Một năm dốc sức vì ‘Gia đình Malaysia’ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob
Ngày 21/8/2021, ông Ismail Sabri Yaakob nhậm chức thủ tướng thứ chín của Malaysia trong bối cảnh tranh chấp đảng phái đang ở giai đoạn cao trào và dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Thách thức đặt ra đối với Thủ tướng Ismai không hề nhỏ, nếu không muốn nói là bộn bề ngổn ngang. Tuy nhiên, nhìn lại 365 ngày trên cương vị thủ tướng, ông Ismail đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên chính trường Malaysia và mọi dự luật hay sáng kiến do ông đề xuất đều cho thấy ông đang dốc sức vì “ Gia đình Malaysia”.
Ông Ismail Sabri phát biểu trong cuộc họp báo chính thức công bố danh sách nội các chính phủ. Ảnh tư liệu: Mạnh Tuân/PV TTXVN tại Malaysia
Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, ngày 13/9, chính phủ liên minh của Thủ tướng Ismail đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với liên minh Hy vọng (PH) đối lập, đánh dấu một sự kiện lịch sử chưa từng có trên chính trường Malaysia nhằm chuyển giao và ổn định chính trị, thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng, nâng cao tinh thần “Gia đình Malaysia” như mong muốn của Quốc vương. Theo MoU đã ký, hai bên sẽ gác lại những bất đồng chính trị, đảm bảo tiến trình phục hồi đất nước diễn ra một cách toàn diện.
Nhờ có sự ổn định, chính phủ đã tập trung vào việc khôi phục kinh tế. Quý II/2022, nền kinh tế Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, GDP đạt hơn 8,9% từ mức 5,0% trong quý I/2022. Song song với đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia tính đến cuối quý II cũng tăng lên mức kỷ lục là 836,2 tỷ RM, so với 812,1 tỷ RM trong quý trước đó. Tổng kim ngạch ngoại thương năm ngoái tăng gần 25% và lần đầu tiên đạt 2.000 tỷ RM (gần 450 tỷ USD) sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm trong hai năm liên tiếp.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,1% với tổng giá trị đạt kỷ lục 1.200 tỷ RM (270 tỷ USD), được thúc đẩy từ cả xuất khẩu trong nước và tái xuất. Dựa trên những chỉ số tích cực của nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Tengku Abdul Aziz cho rằng nền kinh tế Malaysia đang đi đúng hướng bất chấp môi trường đầy thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng cao hơn.
Cùng với phát triển kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Ismail cũng nhận định cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh tiêm chủng, tạo độ phủ vaccine nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tiến sĩ Kumitaa Theva Das, chuyên gia virus học của Đại học Sains Malaysia nhận định quốc gia Đông Nam Á này đang kiểm soát tốt tình hình COVID-19 trong quá trình chuyển sang giai đoạn coi đây là bệnh đặc hữu.
Video đang HOT
Mặc dù có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trong vài tháng tới, nhưng số ca mắc được cho sẽ không tăng đột biến theo cấp số nhân. Điều khiến Malaysia khác biệt so với các quốc gia khác hiện đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới là tỷ lệ tiêm các mũi cơ bản và mũi tăng cường rất cao, nằm trong danh sách 20 nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Do vậy, giới chuyên gia đều cho rằng ở thời điểm hiện tại, người dân Malaysia đã có một lượng kháng thể nhất định, ít nhất là đủ để không bị tái nhiễm hoặc có nhiễm thì chỉ ở thể nhẹ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng với việc kiểm soát tốt COVID-19 đã tạo nền tảng vững chắc cho Malaysia công bố chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa trở lại biên giới quốc tế từ ngày 1/4. Quyết định quan trọng này đã tạo ra “cú hích” cho việc phục hồi ngành du lịch, mang lại nguồn thu lớn. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Malaysia với tỷ trọng đóng góp cao vào GDP (luôn ở mức trên 14% từ năm 2015-2020). Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa (MOTAC) đặt mục tiêu trong năm nay thu hút 2 triệu lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu hơn 6,8 tỷ RM (1,6 tỷ USD).
Trong một năm qua, trên cương vị thủ tướng, ông Ismail đã thúc đẩy và triển khai 2 dự luật và 12 sáng kiến hướng đến 2 mục tiêu quan trọng, đó là ổn định chính trường và hỗ trợ bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất, nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất (B40 – thu nhập hộ gia đình dưới 5.000 RM/tháng).
Việc hạ viện thông qua dự luật “Chống chuyển đảng” với số phiếu áp đảo 209/220 là một cột mốc chuyển đổi chính trị quan trọng và có ý nghĩa đối với Malaysia, khôi phục niềm tin của người Malaysia vào hệ thống dân chủ. Theo đó, các nghị sỹ rời bỏ hàng ngũ của đảng để chuyển sang đảng khác sẽ bị tước quyền đại biểu quốc hội, bởi theo Thủ tướng Ismail, họ đã phản bội lại niềm tin mà cử tri đã trao cho họ thông qua bầu cử. Trên thực tế, những làn sóng chuyển đảng vì mục đích chính trị hay kinh tế trước đây đã gây rối loạn trên chính trường trong suốt 4 năm qua khi mà một nhiệm kỳ quốc hội đã chứng kiến sự thay đổi của 3 thủ tướng.
Bên cạnh đó, ông Ismail cũng đưa ra những sáng kiến hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, như thành lập Lực lượng đặc trách chống lạm phát; Chương trình bán nhà cho những người thu nhập thấp (HOPE), đặc biệt là người trẻ tuổi thuộc nhóm B40 và M40 (nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập trung bình có thu nhập dưới 10.000RM/tháng); Hỗ trợ Gia đình Malaysia.
Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được 2.000 RM/tháng, những gia đình có từ con thứ ba trở lên sẽ nhận được nhận tổng cộng 2.500RM/tháng. Những ông bố, bà mẹ độc thân sẽ được nhận thêm 500RM/tháng; Nâng lương tối thiểu từ 1.200RM lên 1.500 RM và có hiệu lực tức thì từ ngày 1/5 vừa qua. Ưu tiên bổ nhiệm lãnh đạo nữ, tỷ lệ nữ giới chiếm ít nhất 30% trong ban lãnh đạo của những công ty quốc doanh; Không tăng giá điện và nước sinh hoạt cho đến hết năm 2024; Hỗ trợ công chức sửa và mua xe ô tô mới.
Trong phiên họp thượng viện tuần qua, Thủ tướng Ismail nhấn mạnh chính phủ hiện vẫn tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của người dân. Chính phủ can thiệp khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thịt gà, dầu ăn và xăng RON 95 giảm giá và đang giữ ở mức ổn định, qua đó đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá hàng hoá trên thị trường.
Để làm được việc này, chính phủ đã quyết định chi khoản ngân sách trợ giá khổng lồ, dự kiến lên đến 77,7 tỷ ringgit (RM) cho năm nay, tăng gấp đôi so với khoản đã được phân bổ năm ngoái. Trong đó, 51 tỷ RM (gần 66%) là trợ cấp giá nhiên liệu, dầu ăn, điện, nước, gà và trứng. Quyết sách này đã giữ cho tỷ lệ lạm phát thấp, chỉ khoảng 3,5%, nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất thế giới. Nếu không được trợ giá thì lạm phát có thể tăng, từ 8-11%.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, bà Madam Foo, quản lý siêu thị NSK – chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất Malaysia – cho biết với sự can thiệp kịp thời của chính phủ, giá gà đã giảm xuống thấp hơn giá trần, lượng khách tiêu dùng đã tăng trở lại, siêu thị tiêu thụ trung bình 50-60 kg thịt gà/ngày sau khi chững lại trong khoảng 3 tháng trước, ở mức 20-30 kg và chỉ bán tối đa 2 con cho/khách hàng do thiếu nguồn cung.
Trò chuyện về cuộc sống thường ngày với phóng viên TTXVN, anh Aziz, nhân viên bán hàng, người vừa có em bé chào đời, bộc bạch: “Nhờ có gói hỗ trợ cho nhóm B40 của chính phủ, vợ chồng tôi có thêm tiền mua sữa cho em bé hàng tháng. Tôi thấy đây là một chính sách đúng đắn và phù hợp với lòng dân. Tôi rất hạnh phúc”.
Trong đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất ( UMNO), Thủ tướng Ismail là phó chủ tịch, chỉ đứng ở vị trí thứ ba sau chủ tịch và tổng thư ký đảng. Tuy nhiên, với nỗ lực không ngừng nghỉ trên cương vị thủ tướng, ông đã nhận được sự nhất trí, đồng lòng trong nội bộ đảng khi cả UMNO và Liên minh Quốc gia (BN) đều ủng hộ ông làm ứng cử viên ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 (GE15) sắp tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ Awang Azman Awang Pawi, trường Đại học Malaya cho rằng là một chính trị gia lão luyện, từng làm bộ trưởng cấp cao, phó thủ tướng trước khi làm thủ tướng, ông Ismail hiểu rõ từng thành viên nội các và biết cách xây dựng một đội ngũ cố vấn tốt nhất. Điều này đã giúp công tác điều hành chính phủ của ông trở nên dễ dàng hơn. Hơn nữa, việc đàm phán để ký được MoU với phe đối lập cũng đã khiến chính trường ổn định, đảm bảo chính phủ không sụp đổ trước khi quốc hội kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 7/2023.
Đồng quan điểm với Tiến sỹ Awang, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Annuar Musa cho rằng chính phủ do Thủ tướng Ismail lãnh đạo là một chính phủ ổn định nhờ sự ủng hộ của tất cả các bên bao gồm cả phe đối lập. Do vậy, không cần thiết phải gây áp lực và không có lý do gì để giải tán quốc hội trước thời hạn.
Con đường phía trước của chính phủ Thủ tướng Ismail là GE15, nơi các đảng phái đều muốn thu hút sự ủng hộ của các cử tri và mong muốn cử tri ghi tên đảng phái mà họ ủng hộ vào lá phiếu. 365 ngày là chưa nhiều, song với nỗ lực dốc sức vì “Gia đình Malaysia”, Thủ tướng Ismail chắc chắn đã ghi được nhiều dấu ấn khi đa số người dân Malaysia cảm thấy hạnh phúc, mặc dù trải qua những thách thức của đại dịch và cuộc khủng hoảng kinh tế.
Chính phủ Malaysia hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp chật vật vì lạm phát
Thủ tướng Malaysia - ông Ismail Sabri Yaakob - đã công bố khoản cứu trợ tiền mặt bổ sung trị giá 630 triệu RM (143 triệu USD) nhằm giúp các gia đình có thu nhập thấp ứng phó tình trạng giá cả leo tháng khiến chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Chương trình Hỗ trợ Gia đình Malaysia (BKM) sẽ mang lại lợi ích cho hơn 8,6 triệu người, bao gồm 4 triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi và 3,4 triệu người độc thân. Ảnh minh họa: Reuters
Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân trong cơn bão giá, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, mỗi hộ gia đình trong diện B40 (Nhóm 40% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất. Tổng thu nhập dưới 4.850 RM (khoảng 21 triệu VND)/tháng sẽ được nhận viện trợ bằng tiền mặt, trị giá 100 RM/người (540.000 VND/người) trong khi người độc thân sẽ nhận được 50 RM (270.000 VND). Chương trình này sẽ được triển khai từ ngày 27/6 và chia làm 4 giai đoạn.
Trong một thông báo đặc biệt đưa ra ngày 23/6, Thủ tướng Ismail cho rằng Chương trình Hỗ trợ Gia đình Malaysia (BKM) sẽ mang lại lợi ích cho hơn 8,6 triệu người, bao gồm 4 triệu hộ gia đình, 1,2 triệu người cao tuổi và 3,4 triệu người độc thân, đồng thời cho biết thêm quyết định hỗ trợ tài chính được đưa ra sau khi chính phủ nhận thấy chi phí sinh hoạt tăng bao gồm giá thực phẩm. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ nhận được tối đa 500 RM tùy theo hoàn cảnh. Giai đoạn 2 sẽ phân bổ thêm 650 triệu RM và điều này sẽ nâng tổng ngân sách viện trợ theo Chương trình BKM lên đến 1,74 tỷ RM.
Thủ tướng Ismail cho biết, khoản hỗ trợ tối đa lên tới 2.500 RM/hộ gia đình thuộc diện B40 nằm trong Ngân sách 2022, vốn được thông qua từ năm ngoái và là động lực lớn nhất của chính phủ cho đến nay, nhằm hướng đến phúc lợi của người dân.
Trong bài phát biểu đặc biệt, ông Ismail cũng cho biết, chương trình trợ giá tạm thời đối với mặt hàng dầu ăn đóng chai được áp dụng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 sẽ chấm dứt từ ngày 1/7. Giải thích về quyết định này, ông cho biết chính phủ đã phát hiện ra rằng khoản hỗ trợ dầu ăn đã bị một số người sử dụng sai mục đích, trong đó có cả việc buôn lậu. Ban đầu, chương trình dự kiến chỉ kéo dài trong ba tháng kể từ tháng 8/2021 và khoản trợ cấp này đã khiến chính phủ tiêu tốn 55 triệu RM mỗi tháng.
Chính phủ Malaysia đã chi 4 tỷ RM để trợ cấp cho dầu ăn trong năm nay, so với 500 triệu RM vào năm 2020 và 2,2 tỷ RM vào năm 2021. Trên thực tế, chính phủ trợ cấp 60.000 tấn dầu ăn, nhiều hơn mức tiêu thụ của công chúng là 55.000 tấn mỗi tháng.
Dấu ấn 100 ngày cầm quyền đầu tiên vì 'Gia đình Malaysia' "Gia đình Malaysia" là cụm từ Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhắc tới nhiều trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng 8. Đánh giá về 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Ismail cho rằng nội các đã thực hiện được khoảng 90% mục tiêu đề ra và thành quả...