Một gã cướp vặt, nghiện ngập thành đại gia tiền tỷ
Anh Nguyễn Thuận Hồng (SN 1965, ngụ thôn 11, xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) từng là một con nghiện có thâm niên và tên trộm trắng trợn khiến nhiều người dân trong vùng khiếp sợ. Nhưng nhờ sự động viên kiên trì của vợ, sự quyết tâm dứt bỏ sai trái để làm lại cuộc đời, đến này anh Hồng đã từ giã vĩnh viễn cuộc sống tăm tối và trở thành người làm kinh tế giỏi, thu về gần chục tỉ đồng mỗi năm cho gia đình.
Ký ức buồn
Rời mảnh đất Quảng Trị lên vùng cao Đắk Lắk để là kinh tế, dù gia đình khó khăn, vợ con đàng hoàng nhưng anh Hồng vẫn ham chơi, bập vào nghiện ngập từ những năm 1990. “Từ khi dính vào ma túy, tôi chẳng thiết tha gì đến gia đình. Làm được bao nhiêu tiền, tôi đều lén theo đám bạn hút hít. Những ngày tháng đó, tôi đang đi làm tại nông trường cà phê Ea Sim, nhưng bỏ bê công việc nhiều nên tôi bị đuổi việc. Không có tiền, tôi lấy cắp tài sản trong nhà đem đi bán. Đến lúc chẳng còn gì để bán, tôi đi trộm cắp, làm đủ mọi chuyện để thỏa mãn cơn say ma túy“.
Anh hồi tưởng: “Vào thời điểm đó, cứ chiều chiều, tôi cùng các con nghiện khác tìm đến rẫy của người dân để &’xin đểu’. Mỗi lần nhóm nghiện xin ít nhất cũng phải vài bao cà phê khiến người dân “dở khóc dở mếu”. Nếu ai không cho, cả nhóm sẽ chặt phá cây cối, hành hung chủ rẫy. Sợ rắc rối, những người dân khốn khổ không dám báo với chính quyền mà đành phải cắn răng “cống nạp”. Khi hết mùa cà phê, cả nhóm lại rủ nhau ra “mai phục” ở những đoạn đường vắng, trấn lột tài sản người đi đường”.
“Thời gian anh dính vào ma túy cũng là lúc tôi vừasinh đứa con thứ hai. Biết chuyện, khuyên can anh không nhưng anh chẳng những không nghe còn tự ái bỏ nhà ra đi nhiều lần. Trong khi đó, con đau ốm, quấy khóc, tôi chán nản rồi nghĩ quẩn, muốn chết quách đi cho bớt đau buồn…” – chị Phan Thị Kiếm (47 tuổi, vợ anh Hồng) chia sẻ về những ngày tháng u ám của chồng và gia đình.
Năm 1994, anh Hồng bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Không lâu sau đó, những người bạn của anh cũng dần dần đi cải tạo vì trộm cắp và sử dụng ma túy như anh. Trong thời gian anh ngồi trong tù, chị Kiếm vẫn quan tâm, thường xuyên đến thăm và động viên anh từ bỏ lối sống sai lầm. &’Mưa dầm thấm lâu”, anh Hồng dần dần cảm thấy hối hận về quãng thời gian mình ăn chơi sa đọa, đã làm khổ vợ con nhiều.
Ra tù, được vợ động viên, anh quyết tâm bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Hơn một năm bền bỉ chiến đấu, anh đã dứt được ám ảnh của “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, khi gặp lại những người bạn ngày xưa, anh lại tiếp tục sa chân vào con đường lầm lỗi. Biết chồng tái nghiện, người vợ hết lời khuyên can rồi tìm đủ mọi cách để đưa chồng thoát khỏi sự cám dỗ chết chóc đó. Năm 1996, nghe lời vợ cùng gia đình, anh trở về Quảng Trị cai nghiện một thời gian, nhưng đầu năm 1997, anh vào Tây Nguyên và trở lại thành con nghiện.
Những lúc tỉnh táo, anh ngộ ra một điều, nếu cứ ở lại mảnh đất có quá nhiều bạn bè nghiện ngập như vậy, sẽ rất khó để từ bỏ. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định bỏ xứ đến Gia Lai. Những ngày đầu nơi mảnh đất mới, anh cố gắng cai nghiện nên ốm đau triền miên khiến sức khỏe suy sụp một cách trầm trọng. Chính trong lúc này, nghị lực và sự chăm chỉ của chị Kiếm đã giúp anh vượt qua được chính mình. Một năm sau, anh hoàn toàn dứt bỏ được ma túy.
Trong thời gian anh nghiện ngập và đi cướp bóc trắng trợn để thỏa mãn cơn thèm thuốc, chị Kiếm đã phải chịu đựng những điều tiếng không hay của dân làng, nhiều khi bị người ta chửi thẳng vào mặt. Lúc đó chị thấy đau đớn ê chề, nhưng vẫn cố gắng khuyên nhủ anh, bởi chị nghĩ giờ mình là người thân yêu duy nhất ở gần anh, mình mà bỏ đi thì anh sẽ biết phải làm sao? Nghĩ về tương lai của các con, chị đánh cược với số phận, cố gắng khuyên nhủ anh từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời.
Video đang HOT
Hoàn lương và trở thành đại gia nhờ làm kinh tế giỏi
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Hồng nhớ về kí ức đen tối đó với gương mặt đầy hổ thẹn. Anh vui mừng chia sẻ: “Tôi không dám nghĩ cuộc đời tôi lại bước sang một hành trang mới như ngày hôm nay. Tất cả mọi thứ tôi có được là nhờ vào tình yêu lớn lao của vợ. Chính vợ con là động lực giúp tôi có thêm sức mạnh, vượt qua được mọi cám dỗ. Ngày đó, cuộc đời tôi là một con số không tròn trĩnh. Trở về từ Gia Lai, vợ chồng tôi bắt đầu làm lại từ hai bàn tay trắng”.
Từ hai bàn tay trắng, anh lặn lội đến nhà anh em nhờ vả để có vốn làm ăn. Có được ít tiền, anh mua được 5 sào đất để trồng hồ tiêu. Năm 2001, nông trường Ea Sim cho dân đấu thầu hồ nước để nuôi cá. Anh Hồng bàn tính với vợ thế chấp sổ đỏ để tham gia và may mắn trúng thầu. Anh nhớ lại: “Trúng thầu mặt nước, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có ao hồ, lo vì không biết lấy vốn đâu để mua cá giống. May thay tôi có người anh học biết và thông cảm cảnh ngộ nên đã cho vay một ít vốn. Từ ít vốn nhỏ nhoi ấy, vợ chồng tôi đã làm được điều mà bấy lâu nay sợ không làm được. Có tiền, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng”.
Nhớ về thời điểm đầu tư ban đầu, anh Hồng cho biết: “Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm, cá thả sau gần 1 tháng bị bệnh chết gần hết, hồ tiêu mất mùa, gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Biết mình thiếu hiểu biết, tôi tìm đến các “chuyên gia” về chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó tôi làm ăn được, mới dám đầu tư mở rộng hơn. Từ hồ cá, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng. Hơn 1,5 ha trồng hồ tiêu cho mỗi năm gần 4 tấn tiêu (khoảng 800 triệu đồng). Năm 2012, tôi đã xây căn nhà hơn 600 triệu. Ngoài ra, tôi còn mua máy xay xát lúa gạo, cà phê phục vụ cho người dân trong vùng”. Hơn mười năm cố gắng không biết mệt mỏi, giờ đây, kinh tế gia đình anh Hồng thuộc diện giàu có nhất nhì trong xã.
Trao đổi với PV, ông Võ Mạnh Hà (trưởng thôn 11, xã Ea Ninh) cho biết: “Lúc anh Hồng mới chuyển về đây sinh sống, tôi cũng biết anh từng là con nghiện. Tôi cũng tới hỏi thăm, động viên. Thú thực, tôi từng nghĩ Hồng sẽ không thể từ bỏ được ma túy, thế nhưng, với những gì nhìn thấy tận mắt, anh đã đoạn tuyệt với ma túy, chỉnh chu làm kinh tế. Hiện nay gia đình anh Hồng là một trong những hộ có tiềm lực kinh tế đứng đầu của xã. Nhiều năm liền, gia đình anh được UBND xã khen tặng “gia đình văn hóa”.
HÀ HƯNG – CAO NGUYÊN (Hôn nhân & pháp luật)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Tâm sự xúc động của một bà mẹ có HIV
Khi con gái tròn 2 tháng là lúc mẹ chồng nói ra sự thật cho tôi biết. Lúc đó tôi như người từ trên trời rơi xuống. Tôi quyết định chết đi. Tôi tự tử 2 lần đều không thành, Sau đó khi nghe tin con gái không nhiễm HIV, tình thiêng liêng mẫu tử đã đưa tôi thoát khỏi ải tử thần.
Tôi năm nay 31 tuổi, ở cái tuổi này đã có thể gọi là đi được nửa chặng đường của cuộc đời.
Từ lúc 5 tuổi, tôi đã không có mẹ. Mẹ tôi cùng lúc bỏ tất cả 6 đứa lại cho bố tôi nuôi, trong đó người anh lớn nhất của tôi được 12 tuổi, em út tôi 2 tuổi. Không kể ra mọi người cũng biết cảnh khổ của bố tôi khi một mình phải "gà trống nuôi con".
Cái nghèo, cái đói của những năm tháng ấy cứ hiện hữu, ám ảnh tôi. Hồi đó, hai bên nội, ngoại đều bỏ mặc, quay lưng và bố con tôi lại phải sống nhờ vào tình thương và giúp đỡ của bà con làng xóm.
Dù nghèo, dù đói nhưng bố tôi không bao giờ để con cái thất học, từ anh cả đến em út đều học ít nhất cũng hết cấp 2. Anh chị học đều giỏi nhưng phải bỏ học để nhường cho tôi và em út học.
Học xong 12, tôi quyết định không học nữa để rời quê lên Sài Gòn để làm việc trong một siêu thị nhỏ. Tại đây tôi đã quen chồng mình, tình yêu nảy nở và chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân.
Cưới về 1 năm sau thì tôi có bầu, ngày gia đình chồng đưa tôi vào bệnh viện để mổ cũng là ngày bác sỹ âm thầm báo với gia đình chồng rằng tôi đã nhiễm HIV, có thể con tôi cũng sẽ bị lây từ tôi sang.
Từ lúc mang thai, hàng tháng tôi vẫn đến bệnh viện khám thai định kỳ nhưng bệnh viện không làm xét nghiệm máu cho tôi, đến lúc chuẩn bị sinh họ mới lấy máu.
Vì tôi không có mẹ nên sinh con xong tôi ở luôn nhà bố mẹ chồng. Mẹ chồng, dì chồng nuôi tôi rất chu đáo và thực sự thì lúc đó tôi vẫn chưa hề biết mình bị nhiễm HIV.
Đến khi con được 2 tháng thì mẹ chồng bắt đầu nói ra sự thật cho tôi biết. Lúc đó tôi như người từ trên trời rơi xuống. Tôi quyết định chết đi. Tôi tự tử 2 lần đều không thành, Sau đó khi nghe tin con gái không nhiễm bệnh, lúc ấy tình thiêng liêng mẫu tử đã đưa tôi thoát khỏi ải tử thần.
Ảnh minh họa
Rồi tôi biết được chuyện chồng tôi từng nghiện ngập và phải đi cai nghiện 7 năm trời từ mẹ chồng và chồng kể lại. Trong khoảng thời gian sống với nhau, lúc chưa sinh con chồng tôi là người rất chịu khó làm ăn, gia đình chồng cũng khá giả nên có sẵn công việc kinh doanh. Thế nhưng từ lúc biết tôi bị bệnh rồi con gái chắc cũng bị bệnh, chồng tôi nghĩ bản thân đã làm khổ vợ con. Thấy tôi tự tử, bỏ ăn bỏ uống, chồng tôi buồn bã và trong một lần đi ăn cưới bạn học cũ anh ấy đã bị bạn bè lôi kéo lại con đường nghiện ngập như xưa.
Tiền bạc hai vợ chồng làm ra dần dần vơi đi hết. Công việc của chồng tôi là lái xe lấy vật tư đổ cho các cửa hàng vật liệu xây dựng nên chồng nghiện vì vậy bố mẹ chồng quyết định lấy lại xe và bán đi sau một lần chồng tôi say thuốc và đâm xe vào người khác.
Sau đó, cả gia đình tôi phải sống lệ thuộc vào ông bà nội. Tiền sữa, bỉm của con đều một tay mẹ chồng mua, còn tôi hàng tháng mẹ chồng cho 2 - 3 triệu để tiêu vặt nhưng tất cả số tiền ấy cũng vào tay người chồng nghiện ngập.
Cách đây 4 năm chồng tôi sốc thuốc và mất đi. Tôi không còn nước mắt để khóc cũng không biết đây có phải là một sự giải thoát cho mình hay không nữa.
Cuộc sống xa nhà, bệnh tật lại làm dâu nơi xứ lạ quê người tôi chỉ biết âm thầm chịu đựng. Thế rồi anh chị tôi biết chuyện tôi nhiễm HIV vì từ lâu họ đã nghi ngờ sau cái chết của chồng tôi nhưng anh chị rất thương tôi nên giấu bố tôi mọi chuyện.
Bố mẹ chồng tôi họ không ghê sợ hay tránh xa tôi. Hàng ngày tôi vẫn lo cơm nước, thu tiền sổ sách cho gia đình. Nếu chuyện cứ như thế thì không có gì để nói cả. Cách đây vài tháng, trong một lần tôi bị sốt cao kéo dài rồi ho, người tôi giảm sút đi trông thấy và bác sĩ thông báo nói đang theo dõi lao. Bố mẹ chồng khuyên tôi nên về quê tĩnh dưỡng cho khoẻ vì ở đây sợ lây qua cho con thì khổ.
Tôi quyết định về quê và biết mình không phải bị lao nên lên lại Sài Gòn. Khi lên lại, tôi lao vào những công việc không tên, phục vụ cho em chồng, em dâu và cả gia đình chồng. Thế nhưng những gì tôi làm đều không được các em ấy ghi nhận và chúng không bao giờ muốn đi đâu chung với tôi vì đứng gần, trông tôi chẳng khác gì là một cô ôsin còn các em là cô, cậu chủ.
Tôi không phải là người ganh tỵ thua thiệt với ai nhưng sau bao nhiêu năm nhìn lại bản thân mình chẳng có gì. Tôi thực sự rất tủi thân. Tôi nghĩ, cố gắng chịu đựng vì con để sau này con có thể được học hành đầy đủ. Nhưng nhìn cách ông bà chiều cháu, tôi sợ con mình sẽ vì thế mà bị hư hỏng.
Con học đến giữa tháng 5 này là nghỉ hè, tôi muốn đưa con gái về quê và hai mẹ con thuê nhà, buôn bán để sống. Ở quê, hai mẹ con tôi có thể sống gần bố, các anh chị em, được sống với đúng con người tôi vốn có.
Mọi người hay cho tôi lời khuyên có nên đưa con về quê để sống vui vẻ những ngày tháng còn lại hay không? Về quê với vô vàn vất vả liệu làm như vậy tôi có phải là một bà mẹ ích kỷ với con hay không?
Theo Vietnamnet
Quá khứ nghiện ngập và tiêu xài trác táng của Thành Long Chia sẻ về cuộc sống của mình, ngôi sao hành động thừa nhận bản thân từng là người phóng túng. Mới đây, Thành Long phát hành tự truyện Thành Long: Chưa kịp trưởng thành đã già. Trong tự truyện, nam tài tử thừa nhận quá khứ sống phóng túng. Tự truyện của Thành Long. Thành Long chia sẻ anh khá may mắn so...