Một năm sau thảm họa chìm tàu Dìn Ký
“Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng bàn ghế, ly chén đổ vỡ; tiếng những người gào thét kêu cứu khi con tàu lật rồi chìm trong bóng tối”, một trong những người may mắn thoát nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký nói.
Tròn một năm sau thảm họa chìm tàu Dìn Ký (20/5/2011) làm 16 người dự tiệc sinh nhật của cháu Quách Hồng Đạt (3 tuổi) tử vong, người thân của các nạn nhân vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau.
Căn nhà 2 tầng lầu bề thế mà vợ chồng anh Quách Lương Tài chắt chiu, dành dụm bao năm mới xây được cho các con ở giờ đây vắng ngắt. Trụ sở công ty TNHH Lan Anh vẫn đặt tại đây nhưng thường xuyên đóng cửa. Mọi vật dụng trong nhà được anh Tài để nguyên chỗ cũ để có thể tưởng nhớ 9 người thân, trong đó có vợ anh là chị Trần Thị Tương, con gái Quách Lan Anh và cháu Quách Hồng Đạt.
Tại khu vực cầu thang là nơi đặt chiếc đàn piano mà anh Tài mua cho con gái đúng 2 tuần trước khi xảy ra tai nạn. Khẽ tay chạm vào từng phím đàn, người cha bảo dường như vẫn còn nghe thấy tiếng cười đùa và những bản nhạc mà ngày xưa Lan Anh chơi cho cả nhà cùng nghe.
Chiếc đàn anh Tài mua cho con gái trước tai nạn. Ảnh: Nguyệt Triều
“Lan Anh rất thích học đàn. Đó là phần thưởng mà tôi dành cho con gái vì thành tích học trên lớp của cháu. Sau ngày định mệnh cướp đi sinh mạng của những người thân, đến nay nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy họ. Dù đã rất cố gắng để nguôi ngoai nhưng tôi không thể”, người đàn ông lạc giọng.
Theo những công nhân làm việc tại công ty Lan Anh, do vụ việc xảy ra quá đột ngột với những mất mát tinh thần quá lớn đã khiến vị giám đốc không còn tập trung cho làm ăn, kinh doanh ngày càng lao dốc. “Một năm nay, tình hình sản xuất của công ty đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn hàng của khách lần lượt bị hủy bỏ”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, kế toán công ty cho biết.
Video đang HOT
Giọng trầm ngâm, ông Tài cho rằng, vụ tai nạn đau lòng sẽ không xảy ra nếu như quản lý nhà hàng Dìn Ký không xem nhẹ tính mạng của khách khi trao quyền điều khiển cho người lái tàu không bằng cấp; những nhân viên có mặt trên tàu đã tự thoát thân mình trước khi phát hiện sự bất thường khi tàu có dấu hiệu bị nghiêng; đồng thời Dìn Ký đã không có những phương án tổ chức ứng cứu khi xảy ra tình huống khiến việc ứng cứu nạn nhân bị mắc kẹt diễn ra chậm trễ.
Còn anh Phạm Xuân Long cho hay, với anh, mọi động lực thúc đẩy anh làm việc đã tan biến kể từ ngày con trai là cháu Phạm Xuân Khánh (9 tuổi) và vợ thiệt mạng trên con tàu định mệnh. Đau đớn hơn, anh cũng có mặt trong buổi tiệc định mệnh ấy nhưng lại không thể giúp gì cho vợ con. Đứng bên góc học tập của con trai, anh Long tẩn mẩn lau chiếc máy vi tính vì đó là món quà anh tặng cho Khánh không lâu trước tai nạn. Bức ảnh của Khánh chụp với em gái đã được quay úp vào trong vì sợ mẹ anh nhìn thấy lại thương nhớ cháu.
“Nhiều hôm tôi thấy bà đứng trước hiên nhà khóc một mình, mắt dõi về các cháu bé trong xóm được cha mẹ đưa đón đi học hay chạy nhảy vui đùa. Còn ông bà ngoại Khánh vẫn còn trách móc tôi…”, người đàn ông buông tiếng thở dài, bỏ lửng câu nói.
May mắn thoát chết và không có người thân thiệt mạng, nhưng anh Hoàng Văn Đông (25 tuổi), người cuối cùng bước lên tàu Dìn Ký, cũng bị ám ảnh về vụ tai nạn suốt một thời gian dài, nhất là những hình ảnh cuối cùng của các cháu bé. “Nhiều đêm tôi bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng bàn ghế, ly chén đổ vỡ, tiếng những người gào thét kêu cứu khi con tàu lật rồi chìm trong bóng tối”, anh Đông ngậm ngùi chia sẻ.
Cùng tâm trạng, anh Vũ Văn Hưng (30 tuổi) cũng không giấu được buồn bã khi nhắc đến vụ tai nạn. Anh bảo đến bây giờ anh vẫn không khỏi dằn vặt vì những phát ngôn “xui xẻo” của mình ít phút trước khi du thuyền chìm. Hôm đó trong lúc đùa giỡn anh đã bảo giám đốc Tài “mặc áo phao vào kẻo mưa to gió lớn lại lật thuyền”. Và điều đó đã thành hiện thực ngay sau đó.
Anh Long bên góc học tập của con trai. Bức ảnh hai anh em Khánh chụp chung thường được quay úp vào trong vì bà nội của bé cứ nhìn thấy lại thương khóc cháu. Ảnh: Nguyệt Triều
Theo ghi nhận của VnExpress.net, hiện phần nhà hàng nổi lấn chiếm lòng sông của khu du lịch Dìn Ký vẫn chưa được tháo dỡ, di dời. Còn tại khu vực Cảng Bà Lụa, (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương), nơi xác con tàu “định mệnh” BD-0394 đã không còn tại nơi neo đậu. Các nhân viên cảng cho hay khoảng 4 tháng trước con tàu đã được kéo đi nơi khác.
Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Giang cho hay, đến nay mọi hoạt động bến khách, du thuyền của Dìn Ký vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Phần nhà hàng nổi lấn chiếm mà trước đó Dìn Ký cam kết tự di dời nhưng chưa thực hiện là do Công an tỉnh Bình Dương vẫn còn trong quá trình điều tra vụ tai nạn.
Sau vụ tai nạn ngành chức năng Bình Dương đã lên kế hoạch chấn chỉnh toàn bộ hoạt động bến bãi vận tải, bến khách sang sông trên địa bàn, phát hiện gần chục trường hợp bến bãi hoạt động không phép, lấn chiếm sông rạch. Trong số đó phải kể đến nhiều nhà hàng ven sông đã tự ý cơi nới lấn chiếm xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ sông rạch, đê điều.
Trao đổi với VnExpress.net, thượng tá Trần Văn Chính, Trưởng Phòng CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đến nay vụ án liên quan đến vụ chìm tàu Dìn Ký vẫn còn trong quá trình điều tra vì “vướng phần dân sự do liên quan đến yếu tố nước ngoài”.
Chập tối 20/5/2011, chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chi nhánh cầu Ngang chở theo hàng chục du khách đang dự tiệc sinh nhật con trai giám đốc Quách Lương Tài thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Tàu quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m tàu thì chao đảo, lật ngang làm 16 người trong đó có 6 em nhỏ bị nhấn chìm xuống lòng sông.
11 tiếng sau đó, lực lượng cứu hộ mới xác định được vị trí thuyền. Sau nhiều giờ đồng hồ tiếp cận, những thợ lặn đã phá cửa sổ khoang tàu và đưa 15 thi thể lên bờ, trong số này có 9 người trong gia đình anh Tài. Sáng 23/5 thi thể bé trai 9 tuổi mới được tìm thấy trong buồng máy của chiếc tàu chìm.
Ngày 31/5/2011, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giam Lao Văn Quang (quản lý bộ phận dịch vụ khu du lịch Dìn Ký, 28 tuổi) về tội danh Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Tài công Lê Văn Đức (28 tuổi) là người điều khiển tàu du lịch Dìn Ký nhưng không có bằng lái theo quy định cũng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện đường thủy.
Theo VNEXpress
Khám nghiệm tìm nguyên nhân vụ chìm tàu Dìn Ký
Hơn 3 tuần sau khi xảy ra vụ chìm tàu Dìn Ký làm 16 người chết, cơ quan chức năng bắt đầu tổ chức giám định, khám nghiệm con tàu "định mệnh" để tìm nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn tang thương.
Sáng 13/6, Cục Đăng kiểm phối hợp cùng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức các phần việc để tìm nguyên nhân chiếc tàu mang số hiệu BD 0394 của khu du lịch xanh Dìn Ký (xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị nạn.
Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm tàu BD 0394 vào sáng 13/6. Ảnh: Nguyệt Triều.
Hiện, tàu đang nằm ở cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trong ngày đầu khám nghiệm, cơ quan chức năng đã tiến hành đo đạc các số thông số kỹ thuật của tàu BD 0394. Tuy nhiên, do buổi sáng nước vẫn còn ngập chứa trong khoang máy và phần đuôi tàu nên một số công tác khám nghiệm vẫn chưa thể thực hiện được. Việc bơm nước ra ngoài cũng không thể tiến hành do thủy triều đang cao.
Trước đó, tối 20/5, chiếc tàu 2 tầng của khu du lịch Dìn Ký, chở theo hàng chục du khách đang dự tiệc sinh nhật con trai giám đốc Quách Lương Tài thì gặp mưa to kèm gió lớn. Tàu quay đầu về bến, cách bờ chừng 100 m thì tàu lật ngang khiến 16 người trong đó có nhiều trẻ nhỏ đã thiệt mạng. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố hình sự, bắt tạm giam 4 tháng đối với quản lý Lao Văn Quang và lái tàu Nguyễn Văn Đức để phục vụ công tác điều tra.
Phần mũi tàu bị hư hỏng nặng sau tai nạn. Ảnh: Nguyệt Triều.
Về phần bồi thường dân sự, đại diện phía Dìn Ký cho biết, tính đến nay mức thương lượng đền bù cho các nạn nhân trong nước trung bình là 2.828 USD một người; bồi thường tổn thất tinh thần là 3.393 USD một người. Tổng cộng chi phí hỗ trợ, bồi thường cho 12 nạn nhân trong nước là gần 2 tỷ đồng.
Đối với 4 nạn nhân người Trung Quốc, đại diện Dìn Ký đã trao 68.200 USD (tương đương 1,4 tỷ đồng) để lo hậu sự và chi phí đi lại cho gia đình của họ. Riêng khoản bồi thường tổn thất về tinh thần và vật chất, sau 6 lần thương lượng, Dìn Ký vẫn giữ nguyên mức 7.000 USD, trong khi phía nạn nhân yêu cầu 30.000 USD.
Theo VNExpress
Chưa thể khởi tố vụ tai nạn thảm khốc ở Đắk Lắk Chiều 19.5, đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết vẫn chưa thể khởi tố vụ án vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên cầu 14 qua sông Sêrêpốk khiến 34 người thiệt mạng. Cháu Lê Thị Bích Trâm (5 tuổi) bị thương nhẹ được đưa về nhà điều trị...