Một mình cắm trại đêm, ngắm dải ngân hà tại Hang Kia
Chọn địa điểm gần Hà Nội để một mình cắm trại qua đêm, chàng nhiếp ảnh trẻ cảm giác như đang nằm giữa không gian của vũ trụ.
Nhiếp ảnh gia du lịch Trần Văn Linh, sinh năm 1994, muốn tận hưởng cảm giác yên bình và tạm tránh xa khỏi không khí nặng nề nơi thành thị, đã xách máy ảnh và lên đường cắm trại một mình tại Hang Kia – Pà Cò (Hoà Bình) vào một ngày giữa tháng 6.
Biết tới địa điểm này từ một chuyến công tác tại Mộc Châu và Sơn La, khi Hang Kia còn ít người biết tới, Linh đã yêu mến vẻ đẹp, sự hoang sơ của nơi đây, luôn muốn quay trở lại “tận hưởng” nó một mình. Anh chia sẻ mình là một người mê chụp ảnh thiên văn, dù cắm trại một mình, song anh vẫn quyết đi vì được tự do hơn về thời gian cũng như thoải mái sáng tạo những bức ảnh cho riêng mình. Đã hai lần Linh đến cắm trại một mình qua đêm tại đây. Trên chiếc xe máy, chàng trai 27 tuổi đi khoảng 160 km để di chuyển từ Hà Nội đến Hang Kia – Pà Cò, men theo địa hình đèo núi khá nguy hiểm.
Chàng trai trẻ đứng dưới dải ngân hà triệu vì sao.
Khởi hành vào 13h chiều từ Hà Nội, Linh đến Hang Kia – Pà Cò vào 19h và dựng lều. Linh chia sẻ, cắm trại một mình ở nơi rừng hoang vu là một cảm giác khá đặc biệt đối với anh. “Mình vừa có cảm giác được sống hoà vào thiên nhiên, vừa có cảm giác cần đề phòng với vạn vật xung quanh. Không gian tĩnh mịch chỉ nghe tiếng côn trùng kêu, những cơn gió xì xào bên tai trong bầu không khí trong lành của núi rừng. Mọi thứ đều gợi cho mình cảm giác có chút lạnh trong người, nhưng tất cả đều ấm áp khi nhìn lên bầu trời hàng triệu vì sao”, Linh nói. Khi đứng chụp dải ngân hà, chàng trai quên mọi lo lắng, chỉ muốn hô lên giữa rừng vì ảnh chụp ra đối với anh là quá đẹp.
Để chụp được dải ngân hà ưng ý, Linh đã chuẩn bị những thiết bị máy ảnh tốt như ống kính có độ mở khẩu lớn, đồng thời chuẩn bị cho bản thân kiến thức về thiên văn, thời tiết và kỹ thuật chụp ảnh. “Khó khăn đến với mình đa phần là do thiên nhiên, cần phơi sáng đủ lâu để chụp được bầu trời đêm, song chỉ chút mây hoặc gió lớn có thể làm thiết bị và cảnh vật bị rung mạnh”, Linh chia sẻ về khó khăn khi tác nghiệp. Sương đêm trùm lên cơ thể khi anh mở mành phủ ra, mắt nhìn bầu trời đầy sao, dải ngân hà vắt ngang qua đỉnh lều, khiến anh cảm giác như mình đang nằm giữa không gian của vũ trụ.
Chiếc lều trại của Linh trên thung lũng Hang Kia hoang vắng, yên tĩnh vào ban đêm.
Theo hướng dẫn của Linh, khi đến đây sẽ có một nhà người dân thu vé tham quan 30.000 đồng/người. Anh chia sẻ tại đây không có biển cảnh báo. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, du khách cần liên hệ với chủ địa điểm để báo sự có mặt, cắm trại tại nơi an toàn, tránh các loại côn trùng và tác động của thiên nhiên như sạt lở núi, gió lớn, mưa. Buổi sáng khi tỉnh dậy, nếu may mắn, du khách có thể săn được mây, trùng trùng lớp lớp giữa núi non đại ngàn.
Thung lũng Hang Kia – Pà Cò thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình, nằm giữa bốn bề núi đá, quanh năm mây mù bao phủ. Địa điểm này gần đây khá đông khách tham quan vào ban ngày, song ban đêm theo Linh chia sẻ là gần như không có người. Nơi đây từng được giới mê xê dịch truyền tai nhau từng là một “điểm nóng” về an ninh, nhưng hiện tại đây đã là một địa điểm an toàn, nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Hang Kia – Pà Cò hùng vỹ vào sáng sớm, là một điểm săn mây nổi tiếng.
“Điều thú vị trong hành trình là được cảm nhận nhịp thở của thiên nhiên, sống gần với tự nhiên hoang dã hơn, có những trải nghiệm cơ bản về sinh tồn và được ngắm những khoảnh khắc đẹp nhất của nơi đó một cách tự do”, Linh chia sẻ.
Cắm trại đêm trên núi Chứa Chan
Chúng tôi leo núi là vì nhớ núi, nhớ cảm giác được vắt kiệt sức mình, được đứng ở một nơi thật cao ngắm nhìn cảnh vật bên dưới, nhìn lại những vất vả mình đã trải qua.
Đường leo núi mùa này đẹp lắm!
7h sáng, chúng tôi hẹn nhau ở ngã tư Hàng Xanh rồi cùng lên chiếc xe 16 chỗ thẳng hướng chân núi Chứa Chan.
- Vị trí: Huyện Xuân Lộc - Đồng Nai- cách TP HCM khoảng 120km.
- Thời gian chinh phục theo sức khỏe người bình thường: 3 tiếng lên đỉnh núi. Leo núi Chứa Chan cũng có 2 đường là đường chùa và đường cột điện.
Video đang HOT
- Phương tiện di chuyển leo núi:
Xe máy: Trước đây tôi hay dùng cách này, đi về trong ngày.
Xe ô tô: Phương án thuê một chiếc xe 16 chỗ để đi đoàn đông, hoặc đi nhà xe Kim Mạnh Hùng dừng cách chân núi 3km.
Chúng tôi vẫn chọn cung đường quen thuộc: lên đường cột điện, cắm trại, xuống đường chùa. Ngay dưới chân núi là quán nước của chị Yến, nơi có bán nước, cho thuê lều võng và khai báo thành viên leo núi.
Đoàn chúng tôi leo núi Chứa Chan
Đoàn chúng tôi đa phần là người trẻ tuổi, bình thường là dân văn phòng ít luyện tập thể thao. Nhưng ai cũng hào hứng với việc cắm trại đêm trên đỉnh núi, cố gắng đi trước khi nắng gắt. Vì mỗi người một mức thể lực và sở thích khác nhau nên chúng tôi chia thành những nhóm nhỏ di chuyển, hẹn gặp ở đỉnh núi khu vực hạ trại.
Tôi đã leo nhiều ngọn núi nên đồ đạc mang theo rất tinh gọn, tất cả nằm trong chiếc balo nhỏ sau lưng. Nhưng dọc đường lại được gặp những "manh chiếu mới chưa từng trải" vác hầm bà lằng như chứa cả cửa hàng tạp hóa trong balo. Vài năm trước, tôi ngây ngô vác cả cái bếp cồn, cái nồi to lên đỉnh Bà Đen nấu mì để rồi ngẫm ra mình cũng không cần cố gắng nhiều để ăn mì như thế làm gì cho cực.
Những mùa hoa trên núi
Chứa Chan qua nhiều mùa tôi đi cảnh vật cũng có những đổi thay thú vị: có khi là mùa hoa cỏ tranh trắng xóa đỉnh núi, mùa quả điều chín thơm lừng sườn núi. Lần này chúng tôi đi đang vào lúc hoa cỏ lau mới vừa nở, màu tím xen kẽ màu trắng, nổi bần bật trên nền trời xanh.
Mùa hoa cỏ lau
Chúng tôi không đi nhanh, chia thành từng chặng ngắn, mệt thì dừng chân dưới bóng cây uống nước, ăn vài quả quýt. Cũng chính những đoạn nghỉ ấy, chúng tôi nhắc lại về những ngọn núi đã từng qua, so sánh cảm giác của lần này và lần trước.
Cuối tuần là thời gian rất nhiều nhóm leo núi cắm trại. Nhưng đa phần các nhóm sẽ chọn khu vực bãi đất rộng ngay gần chóp núi. Riêng nhóm chúng tôi lại chọn một vị trí tương đối biệt lập, nhưng có một lợi thế là gần bể nước sinh hoạt của các anh bộ đội, có thể dùng ké nếu cần nước nấu ăn, rửa mặt...
Khu lều trại của nhóm
4h chiều, chúng tôi có mặt ở điểm hạ trại, đúng lúc mây từ lưng chừng núi đang bị gió thổi ngược lên. Chúng tôi ngồi thừ ra ngắm mây nhàn tản, hô to tên từng người bạn chinh phục thành công ngọn núi.
Bạn tôi thảnh thơi nằm ngắm mây bay
Leo núi là như thế, có những lúc được ngồi thừ ra mà nhìn trời nhìn đất, nhìn cỏ nhìn cây, kể nhau vài câu chuyện có khi chả phải chuyện mình. Nhìn lại đoạn đường, cảnh vật mình đã qua bằng từng cái bước chân bé tí, giờ cũng bé tí dưới kia. Nếu không có mấy bước chân bé tí đầy nỗ lực thì chẳng bao giờ bạn chạm tới đỉnh núi.
Mọi việc lại diễn ra theo thứ tự: dựng lều, kiếm củi nhóm lửa, nấu ăn. Khu lều được bố trí gần nhau để tránh gió. Đêm trên núi nhiệt độ xuống khá thấp nên mỗi lều đều được trải tấm cách nhiệt, mỗi thành viên cũng tự trang bị thêm mền, áo khoác giữ nhiệt. Trong đoàn có một thành viên nhỏ mới 7 tuổi. Nhân ngày nghỉ, em theo bố đi leo núi, mang theo một chiếc balo như tất cả các anh chị lớn trong đoàn. Tuy nhỏ bé, nhưng em leo rất khỏe, lại tỏ ra thích thú với việc dựng lều và được ngủ trong lều.
Em bé theo bố đi leo núi
Bữa tiệc bên bếp lửa
Lều trại xong xuôi là cả đoàn tập trung vào màn nấu ăn, cũng là tiết mục vui nhất. Vì để tạo bất ngờ và làm phong phú cho thực đơn, chúng tôi đề nghị mỗi người góp một món ăn cho bữa tối, miễn sao không vượt quá 500g.
Có chị mang theo hẳn 1 con gà, vác tới mức đỏ bừng cả mặt, người mang thịt xông khói, người mang khô bò khô gà, củ khoai, trái bắp để nướng...
Bếp trên đỉnh núi
Một chị bạn lần đầu tiên đi leo núi đã thốt lên trong sự ngạc nhiên: không ngờ các em có thể bày ra nhiều món lạ như thế ở đỉnh núi. Chị cũng là người trong lúc mệt rã rời đã rút ra kết luận: không ngờ quả quýt ăn ở dọc đường lúc hoa mắt chóng mặt lại ngon gấp nhiều lần ở nhà.
Bữa tiệc tối sôi nổi với đủ món ăn
Bữa tiệc tối với đủ các món ăn diễn ra sôi nổi bên bếp lửa bập bùng, và tiếng nhạc Hà Anh Tuấn phát ra từ chiếc loa be bé: Phố sương mờ, phố chưa lên đèn. Núi bên đồi, nhớ mùa trăng cũ. Phía xa xa dưới chân núi là thị trấn sáng đèn trong màn sương mờ ảo, trên đầu chúng tôi là chi chít sao trời, nhìn ra rõ ràng hình dáng chòm sao Bắc Đẩu.
Có điều dù đã chọn được một bãi cắm trại xinh đẹp vì là nhóm đến sớm nhất, chúng tôi vẫn không tránh khỏi những cái u đất hay gốc cây lởm chởm dưới lều. Lều thuê thì mỏng, gió núi càng về đêm càng lạnh hơn, 4 đứa chen chúc tôi không sao chợp mắt được. Lúc này tự nhiên nghe tiếng anh bạn bên ngoài lều "Có ai còn thức không, ra ngắm trăng đi, trăng đẹp lắm". Tôi đấu tranh tư tưởng: Cứ nằm thế này thì cũng không ngủ được vì lạnh càng thêm lạnh. Thế nên tôi vùng dậy, trùm cái nón lên đầu, mở tung cửa lều, gia nhập Hội những người khó ngủ lên tảng đá tâm sự.
Bất ngờ quá, trăng sáng vằng vặc cả đỉnh núi. Giờ tôi đã nhìn ra xung quanh bãi đất có thêm mấy chiếc lều mới dựng thêm của các nhóm leo muộn hơn. Tôi nhìn rõ những bóng cây đen sẫm trầm mặc. Nhìn rõ những ánh sao lấp lánh trên nền trời. Và nhìn thấy cả một thị trấn Gia Ray lung linh ánh sáng, con đường quốc lộ đèn điện sáng trưng vẫn tấp nập xe ngược xuôi, cảm giác ngay gần đó thôi mà cũng mất cả một buổi chiều cắm đầu leo. Tôi nhớ quá ánh đèn từ nơi Emma Stone và Ryan Gosling khiêu vũ trong Lalaland, nhớ giai điệu của City of Stars, tưởng tượng mình là cái cây kia, cả đời chỉ có thể đứng trong gió cô đơn nhìn về phía ánh sáng:
"City of stars
Are you shining just for me?
City of stars
There's so much that I can't see
Who knows?
I felt it from the first embrace I shared with you".
Bình minh trên đỉnh núi
4h sáng, chúng tôi lại đi gom thêm củi, chụm lại bếp lửa than đã gần tàn. Ánh lửa bếp cháy bùng bùng đánh thức hết mấy cái lều xung quanh tỉnh dậy nấu mì gói, pha café. Nhờ dậy sớm mà chúng tôi lại có thêm cho mình một khoảng lặng trước bình minh. Tôi vẫn thích những khoảng chờ đợi bầu trời chuyển mình như thế hơn là lúc đã nhìn thấy mặt trời.
Bình minh trên núi Chứa Chan
Tôi cũng muốn nói rằng, chúng ta đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời cho việc ngủ và ngủ, nên nếu có cơ hội thức dậy ở một nơi xa, hãy dậy thật sớm, trước lúc mặt trời lên. Để một ngày dài hơn, để chờ đợi một điều gì đó, và để buổi sáng đó không trôi tuột qua như rất nhiều buổi sáng khác na ná trong đời.
Chụp hình kỷ niệm cùng chóp núi
Tôi nhớ lại một câu nói của tác giả Đinh Hằng trong một bài viết về việc đi leo núi: "Tôi nhận ra, con người đi tìm núi bởi đó có lẽ là nơi duy nhất họ thành thật với bản thân mình.
Và người quay trở về, khám phá đôi chút về bản thân, nhìn thấy đâu đó sau sương mù, núi thẳm là nhân tính của mình. Nhân tính đó thường ngày bị che mất bởi vô vàn kỳ vọng và lấp liếm".
Bởi thế, rất nhiều lần thấy rệu rã hoang hoải không sức sống, chúng tôi lại trèo lên một ngọn núi. Đi từng bước rất chậm, hít thở sâu và đều nhớ như in câu nói của cậu bé người Dao từng dắt tôi đi leo Chiêu Lầu Thi: Đừng bao giờ leo hùng hục, chị phải chậm rãi, từ từ. Để cho mồ hôi túa ra ròng ròng trôi hết cả chì kẻ chân mày và son môi, để cho bắp chân, cơ vai, cơ lưng quen với một sự hành hạ đau đớn trước khi đạt đến khoái cảm được ngồi xuống trên đỉnh núi.
Việc cuối cùng chúng tôi làm sau khi thu dọn lều trại, xử lý rác là chụp hình kỷ niệm đoàn cùng chóp núi. Nhiều người vẫn tự hỏi: trên đỉnh núi có gì để mất công sức chinh phục? Câu trả lời thật ra là chẳng có gì cả.
Ngay cả đỉnh Everest nóc nhà thế giới cũng còn chẳng có lấy một tấm bia, một cột mốc nào mà chỉ là một dãy cờ lungta màu sắc trên nền tuyết trắng. May mắn là núi Chứa Chan có một chóp kim loại khắc tên núi cùng độ cao 837m, chụp lại một bức ảnh kỷ niệm để đánh dấu một lần lên núi cùng bạn bè. Đánh dấu lại một ngày đẹp trời chúng tôi đã cùng nhau đứng trên đỉnh núi đầy nắng gió và mơ mộng về những chuyến đi kế tiếp.
10 bức ảnh đẹp nhất giải Nhiếp ảnh thiên văn của năm Những hình ảnh tuyệt đẹp mang đến cái nhìn về sự rộng lớn và kỳ diệu của dải ngân hà được lựa chọn từ danh sách rút gọn của giải thưởng Nhiếp ảnh thiên văn của năm. Hình ảnh sắc quyển rõ nét của Mặt Trời được chụp với màu đen trắng lúc ban đầu, sau đó được xử lý đảo ngược một...