Một mình lắc lư… ngang trời
Mưa gió bất thường, máy móc trục trặc là những rủi ro khó lường mà người lái và ráp tháp cẩu trên cao phải đối mặt hằng ngày.
Lái cẩu tháp là một nghề nguy hiểm và áp lực cao – Ảnh: Lam Ngọc
Yếu tim thì không làm được
Cách đây 8 năm, lúc 19 tuổi, Phạm Văn Tuyên rời Thái Nguyên vào TP.HCM lập nghiệp. Vừa học vừa làm, đến nay dù một mình lơ lửng ở độ cao hàng trăm mét để điều khiển vô lăng máy cẩu và không còn bỡ ngỡ nhưng lúc nào Tuyên cũng thấp thỏm lo cho tính mạng của mình. Nghề lái cần cẩu chẳng biết sớm trưa là gì, còn việc còn làm, làm xong mới được nghỉ. Không cây xanh che nắng, không vật cản ngăn gió, người lái cẩu phải một mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết ở trên cao.
Anh Tuyên kể: “Cách đây 2 tháng, khi leo lên cẩu tháp làm việc, vừa bắt đầu cẩu những tấm vách thang máy to khoảng 10 m2 thì trời nổi giông. Tấm vách kín, lực cản lớn lại gặp giông lốc đột ngột nên cứ đưa qua đưa lại như con diều. Ngồi trong ca bin lắc lư chao đảo, gió mỗi lúc một lớn tôi chỉ biết ngồi nín thở cầu khấn, phó mặc mạng sống của mình cho ông trời”.
Do nhìn từ trên cao xuống, tầm nhìn thường bị khuất nên các lái cẩu cần có người xi nhan bên dưới, hai bên liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Trường hợp bộ đàm gặp trục trặc thì tính mạng của công nhân làm việc xung quanh, hoặc trong tầm cẩu tháp sẽ trực tiếp bị đe dọa. Điển hình như trường hợp va chạm cẩu ở công trình xây dựng trên đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, TP.HCM) vào tháng 7.2014. Anh Nguyễn Văn Sỹ, người trực tiếp lái cẩu chứng kiến từ đầu vụ tai nạn, kể lại: “Cùng một lúc trong công trình có nhiều cẩu tháp cùng vận hành, vị trí các cẩu nằm khá sát nhau nên khi điều khiển lái cẩu chúng tôi phải thận trọng tương tác với nhau qua bộ đàm. Hôm đó, do công việc của công trình đang gấp, chúng tôi tập trung vào công việc mà quên mất là bộ đàm chưa đi đăng ký nên chưa thông nhau. Tôi đang tập trung điều khiển cẩu để đổ cột bê tông thì bị cẩu bên cạnh cùng một tấm tôn lớn va phải. Loay hoay một hồi lâu nhưng sợi cáp của hai bên vẫn cứ quấn lấy nhau mà không cách nào gỡ ra được. Tôi đang hoảng thì lại phát hiện thêm hộp đèn gắn trên cần trục cẩu tháp bị nứt chuẩn bị rơi. Dùng bộ đàm liên lạc với mặt đất yêu cầu mọi người sơ tán nhưng không kịp. Hộp đèn nặng khoảng 15 kg, từ độ cao hơn 40 m rơi đúng cánh tay của một công nhân bên dưới khiến tay anh này bị gãy. Từ trên cabin cẩu tháp nghe thông báo về tai nạn của đồng nghiệp qua bộ đàm, tim tôi như muốn nhảy ra ngoài”.
Video đang HOT
Rủi ro khó lường
Đứng trong vận thăng đưa công nhân từ mặt đất lên cao lúc gió lớn, chúng tôi như bị rụng tim vì độ cao cheo leo. Cảm giác chóng mặt, quay cuồng dồn dập, phải cố gắng bám chắc và núp sau một chiếc cột lớn tránh gió chúng tôi mới có thể đứng vững. Chỉ hơn 20 phút nhưng đã cảm nhận được phần nào tính chất nguy hiểm của nghề lái cẩu tháp. Người vận thăng di chuyển lên tầng cao nhất (khoảng tầng 20 của công trình), nơi anh Nguyễn Văn Sỹ phải lên làm việc mỗi ngày.
Anh Nguyễn Văn Sỹ trong vận thăng lên cẩu tháp nơi anh làm việc mỗi ngày
Vừa di chuyển lên cao, anh Sỹ vừa chia sẻ: “Máy móc không biết kêu đau. Cẩu tháp phơi mưa phơi nắng. Dù kiểm tra kỹ tới đâu thì nhiều khi cũng không tránh được sự cố. Khi thì hư ốc, khi thì thời tiết thay đổi bất ngờ. Người làm nghề lái cẩu tháp luôn phải làm việc ở độ cao hơn so với công trình từ 10 – 15 m, khi lên tới độ cao vài trăm mét thì độ rủi ro, tai họa khó lường”.
Càng lên cao độ rủi ro càng lớn. Chỉ cần trượt chân, trượt tay, sơ ý một chút là tính mạng bị đe dọa. Năm 2009, anh N.V.B (30 tuổi, quê Hải Dương) trong công đoạn dùng bu lông ráp các khớp nâng đoạn tháp cẩu ở độ cao 17 m (lầu 6) tại một công trình xây dựng ở Q.2, thì bị trượt chân ngã văng khỏi cẩu. Anh B. rơi xuống nền bê tông, tử vong tại chỗ. Vài ngày sau, anh T.V.T (quê Thanh Hóa) cũng gặp phải tai nạn tương tự, để lại người vợ và hai con.
Sập cẩu, đổ cẩu khi tháo, ráp, hoặc nâng cẩu đều ẩn chứa nhiều tai nạn. Anh Trần Trí Hiểu (35 tuổi, quê Long An) đang làm công trình ở độ cao 20 m tại Q.2 thì tháp cẩu bị sập, khối hàng hơn chục tấn đè sập cabin. Không kịp phản ứng vì tình huống xảy ra quá nhanh, anh Hiểu nằm lại trong chiếc cabin bị đè bẹp…
Từ ngày làm nghề, anh Tuyên chưa bao giờ dám kể thật với gia đình về công việc của mình đang làm vì sợ người thân lo lắng. “Người ta cứ bảo tôi làm lái cẩu tháp có thu nhập cao, nhưng có nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Mệt mỏi, căng thẳng, áp lực chỉ mình cảm nhận được. Tôi tranh thủ sức trẻ kiếm một số tiền làm vốn rồi chuyển nghề. Chẳng ai có thể thi gan với tử thần mãi được…”, anh Tuyên bộc bạch.
Lam Ngọc
Theo Thanhnien
Nghề báo bận đến quên yêu!
Thực sự suốt bốn năm sau khi ra trường, em cũng chưa bao giờ biết đến khái niệm yêu một chàng trai nào đó.
Em năm nay 27 tuổi, đã ra trường được 4 năm và hiện em đang công tác tại một báo điện tử có tiếng tại Thủ đô. Rất nhiều người ngoài ngành lẫn trong ngành đều nhận định đây là "nghề ế chồng và bị chồng bỏ" nhiều nhất. Sở dĩ em nói vậy là bởi vì, công việc của em bận bịu tối ngày, 8h ban ngày ôm máy tính trên văn phòng, cộng thêm 3 - 4h nữa ngồi trực tại nhà vào buổi tối.
Những ngày lễ, tết thay vì đi chơi như nhiều bạn cùng trang lứa, chúng em lại phải túc trực gần như cả ngày, hễ có tin mới thì phải đẩy lên hệ thống luôn. Làm sao để đảm bảo cơ quan mình có tin mới nhất, hot nhất và sớm nhất so với các báo khác. Đấy là còn chưa kể đến những sự vụ nóng là phải ra hiện trường, phải đi công tác xa... với khoảng thời gian làm việc full và không cố định như thế thì thử hỏi liệu có một người đàn ông nào chấp nhận gần chúng em.
Ngoài khoảng thời gian ngồi văn phòng, nghề báo cũng phải đi rất nhiều nơi để viết bài. (Ảnh minh họa)
Guồng công việc tất bật bởi thế mà nếu một ngày em không làm gì đó thì chắc chắn sẽ thấy vô cùng bứt rứt. Cả tuần làm rồi trực, ngày nghỉ cũng làm và trực, thời gian của em trôi đi rất nhanh. Em đành phải tận dụng những ngày nghỉ ít ỏi 1 cách tối đa để tranh thủ về thăm nhà và tụ tập bạn bè. Thậm chí nếu muốn gặp đám bạn thì em đều phải hẹn trước đó cả tuần. Ngay cả thời gian dành cho bản thân mình còn không có làm sao em có nổi thời gian để yêu và quan tâm một ai đấy.
Thực sự suốt bốn năm sau khi ra trường, em cũng chưa bao giờ biết đến khái niệm yêu một chàng trai nào đó. Cứ tối ngày làm tin, tâm trí em lúc nào cũng chỉ có hai từ "đề tài". Điển hình là hầu như ngày nào đi đường em cũng bị người ta chửi mắng vì vừa đi em vừa ngơ ngác mọi chỗ để xem xét có gì hay ho mà viết báo. Lúc ăn, lúc tắm, nấu cơm, rửa bát... mọi nơi, mọi lúc đầu em cũng chỉ đinh ninh làm sao có đề tài hay để làm, làm sao triển khai được đề tài đó, làm sao để mang tới cho công chúng những tin tức mới nhất, hay nhất và đúng nhất. Thật chẳng còn chỗ để yêu.
Nghề báo khiến em bận đến mức quên cảm giác yêu. (Ảnh minh họa)
Mải miết chạy theo những suy nghĩ "đặc biệt" của nghề, tuổi xuân của em trôi đi lúc nào em chẳng biết. Đến khi ngồi ngẫm lại mới thấy, em không còn trẻ. Ở cái tuổi dở dở ương ương cộng thêm công việc làm báo chiếm hết quỹ thời gian khiến em không thể nào có nổi cảm tình với một người khác giới nào đó. Đôi lúc em còn tự ti vì chính nghề của mình. Có những khi áp lực công việc khiến em chỉ muốn có được một ngày không phải nghĩ tới nó. Cứ hễ rảnh rang là em lại leo lên giường ngủ. Ngay cả chiếc điện thoại bình thường chỉ dùng được 1 ngày thì nay cứ hai ngay em mới phải sạc pin một lần.
Cũng có lúc em thèm yêu một chàng trai, thèm cảm giác được chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, của công việc với người ấy, thèm cảm giác có ai đó luôn lắng nghe mình... nhưng tất cả những ý nghĩ đó chỉ có trong phút chốc và em lại quay về với chuỗi "đề tài" viết báo của bản thân. Quả thật, nghề báo khiến em bận đến mức quên cảm giác yêu ai đó.
Theo Tintuc
Không kịp "trả bài" đằng ấy vì nợ... tin bài! Không dưới một lần, tôi cố gắng đạt đủ chỉ tiêu tin bài ở tòa soạn thì cũng là từng ấy lần tôi thất hẹn "trả bài" với cô vợ bé bỏng của mình. Tôi và em quen nhau rất tình cờ trong một lần tôi trở lại trường cấp 3 dự kỷ niệm thành lập trường với tư cách là học sinh...