Một ly cà phê đặc biệt: Espresso có pha rượu mạnh
Thế giới bóng đá từng chứng kiến nhiều “người tí hon” làm nên sự vĩ đại cho một đội bóng. Một trong số đó có Franco Baresi.
Trung vệ huyền thoại Franco Baresi.
“Bá tước” Nils Erik Liedholm – một trong bộ ba huyền thoại “Gre-No-Li” của “Rossoneri” từng “làm mưa làm gió” tại Serie A giai đoạn 1949-1955 – người từng có 3 nhiệm kỳ làm HLV ở San Siro, khi còn sống, thường tự hào khoe với mọi người việc ông là người giới thiệu cho thế giới bóng đá 2 huyền thoại: Franco Baresi và Paolo Maldini.
Ngày này cách đây 42 năm (23-4-1978), AC Milan làm khách của Verona trong khuôn khổ Serie A. “Cậu thi đấu!”, HLV Liedholm chỉ vào một anh chàng nhỏ con mà đúng 15 ngày sau sẽ tròn 18 tuổi, để thế chỗ cho hậu vệ Ramon Turone bị treo giò. Thủ môn kỳ cựu của AC Millan Enrico Albertosi nhìn về phía anh chàng và bày tỏ sự lo lắng, vì phía trước là người đồng đội nhỏ con và chưa một chút kinh nghiệm. Kết thúc trận đấu, AC Milan đã giành chiến thắng 2-1 và anh chàng nhỏ con đó – Franco Baresi, đã chơi nổi bật.
Đội trưởng Gianni Rivera sau trận đấu, đã nhận xét: “Cậu bé này sẽ mở ra hành trình dài cho mình”.
Chỉ 4 năm sau, khi mới 22 tuổi, “Piscinin” (chàng lùn) – biệt danh mà cả đội gọi Franco Baresi đã là đội trưởng, cùng AC Milan bước vào kỷ nguyên thành công rực rỡ. 20 năm chinh chiến với tổng cộng 716 trận đấu chỉ với duy nhất “đội bóng màu đỏ-đen”, Baresi giành được 6 Scudetto, 4 Siêu cúp Italia, 3 Cúp C1, 3 Siêu Cúp châu Âu và 2 Cup liên lục địa. Chiếc áo số 6 ông mặc tại Milan được câu lạc bộ treo vĩnh viễn như một sự tri ân.
Franco Baresi hội tụ đầy đủ các phẩm chất về thể chất và tinh thần mà một hậu vệ cần có: Tốc độ, bền bỉ, dẻo dai, nền tảng thể lực cũng như sự tập trung và ý chí – điều đã che lấp đi những điểm yếu về chiều cao của một cầu thủ.
Những cú tắc bóng đúng thời điểm đến hoàn hảo, những pha đeo bám dai dẳng, những đường chuyền gọn ghẽ… đã làm nên thương hiệu của Baresi. Không những vậy, Baresi còn là một trung vệ đầy “xảo thuật” khi sẵn sàng phạm lỗi hay câu giờ vào thời điểm đội bóng cần những sự điều chỉnh. Franco Baresi được đánh giá là người thứ 2 “định nghĩa” thế nào là một Libero – sau những gì mà “Hoàng đế” Franz Beckenbauer đã làm được.
Người Italia có câu: Những viên đá nền móng cho thành công là trung thực, chí khí, chính trực, niềm tin, yêu thương và trung thành. Franco Baresi chính là minh chứng sống động. Trong cả 2 lần “đội bóng đỏ-đen” rớt hạng phải xuống chơi ở Serie B, Franco Baresi đều ở lại để cùng đội bóng vượt qua khốn khó, thay vì “trốn chạy” như hàng loạt “siêu sao” khác đã làm trong Vụ bê bối bóng đá Ý năm 2006 – “Calciopoli”. Lòng trung thành của Franco Baresi, vẫn là bài học vỡ lòng mà AC Milan dạy cho lớp lớp cầu thủ trẻ.
Italia – đất nước của thi ca, nhạc họa, rượu – những thứ men say của cuộc sống. Italia còn là nơi mà cà phê trở thành một nét văn hóa truyền thống. Nếu gọi một ly cà phê khi tới Italia, bạn không nên yêu cầu cho thêm gì khác. Bởi hành động đó gần giống như một sự xúc phạm nho nhỏ hay thiếu tôn trọng với những người đã pha chế cho bạn ly cà phê – mà với họ đã là hoàn hảo nhất.
Video đang HOT
Hai loại cà phê đặc trưng trong văn hóa cà phê Italia đó là Espresso và Cappucino.
Nhưng còn một loại cà phê đặc biệt khác: Cafe Corretto. Đó là một ly Espresso bình thường, nhưng có thêm một chút rượu mạnh.
Paolo Maldini – người đã kế thừa chiếc băng đội trưởng sau ngày Franco Baresi giải nghệ, đã nhận xét về Franco Baresi chỉ bằng 1 câu nói: “Anh ấy là một con người rất đặc biệt”.
Franco Baresi cũng như một ly Corretto của người Italia vậy, đặc biệt và duy nhất.
Nguyên Phong
BÌNH LUẬN: Atalanta - Điểm sáng giữa tâm dịch Covid-19
Bóng đá Italia nổi tiếng với triết lý bóng đá phòng ngự và nâng tầm nó thành nghệ thuật, nhưng Atalanta đang thành công theo một hướng đi ngược lại, đó là tấn công và tấn công.
Đặc sản của bóng đá Italia
Nhắc đến bóng đá Italia, người ta sẽ nghĩ ngay đến "đặc sản" Catenaccio, nơi mà họ đưa phòng ngự lên tầm nghệ thuật. Và chính nghệ thuật đó đã giúp Italia 4 lần vô địch thế giới, kém Brazil, đội bóng giàu thành tích nhất 1 lần vô địch.
Trong bóng đá, để gặt hái được thành công, một là phải tấn công thật hay, hai là phòng ngự thật giỏi. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của bóng đá Italia, họ luôn sở hữu những tiền vệ tấn công xuất chúng, những cây săn bàn hàng đầu thế giới, nhưng phòng ngự mới là thế mạnh, là văn hóa của bóng đá Italia.
Bóng đá Italia 4 lần vô địch thế giới
Không chỉ ở cấp độ ĐTQG, ở cấp câu lạc bộ, trong quá khứ, những AC Milan, Juventus hay Inter Milan cũng thống trị bóng đá Italia, châu Âu bằng lối chơi chắc chắn và khả năng phòng ngự siêu việt của mình. Chức vô địch World Cup 2006 của Italia và cú ăn ba thần thánh của Inter Milan vào năm 2010 là thành quả mà "đặc sản" Catenaccio mang lại.
Trong thập kỷ trở lại đây, các câu lạc bộ Italia nói chung và ĐTQG nước này nói riêng đang có dấu hiệu suy yếu. Nếu như AC Milan đang tìm mọi cách để hồi sinh, Inter Milan miệt mài tìm lại bản ngã thì Juventus liên tục gục ngã ở sân chơi châu lục dù đã đầu tư rất mạnh tay.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, sau chức vô địch năm 2006, Italia bị loại từ vòng bảng tại World Cup 2010 và World Cup 2014. Thậm chí, năm 2018, đội bóng này còn không giành nổi vé dự vòng chung kết tổ chức trên đất Nga.
Sau khi thất bại trước Thụy Điển ở vòng play-off, hàng loạt các công thần, lão tướng của Italia đã nói lời giã từ sân cỏ. Các chuyên gia đã mổ xẻ về thất bại của ĐTQG Italia và các câu lạc bộ của họ trong những năm qua. Họ cho rằng, chất Catenaccio dần biến mất, bóng đá Italia khan hiếm những siêu hậu vệ như Paolo Maldini, Fabio Cannavaro, Franco Baresi và Giacinto Facchetti.
Và làn gió "đặc biệt" mang tên Atalanta
Ở thời điểm này, ĐTQG Italia đang tiến hành trẻ hóa lực lượng. Cuộc cách mạng đang được giao cho HLV Mancini và bước đầu gặt hái được những thành công khi đội bóng áo thiên thanh thi đấu xuất sắc tại vòng loại EURO 2020.
Ở cấp câu lạc bộ, Napoli, AC Milan, Inter Milan và Juventus liên tục vung tiền mua sắm để tăng cường lực lượng. Trái với tín hiệu mừng ở ĐTQG thì cấp câu lạc bộ, những đại diện của Serie A chơi không mấy thành công.
Inter Milan bị loại từ vòng bảng Champions League 2019/2020 còn Juventus vẫn đang loay hoay để áp dụng thuần thục triết lý bóng đá của Sarri. Trong khi đó, AC Milan nỗ lực chiến đấu hết mình để hy vọng được dự cúp châu Âu mùa giải tới.
Atalanta đang là đội bóng đáng xem nhất châu Âu
Trong thời điểm mà các ông lớn của bóng đá Italia làm mọi cách để tìm lại sức mạnh, lấy lại hình ảnh của mình thì Atalanta nổi lên thành hiện tượng, gặt hái thành công theo con đường riêng, không giống văn hóa của nền bóng đá hình chiếc ủng.
Nếu như các đội bóng Italia lấy phòng ngự làm nền tảng, bàn đạp để xây dựng lối chơi và phát triển đội bóng thì Atalanta lại chọn lối chơi tấn công. Quỹ lương của Atalanta chỉ là 36 triệu euro, không lọt vào top 10 Serie A. Nguồn tài chính hạn hẹp không cho phép đội bóng này nổ bom tấn ở mỗi kỳ chuyển nhượng.
Nền tảng để Atalanta phát triển đó là từ công tác đào tạo trẻ. Atalanta là đội bóng có lò đào tạo trẻ chất lượng hàng đầu, thậm chí là hình mẫu của bóng đá Italia. Họ đào tạo rồi dùng sản phẩm "cây nhà lá vườn", đồng thời xuất khẩu để mang nguồn thu về cho câu lạc bộ.
10 năm trước, Atalanta đang chơi ở Serie B, nhưng nhờ chiến lược đúng đắn và dưới sự dẫn dắt của HLV Gian Piero Gasperini, đội có trụ sở tại Bergamo, Lombardy lột xác ngoạn mục để trở thành một trong 4 đội bóng mạnh nhất Italia thời điểm này.
HLV Gian Piero Gasperini biến Atalanta từ một đội bóng "tí hon" thành "cỗ máy hủy diệt" ở Serie A khi có hàng tấn công khủng khiếp nhất với 70 lần xé lưới đối phương sau 25 vòng đấu (2,8 bàn/trận). Ở mùa giải 2018/2019, Atalanta cũng là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất ở Serie A với 77 bàn thắng/38 trận.
HLV Gian Piero Gasperini luôn biết cách truyền cảm hứng cho các học trò, xếp họ chơi ở vị trí ưa thích và phát huy tối đa năng lực của mỗi người. Đặc biệt, lối chơi tấn công không toan tính, đậm chất cống hiến đã giúp các cầu thủ Atalanta duy trì được sự hưng phấn, phong độ trong thời gian dài.
HLV Gian Piero Gasperini biến Atalanta thành đội bóng có hàng công khủng nhất Serie A
Mặc dù cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi không tốt, phải mượn sân San Siro để đá Champions League 2019/2020, nhưng Atalanta đang viết nên câu chuyện cổ tích thời kim tiền ở đấu trường danh giá nhất châu Âu, khi lọt vào tới vòng tứ kết.
Không ai biết Atalanta có thể tiến sâu ở Champions League mùa giải năm nay hay không, nhưng với những gì mà HLV Gian Piero Gasperini và các học trò đã làm được, họ đã giúp người hâm mộ có cái nhìn khác khi nói về bóng đá Italia. Và trong bối cảnh Lombardy khốn đốn vì Covid-19 thì Atalanta là điểm sáng hiếm hoi giữa tâm dịch để người hâm mộ bóng đá Italia tự hào, hãnh diện.
Có thể nói, Atalanta đang truyền cảm hứng cho các đội bóng nhà nghèo về ước mơ vươn cao, bay xa. Nếu như đội có trụ sở tại Bergamo, Lombardy vô địch Champions League 2019/2020 thì nó không chỉ là câu chuyện cổ tích có thật mà còn là cái tát trời giáng dành cho những đội bóng nhà giàu, dùng tiền để mơ hóa rồng ở sân chơi danh giá nhất châu Âu như PSG hay Man City.
Theo Bongdaso.com
Lukaku chuẩn bị sánh vai hàng loạt huyền thoại trên Đại sảnh danh vọng bóng đá Ý Chỉ sau hơn nửa năm đến Ý, Lukaku đã được nhận vinh dự lớn. Đại sảnh danh vọng bóng đá Ý được lập ra năm 2011, nhằm vinh danh những huyền thoại có đóng góp lớn cho bóng đá đất nước này. Ban đầu, danh sách vinh danh được chia làm các hạng mục: Cầu thủ người Ý, HLV người Ý, Huyền thoại...