Một nửa Italy đến giai đoạn đỉnh dịch Covid-19
Số ca mắc Covid-19 tại Italy giảm dần 4 ngày liên tiếp là bằng chứng cho thấy việc phong tỏa của quốc gia này bắt đầu có hiệu quả.
Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Italy cho biết, 57 trong số 107 tỉnh của Italy đạt tới ngưỡng đỉnh dịch Covid-19.
“ Các con số đang được cải thiện và các biện pháp ngăn chặn đang mang lại hiệu quả mong muốn. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của đà chậm lại của đại dịch“, đại diện Hội đồng cho biết.
Công viên Porta Nuova ở Milan đóng cửa giữa mùa dịch. (Ảnh: EPA-EFE)
Số liệu được công bố hôm 25/3 cho thấy, số ca thiệt mạng ở Italy vẫn ở mức cao, nhưng dần giảm so với số liệu cuối tuần trước. Hiện nước này có thêm 683 trường hợp thiệt mạng và 5.210 ca nhiễm mới.
Tỷ lệ các ca nhiễm mới trong ngày của Italy đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 7,5%.
Thông tin lạc quan này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia đang cân nhắc việc tiếp tục đóng cửa các cửa hàng và nhà máy để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các nhà phân tích tin rằng, kinh tế Italy đang rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Đó là cái giá mà Thủ tướng Giuseppe Conte quyết định phải trả, để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh.
“Lịch sử thế giới sẽ phán xét chúng ta. Tất cả chúng ta phải đóng góp cho lợi ích chung, Chính phủ đã hành động với quyết tâm và tốc độ tối đa”, ông Conte nói trước Quốc hội hôm 25/3.
Hầu hết mọi nơi tại Italy bị đóng cửa trong hơn 2 tuần qua. Việc tụ họp công cộng bị cấm và phần lớn nền kinh tế Italy phải ngừng hoạt động trong thời gian dài.
“Các ca nhiễm mới đã dần giảm là tín hiệu khả quan. Tôi nghĩ rằng, các biện pháp mà Italy thực hiện là hoàn toàn chính xác. Có thể hơi muộn vào lúc đầu, nhưng đó là điều dễ hiểu”, Phó Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Ranieri Guerra cho hay.
Tuy nhiên, vẫn còn những dấu hiệu đáng ngại ở các khu vực khác của Italy.
Ngày 25/3, số ca thiệt mạng tại Naples tăng lên 74. Trong khi đó, số người thiệt mạng vì virus corona ở khu vực phía Bắc Piemonte cũng tăng nhanh lên 449 trường hợp.
Italy hiện có số người thiệt mạng cao nhất thế giới, với 7.503 trường hợp và hơn 74.368 ca nhiễm virus corona.
Video: Cảnh sát Ấn Độ vụt roi, phạt chống đẩy người vi phạm lệnh phong tỏa
SONG HY
Bên trong vùng đỏ ở Italy trong 'giờ phút đen tối nhất'
Các hoạt động kinh doanh, du lịch đến nhiều vùng của Italy đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố hôm 10/3.
Quán bar Il Sant'Andrea là biểu tượng của sự náo nhiệt ở Orvieto, thị trấn trên đỉnh đồi với khoảng 4.000 người ở miền trung nước Italy. Vào một buổi sáng điển hình, khách hàng sẽ tấp nập ghé chân uống cà phê, trò chuyện hoặc đọc báo.
Thế nhưng, vào ngày 10/3, khi toàn bộ đất nước bị phong tỏa, khách bắt đầu vắng hẳn. "Nói như thế này cho dễ hiểu, hôm 8/11/2019, chúng tôi có 5 nhân viên làm việc, nhưng giờ chỉ có 1".
Thủ tướng Giuseppe Conte đã nói với 60 triệu người Italy vào cuối ngày 9/3 rằng "mọi người nên ở nhà" trong khi chính phủ thông báo về các biện pháp "chưa từng có trong thời bình" để ngăn dịch virus corona. Italy là ổ dịch nghiêm trọng nhất châu Âu, theo Guardian. Cả đất nước Italy nay đã trở thành "vùng đỏ" sau lệnh phong tỏa mới nhất.
Italy đối mặt với "giờ phút đen tối nhất" trong cuộc chiến chống lại khủng hoảng do Covid-19 gây ra, Thủ tướng Italy đã nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill trong Thế chiến II để nói về tình trạng dịch bệnh hiện nay.
Thông điệp của ông Conte đang lan tỏa. Hashtag #iostoacasa (tiếng Italy nghĩa là "Tôi đang ở nhà") xuất hiện khắp các trang mạng xã hội. Hàng nghìn người đã chia sẻ những bức ảnh thoải mái ở nhà như nấu nướng, đọc sách...
Quảng trường Thánh Phêrô ở thành quốc Vatican, Italy, trước và sau lệnh phong tỏa. Ảnh: Chụp màn hình video của Guardian.
Orvieto sống nhờ vào du lịch. Các quán bar và cửa hàng ở đây giờ phải dán băng keo xuống đất để đánh dấu vị trí đứng của khách hàng, đảm bảo họ đứng cách nhau ít nhất một mét.
Tâm trạng người dân sáng 10/3 rất ảm đạm, không giống như ở những nơi khác của Italy. Người dân khá điềm tĩnh, không hoảng loạn. Mọi người vẫn đi dạo xung quanh, một số người đeo khẩu trang, số khác chùm khăn quàng cổ lên tận miệng.
"Người dân chắc chắn đang tuân thủ một cách nghiêm túc", ông Federico Badia, thợ đóng giày, nói. "Mọi người đang ở nhà và chỉ đi ra ngoài nếu cần thiết. Nhưng tôi rất lo lắng về tương lai của một thị trấn nhỏ như Orvieto vì hầu hết tiểu thương đều tồn tại nhờ du lịch".
Các cư dân khác tỏ ra hoang mang vì lệnh phong tỏa, "Điều này làm tôi bối rối", ông Toni DeBella, một cư dân người Mỹ, nói. "Bạn phải ở nhà nhưng bạn vẫn có thể đến quán bar. Phương tiện giao thông vận tải vẫn đang hoạt động, nhưng bạn không nghĩ rằng mình có thể đi đâu".
Theo quy định cách ly, tất cả hình thức tụ tập nơi công cộng như các sự kiển thể thao, đều bị cấm. Đám tang và đám cưới cũng vậy.
Các nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng gym, spa và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết đều bị đóng cửa. Chỉ có các quán bar và nhà hàng có thể mở cửa nhưng trong khoảng từ 6h đến 18h.
Du lịch cũng bị cấm trừ trường hợp khẩn cấp, có thể kiểm chứng hoặc trong các trường hợp có vấn đề về sức khỏe.
Venice biến thành 'thị trấn ma' giữa bùng phát dịch Covid-19
Thành phố Venice của Italy đã biến thành "thị trấn ma" trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát. Sau báo cáo tăng 50% số ca nhiễm, nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng bị bỏ hoang.
Theo news.zing.vn
Các nhà lãnh đạo thế giới chỉ trích thái độ kỳ thị người Trung Quốc Có rất nhiều báo cáo về tình trạng kỳ thị người Trung Quốc tại Italy kể từ khi nhà chức trách nước này công bố bùng phát dịch 2019-nCoV hồi tháng trước và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về y tế. Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân tại thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông,...