Một lời từ chối (truyện ngắn)
Hồi mới có ý định tán Vân, Phúc vẫn hay huênh hoang với đám bạn: “Tin tao đi, con gái bây giờ thực dụng lắm. Không đứa con gái nào chống nổi hấp lực của đồng tiền đâu. Vân cũng vậy thôi”…
Ảnh minh họa
Lối sống của Phúc chứng minh cho quan điểm trên. Cha làm quan chức hàng đầu tỉnh, mẹ là cán bộ ngân hàng chính sách, túi tiền lúc nào cũng rủng rỉnh đủ để anh ta dễ dàng có trong tay các cô gái mình thích. Phúc luôn tự hào: “Gái đẹp tỉnh này thách đứa nào lọt khỏi tay tao”. Cũng chưa hẳn Phúc chơi bời đểu cáng gì, đơn giản anh chỉ muốn thỏa cái sĩ của một gã thanh niên có tiền, có thế. Đôi tháng hẹn hò, vài món quà đắt tiền, vài nụ hôn vội, một vài lần tiến xa hơn chút đỉnh, rồi chán, và bắt đầu một cuộc chinh phục mới.
Vân không hẳn là đẹp. Da ngăm, nhỏ nhắn. Được cái đôi mắt rất có hồn và ẩn trong Vân một sự duyên dáng âm thầm khiến nhiều chàng trai phải ngẩn ngơ. Cha Vân ngày trước là đồng nghiệp của cha Phúc. Nhưng số phận đẩy hai gia đình đi trên hai con đường khác nhau. Trong khi cha Phúc ngày một thăng tiến thì cha Vân đau ốm rồi mất. Mẹ con thui thủi nuôi nhau.
Từ nhà Vân đến nhà Phúc qua mấy cái ngõ nhỏ, mấy con đường con con. Ngôi nhà nhỏ xinh phía trước có hàng bông giấy màu hồng phấn, những cuối tuần Phúc từng lượn xe máy đắt tiền đi ngang ngày mấy lần chỉ để thấy Vân trong sân ngồi giặt đồ, tưới cây hay nhổ tóc sâu cho mẹ.
“Vân hơi xa cách với lớp mình. Hiếm chuyến đi chơi của lớp nào Vân có mặt. Đúng là Vân học rất giỏi, học kì nào cũng nhận học bổng, nhưng Vân cũng phải dành ít thời gian để vui chơi chứ? Không lẽ Vân chỉ biết học và học thôi sao?- Hiếu, anh bạn cùng lớp vẫn hay hỏi Vân vậy.
Vân chỉ cười cười, chẳng biết nói gì. Không lẽ Vân thành thành thật mà trả lời: “Nếu không về, cuối tuần nắng đẹp ai gội đầu cho mẹ Vân đây?”.
Tiệm cà phê mà Vân đang làm thêm, lương không cao, làm cực mà suốt ba năm đại học Vân vẫn gắn bó. Vì hiếm đâu chịu cho Vân nghỉ cả hai ngày cuối tuần như nơi này. Quê sát Sài Gòn, cứ tranh thủ ngày nghỉ là Vân về ngay.
Thủ thỉ chuyện trò với mẹ hàng đêm. Tinh mơ phụ mẹ nấu nồi bún giò. Sáng hai mẹ con dọn gánh bún ra khoảng đất trống trước nhà, trưa dọn vào. Tối lại bày bàn sữa đậu nành ra. Bạn bè tranh thủ chạy tới, sáng ăn bún, tối uống sữa, chuyện trò xôm tụ. Phúc cũng là khách quen của quán mẹ Vân, dù mấy hàng quán lề đường này bình thường Phúc khó lòng chạm đến.
Bạn đại học cứ bàn ra tán vào là Vân có người yêu ở quê, nghe nói đó là con một quan chức tỉnh. “Thì cũng đúng thôi, Vân nó duyên, học giỏi và nhiều khát vọng, như vậy mới có thể leo cao được chớ”, ai đó buông lời.
Vân đi bên lề những lời đồn thổi. Hiếu thì thấy buồn, dù Hiếu hiểu Vân không phải người như thế. Vân có tài, Vân có nhiều khát vọng của một người con gái biết mình giỏi, chứ không phải là tham vọng.
Phúc không biết tất cả những điều này. Phúc bị Vân cuốn hút, bởi Vân nói chuyện rất thông minh. Vân lại không như bất cứ đứa con gái nào trong cái tỉnh này. Mắt Vân sâu thẳm mà sáng trong, luôn nhìn thẳng vào người đối diện chứ không đưa ngang liếc dọc. Quần áo Vân mặc lúc nào cũng nhẹ nhàng và giản dị. Dép săng- đan, Vân thoăn thoắt gánh hàng cho mẹ, không như đôi chân mang guốc cao gót vẽ đầu móng của các cô bồ Phúc.
Video đang HOT
Điều quan trọng nữa là Vân không thèm để ý đến Phúc. Từng trải nhiều năm yêu đương đủ cho Phúc biết, Vân không hề làm ra vẻ. Vân không hắt hủi, tránh né, cũng không kiêu mạn. Đối với Phúc, Vân cư xử đúng mực, không thân không sơ. Cũng có nói, có cười đôi ba câu vu vơ lúc Phúc làm khách quán mẹ Vân.
Mấy lần đầu, ăn hết mười mấy ngàn, Phúc móc nguyên tờ một trăm ra trả, oai vệ khoát tay không nhận tiền thối, thấy mẹ Vân nghiêm mặt, thấy đôi mắt đẹp của Vân hơi sầm xuống, Phúc rụt ngay lại, biết ngay mình vừa “mất điểm”.
Mà chuyện cũng chỉ quanh quẩn ở quán sáng và quán tối vậy thôi. Chạy ngang nhà Vân trăm lần, Phúc không một lần dám ghé. Cánh cổng rào hoa giấy như một thách thức, một lằn ranh…
Lần đầu tiên Phúc dám bước vào nhà là ngày tang mẹ Vân. Bà bị tai biến, trượt chân vào một đêm giông. Không ai biết, chỉ đến sáng, khi có người hàng xóm chạy sang nhà hỏi sao mẹ Vân không dọn hàng, mới thấy bà chết trên bậc thềm nhà tự lúc nào. Ngày tang mẹ, Vân không vật vã kêu gào. Chỉ có khuôn mặt hằn lên nỗi đau, những giọt nước mắt nghẹn ứ. Hai chàng trai ở hai góc nhà, lặng lẽ xót xa thấy Vân đang vỡ tan vì đau đớn, vì những nỗi ân hận.
Sau tang mẹ, Vân trở lại trường, càng trầm lặng và khép kín hơn xưa. Cô chăm học, dành hầu hết thời gian để nghiên cứu. Hiếu phải cố gắng bao lần kéo Vân ra khỏi bài vở, bắt Vân hòa vào các cuộc vui của lớp. Sắp tốt nghiệp rồi. Vân thấy mình đang trôi vô định, như một cái cây mất rễ, chẳng có gì mà bám víu, chẳng biết đi đâu về đâu.
…
Vân theo Phúc vào một góc quán yên tĩnh bên hông trường. Hôm nay Phúc trông đứng đắn và lịch sự, lại rất chân thành. Sau vài câu chuyện loanh quanh, Phúc thẳn thắn bày tỏ ý định của mình: “Vân nè, Vân biết tôi thương Vân phải không?”. Câu hỏi đường đột, khiến Vân không biết nói gì. Phúc lại tiếp tục: “Tôi biết giờ Vân mới ra trường, bác đã mất, Vân chẳng còn ai. Tôi nói chuyện này, Vân đừng giận. Là vầy… cha mẹ tôi biết chuyện, không cấm cản gì tôi. Mẹ tôi còn hay khen Vân giỏi giang, hiền lành… Ý cha mẹ tôi… à, tất nhiên là cả ý tôi… tức là… Vân có thể đồng ý đến với tôi không… Không, không phải ngay bây giờ… Có nghĩa là…”.
Như muốn tìm lại sự can đảm, bất giác Phúc nắm chặt lấy tay Vân: “Vân giỏi giang. Nhưng cứ ở đây, thân cô thế cô, Vân sẽ chẳng làm được gì. Nếu Vân đồng ý, sắp tới gia đình tôi sẽ lo thủ tục cho Vân đi du học cùng tôi tại Úc…”.
Phúc nói một mạch, không dám ngưng để thở, như sợ dừng lại là bị từ chối. Những gì Phúc vẽ nên trước mắt Vân đều rất sáng lạn, rất đáng để mơ ước. Dù điềm tĩnh, Vân cũng không thể tránh khỏi bất ngờ. Vân hiểu, cha mẹ Phúc coi đây là giải pháp tốt nhất để cậu con cưng xa đám bạn ăn chơi, tu chí chăm lo sự nghiệp. Đây cũng là cơ hội vàng cho bất cứ cô gái nào, chứ đừng nói đến một người con gái đang bơ vơ như Vân.
Tối đến, Vân nằm một mình trong căn nhà vắng với bao ý nghĩ ngổn ngang. Số phận đang bày ra trước mắt Vân mâm cỗ quá ngon lành, thử thách lòng tự trọng và ý chí tự lập của một cô gái mới bước chân vào đời. Vân như thấy viễn cảnh về một cuộc sống tươi đẹp. Ở đó, tuy phải bên cạnh người con trai không yêu, nhưng đủ đầy, có những điều kiện tốt nhất để Vân tiếp tục học hành và phấn đấu. Chỉ một quyết định, con đường đời sẽ rẽ sang hướng khác…
Đêm. Trăng mười sáu rất sáng. Vân thắp một nén hương trầm lên bàn thờ mẹ. Căn nhà như ấm lại. Vân ngồi nơi bậc cửa. Trăng rọi xuyên qua những tàn cây khiến thềm nhà như bức tranh được vẽ nên bởi những gam màu sáng tối đối lập. Gương mặt Vân, do ánh trăng chiếu vào cũng nửa sáng nửa tối. Gió xào xạc thổi. Hương trầm dìu dịu, hòa quyện với hương nhài bên hiên nhà, ướp không gian trong một làn hương thanh tao và trầm mặc. Vân đang thủ thỉ chuyện trò với mẹ. Vân kể về những gì mình đã trải qua, về tấm bằng xuất sắc đã nhận được. Cả những khao khát, ước vọng mà một cô gái đầy nhiệt huyết ấp ủ trong lòng. Vân lắng nghe trong gió, trong lá xào xạc lời khuyên ân cần….
Quán café ven sông rất hữu tình. Vân đến sớm hơn giờ hẹn một chút, đã thấy Phúc ngồi chờ. Gương mặt Phúc tràn ngập niềm hy vọng. Có chút gì đó nhoi nhói lên trong Vân. Trước ánh mắt chờ đợi ấy, Vân hít một hơi thật sâu, nhìn thẳng vào mắt Phúc: “Vân xin lỗi anh. Vân rất cảm ơn sự ưu ái mà anh và gia đình dành cho Vân, nhưng Vân không thể…”.
Vân chỉ nói được đến đó, rồi lặng im. Vì Vân không biết giải thích sao cho Phúc hiểu tại sao cô lại từ chối một cơ hội mà ai cũng thèm muốn. Mà có nói, chưa chắc Phúc đã hiểu được đâu…
Đúng là Phúc kinh ngạc. Phúc xuống giọng gần như năn nỉ, đưa hết lời lẽ ra thuyết phục Vân. Nhưng nhìn nét mặt cương quyết của Vân, Phúc biết là vô vọng rồi. Khi Vân chào Phúc ra về, Phúc vẫn ngồi đó. Gió chiều đang mạnh dần, sóng đưa những cụm lục bình xô vào chân quán, nghe xao xác là buồn…
…
Sau vài phen long đong ở thành phố, Vân học thêm một khóa nghiệp vụ sư phạm và xin về tỉnh dạy. Vân trở thành một trong những giáo viên giỏi của tỉnh. Phúc đã du học về, vào văn phòng tỉnh ủy làm, nhanh chóng lên trưởng phòng, rồi lấy vợ. Vợ Phúc xuất thân không giàu có, nhưng từ khi lấy chồng cả gia đình được nhờ. Ngày ngày cô ăn mặc đẹp, chạy xe sang đi làm, hay ngang trường Vân. Có lẽ biết chuyện xưa, nên vẫn có ý xem Vân có nhìn thấy không. Cho đến giờ, nhiều người vẫn xì xào Vân dại, Vân sĩ. Nếu ngày trước khôn ngoan thì giờ đâu chỉ là cô giáo quèn.
Vẫn như ngày xưa, Vân đi bên lề những lời đàm tiếu. Chỉ riêng Vân biết rằng, mình đã thanh thản, nhẹ nhõm thế nào khi đưa ra lời từ chối ấy. Chỉ riêng Vân biết, Vân yêu xiết bao những giờ dạy của mình. Ở đó có những đứa học trò như Vân ngày xưa, ôm ấp bao ước mơ, khát vọng. Ở đó, Vân còn trẻ, có thể cười xoà với lũ học trò trong một vài bài giảng vui vui, cũng không hiếm lần bật khóc giận một đứa trò hư.
Người ta cũng không thể hiểu, Vân yêu biết chừng nào ngôi nhà nho nhỏ có hàng rào hoa giấy, có hương trầm thoang thoảng, có những kí ức ấm áp về mẹ. Ngày cuối tuần, Hiếu, một thầy giáo cũng trẻ như Vân, xin về trường cách đây vài năm vì phải lòng một cô giáo, vẫn hay đến. Lúc thì sửa bóng đèn, khi thì mang vài giống hoa đến trồng trong sân.
Vân thì không biết, những khi lòng ngột ngạt, Phúc vẫn hay chạy ngang qua ngôi nhà hoa giấy màu hồng phấn. Xe xịn, tiếng rất êm và Phúc chạy rất nhanh, chỉ để thoáng thấy một bóng người bên những cụm hoa. Chiều chiều, đi làm về, dù phải đi đường vòng, Phúc vẫn thích chạy qua cái con đường mà hồi xưa sáng sáng mình hay ra ăn bún giò heo, tối tối thì sữa đậu nành. Sau những đấu đá, bon chen, Phúc đi ngang chỉ để thấy lại một ngày xưa nào đó, một cậu trai còn rất trẻ, rất huênh hoang và ngốc nghếch, nhưng đã từng có một mối tình trong sáng, từng yêu một người con gái như Vân…
Truyện ngắn của Ngọc Mai
Theo baophapluat.vn
Bị hàng xóm soi mói te tua vì là dâu mới, nào ngờ chỉ sau một lần đi chợ với mẹ chồng, từ đầu đến cuối xóm chẳng ai còn dám nói xấu em lấy nửa lời
Dần dà, các bà hàng xóm nhà chồng em liền cạch mặt em, chả dám bàn tán, đàm tiếu gì về em nữa.
Em mới cưới được 3 tháng các chị ạ. Nhưng em đã quá thấm thía sức hủy diệt khủng bố của các bà hàng xóm nhà chồng. Thời điểm mới về làm dâu nhà chồng, em gần như stress, lúc nào cũng u uất và hãi hùng.
Các chị biết không, ngay từ khi em chưa về nhà chồng làm dâu, các bà đã săm soi em từ đầu đến chân, chê em đen với béo, công việc chả có tương lai gì. Vì vẻ ngoài của em thua kém chồng thật.
Sau đám cưới, em chính thức về sống cạnh các bác hàng xóm ấy, thì sự săm soi dành cho em dâng lên đến đỉnh điểm. Soi em từ việc em mặc váy đi đổ rác, bĩu môi bảo em điệu đà quá trớn nhưng có đẹp nổi đâu, vì người xấu thì mặc gì cũng xấu! Em bị áp lực bởi những lời chê bai ấy, chả dám váy với vóc gì nữa, cất hết vào đáy tủ.
Còn nhiều lắm ạ, em chỉ kể vài chuyện tiêu biểu cho các chị mường tượng về mức độ săm soi em phải chịu đựng. Mà em thì dâu mới toanh, lại tuổi con tuổi cháu của các bà, thành ra không dám hó hé gì. Chỉ đành lén than vãn với chồng. Và anh ngoài an ủi em "đừng để ý", thì còn có cách nào?
Em bị áp lực bởi những lời chê bai ấy, chả dám váy với vóc gì nữa, cất hết vào đáy tủ. (Ảnh minh họa)
Hôm đó, cuối tuần em với mẹ chồng cùng đi bộ đi chợ. Dọc con đường từ nhà chồng đến chợ dài gần 1 cây số, em với mẹ chồng gặp không ít các bà hàng xóm. Vì đó là giờ mọi người đi chợ mua đồ ăn mà.
"Thế cái con bé xinh xinh đợt trước thằng con trai bà dẫn về đâu? Con bé ấy được thế cơ mà...", một bác hỏi mẹ chồng em, trong khi em đứng lù lù ngay cạnh. Ôi, em nghẹn ngào không nhếch lên được nụ cười gượng gạo nhất.
Nhưng phản ứng của mẹ chồng còn khiến em sốc hơn. Bà quắc mắt nhìn bác gái kia: "Bà hỏi thăm làm gì? Muốn kiếm vợ cho con trai thì bảo tôi, tôi giới thiệu cho đứa con gái khác. Chứ con bé đấy chả ra gì đâu, bị con trai tôi bỏ lâu rồi". Bác gái kia tẽn tò, còn tinh thần em được an ủi lớn lao.
Đi một quãng, em với mẹ chồng đứng lại chào hỏi 1 bác gái khác. "Con dâu có bầu bao lâu rồi... Cái gì, mới 1 tháng mà béo thế này rồi á? Cái đà này, lúc đẻ xong có mà thành thùng phuy. Bảo nó ăn ít đi thôi! Không chồng chán nó lại bỏ theo đứa khác đấy!", bác ấy nhìn em rồi la lên.
Em ngắn tũn mặt, tủi thân vô cùng. Mẹ chồng em bực dọc quát: "Bà nói vớ vẩn cái gì thế hả? Con trai tôi nó chả bao giờ có cái tính đấy. Ngược lại, con dâu bà gầy lắm mà, sao thằng con bà vẫn cặp bồ như cơm bữa thế? Cái đấy là do tính người cả rồi nhé! Từ giờ bà còn chê con dâu tôi thì tôi không để yên đâu, tôi chưa chê nó thì thôi". Em sắp khóc rồi ạ, khóc vì cảm động bởi em là con dâu được mẹ chồng bênh vực.
Em sắp khóc rồi ạ, khóc vì cảm động bởi em là con dâu được mẹ chồng bênh vực.(Ảnh minh họa)
Tới chợ, một bác gái nữa nhỏ giọng bảo mẹ chồng em: "Con dâu bà sướng thật đấy, cả ngày đi làm tung tăng, mẹ chồng ở nhà hết cơm nước lại dọn dẹp. Đừng chiều quá nó đè đầu cưỡi cổ bà đấy". Em thót cả tim, chỉ sợ mẹ chồng bị bác ấy khích đểu, đâm ra có thành kiến với em thì khổ.
"Thời buổi bây giờ khác rồi, cứ phải mong chúng nó khổ là sao. Tốt với nó, ít nữa nó còn chăm. Bà cũng liệu mà tử tế với con dâu bà đi, không sau này chả đứa nào thèm ngó ngàng tới đâu. Còn chuyện nhà tôi, không mướn bà quan tâm nhé!", giọng mẹ chồng sang sảng vang lên khiến em thở phào nhẹ nhõm.
Sau đó, hễ ai mát mẻ hoặc chê bai em mà có mặt mẹ chồng em ở đấy, là thể nào cũng bị bà "vỗ" vào mặt chả kiêng nể gì. Dần dà, các bà hàng xóm nhà chồng em liền cạch mặt em, chẳng dám bàn tán, đàm tiếu gì về em nữa. Em thấy mình quá may mắn có được người mẹ chồng bá đạo nhất quả đất như vậy. Các chị thấy mẹ chồng em tuyệt vời không ạ?
(quynhtrang...@yahoo.com)
P.G.G
Theo toquoc.vn
Anh cần hơi ấm của em khi mùa đông gần kề Anh đảm bảo sẽ mang lại cho cuộc sống của chúng ta tuy không giàu có nhưng sẽ tràn đầy tiếng cười. Chào em, người con gái anh tìm kiếm! Anh từng nghĩ rằng mình muốn gì là sẽ đạt được, ngoại trừ những biến cố mà không thể tránh được. Vì vậy, khi mùa đông lạnh giá đang gần kề, anh chợt...