Một người Việt bị bắt giữ tại Kenya vì buôn lậu sừng tê giác
Một người đàn ông quốc tịch Việt Nam vừa bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta chiều 17/9 vì cố gắng mang 5 chiếc sừng tê giác nặng 20,1kg ra khỏi Kenya.
Cường bị bắt vì buôn lậu sừng tê giác. (Ảnh minh họa)
Theo trang tin Standard Media, Lê Mạnh Cường (29 tuổi) bị bắt ở JKIA khi đang làm thủ tục quá cảnh.
Hàng loạt cơ quan có trách nhiệm của Kenya như an ninh sân bay, hải quan, cảng hàng không, Hãng hàng không Kenya Airways và Cơ quan động vật hoang dã Kenya đã tiến hành bắt giữ Lê Mạnh Cường và tịch thu số sừng tê.
Được biết, gói hàng chứa sừng tê giác đã được đóng gói cẩn thận và được nhồi các tấm đệm để qua mặt kiểm tra an ninh.
Theo điều tra sơ bộ, Lê Mạnh Cường đã đến Kenya trên chuyến bay KQ749 từ Maputo (Mozambique) và dự kiến lên chuyến bay QR535 của Qatar Airways từ Nairobi (Kenya) đến Doha (Qatar), sau đó sẽ đến Hong Kong trên chuyến bay QR614.
Video đang HOT
Hiện Lê Mạnh Cường đang bị tạm giữ tại sân bay Jomo Kenyatta để chờ tòa án Makadara tổ chức phiên buộc tội ngày 18/9 (giờ địa phương).
Tháng trước, một công dân Trung Quốc đã bị một tòa án kenya kết án tù 2 năm rưỡi sau khi bị phát hiện buôn lậu ngà voi.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có 39 người nước ngoài bị bắt giữ ở Kenya vì tội buôn lậu bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã ra nước ngoài, trong đó có 9 người Việt Nam và 19 người Trung Quốc.
Hiện Cơ quan động vật hoang dã Kenya đã tăng cường các biện pháp giám sát tại các sân bay, cửa khẩu để phát hiện các lô hàng buôn lậu những sản phẩm từ động vật hoang dã.
Theo Xahoi
Sừng tê giác chứa chất bảo quản gây hại
"Số sừng tê giác mà người dân đang mua với mục đích chữa bệnh có thể là những chiếc sừng đã được tiêm đầy hóa chất bảo quản, rất hại cho sức khỏe con người. Những chiếc sừng ấy chính là hiện vật đã bị lấy trộm từ rất nhiều bảo tàng động vật trên thế giới".
Bà Teresa Telecky - Giám đốc Bộ phận loài hoang dã thuộc Tổ chức Humane Society International (HSI) chia sẻ khi nói về thực trạng sử dụng sừng tê giác rất phổ biến của người Việt Nam hiện nay. Theo bà Teresa, những công dụng của sừng tê giác được mô tả như là liều thuốc thần kỳ có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư chỉ là những lời "thêu dệt" không có căn cứ.
"Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy, sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ có chất Keratin (như móng tay người) và một số thành tố khác có hại cho sức khỏe con người" - Bà Teresa Telecky nói.
Theo công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1994, các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên sẽ được bảo vệ và kiểm soát hoạt động buôn bán một cách chặt chẽ để tránh đe dọa sự sống còn của các loài này nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2008 đến nay, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết toàn ngành đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển, có dấu hiệu buôn bán trái phép sừng tê giác, với số lượng lên tới 121,5kg. Theo Tổng cục Hải quan, đa số sừng tê giác nhập lậu có nguồn gốc từ Nam Phi, được vận chuyển về Việt Nam qua đường hàng không rồi tiêu thụ trái phép trong nước hoặc để buôn lậu sang Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng sừng tê giác chỉ có chất Keratin như trong móng tay con người và một số chất có hại cho sức khỏe (Nguồn: rhinoconservation.org)
Bà Kgomotso Ruth Nagau, Đại sứ nước cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, có 583 cá thể tê giác tại Nam Phi đã bị những kẻ săn trộm giết chết để lấy sừng, phần lớn số sừng này được mang về châu Á tiêu thụ, trong đó có Việt Nam. Việc khẩn cấp giảm cầu đối với sừng tê giác ở Việt Nam là hành động tích cực nhằm chấm dứt thị trường buôn bán trái phép sừng tê giác. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để cứu lấy sự tồn tại của loài tê giác tại Nam Phi.
Đồng thời, vị Đại sứ Nam phi cũng cảnh báo: "Nếu chúng ta không có những biện pháp hành động kịp thời thì tê giác đen và tê giác trắng trong tự nhiên sẽ tuyệt chủng chỉ trong một thời gian ngắn, rất có thể trước năm 2016".
Về phía cơ quan quản lý của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo liên ngành thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã, ông Hà Công Tuấn khẳng định: "Hợp tác quốc tế là một yêu cầu cần thiết trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các cam kết trong công ước quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng như: tê giác, voi, gấu và hổ.."
Mỗi năm, Nam Phi chi hàng triệu đô la để cố gắng ngăn chặn nạn săn bắn trộm tê giác lấy sừng. Tuy nhiên, ngoài những kẻ săn trộm đang bị bắt giữ, nạn săn bắn bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra rất mạnh do nhu cầu lớn ở các nước khu vực châu Á đẩy giá sừng tê giác lên rất cao.
Nam Phi, Kenya, Zimbabwe và Ấn Độ đều đã báo cáo bị mất một số lượng lớn tê giác bởi những kẻ săn trộm. Trong ba năm qua, các nhà bảo tồn động vật liên tục cảnh báo cả hai loài tê giác đen và trắng ở Nam Phi có thể tiến rất gần tới tuyệt chủng trong năm 2016 nếu việc săn bắn trái phép vẫn diễn ra như hiện nay.
Ông William Fowlds, một bác sĩ thú y về động vật hoang dã của Nam Phi, người chuyên điều trị các vết thương cho tê giác bị săn trộm sừng cho biết: "Với khoảng cách hàng ngàn dặm, sự đau đớn của loài tê giác ở nước tôi có thể không gây ấn tượng với những người đang sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi ở đây để nhắc nhở mọi người rằng sừng tê giác khi đến Việt Nam đã được lấy một cách tàn nhẫn từ con vật khi chúng vẫn còn sống. Đối với tôi, đó là thực tế đau lòng khi hằng ngày phải chứng kiến việc săn trộm tê giác lấy sừng cho những mục đích vô lý của con người".
Ngày 27/8, Cơ quan quản lý Cites (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) đã phối hợp cùng Tổ chức Humane Society International (HSI) phát động chiến dịch nâng cao nhận thức - Giảm cầu sử dụng sừng tê giác trong cộng đồng Việt Nam. Chiến dịch hướng tới đối tượng chính là các doanh nhân, phụ nữ, sinh viên và các bác sĩ Đông Y thường sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc.
Theo Quang Thủy (Khampha.vn)
Bắt giữ đối tượng 8x vận chuyển cả lô vũ khí Đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Đống Đa (Công an Hà Nội) vừa phối hợp với Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra, thu giữ một số lượng vũ khí thô sơ đang trên đường vận chuyển. Trong quá trình kiểm tra, các trinh sát phát hiện xe tải mang biển...