Một con rắn nôn ra 2 con rắn khác còn sống, sự kiện lần đầu tiên ghi nhận được trong thế giới động vật
Mọi chuyện được ví như trò búp bê Nga, một con rắn nuốt hai con rắn. Và trong con rắn ở trong con rắn, lại có một sinh vật nữa vừa bị nuốt.
Rắn nuốt rắn, đó là một sự thật không mấy xa lạ đối với hầu hết mọi người. Những con rắn – trong điều kiện thiếu thốn thức ăn – được quan sát thấy đã ăn thịt cả đồng loại của mình.
Một số con rắn còn nuốt nhầm chính đuôi của nó. Điều này dẫn tới một cái chết không thể tránh khỏi, khi hệ tiêu hóa của rắn phân hủy chính cơ thể của mình. Trừ khi, con rắn đổi ý và nôn cái đuôi của nó ra.
Trên thực tế, việc rắn nôn ra toàn bộ bữa ăn cũng không có gì hiếm gặp. Rắn có cơ thực quản và dạ dày co bóp 2 chiều, để nuốt những con vật to gấp 3 lần cơ thể, và để nôn ra những bữa ăn khó tiêu hóa.
Nhiều trường hợp rắn ăn rắn, rồi lại phải nôn con mồi của mình ra đã được ghi nhận. Thế nhưng, có một con rắn tham lam đã ăn cùng lúc tới 2 con rắn khác, rồi lại phải nôn ra sau khi đã nuốt chửng chúng vào bụng, thì là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận được.
Điều kỳ lạ hơn nữa là một trong hai con mồi của nó, một con rắn được nôn ra cuối cùng vẫn còn sống. Sự việc hi hữu vừa được các nhân viên tại Sở Tài nguyên Động vật Hoang dã Tiểu bang Georgia (DNR), Hoa Kỳ báo cáo, trên trang thông tin điện tử của họ.
Giống như chiếc túi của nhà ảo thuật và đồ chơi búp bê Nga
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày làm việc bình thường tại DNR, Matt Moore, nhân viên bảo tồn của Sở Tài nguyên Georgia đang đi kiểm tra cân nặng của quần thể rắn chàm Phương Đông (Drymarchon couperi).
Những con rắn chàm này là loài rắn bản địa dài nhất ở Mỹ. Một con rắn đực trưởng thành có thể dài gần 3 mét và nặng tới 5 kg. Mặc dù là loài săn mồi đỉnh cao và không có kẻ thù trong tự nhiên, rắn chàm được liệt vào danh sách các loài bị đe dọa ở Georgia, vì môi trường sống của chúng đang bị thu hẹp.
Công tác bảo tồn đòi hỏi các nhân viên như Moore phải thu thập mẫu vật để đánh giá tình trạng sức khỏe của quần thể rắn chàm thường xuyên. Và ngày hôm đó, anh đã bắt được một con rắn chàm Phương Đông dài 1,2 mét.
Moore bỏ con rắn chàm vào túi – một cái túi rỗng, và đem về trạm để cân xem con rắn nặng bao nhiêu. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, sau khi đổ cái túi ra bàn cân, anh phát hiện trong đó có tới 3 con rắn.
Con rắn chàm (bên phải) đã nôn ra con rắn chuột (bên trái) và con rắn đuôi chuông (ở giữa) còn sống.
Ngoài con rắn chàm ban đầu, Moore thấy có một con rắn chuột và một con rắn đuôi chuông lưng kim cương miền đông (Crotalus adamanteus). Từ một biến thành ba, mọi thứ xảy ra cứ như thể đó là một cái túi của nhà ảo thuật.
” Con rắn chàm, được biết đến là loài săn mồi và ăn các loài rắn khác, rõ ràng đã nuốt hai con rắn nhỏ hơn, rồi sau đó nôn chúng ra ngoài, điều khiến nó mất đi một nửa cân nặng”, đại diện của Sở Tài nguyên Georgia giải thích.
Nhưng câu chuyện kỳ lạ thậm chí chưa dừng lại ở đó, khi xét đến yếu tố búp bê Nga.
Một con rắn, bên trong một con rắn, bên trong còn có một sinh vật nữa
Sau khi đổ cả ba con rắn ra bàn cân, Moore, nhân viên của Sở Tài nguyên Georgia đã kiểm tra tình trạng sống của hai con rắn từng nằm trong bụng rắn chàm. Anh nhận thấy con rắn chuột đã chết hẳn. Nhưng con rắn đuôi chuông dường như vẫn còn sống.
Để giúp nó hồi sức, Moore thả con rắn chuông vào một chiếc hang nhân tạo. Một lúc sau khi trở lại, anh đã chẳng thấy nó đâu cả. Các nhân viên ở Sở Tài nguyên Georgia sau đó đã thấy con rắn chuông bò ra phơi nắng trên một bãi cỏ.
Con rắn chuông có một vết thương ở đầu – hành vi tấn công con mồi điển hình của rắn chàm trước khi ăn con mồi của chúng. Tuy nhiên, vết thương dường như không ảnh hưởng tới sức khỏe của nó.
Sau khi quan sát, Moore còn thấy bụng của con rắn chuông có một đoạn phình ra. Kích thước phù hợp cho thấy nó vừa ăn một con chuột lớn. Vì vậy, sơ đồ búp bê Nga trong câu chuyện này trở nên khá phức tạp: Một con rắn chuông nuốt một con chuột, sau đó bị một con rắn chàm nuốt cả hai vào bụng, cộng thêm một con rắn chuột bên cạnh.
Con rắn chuông có một vết thương ở đầu, nhưng nó vẫn còn sống. Và trong bụng nó đang chứa một con chuột.
” Sau khi bị nôn ra bởi con rắn chàm, con rắn chuông vẫn cố gắng giữ lại bữa ăn của nó”, Moore nói. Vì vậy, câu chuyện may mắn đã không xảy đến vớn con chuột.
Thông thường, khi nuốt một con mồi quá lớn hoặc khi chúng cảm thấy quá căng thẳng, rắn sẽ nôn con mồi của mình ra. Nếu chúng không làm thế, rắn có thể bị nghẹt thở đến tử vong.
Năm 2022, một con rắn vành đai (Tantilla oolitica) được phát hiện đã chết chỉ vì cố nuốt một con rết lớn. Vào tháng 9 năm ngoái, một nhà nghiên cứu bò sát ở Pháp đã vào cuộc để cứu một con rắn lục (Natrix maura) đang bị nghẹn thở khi cố nuốt một con cá.
Tại sao rắn lại ăn thịt đồng loại?
Đó không phải một sự kiện hiếm gặp trong thế giới của hơn 4.000 loài rắn. Là một loài động vật săn mồi, rắn có chế độ ăn rất đa dạng, trải dài từ chuột, cá, ốc, côn trùng cho đến thằn lằn, chim và thú lớn.
Những con trăn, bản chất là một loài rắn, đã bị bắt quả tang khi ăn cả hươu, nai và cá sấu. Trong một số trường hợp, chúng còn nuốt cả người. Ít nhất 5 vụ việc trăn ăn thịt người đã được báo cáo ở Indonesia từ năm 2017 đến nay.
Rắn có thể ăn thịt cá sấu.
Còn đây là một con trăn bị bắt sau khi nuốt người ở Indonesia.
Năm 2017, một nam thanh niên 25 tuổi ở Indonesia đã bị một con trăm gấm ăn thịt. Sự việc lặp lại vào năm 2018 và năm 2022, khi 2 người phụ nữ được phát hiện đã chết bên trong bụng trăn gấm, cũng ở Indonesia.
Vụ việc gần nhất là vào tháng 6 vừa rồi, khi một con trăm gấm dài 5 mét cũng nuốt chửng một người vợ và người mẹ của 4 đứa con ở tỉnh South Sulawesi của nước này.
Nhiều loài rắn là loài ăn thịt đầu bảng, nghĩa là chúng không chỉ ăn thịt các loài động vật khác mà còn ăn các loài rắn vốn là đồng loại của mình. Chẳng hạn như rắn da trơn ở châu Âu, rắn vua ở Bắc Mỹ và rắn hổ mang chúa ở Châu Á.
Một con trăn Miến Điện nuốt một con trăn gấm, trong sự kiện lần đầu tiên ghi nhận được vào tuần trước.
Các nhà khoa học cho biết rắn ăn thịt rắn vì nhiều lý do. Thứ nhất, rắn ăn thịt rắn khác loài là một chiến lược sinh tồn loài. Khi một loài rắn ăn thịt rắn thuộc một loài khác, nó vừa có một bữa ăn cho mình, đồng thời làm giảm được một miệng ăn trong hệ sinh thái, khi những con rắn này có thể tranh nguồn thức ăn chung của chúng.
Nhưng rắn cũng có thể ăn thịt chính đồng loại cùng loài với mình. Đây là một chiến lược sinh tồn cá thể, thường xảy ra trong thời kỳ thiếu hụt thức ăn. Một con rắn lớn có thể ăn thịt đồng loại nhỏ hơn hoặc những con rắn bị thương. Điều này giúp chúng vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời vận hành cỗ máy chọn lọc tự nhiên, chỉ để lại những cá thể rắn khỏe mạnh trong quần thể.
Cuối cùng, hành vi rắn ăn thịt rắn kỳ lạ nhất mà các nhà khoa học quan sát được là khi chúng bị căng thẳng. Một con rắn bị căng thẳng có thể ăn thịt đồng loại, bất chấp chúng có đói hay không?
Kỳ lạ nhất, nhiều con rắn đã tự nuốt chính đuôi của mình và chết vì dịch tiêu hóa trong cơ thể của chính chúng.
Một tài liệu của thuật giả kim thể hiện hình ảnh rắn nuốt đuôi.
Rắn nuốt đuôi trong nghệ thuật cổ đại.
Nó được coi là biểu tượng của chu kỳ sống, sự hủy diệt và tái sinh.
Hành vi rắn tự nuốt đuôi của mình đã được quan sát thấy trong hàng ngàn năm. Người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại thậm chí có hẳn một biểu tượng cho điều đó.
Một con rắn tự nuốt đuôi tạo thành một vòng tròn hoàn chỉnh được sử dụng nhiều trong thuật giả kim, triết học và nghệ thuật như biểu tượng của chu kỳ sống, sự hủy diệt và tái sinh.
Lươn không có độc, vậy tại sao rắn không dám đụng tới?
Rắn là loài ăn tạp nhưng ít khi chúng đụng tới lươn, vì sao vậy?
Lươn là loại cá ăn được, không độc, thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, loài rắn dường như lại tránh xa món lươn này. Vì sao vậy?
Chúng ta biết rằng, rắn là một kẻ săn mồi đỉnh cao trong tự nhiên. Với các giác quan nhạy bén và kỹ năng săn mồi độc đáo, chúng có thể bắt và tiêu hóa nhiều loại sinh vật. Trong thực đơn của chúng, chuột, chim, động vật lưỡng cư và bò sát đều là những món ăn khoái khẩu.
Điều đáng ngạc nhiên hơn là một số loài rắn thậm chí còn dám thách thức và ăn những con rắn khác.
Tuy nhiên, trong số danh sách món ăn hấp dẫn này, tồn tại một sinh vật đặc biệt - loài lươn (danh pháp: Monopterus albus), khiến những con rắn tỏ ra do dự và thậm chí dè chừng khi đi săn. Đây là kết quả của một loạt các yếu tố sinh thái, sinh lý và tiến hóa phức tạp.
1. Từ góc độ sinh thái
Phân tích chuyên sâu từ góc độ sinh thái cho thấy, là một sinh vật thủy sinh độc đáo, quỹ đạo sống và chiến lược sinh tồn của lươn đã in sâu vào môi trường nước. Cấu trúc cơ thể thuôn gọn, lớp ngoài trơn nhầy đều chứng tỏ khả năng thích nghi hoàn hảo của nó với cuộc sống dưới nước.
Ở dưới nước, lươn có thể di chuyển linh hoạt, thể hiện sự nhanh nhẹn và cảnh giác đáng kinh ngạc dù đang tìm kiếm thức ăn hay trốn tránh thiên địch.
Ngược lại, rắn chủ yếu sống trên cạn và lối sống, cấu trúc cơ thể cũng như kỹ thuật săn mồi của chúng hoàn toàn khác với lươn. Đối với loài rắn, môi trường sống của lươn chắc chắn là một thế giới mới đầy rẫy những ẩn số và thử thách.
Dòng nước chảy nhanh, nhiệt độ nước thay đổi và những trở ngại đối với tầm nhìn dưới nước đều là những vấn đề mà loài rắn cần phải vượt qua. Chúng phải học cách giữ thăng bằng trong nước, chống lại tác động của dòng nước và sử dụng thông tin giác quan hạn chế để xác định vị trí và tiếp cận con mồi.
Trong quá trình này, loài rắn không chỉ cần nỗ lực nhiều hơn mà còn phải chấp nhận rủi ro cao hơn. Khi xuống nước, chúng mất đi sự linh hoạt và tốc độ như trên cạn và trở nên tương đối vụng về. Lươn có thể tận dụng lợi thế dưới nước để nhanh chóng trốn thoát hoặc chống trả.
Vì vậy, đối với loài rắn, săn lươn chắc chắn là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi kỹ năng và sự kiên nhẫn vô cùng cao.
2. Từ góc độ sinh lý
Từ khía cạnh của sinh lý học, cấu trúc cơ thể của chúng giống như một cỗ máy tinh xảo, không chỉ đảm bảo khả năng di chuyển hiệu quả mà còn mang lại cho chúng khả năng sinh tồn đáng kinh ngạc.
Khi gặp mối đe dọa tiềm ẩn như rắn, lươn có thể nhanh chóng điều chỉnh tư thế cơ thể và thoát khỏi khu vực nguy hiểm một cách nhanh nhất. Cơ chế trốn thoát hiệu quả này giúp lươn dễ dàng sống sót khi gặp thiên địch.
Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là bề mặt cơ thể của lươn được phủ một lớp chất nhầy trơn trượt. Lớp chất nhầy này không chỉ có tác dụng bôi trơn, giúp lươn bơi lội trong nước dễ dàng hơn mà còn có chức năng phòng thủ mạnh mẽ.
Khi rắn cố bắt lươn, lớp chất nhầy này khiến rắn khó tung cú cắn chết người vào con mồi. Ngay cả khi rắn cắn thành công lươn, chất nhầy trơn trượt sẽ khiến rắn khó dùng lực để cuộn xiết, tạo cơ hội cho lươn trốn thoát.
3. Từ góc độ tiến hóa
Đối với loài rắn, dù có khả năng săn mồi mạnh mẽ và các giác quan nhạy bén nhưng chúng thường bất lực khi đối mặt với lươn. Khó khăn trong việc săn mồi này đã khiến rắn dần dần học cách dè chừng và tránh lươn trong quá trình tiến hóa.
Đây không phải là một phản ứng tâm lý đơn giản mà đã in sâu vào gen của loài rắn. Trải qua nhiều thế hệ kế thừa và sinh sản, sợ dè chừng này không ngừng được củng cố ở loài rắn, cuối cùng trở thành khuôn mẫu hành vi bản năng.
Chính đặc điểm bản năng này đã giúp loài rắn phản ứng nhanh nhạy khi đối mặt với lươn để tránh những rủi ro, tổn thất không đáng có.
Vì sao rắn mất chân sau 26 lần tiến hóa khó khăn? Trong thế giới động vật, loài rắn luôn khơi dậy sự tò mò của chúng ta bởi vẻ ngoài bí ẩn và hấp dẫn. Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc tại sao rắn lại bị mất chân trong suốt quá trình tiến hóa lâu dài của mình không? Nguyên nhân tiến hóa khiến rắn mất chân: Thay đổi môi trường sống...