Một cường quốc châu Âu trong NATO phản đối Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu ở Nga
Lời kêu gọi đồng minh NATO xem xét lại các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu ở Nga đã gây ra sự tức giận trong chính phủ Italy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: EPA/TTXVN
Chính phủ Italy đã phản đối lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg liên quan đến việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, mạng tin Euractiv.it (Italy) ngày 28/5 đưa tin.
Ông Stoltenberg trước đó cho rằng đã đến lúc đồng minh NATO xem xét lại các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu ở Nga, một thông điệp đã gây ra phản ứng tức giận trong chính phủ Italy.
Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini thậm chí còn cảnh báo: “Ông Stoltenberg nên rút lại tuyên bố của mình, xin lỗi hoặc từ chức. NATO không thể ép chúng tôi giết người ở Nga, cũng như không ai có thể buộc chúng tôi đưa binh sĩ Italy sang chiến đấu hoặc chết ở Ukraine”.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani tỏ ra thận trọng hơn, chỉ trích việc ông Stoltenberg công bố vấn đề mà các quốc gia thành viên chưa thống nhất: “Chúng tôi là một phần không thể thiếu của NATO, nhưng mọi quyết định phải được đưa ra với sự thống nhất chung”.
Video đang HOT
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto lặp lại quan điểm trên, nói rằng việc gia tăng căng thẳng là “sai lầm” trong một tình huống vốn đã “ nóng bỏng và kịch tính”.
Trong khi tái khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, Ngoại trưởng Crosetto nhấn mạnh sự cần thiết phải “để ngỏ khả năng đàm phán về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình trong những tháng tới”.
Trước đó Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng phản ứng với lời kêu gọi của Tổng thư ký NATO Stoltenberg, bày tỏ sự bối rối trước tuyên bố của ông: “Tôi không hiểu tại sao ông Stoltenberg lại nói như vậy. Tôi đồng ý rằng NATO phải giữ vững lập trường và không thể hiện dấu hiệu yếu kém. Nhưng đã có nhiều tuyên bố đáng nghi ngờ, trong đó có cả từ Tổng thống Pháp. Tôi đề nghị mọi người nên thận trọng hơn”.
Hôm 27/5, Hội đồng Nghị viện NATO kêu gọi các nước thành viên dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Cụ thể, Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua tuyên bố kêu gọi các quốc gia NATO ủng hộ “quyền quốc tế” của Ukraine để tự bảo vệ mình bằng cách dỡ bỏ “một số hạn chế” đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga.
Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí quan trọng cho Ukraine và hơn 200 đại diện của các quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tuyên bố này. Một số quốc gia NATO, bao gồm cả Anh, đã dỡ bỏ những hạn chế như vậy đối với vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine, nhưng chưa có nhiều quốc gia phương Tây làm như vậy.
Khi trả lời câu hỏi về việc Ukraine sử dụng vũ khí do Thụy Điển cung cấp tấn công vào lãnh thổ Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói với hãng tin Thụy Điển Halllandsposten ngày 26/5 rằng nước này ủng hộ quyền của Ukraine theo luật pháp quốc tế để tự vệ miễn là các hoạt động này tuân thủ luật pháp quốc tế về chiến tranh.
Nội dung chính trong chuyến thăm Đông Âu mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ có chuyến thăm Đông Âu từ ngày 28 - 31/5 trong bối cảnh mối lo ngại gia tăng về Ukraine, Moldova và Gruzia.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Washington, DC, ngày 21/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm Đông Âu vào này tuần này khi xuất hiện những lo ngại gia tăng về những bước tiến của Nga ở Ukraine và nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình Moldova gia nhập EU, cũng như trong bối cảnh luật cơ quan đại diện nước ngoài đang được thúc đẩy ở Gruzia thuộc Liên Xô cũ, hãng tin AP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Cụ thể, Ngoại trưởng Blinken sẽ đến thủ đô Chişinau của Moldova vào ngày 28/5 trước khi tham dự cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Praha (CH Séc) ngày 29 - 30/5. Đây sẽ là cuộc gặp ngoại giao lớn cuối cùng của NATO trước khi các nhà lãnh đạo liên minh này dự hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO tại Mỹ vào tháng 7 năm nay.
Chuyến đi diễn ra chỉ hai tuần sau khi ông Blinken thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine để trấn an Kiev về sự hỗ trợ của Washington trước các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga ở phía bắc nước này.
Bộ Ngoại giao cho biết tại điểm dừng chân đầu tiên ở Chişinau, ông Blinken sẽ gặp Tổng thống Moldova Maia Sandu để tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tiến trình gia nhập EU của Moldova. Đại diện ngoại giao cấp cao của Mỹ tại châu Âu, James O'Brien, cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ công bố gói hỗ trợ "mạnh mẽ" cho Moldova trong bối cảnh có 1.500 binh sĩ Nga đóng quân trên vùng lãnh thổ tranh chấp Transnistria.
Ông O'Brien nói với các phóng viên: "Chúng tôi không thấy có mối đe dọa quân sự trực tiếp nào vào thời điểm này, nhưng các hoạt động gia tăng ảnh hưởng của Nga đang diễn ra và đó là điều đáng lo ngại", nhưng không cho biết chi tiết về gói hỗ trợ.
Moldova, giống như Ukraine, là một ứng cử viên trở thành thành viên EU và đang có mối quan hệ bất hoà với Nga, đặc biệt là sau khi chính quyền Transnistrian kêu gọi Moskva "bảo vệ" điều mà họ nói là áp lực gia tăng từ Chişinau.
Tại Praha, ông Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Séc Jan Lipavský và các quan chức khác để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả sáng kiến của Séc nhằm cung cấp thêm đạn dược cho Kiev, trước khi tham dự cuộc họp của NATO.
Ngoài Ukraine là chủ đề chương trình nghị sự hàng đầu, các bộ trưởng NATO cũng sẽ xem xét những diễn biến ở Gruzia, giống như Ukraine, mong muốn gia nhập NATO và đang bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi về đạo luật mà phương Tây cho rằng gây nguy hiểm cho nỗ lực gia nhập EU của Gruzia.
Ngoại trưởng Blinken mới đây thông báo rằng Mỹ sẽ áp đặt lệnh cấm du lịch đối với các quan chức Gruzia - "những người chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc phá hoại nền dân chủ ở Gruzia, cũng như các thành viên gia đình của họ". Thông báo của ông Blinken không xác định được ai là mục tiêu nhưng cũng cho biết Mỹ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về hợp tác Mỹ - Gruzia.
Tên lửa ATACMS của Mỹ viện trợ cho Ukraine tàn phá sâu phòng tuyến Nga Một loạt cuộc tấn công gây thiệt hại của Ukraine nhằm vào các mục tiêu của Nga trong những tuần gần đây là do Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ tài trợ. Tên lửa được phóng từ Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tờ Newsweek của Mỹ ngày...