôi mới vào nghề hơn 4 tháng nên không rành ve chai. Lượm nhiều vậy thôi chứ cũng không biết cái nào bán được, cái nào không nên phải đi nhiều, lượm nhiều hơn người khác", chị Huệ vừa nói vừa đưa bàn tay đen nhẻm, đầy bụi bặm lên mặt lau mồ hôi.
Dịch khiến chị Huệ mất thu nhập với nghề giúp việc và biến chị thành người lang thang, cơ nhỡ.
Một năm trước, chị Huệ rời Sóc Trăng lên TPHCM giúp việc nhà. Thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ ăn ngày 3 bữa, thuê được phòng trọ ở Quận 8 với giá 800.000/tháng. Dịch bệnh bùng phát đẩy chị Huệ vào cảnh thất nghiệp và bất đắc dĩ trở thành người lang thang, cơ nhỡ.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày lại thang lang không có mái che đầu thế này. Từ ngày chủ trọ lấy lại nhà, tôi không có khả năng đóng tiền, tôi cứ ngồi thẫn thờ ngoài đường, 3 ngày không tài nào chợp mắt", chị Huệ nghẹn ngào kể lại.
Dòng đời xô đẩy khiến chị trở thành người nhặt ve chai mưu sinh.
Nói về công việc mới, chị Huệ cho biết đã đi "mòn chân" nhưng cũng chẳng nhặt được gì nhiều, giá thu mua ve chai cũng giảm.
"Lúc trước mua 5.000 đồng, giờ còn hơn nửa, mà người ta còn không muốn mua, phải năn nỉ", chị nói.
Chị Huệ cho biết, nếu may mắn, một ngày sẽ kiếm được 50.000 đồng. Số tiền đó chị chừa ra một phần nhỏ để mua thức ăn, phần lớn để trả góp "gia tài" là chiếc xe ve chai được mua lại với giá 600.000 đồng. Vì lẽ đó, có khi chị chẳng còn đồng nào trong túi, cả ngày nhịn đói nếu hôm đó không có ai tặng cơm từ thiện.
Chiếc xe giá 600.000 ngàn đồng được chị Huệ mua trả góp.
"Hôm nay, tôi chỉ kiếm được 30.000 đồng nhưng phải trả nợ nên không có tiền ăn cơm. Tôi quét dọn rác giúp lò bánh mì nên được cho vài ổ bánh. Vậy là đủ, đêm nay no bụng!", chị Huệ vui vẻ nói
Hơn 4 tháng vào nghề lượm ve chai, chị Huệ vẫn chưa quen việc và thường xuyên đi lạc. Không điện thoại, không bạn bè, không người thân, không đọc báo nên nhiều khi chị cũng không biết chuyện gì đang xảy ra. Chị cứ đi làm, không bận tâm ngày hay đêm. Chị chỉ quan niệm, nếu chân ngừng đi, lưng ngừng khom, tay ngừng bới móc thì sẽ đói.
Chị Huệ mong sớm có tiền để thuê phòng trọ ở, chấm dứt cảnh lang thang nơi gầm cầu, xó chợ.
"Tôi chỉ mong mau quen việc, có đồng ra đồng vào để mướn chỗ ở chứ không mong phép màu nào xảy ra. Sống thế này thật sự vất vả...", chị Huệ nói.
Ca nhiễm Covid-19 ở Thái Nguyên tăng nhanh, có bệnh nhân là học sinh, giáo viên Số ca nhiễm Covid-19 ở tỉnh Thái Nguyên liên tục gia tăng, trong đó có cả giáo viên, học sinh. Trước đó, từ ngày 2.11, TP.Thái Nguyên đã tạm dừng việc dạy và học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến. Ngày 5.11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong ngày 4.11, địa phương này ghi nhận...