Một năm cấy “cỏ dại”, thu củ trong 1 tháng, dân buôn lấy ngay tại bờ
Thu sang, hoa sữa nở rộ cũng là lúc củ niễng chín. Thời điểm này, nông dân thành phố Hưng Yên ( tỉnh Hưng Yên) bước vào cao điểm thu hoạch niễng. “Đầu vụ, thương lái thu mua tận ruộng với giá 3.000 – 3.500 đồng/củ.
Hiện tại, giá bán niễng dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/củ. Trung bình một sào cấy niễng gia đình tôi thu nhập từ 7.000 – 9 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa”, ông Phương-1 hộ trồng niễng phố Phương Độ phấn khởi nói.
Cấy 1 năm, thu 1 tháng
Củ niễng là loại cây thảo lâu năm, sống ở môi trường nước hoặc bùn. Đây là cây có thân rễ rất phát triển, thân đứng cao tới 1 – 2m, phần dưới gốc to xốp. Thành phố Hưng Yên hiện có gần 9ha trồng cây niễng, trong đó phường Hồng Châu có diện tích trồng lớn nhất với 6,5ha.
Nông dân phường Hồng Châu thu hoạch niễng
Đến khu phố Phương Độ, phường Hồng Châu vào những ngày cuối tháng 10, trên những ruộng niễng xanh mỡ màng cao quá đầu người, người nông dân đang vào vụ “cao điểm” thu hoạch niễng. Để có được những củ niễng to mẩy, trắng ngần, người trồng niễng đã vất vả “một nắng hai sương” cả năm trời.
Khoảng đầu tháng 2 âm lịch, khi cái lạnh còn “cắt da cắt thịt” thì người nông dân xuống đồng cấy niễng. Ông Vũ Văn An, Trưởng khu phố Phương Độ cho biết: “Ăn Tết xong xuôi là chúng tôi bắt đầu một vụ niễng mới. Những gốc niễng còn sót lại từ mùa thu hoạch trước được đào lên rồi cấy trở lại chân ruộng như cấy lúa”.
Video đang HOT
Theo chia sẻ của các hộ trồng niễng ở phường Hồng Châu: Niễng là giống cây ưa nước, thích nhất khi gặp trời mưa. Càng mưa nhiều niễng càng tốt, củ càng to càng trắng, càng ngọt Cây niễng sinh trưởng và phát triển thuận lợi trên những chân ruộng trũng, nhiều bùn và thường xuyên đủ nước. Nếu là đất pha cát thì rất khó trồng vì niễng không chịu được khô. Vì thế, không phải nơi nào cũng trồng được niễng và trồng được niễng ngon.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ trồng niễng, chọn giống niễng là khâu vô cùng quan trọng. Niễng đến thời điểm “chín”, củ to, nhiều nhánh, lá xanh tươi được người dân dùng que tre đánh dấu để lại làm giống cho vụ sau.
Niễng năm nay trúng mùa, được giá
Có người hóm hỉnh cho rằng, sống ở đất Hưng Yên mà chưa từng ăn củ niễng thì như chưa từng ở đây, bởi củ niễng đã trở thành món ngon đặc sản vùng đất Phố Hiến. Củ niễng “sạch”, lại là món ngon chỉ có theo mùa nên được thị trường ưa chuộng. Những ngày này, dạo quanh các chợ trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực thành phố Hưng Yên đâu đâu cũng thấy bán củ niễng. Trên những cánh đồng, người dân phấn khởi trước một vụ niễng bội thu, được giá.
Người trồng niễng vui mừng vì năm nay được mùa, được giá
Ông Trần Văn Tuấn ở khu phố Phương Độ là một trong những hộ trồng nhiều niễng nhất ở phường Hồng Châu với gần 8 sào. Vừa cẩn thận cắt lọc từng nhánh niễng, ông Tuấn vừa phấn khởi cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây niễng ở Hồng Châu được mùa. Đầu vụ, thương lái thu mua tận ruộng với giá 3.000 – 3.500 đồng/củ. Hiện tại, giá bán niễng dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/củ. Trung bình một sào cấy niễng gia đình tôi thu nhập từ 7.000 – 9 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa”.
Sau khi thu hoạch củ niễng, người trồng chuyển niễng về nhà cắt lọc, phân theo các loại to, nhỏ khác nhau rồi bó thành bó 10 củ đợi thương lái đến thu mua. Nhiều nhà hàng trên địa bàn tỉnh cho biết, nhiều thực khách yêu cầu món ăn chế biến từ củ niễng.
Anh Trịnh Văn Hiện, chủ nhà hàng Quang Anh, phường An Tảo (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Thời điểm này, nhà hàng thường xuyên nhập lượng lớn củ niễng để chế biến món ăn cho khách, đặc biệt là món niễng xào thịt bò. Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành, tỏi băm, cho thịt bò vào xào chín khoảng 2-3 phút thì trút ra đĩa riêng. Vẫn sử dụng chảo đó, cho dầu ăn, phi hành tím, cho củ niễng vào xào với chút hạt nêm, khi thấy củ niễng chín tái thì cho thịt bò vào xào cùng khoảng 2-3 phút, lúc này cho lá hẹ cắt khúc vào đảo chung khoảng 30 giây thì tắt bếp”.
Theo Dương Miền-Nguyễn Nhân (Báo Hưng Yên)
Khó khăn triển khai chương trình nước sạch ở Hưng Yên
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước sạch còn chậm.
Ngày 21/9, tại Trung tâm văn hóa huyện Kim Động (Hưng Yên) đã diễn ra Hội nghị "Sử dụng nước sạch - tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và mục tiêu quốc gia nước sạch 2020".
Quang cảnh hội nghị...
Ông Lê Trung Cần - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên - cho biết, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch đã có 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước, được phân vùng cấp nước sạch cho 88 xã vùng nông thôn, 44 xã đang xây dựng đường ống cấp nước. Một số công trình đang mang lại hiệu quả thiết thực như nhà máy nước Ngọc Tuấn (Kim Động), dự án nước Phần Lan tài trợ xây dựng nhà máy nước tại thành phố Hưng Yên, Phố Nối và và các xã Phùng Hưng (Khoái Châu), Toàn Thắng (Kim Động) ...
Ông Lê Trung Cần - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên.
"Điển hình là nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động có công suất 9.500 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 9 xã của 2 huyện Kim Động và Ân Thi. Với nguồn nước được lấy trực tiếp từ sông Hồng, chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn theo QC 01-2009 của Bộ Y tế, nhà máy nước Ngọc Tuấn đã thu hút hơn 4.000 hộ và trên 80 doanh nghiệp tham gia đấu nối để sử dụng" - ông Cần cho biết.
Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka, ông Nguyễn Ngọc Tuấn.
Theo ông Phan Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tại nhiều cơ sở cấp nước chưa đạt quy chuẩn. Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 38 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ mẫu nước đạt quy chuẩn là hơn 53%; tại 15 cơ sở cấp nước công suất dưới 1.000 m3 nước ngày đêm, tỷ lệ mẫu đạt quy chuẩn là hơn 21%, các mẫu còn lại không đạt quy chuẩn về lý hóa.
Còn theo ông Lê Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện nay, do các doanh nghiệp tự bỏ vốn, không có hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ phía nhà nước nên việc huy động nhân dân đóng góp đầu tư cụm đồng hồ còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước còn chậm.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã giao cụ thể cho các doanh nghiệp sử dụng nước nguồn Bắc Hưng Hải và nước ngầm phải sử dụng nguồn nước cấp từ sông Hồng, sông Luộc. Các địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ lợi ích về sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm chi phí so với dùng nước truyền thống; phổ biến để bà con hiểu rõ những quy định của tỉnh về việc đấu nối lắp đặt đồng hồ đo nước, có trách nhiệm trong việc đóng góp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2018 đạt 80% số hộ dân dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch tại các nhà máy nước tập trung, với chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Hoàng Dũng
Theo Dantri
Thành phố Hưng Yên: Đảm bảo công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết trung thu 2018 Tết Trung thu đang cận kề nên nhu cầu tiêu dung các loại bánh, kẹo, đặc biệt bánh trung thu rất cao. Nhằm đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Thành phố Hưng Yên đã liên tục đi kiểm tra nhằm kịp...