Một ngôi sao nhỏ có thể chứa một hành tinh khổng lồ hay không?
Từ trước đến giờ, nhiều người nghĩ rằng sao lớn thì mới có hành tinh lớn, sao nhỏ thì chỉ có thể chứa hành tinh nhỏ xoay quanh.
Tuy nhiên, quan điểm đó đang bị lung lay.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học từ Đại học College London ( UCL) và Đại học Warwick tiết lộ, những ngôi sao có khối lượng nhỏ hơn một nửa so với khối lượng của Mặt trời có thể chứa những hành tinh khí khổng lồ tương tự như sao Mộc. Điều này mâu thuẫn với lý thuyết phổ biến về sự hình thành hành tinh và do đó buộc chúng ta phải xem xét lại lý thuyết này.
Theo quan điểm chung của các nhà thiên văn học trước giờ, các hành tinh khí khổng lồ, cùng với các thiên thể khác, bắt nguồn từ các đĩa bụi bao quanh các ngôi sao trẻ. Lý thuyết bồi tụ lõi cho rằng, các hành tinh này ban đầu phát triển lõi từ đá, băng và các chất liệu rắn nặng khác. Theo thời gian bồi tụ, khi các hành tinh này đạt khối lượng gấp 15 đến 20 lần khối lượng Trái đất, chúng sẽ hút vào một lớp khí ở phía bên ngoài.
Tuy nhiên, các ngôi sao khối lượng thấp vốn hình thành từ các đĩa bụi có tổng khối lượng thấp. Do đó, theo dự đoán của các mô phỏng, phần đĩa bụi còn lại sau khi hình thành ngôi sao sẽ không cung cấp đủ vật chất để hình thành một hành tinh khí khổng lồ theo cách này.
Trên thực tế, bán kính Mặt trời lớn hơn cả chục lần so với sao Mộc – Ảnh: Internet
Trong nghiên cứu gần đây đã được công bố trên Thông báo hằng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia (MNRAS) và được tài trợ bởi Hội đồng Cơ sở Khoa học và Công nghệ Vương quốc Anh (STFC), các nhà nghiên cứu đã xem xét 91.306 ngôi sao có khối lượng thấp, sử dụng các quan sát từ chương trình khảo sát ngoại hành tinh của NASA. Và trong đó, họ tìm thấy 15 trường hợp có sự giảm sút độ sáng của ánh sáng tương ứng với một khối vật thể khổng lồ di chuyển theo quỹ đạo chắn sáng phía trước ngôi sao.
Năm trong số 15 trường hợp đó đã được xác nhận là hành tinh bằng các phương pháp độc lập. Và một trong những hành tinh đã được xác nhận này quay quanh một ngôi sao có khối lượng bằng 1/5 Mặt trời – điều không thể xảy ra theo các lý thuyết mô hình hình thành hành tinh hiện giờ.
Tiến sĩ Ed Bryant (Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ Mullard tại UCL, trước đây là Đại học Warwick), người đã khởi xướng công trình nghiên cứu này cho biết: “Các ngôi sao có khối lượng thấp có khả năng hình thành các hành tinh khổng lồ tốt hơn chúng ta nghĩ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho các lý thuyết hình thành hành tinh. Đặc biệt, việc chúng tôi phát hiện ra các hành tinh khí khổng lồ quay xung quanh các ngôi sao có khối lượng chỉ bằng 20% khối lượng Mặt trời đặt ra mâu thuẫn với lý thuyết hiện tại”.
Đồng tác giả – Tiến sĩ Vincent Van Eylen (Phòng thí nghiệm Khoa học Vũ trụ Mullard tại UCL) cho biết: “Thực tế là, mặc dù rất hiếm nhưng những hành tinh khí khổng lồ tồn tại xung quanh các ngôi sao có khối lượng thấp là một phát hiện bất ngờ và có nghĩa là các lý thuyết mô hình về hình thành hành tinh sẽ cần phải được sửa đổi”.
Một cách giải thích có thể là những hành tinh khí khổng lồ không hình thành thông qua sự bồi tụ lõi mà thông qua sự mất ổn định của lực hấp dẫn, trong đó phần đĩa bụi bao quanh một ngôi sao bị phân mảnh thành các khối bụi và khí có sẵn khối lượng bằng một hành tinh. Trong trường hợp như vậy, ngôi sao mẹ có khối lượng thấp vẫn có thể chứa những hành tinh khí khổng lồ rất lớn, gấp hai hoặc ba lần khối lượng sao Mộc. Tuy nhiên, điều này được coi là khó xảy ra, vì các đĩa bụi xung quanh các ngôi sao có khối lượng thấp dường như không đủ lớn để phân mảnh theo cách này.
Các nhà nghiên cứu cho biết, một lời giải thích khác là các nhà thiên văn học đã đánh giá thấp mức độ lớn của đĩa sao, nghĩa là các ngôi sao nhỏ có thể hình thành các hành tinh khổng lồ thông qua sự bồi tụ lõi.
Điều này có thể là do chúng ta đã tính toán sai khối lượng của các đĩa bụi mà chúng ta quan sát qua kính thiên văn (vì chúng rất khó quan sát khi dưới dạng một đám bụi). Hoặc do các đĩa bụi khi bắt đầu vòng đời của một ngôi sao có khối lượng lớn hơn so với giai đoạn sau mà ta có thể quan sát, đo đạc chúng.
Tiến sĩ Dan Bayliss (Đại học Warwick), đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Có thể chúng ta không hiểu rõ về khối lượng của các đĩa bụi tiền hành tinh này như chúng ta tưởng. Các thiết bị mới hiện đại như Kính viễn vọng Không gian James Webb sau này có thể sẽ nghiên cứu các đĩa bụi này một cách chi tiết hơn”.
Trong báo cáo của mình, các nhà nghiên cứu đã tìm cách xác định tần suất xuất hiện của các hành tinh khổng lồ xung quanh ngôi sao mẹ có khối lượng thấp, kiểm tra xem tần suất xuất hiện này có phù hợp với kết quả mà lý thuyết mô hình bồi tụ lõi sẽ dự đoán hay không.
Họ đã sử dụng một thuật toán để xác định tín hiệu của những hành tinh khí khổng lồ đang chuyển tiếp trong ánh sáng phát ra từ các ngôi sao có khối lượng thấp. Sau đó, họ xem xét các tín hiệu này, loại bỏ một số kết quả không phù hợp.
Để xác định khả năng phương pháp của họ phát hiện ra những hành tinh khí khổng lồ thực sự quay quanh các ngôi sao này như thế nào, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các mô phỏng với hàng nghìn tín hiệu của các hành tinh đang chuyển tiếp vào dữ liệu ánh sáng sao mà NASA đang có. Sau đó, họ chạy thuật toán để xem có bao nhiêu hành tinh kiểu này sẽ được phát hiện.
Hiện các nhà nghiên cứu đang làm việc để xác nhận (hoặc loại trừ) đối với 9 trong số 15 trường hợp nêu ở phần đầu để xem đó có phải hành tinh hay không (trong 15 trường hợp thì các nhà khoa học đã xác định được 5 là hành tinh, còn 1 bị loại trừ). Những ứng cử viên này cũng có khả năng là những ngôi sao đồng hành với sao mẹ (trong hệ sao đôi) hoặc có thể có một lý do khác khiến độ sáng giảm đi.
Nhóm nghiên cứu sẽ suy ra khối lượng của những vật thể này bằng cách đo sự “lắc lư” vị trí của ngôi sao mẹ, có thể do tác động từ lực hút của vật thể xoay quanh. Sự dao động này có thể được phát hiện thông qua phân tích quang phổ của ánh sáng sao, tức là đo các dải ánh sáng khác nhau để theo dõi chuyển động của ngôi sao lùi ra xa chúng ta hoặc tiến về gần phía chúng ta.
Sao Thổ vượt sao Mộc trong cuộc đua sở hữu nhiều mặt trăng nhất hệ Mặt trời
Với 28 mặt trăng mới được phát hiện, sao Thổ vượt qua sao Mộc trong cuộc đua có nhiều mặt trăng nhất hệ Mặt trời.
Đồng thời, đây là lần đầu tiên hệ Mặt trời có hành tinh sở hữu hơn 100 mặt trăng.
Lần đầu hệ Mặt trời có hành tinh sở hữu hơn 100 mặt trăng
Sao Mộc có thể được gọi là "vua của các hành tinh", nhưng có vẻ như sao Thổ có lượng vệ tinh xoay quanh lớn nhất (ít nhất là vào thời điểm hiện tại). Các quan sát mới cho thấy sao Thổ có hơn 100 mặt trăng đã được xác nhận - nhiều nhất so với bất kỳ hành tinh nào trong hệ mặt trời, vượt qua đối thủ cũ của nó là sao Mộc.
Sao Mộc và sao Thổ - Ảnh: Internet
Số lượng mới nhất được công bố bởi Trung tâm Hành tinh nhỏ, chi nhánh của Liên minh Thiên văn Quốc tế được giao nhiệm vụ thống kê các hành tinh nhỏ.
Theo báo cáo ban đầu, việc ghi nhận thêm 28 vệ tinh tự nhiên mới xung quanh sao Thổ có nghĩa là hành tinh này có tổng cộng 117. Để tiện so sánh thì nên biết sao Mộc hiện có 95 mặt trăng được công nhận.
Sao Thổ và sao Mộc là hai hành tinh có khối lượng lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta, có nghĩa là chúng cũng tạo ra một lực hấp dẫn khủng khiếp có thể cuốn các thiên thạch trong không gian đi vào quỹ đạo của chúng.
Trong số nhiều mặt trăng của hai hành tinh khí khổng lồ này, có một số mặt trăng đáng chú ý nhất trong hệ mặt trời, gồm Enceladus của sao Thổ - một ứng cử viên sáng giá cho khả năng dung dưỡng sự sống ngoài trái đất - và Ganymede của sao Mộc - mặt trăng lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta có từ trường riêng.
Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi có bao nhiêu mặt trăng đi theo bộ đôi hành tinh khổng lồ này thì lại không đơn giản. Đầu tiên, có một số cuộc tranh luận về những gì định nghĩa thế nào là một mặt trăng. Chúng ta khá lúng túng khi vạch ranh giới giữa một tảng đá không gian nhỏ bị mắc kẹt trong quỹ đạo của một hành tinh và mặt trăng. Về kích thước, không có định nghĩa nghiêm ngặt về những gì tạo nên mặt trăng.
Sao Thổ là một ví dụ đặc biệt thú vị cho việc vạch ranh giới vì hành tinh này nổi tiếng được bao quanh bởi một hệ thống vành đai tuyệt đẹp làm từ hàng tỉ khối băng và đá nhỏ. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta không định nghĩa chúng là mặt trăng.
Thứ hai, các nhà thiên văn học liên tục thực hiện các quan sát mới về các vệ tinh tự nhiên quay quanh các hành tinh và hiện có hàng trăm mặt trăng ứng cử viên cho sao Mộc và sao Thổ đang chờ được xác nhận. Do đó, danh hiệu hành tinh có nhiều mặt trăng nhất thường dao động qua lại giữa sao Thổ và sao Mộc.
Derby căng thẳng giữa hai hành tinh khí
Năm 2019, sao Thổ chiếm danh hiệu hành tinh có nhiều mặt trăng nhất, sau khi các nhà thiên văn học công bố hành tinh có vành đai này chứa 82 vệ tinh quay quanh. Nhưng 3 tháng trước, sao Mộc vừa giành lại ngôi vương.
Tháng 2.2023, Trung tâm Hành tinh nhỏ đã xác định được 12 mặt trăng chưa được báo cáo trước đó của sao Mộc, nâng tổng số mặt trăng của nó lên 92. Trong 12 mặt trăng mới được công bố khi ấy, một nửa lần đầu tiên được phát hiện xung quanh sao Mộc trong vòng hai năm qua.
Vì sao Thổ chỉ có 83 mặt trăng được xác nhận vào thời điểm đó, nên sao Mộc được coi là "ngôi sao có nhiều mặt trăng nhất" trong Hệ mặt trời. Thế rồi, sao Mộc đã không giữ kỷ lục đó lâu khi thành tích mới nhất giúp sao Thổ vượt qua mốc 100 mặt trăng để có 117 mặt trăng.
Các mặt trăng mới, cùng với tất cả các vệ tinh sao Mộc hay sao Thổ, còn được liệt kê trong một bảng trên trang web của Scott S. Sheppard. Ngài Sheppard, thành viên của Phòng thí nghiệm Trái đất và Hành tinh của Viện Khoa học Carnegie, là trưởng nhóm phát hiện ra các mặt trăng mới nhất.
Sheppard cũng không xa lạ gì với việc săn tìm các mặt trăng, chủ nhiệm nhóm đã công bố 12 mặt trăng bổ sung được tìm thấy xung quanh sao Mộc vào năm 2018. Nhờ vậy, tổng số vệ tinh của sao Mộc khi đó được nâng lên thành 79. Sheppard và nhóm của mình cũng đã tìm thấy các vệ tinh mới xung quanh sao Thổ vào năm 2019.
Tất cả các mặt trăng được xác nhận gần đây được tìm thấy xung quanh sao Mộc đều mờ nhạt và có đường kính nhỏ hơn 3 km. Chúng quay quanh quỹ đạo xa sao Mộc trong hàng trăm ngày, thường bằng một hoặc hai năm Trái đất. Điều đó khác xa so với các mặt trăng cổ như Galile được phát hiện vào năm 1610, có đường kính hàng ngàn km và quay quanh sao Mộc trong vòng chưa đầy 17 ngày. Trong khi Galile được cho là đã hình thành cùng thời kỳ với sao Mộc từ cùng một loại vật liệu, thì nhiều vệ tinh nhỏ hơn, xa hơn của hành tinh khí khổng lồ này có thể đã bị bắt giữ sau đó - hoặc thậm chí chúng có thể là tàn dư của các vụ va chạm.
Việc xác định quỹ đạo dài của những mặt trăng nhỏ như vậy là một quá trình tốn nhiều thời gian, vì thường cần phải quan sát đủ lâu. Tuy nhiên, trong hai thập niên qua, số lượng các mặt trăng được biết đến xung quanh các hành tinh khổng lồ bên ngoài — đặc biệt là sao Mộc và sao Thổ — đã tăng vọt. Điều này phần lớn nhờ vào các cuộc khảo sát sâu có khả năng tìm thấy những vật thể mờ nhạt di chuyển so với các ngôi sao nền.
Và có khả năng còn nhiều mặt trăng khác trong hệ Mặt trời đang chờ được tìm thấy. Vì vậy, hãy chú ý theo dõi: Cuộc đua giữa sao Mộc và sao Thổ để giành được nhiều mặt trăng nhất vẫn chưa kết thúc.
Nói cách khác, sự cạnh tranh giữa sao Thổ và sao Mộc khó có thể sớm được giải quyết một sớm một chiều. Tuy nhiên, hiện tại, những người yêu sao Thổ có thể tận hưởng vị trí của nó trong hệ Mặt trời. Điều này cũng giống như CĐV Man City tạm thời có thể hưởng niềm vui xếp trên M.U nhưng trong tương lai thì chưa biết đội nào thành công hơn đội nào.
Lần đầu tiên chụp được khoảnh khắc hành tinh bị sao chủ nuốt chửng Các nhà khoa học cho rằng một hành tinh có kích thước tương đương Sao Mộc đã lao vào ngôi sao chủ, gây ra vụ nổ ánh sáng 'cực kỳ chói lòa'. Các nhà thiên văn học đã chứng kiến sự bùng nổ ánh sáng dữ dội từ một hành tinh bị ngôi sao chủ của nó nuốt chửng, số phận kịch tính...