Một cuộc giải oan tận tâm và nhọc nhằn
Sau hai tuần dẫn dắt cảm xúc khán giả với việc tái diễn vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi, vở kịch mới Vua thánh triều Lê sẽ ra mắt vào ngày 29-7 cũng tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM).
Xem vở Vua thánh triều Lê:
Đó là một vệt kịch lịch sử nhiều tâm huyết được một sân khấu tư nhân quyết tâm vẽ nên và bền bỉ thực hiện gần mười năm qua.
Vua Lê Thánh Tông (NSƯT Thành Lộc) trong quá trình minh oan cho Nguyễn Trãi trong vở Vua thánh triều Lê – Ảnh: T.T.D.
Án oan tru di tam tộc của đại công thần Nguyễn Trãi – điều lớn nhất ám ảnh người xem sau khi kết vở Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả Hoàng Hữu Đản, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) – lại là cảnh mở đầu của vở Vua thánh triều Lê (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh). Chữ “oan” lớn nhuộm đỏ màu máu cũng được dùng làm phông nền trong hầu hết những cảnh diễn của Vua thánh triều Lê. Đó gần như là sợi dây xuyên suốt kết nối hai vở kịch lớn, cũng là niềm thôi thúc những nghệ sĩ của Idecaf thấy cần thiết phải bước tiếp vào một cuộc giải oan ngay trên sân khấu.
Minh quân “trừ bạo an dân”
Cùng với NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Vũ Minh đã trực tiếp làm việc với tác giả Lê Duy Hạnh để viết và dựng thêm ba cảnh vốn không có trong kịch bản ban đầu: cảnh độc thoại của thần phi Nguyễn Thị Anh, cảnh đối thoại tay đôi giữa vua và quốc công và cảnh xin lỗi của triều đình sau khi giải oan cho Nguyễn Trãi. Với ba lớp diễn này, một cái nhìn khác hơn về bà Nguyễn Thị Anh được gợi ra, một thông điệp mạnh mẽ mang ý nghĩa thời đại cũng được thẳng thắn bày tỏ: dù có là bậc vua quan quyền cao chức trọng hơn người mà đã làm sai thì phải xin lỗi, đó mới là cách hối lỗi thiện chí và thiết thực.
Cuộc giải oan đó được đặt trong tay vua Lê Thánh Tông (NSƯT Thành Lộc) khi ông lên ngai vàng vào 20 năm sau. Vị vua trẻ luôn trăn trở về nhiều câu trong Bình Ngô đại cáo vẫn đang được truyền tụng trong chúng dân dù bị cấm, luôn day dứt về một bản án thảm khốc và kỳ lạ của một gia tộc đã có công khai quốc, cô độc giữa một triều đình nhiễu nhương lộng quyền.
Và chính vua Lê Thánh Tông – chứ không ai khác – phải tự mình giải quyết tất cả những trăn trở, day dứt, cô độc ấy bằng một hành trình nhọc nhằn. Bởi trong hành trình đi tìm chân lý đó, nhà vua – người đứng trên vạn người và nắm quyền sinh sát trong tay – cũng phải đối mặt với những bí ẩn của quá khứ, những rào cản của hiện tại, những biến ảo của lòng người và cả những ranh giới ngay giữa lòng mình.
Một cuộc giải oan cho một bậc hiền tài đã đồng thời là một cuộc đi đến tận cùng bản ngã của một bậc minh quân. Ở đó, vua đã nhận ra nhiều điều, rằng nỗi oan khuất thấu trời của Ức Trai tiên sinh năm xưa sẽ mãi là nỗi đau khôn nguôi của triều Lê, rằng ngai vàng vừa là đỉnh cao chói lọi của quyền lực lại vừa là hố sâu hun hút chia cắt tình người gây nên bao oan trái, rằng phải làm sao để vừa giữ nghiêm phép nước vừa trọn đạo với thần phi Nguyễn Thị Anh (người được xem là chủ mưu trong vụ án Lệ Chi viên), rằng làm thế nào để trị nước bằng “vương đạo” thay cho “bá đạo” khi “vương đạo lấy dân làm gốc, bá đạo xây quyền chức làm nền”…
Video đang HOT
Vở kịch vì thế đã trở nên nóng rẫy và thâm sâu khi ước muốn “trừ bạo, an dân” của một vị minh quân chỉ thành khi ông dũng cảm bước qua những danh lợi, định kiến và vị kỷ. Hơn nữa, có vị vua nào lại muốn tự phạt mình hay sẵn sàng công khai xin lỗi trước muôn dân khi mình làm sai như vị vua của Vua thánh triều Lê? Dù chỉ là những tình tiết hư cấu, nhưng những cảnh đối thoại đầy ưu tư giữa vua Lê Thánh Tông và Nguyễn Lê quốc công (NSƯT Hữu Châu) hay cảnh cả triều đình công khai xin lỗi gia tộc Nguyễn Trãi đã thật sự gây ấn tượng mạnh cho người xem. Bởi ở đâu đó trong những hoài niệm và tưởng tượng là những ước muốn lớn lao được gửi gắm về một vị “vua thánh”… không chỉ của ngày xưa. Và bởi chuyện sử hay chuyện kịch thì cũng là những câu chuyện đời bất tận.
Phiêu với kịch lịch sử
“Làm kịch lịch sử thì phải “phiêu”, nếu không sẽ thấy oải lắm!” là lời tâm sự chân thành của NSƯT Thành Lộc – “linh hồn” của những vở kịch lịch sử tại sân khấu Idecaf trong nhiều năm qua. Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử hay Vua thánh triều Lêđều là những kịch bản rất nặng về ý nghĩa, tình huống, lời thoại, tâm lý nhân vật.
Để hiểu và nhập vai người xưa sống cách đây hàng nhiều thế kỷ, hơn nữa những người xưa đó đều là những bậc anh hùng kỳ tài, những nhân cách lớn nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một sự tôn trọng và cẩn trọng bắt buộc. Chính vì sự nghiêm túc đó nên diễn xuất của các nghệ sĩ trong Vua thánh triều Lê đã thật sự là một điểm cộng cho vở diễn. Không thể kiếm ai có được khả năng diễn xuất nội tâm chân thật và sâu sắc như NSƯT Thành Lộc trong vai vua Lê Thánh Tông, dù anh đã qua cái độ tuổi đôi mươi của nhân vật từ lâu.
Hay cũng khó mà tìm được người nào có nội lực mạnh mẽ và bản lĩnh sân khấu như NSƯT Hữu Châu để tạo nên cái thần sắc uy nghiêm của một vị quốc công quyền lực. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Xuân Thùy, Bạch Long… dù là một trường đoạn dài hay chỉ vỏn vẹn một cảnh ngắn cũng đều là những sự góp mặt chỉn chu, đáng quý.
Vua thánh triều Lê còn được đánh giá cao ở sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn Vũ Minh. Nói chuyện lịch sử bằng giọng kể mang hơi thở đương đại là cách mà Vũ Minh đã làm trong một không gian kịch sang trọng, đầy ẩn ý. Vẻ đẹp tinh tế của cách xử lý ánh sáng trên sân khấu, cách dàn dựng đại cảnh đông người, sự phối hợp với âm nhạc ở những khoảnh khắc sâu lắng hay trầm hùng đều góp phần đem lại ấn tượng mỹ cảm cho khán giả.
Tuy nhiên, tất cả những cái phiêu của tác giả, đạo diễn, diễn viên đều sẽ khó mà thành hình nếu không có sự phiêu của… ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. “Phiêu” với ông bầu không hẳn là “phiêu linh” như nghệ sĩ, mà là “phiêu lưu” bởi tổng số tiền đầu tư cho vở diễn đã lên gần 600 triệu đồng. Nhờ đó mới có một sân khấu hoành tráng và lộng lẫy mà người xem sẽ không cần phải ước lệ hay tưởng tượng nhiều về cung đình xưa, bởi mọi đạo cụ và phục trang đều được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Và mỗi suất diễn chỉ bán ra 500 vé (dù nhà hát Bến Thành có hơn 1.000 chỗ ngồi) để “chống loãng” cho không gian sân khấu cô đặc cần thiết của một vở kịch đặc biệt. Và tất cả những sự phiêu linh hay phiêu lưu nhọc nhằn này, đơn giản chỉ là để khán giả “xem cho sướng!” như mong muốn của NSƯT Thành Lộc.
Theo Tuổi trẻ
Hữu Châu gặp tai nạn trước ngày vào vai Nguyễn Trãi
Một tuần trước khi tái diễn "Bí mật Lệ Chi viên", Hữu Châu bị taxi tông khi đi trên đường, cơ thể chấn thương nhiều chỗ. Nhưng khi hóa thân thành anh hùng Nguyễn Trãi, diễn xuất của anh vẫn chiếm trọn trái tim khán giả.
Tối 14-15/7, vở Bí mật vườn Lệ Chi (tác giả: Hoàng Hữu Đản, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) tái ngộ khán giả tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM, sau 5 năm ngừng diễn. Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Hữu Châu (Nguyễn Trãi), Hoàng Trinh (Nguyễn Thị Lộ), Lê Khánh (Nguyễn Thị Anh), Thành Lộc (hoạn quan Tạ Thanh), Xuân Thùy (Ngọc Giao), Đại Nghĩa, Đình Toàn, Ngọc Thuận, Đức Thịnh...
Người xem đã có lúc lặng người với những trường đoạn Nguyễn Trãi độc thoại, đọc thơ ngẫm về phận mình, phận nước. Ở những cuộc chạm trán giữa Nguyễn Trãi và thái hậu Nguyễn Thị Anh (Lê Khánh đóng), diễn xuất của Hữu Châu đạt đến độ cao trào, bộc lộ thần thái của người anh hùng luôn đau đáu nỗi niềm thương dân. Hình tượng Nguyễn Trãi của Hữu Châu được chăm chút từ tạo hình, vóc dáng đến đài từ, cử chỉ, điệu bộ, khắc họa được "tấm lòng trong sáng tựa sao Khuê" của đại thi hào dân tộc, cũng như số phận của một đại thần mang nỗi oan khuất với bản án tru di tam tộc.
Hữu Châu có hơn 10 năm gắn bó với vai diễn Nguyễn Trãi trong "Bí mật vườn Lệ Chi".
Nhưng ít ai biết rằng, ở lần tái ngộ, Hữu Châu phải nén đau để thể hiện cho ra thần thái của vị anh hùng. Một tuần trước, khi chạy xe máy đi làm, nam nghệ sĩ bị taxi tông phải khiến thân thể bầm tím, đau nhức.
Năm 2010, em trai của Hữu Châu là nghệ sĩ Hữu Lộc đã qua đời vì tai nạn giao thông. Ngay cả khi em trai chưa mất, Hữu Châu luôn là nghệ sĩ cẩn trọng mỗi khi ra đường hoặc làm việc gì. Anh quan niệm, với người nghệ sĩ, thân thể là "công cụ hành nghề"quan trọng nhất. "Vậy mà vẫn gặp chuyện không may. Đến giờ vẫn còn đau lắm. Nhưng bước ra sân khấu, cái đau được nén lại dành chỗ cho cảm xúc với nhân vật", Hữu Châu nói.
12 năm, hơn 150 suất Bí mật Lệ Chi viên, Hữu Châu luôn mang cảm xúc, sức sống mới mẻ đến cho hình tượng Nguyễn Trãi. Nếu trước đây, anh có thể nói một mạch đoạn độc thoại thật dài thì giờ đây, có lúc anh phải dùng vài kỹ thuật sân khấu để ngắt mạch, nghỉ lấy hơi rồi mới nói tiếp... Việc cúi đầu quỳ lạy, đứng lên ngồi xuống với anh đã khó khăn hơn xưa nhiều.
" Khán giả chắc không nhận ra được sự thay đổi ở tôi, nhưng với người trong nghề, nhất là đạo diễn Thành Lộc, sẽ cảm nhận được. Anh rất hiểu diễn viên của mình. Tôi muốn cám ơn Thành Lộc vì đã tin tưởng giao cho tôi vai này suốt 10 năm qua. Với tôi, nhân vật Nguyễn Trãi trên sân khấu phải được gọi bằng hai tiếng "tri kỷ". Tôi cũng rất cám ơn tác giả Hoàng Hữu Đản vì đã viết một kịch bản hay như thế...", Hữu Châu tâm sự.
Năm 2000, Hữu Châu đóng vai Ức Trai khi ở tuổi 34. Năm 2007, vở tái diễn lần hai, anh bước sang tuổi 41. 5 năm sau, Hữu Châu 46 tuổi, độ tuổi mà anh đùa là đã tròm trèm "ngũ thập tri thiên mệnh". Có lẽ vì thế, Hữu Châu hóa thân thành vị anh hùng dân tộc với tất cả vốn sống, trải nghiệm đang độ chín muồi.
"Sau đợt diễn này, tôi không biết đến bao giờ vở sẽ tái diễn và liệu tôi còn có đủ sức khỏe để vào vai đòi hỏi nhiều sức lực như thế này được không? Thôi thì cứ xem như đây là lần cuối để mình ráng hết sức", Hữu Châu bùi ngùi nói.
NSƯT Thành Lộc trong vai Tạ Thanh nham hiểm.
Hai suất diễn đêm 14-15/7 tại TP HCM vừa qua cho thấy khán giả vẫn cần những vở kịch lịch sử được đầu tư nghiêm túc.
Hàng trăm người đã xem kịch với thái độ trân trọng người nghệ sĩ trên sân khấu. Có những lúc khán giả im phăng phắc để theo dõi rồi vỡ òa với những tràng vỗ tay.
Bạn Mộc Miên, 24 tuổi, nhà ở quận 4, TP HCM, chia sẻ cảm nhận: "Việc làm ý nghĩa nhất vào cuối tuần qua của tôi là đội mưa đi xem đêm trở lại của vở Bí mật vườn Lệ Chi. Tôi rất thích Nguyễn Trãi của chú Hữu Châu, nhất là cảnh Nguyễn Trãi đọc bài thơ Tùng và phong lan. Vở diễn có phần biên kịch trau chuốt, từng lời thoại đều có ý nghĩa sâu sắc, gây ám ảnh. Các đoạn độc thoại của thái hậu Nguyễn Thị Anh do Lê Khánh thủ vai và Nguyễn Trãi do Hữu Châu thủ vai rất đắt. Tôi nghĩ nên có những hoạt động để học sinh, sinh viên được tiếp cận vở kịch này nhiều hơn để có thể cảm nhận lịch sử của nước nhà rất hay và khốc liệt".
Với vai Nguyễn Thị Anh trong "Bí mật vườn Lệ Chi", Lê Khánh lần đầu tiên có vai diễn nặng ký trên sân khấu. Cô được đánh giá là thể hiện tròn vai, diễn tả được sự giằng xé nội tâm giữa ngai vàng, tình yêu thương con trai và những tội ác do mình gây ra.
Từ ngày 18 đến 22/7, Idecaf liên tục diễn các suất hàng đêm Bí mật vườn Lệ Chi ở Nhà hát Bến Thành.
Cùng thời gian này, từ 18 đến 21/7, Hữu Châu tham gia tuyển chọn sinh viên cho khoa diễn viên trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM . Mỗi ngày, anh đến trường từ 7h30 sáng, và làm việc đến chiều, tối lại lên sân khấu hóa thân thành Nguyễn Trãi.
"Nếu là bận quay phim thì tôi đã xin đoàn cho nghỉ để giữ sức khỏe. Nhưng công việc ở trường là công việc mà tôi yêu thích. Nếu tìm thấy các gương mặt triển vọng thì lại càng tiếp thêm niềm vui cho tôi diễn hay hơn", anh nói.
Sau khi 7 suất diễn Bí mật vườn Lệ Chi kết thúc vào ngày 22/7, ngày 29/7, Idecaf tiếp tục giới thiệu đến khán giả vở diễn lịch sử Vua thánh triều Lê (kịch bản Lê Duy Hạnh, đạo diễn Vũ Minh), tại Nhà hát Bến Thành. Vở này quy tụ dàn diễn viên: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thanh Vy, Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Đức Thịnh, Xuân Thùy, Phi Phụng, Bạch Long, Phương Dung, Thái Quốc, Thanh Vân, Tuấn Khải, Mai Phương... Đây được xem là phần tiếp theo của Bí mật vườn Lệ Chi nói về việc khi vua Lê Thánh Tông bước lên ngai vàng, ông trăn trở, nghĩ suy về những vần thơ Bình Ngô đại cáo và về án oan của gia tộc Nguyễn Trãi. Ông đã dùng bản lĩnh của mình để giải oan cho vị anh hùng dân tộc. Idecaf đầu tư hai vở diễn lịch sử để phục vụ công chúng nhân dịp sân khấu này tròn 15 năm thành lập.
Theo VNE
Hoàng Trinh "mất ngủ" vì vai Nguyễn Thị Lộ Vở kịch lịch sử nổi tiếng "Bí mật vườn Lệ Chi" (Tác giả: Hoàng Hữu Đản, Đạo diễn: NSƯT Thành Lộc) được tái diễn tại Nhà hát Bến Thành 7 suất, bắt đầu từ ngày 14-7. Trong đó, NS Hoàng Trinh (giải Mai Vàng 1996)được thế vai NS Tú Trinh (giải Mai Vàng 1995), Hồng Ánh, đảm đương nhân vật Nguyễn Thị Lộ....