Một cô gái giả mạo facebook của diễn viên Diễm Hương để vay tiền: Có phạm tội lừa đảo không?
Sáng 26-3, qua Facebook, nhiều người nhận được thông tin diễn viên điện ảnh Diễm Hương bị tai nạn giao thông tại vòng xoay TP Vũng Tàu khi đi tìm cơ hội đầu tư nhà hàng tại đây. Diễm Hương bị đứt dây chằng gối và sẽ được phẫu thuật vào 15 giờ cùng ngày. Tiếp theo, một số bạn bè của diễn viên này nhận được tin nhắn hỏi mượn tiền để lo chi phí cho ca phẫu thuật.
Nội dung vụ án
Nội dung tin nhắn: Do chồng Diễm Hương chưa kịp gửi tiền từ Canada về cho cô và tiền mang theo cô trót cho nghệ sĩ N.C.T, đạo diễn P.S mượn nên hiện không còn tiền. Nếu bạn bè giúp đỡ cho mượn tiền thì con gái riêng của Diễm Hương có nickname là Tina đang ở TP.HCM sẽ đến nhận. Cũng từ tin nhắn của Facebook Diễm Hương lưu ý: Trưa 19-3, Tina đã bị cướp giật giỏ xách trong đó có nhiều tiền, hộ chiếu, hợp đồng làm ăn.
Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nick, hình ảnh Diễm Hương kết bạn với nhiều giới nghệ sĩ trong và ngoài nước. Nick Diễm Hương thông báo cô đã về Việt Nam sống trong căn biệt thự tại Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) cùng các con. Khoảng cuối năm 2013, nick Diễm Hương thông tin con gái riêng là Tina vừa tốt nghiệp thạc sĩ báo chí ở Mỹ và sắp vào làm việc tại một tờ báo lớn ở TP.HCM.
Thông tin Diễm Hương bị tai nạn đã được phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM xác minh. Được biết trong hai ngày (25 đến 26-3) không có vụ tai nạn giao thông nào tại vòng xoay Vũng Tàu. Tại các bệnh viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chẳng có ca mổ dây chằng gối nào cho bệnh nhân nữ. Giữa diễn viên Diễm Hương và nghệ sĩ N.C.T thì từ lâu không gặp nhau và họ không hề vay mượn tiền bạc gì.
Kết cục đó chỉ là nick mạo danh của diễn viên điện ảnh Diễm Hương do một cô gái có tên là N.P.H.M, hiện ở quận 7 tạo dựng. Theo H.M, từ lúc giả nick Diễm Hương, cô chỉ đóng vai diễn viên này để điện thoại trò chuyện với các diễn viên, nghệ sĩ mà mình ái mộ. Gần đây, do thiếu tiền đóng học phí (H.M đang là sinh viên) nên H.M dựng lên kịch bản Diễm Hương bị xe tông ở Vũng Tàu nhưng chưa lừa lấy tiền của ai thì bị phát hiện. Ngoài ra, H.M thú nhận cô còn giả Facebook của hoa hậu Mai Phương Thúy. Đến 16 giờ ngày 26-3, toàn bộ các Facebook do H.M lập ra mạo danh Diễm Hương, Mai Phương Thúy đã bị khóa.
Vấn đề đặt ra là cô gái P.T.H.M. đã có hành vi vi phạm những điều luật nào và nên xử lý ra sao?
Ý kiến bạn đọc
Đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cô gái H.M. mạo danh một diễn viên nổi tiếng để gây dựng quan hệ sau đó vay mượn tiền, là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cô gái này có động cơ lừa đảo, được thể hiện rõ bởi cô đã có sự giả mạo trước, chiếm lòng tin sau đó mới dựng chuyện để chiếm đoạt tiền. Hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật, dùng lời nói dối trá, giả danh người có uy tín để sau đó dễ vay mượn tiền của người khác là hành vi chiếm đoạt tài sản. Với những thủ đoạn này, người có chủ ý lừa đảo làm cho người chủ tài sản tin nhầm tưởng giả là thật, tưởng kẻ gian là người ngay mà “tự nguyện” trao tài sản để họ chiếm đoạt. Cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 139 Bộ Luật Hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi giả mạo trên mạng viễn thông để lừa đảo hiện nay xảy ra nhiều, bạn đọc nên cảnh giác, mặt khác các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần nghiêm trị các đối tượng này.
Nguyễn Thị Linh (TP Hạ Long, Quảng Ninh)
Chỉ là thích quan hệ với những người nổi tiếng
Video đang HOT
Theo tôi, cần có cái nhìn vị tha hơn đối với cô gái nhỏ này. Thấy diễn viên Diễm Hương xuất hiện ở Việt Nam, cô gái này đã giả mạo tên diễn viên này, lập tài khoản Facebook có tên Diễm Hương để tạo điều kiện quan hệ với các diễn viên, ca sĩ. Trong một năm, qua điện thoại, qua trang mạng mang tên Diễm Hương, cô gái này đã làm quen, trao đổi với rất nhiều diễn viên, ca sĩ nhưng chưa bao giờ cô có hành vi vay mượn, xin xỏ hoặc kiếm lợi từ các mối quan hệ này. Chỉ đến khi gặp khó khăn trong đời sống, bí quá, cô mới sử dụng các mối quan hệ này để vay tiền. Bài học này với một cô sinh viên trẻ cũng đã đắng cay lắm rồi. Tôi tin cô gái này sẽ nhận ra lỗi lầm của mình sau sự kiện này.
Ông Trần Văn Dũng (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội)
Có dấu hiệu quan trọng của tội lừa đảo
Hiện nay tội phạm sử dụng công nghệ cao hoặc mạng viễn thông gây án đang phát triển. Với ưu thế có thể ẩn danh, không kiểm tra, kiểm soát được, tình trạng giả danh để chiếm đoạt tài sản đang diễn ra hàng ngày. Cô H.M này có thể không có động cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lập tài khoản Facebook mang tên diễn viên Diễm Hương, nhưng cô có động cơ lừa đảo khi dựng chuyện diễn viên Diễm Hương bị tai nạn. Gian dối để chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu quan trọng nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi của cô gái này đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ các quan hệ ảo dễ dẫn đến quan hệ thật và vì có sự cho phép ẩn danh, những hành vi lừa đảo dễ xảy ra.
Tôn Nữ Bích Hằng (Đường Tôn Đản, TP Huế)
Bình luận của luật sư
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng các thủ đoạn gian dối, cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của người khác thành tài sản của mình. Điểm cơ bản để phân biệt tội này với các tội xâm phạm sở hữu khác được quy định trong BLHS bởi đặc điểm của hành vi chiếm đoạt tài sản, cụ thể là: trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản người phạm tội có ý thức chiếm đoạt tài sản và người phạm tội phải đồng thời thực hiện hai hành vi là hành vi gian dối với nạn nhân và hành vi chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Vậy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản về nguyên tắc phải có người bị hại và có tài sản bị chiếm đoạt. Trong vụ việc này, cô gái H.M đã có các hành vi gian dối, có ý định vay mượn, nhưng như nội dung vụ việc cho thấy, chưa ai cho cô H.M vay mượn và chưa ai bị chiếm đoạt tài sản. Chưa có người bị hại và không có tài sản bị chiếm đoạt, về mặt pháp lý, cô H.M chưa phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhưng cô H.M vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật. Đó là xâm phạm lợi ích và làm tổn hại danh dự của diễn viên Diễm Hương qua việc mạo nhận là nữ diễn viên, thêu dệt những chuyện không có như tai nạn, thiếu tiền… trên các mạng xã hội. Hành vi này được quy định tại điều 122 – Bộ luật Hình sự với tội vu khống với nội dung: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và với tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù tới 7 năm.
Lưu ý là nội dung của thông tin sai sự thực phải thể hiện sự xúc phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu người phạm tội nhầm tưởng thông tin mình loan truyền là đúng sự thực thì hành vi không cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này, cô H.M đã lan truyền những tin không có thật như diễn viên Diễm Hương bị tai nạn phải phẫu thuật, hoa hậu Diễm Hương bị kẹt tiền… những thông tin sai này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi và danh dự của diễn viên Diễm Hương. Theo quy định tại Điều 105 Bộ Luật tố tụng hình sự thì tội vu khống (nếu không có tình tiết tăng nặng) chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp này nếu diễn viên Diễm Hương yêu cầu khởi tố cô H.M, cơ quan điều tra sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự của cô H.M. Nếu diễn viên Diễm Hương không khiếu kiện, cô H.M cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thật sự đây sẽ là bài học nhớ đời cho cô gái trẻ H.M và là bài học cho tất cả những người thường lợi dụng internet để phục vụ những mục đích riêng của mình. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Theo ANTD
Xử "đại án" Huyền Như lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: có dấu hiệu "tham ô tài sản"
Chiều nay (6.1), phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần đọc bản cáo trạng truy tốHuyền Như cùng 22 bị cáo. Cáo trạng dài 72 trang, khiến thời gian cả buổi chiều nay là phần đọc cáo trạng của 2 vị đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa, được ủy quyền của VKSND Tối cao.
Trong khi vào buổi sáng nay (6.1), các luật sư đề nghị hoãn phiên tòa, đề nghị HĐXX triệu tập nhiều "quan chức" của Vietinbank và cựu quan chức ACB. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu hoãn phiên tòa và cho rằng cần thiết sẽ triệu tập các "quan chức" ngân hàng.
Theo nguồn tin của Báo Lao Động, một văn bản kiến nghị của luật sư Đinh Văn Quế - nguyên thẩm phán, Chánh tòa hình sự TAND Tối cao - đã gửi đến TAND TPHCM, VKSND cũng như HĐXX vụ "đại án" Huyền Như.
Trong văn bản kiến nghị, luật sư Đinh Văn Quế cho biết: "Về tội danh đối với Huyền Như, trong vụ án này, các đơn vị, cá nhân bị Huyền Như làm giả giấy tờ để họ chuyển tiền vào các tài khoản theo chỉ định của Như. Sau đó, Như chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố là chính xác.
Tuy nhiên, đối với các khoản tiền của khách hàng gửi tại Vietinbank từ một hợp đồng hợp pháp, trong đó có khoản tiền hơn 718 tỉ đồng của ACB.
Sau đó Huyền Như mới dùng thủ đoạn gian dối để rút tiền từ Vietinbank thì hành vi của Huyền Như không là hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mà hành vi này có dấu hiệu của tội "tham ô tài sản".
Trong bản kiến nghị gửi đến tòa, luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: "Khi các đơn vị, cá nhân đã gửi tiền vào ngân hàng nói chung và Vietinbank nói riêng. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng khoản tiền này và có nghĩa vụ trả lãi cho khách hàng theo thỏa thuận với khách hàng.
Vietinbank là doanh nghiệp Nhà nước. Huyền Như được bổ nhiệm làm Quyền GĐ Phòng giao dịch thuộc Vietinbank. Huyền Như có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ.
Do có chức vụ, quyền hạn như trên, Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Vietinbank.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội "tham ô tài sản".
Tham ô chính là "trộm cắp, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm... chiếm đoạt tài sản" của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý".
Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao-Đinh Văn Quế nhận định: "Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do mình có trách nhiệm quản lý là hành vi phạm tội "tham ô tài sản", chứ không phải là hành vi phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản".
Luật sư Đinh Văn Quế cũng cho rằng: Theo kết luận điều tra số 12 ngày 3.12.2012 và các bản kết luận điều tra bổ sung số 3, ngày 26.4.2013 (lần 1) và số 8 ngày 26.8.2013 (lần 2) của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định ACB là "đơn vị bị hại".
Cáo trạng số 16/KSĐT-VKSTC-V1 ngày 16.10.2013 của VKSND Tối cao không có chỗ nào viết: "ACB là người bị hại hoặc là đơn vị bị hại", nhưng tại mục số 9 (trang 11) bản cáo trạng ghi:
" Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của ACB" và bản phụ lục 1 kèm theo bản cáo trạng, cột thứ 4 có ghi "Số tiền Như trả lại cho các bị hại". Với cách hành văn này thì có thể hiểu bản cáo trạng cũng xác định "ACB là bị hại".
Bộ luật tố tụng hình sự không có quy định người tham gia tố tụng là "đơn vị bị hại" hay "bị hại", mà chỉ có "người bị hại". Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra (khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự).
Người bị hại phải là con người cụ thể chứ không phải là cơ quan, tổ chức; bởi lẽ, nếu người bị hại từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "từ chối khai báo" theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
Nếu cơ quan, tổ chức là người bị hại, mà từ chối khai báo thì làm sao mà truy cứu trách nhiệm hình sự được ! Pháp luật nước ta không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ quan, tổ chức.
Đây là tiêu chí rất quan trọng để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
Trong vụ án hình sự, các cơ quan, tổ chức, nếu tham gia tố tụng thì không thể là người bị hại. Họ chỉ có thể tham gia tố tụng với tư cách: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Như vậy, ACB không phải là người bị hại trong vụ hình sự nói chung và trong vụ án này nói riêng.
Vậy ACB có tham gia tố tụng trong vụ án này hay không, nếu tham gia thì với tư cách gì, cần làm rõ một số vấn đề sau: Huyền Như bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", trong đó có hơn 718 tỉ đồng. Nguồn gốc số tiền này là của ACB, nhưng đã ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi vào Vietinbank, theo một hợp đồng tiền gửi.
Theo pháp luật dân sự cũng như quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì sau khi số tiền này gửi vào tài khoản của Vietinbank tuy chủ sở hữu vẫn là ACB, nhưng quyền quản lý (chiếm hữu và sử dụng) thuộc Vietinbank chứ không thuộc ACB nữa.
Vietinbank phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro về số tiền hơn 718 tỉ đồng. Nếu số tiền này bị người khác chiếm đoạt thì Vietinbank mới là đơn vị bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và tham gia tố tụng với tư cách là "nguyên đơn dân sự".
"Tại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 04/VKSTC-V1 ngày 23.2.2013 của VKSND Tối cao cũng đã khẳng định 'Việc ký hợp đồng nhận tiền gửi của khách hàng, trách nhiệm quản lý đối với số tiền này thuộc về Vietinbank'.
Khẳng định này là chính xác, đúng pháp luật, phù hợp với quy định của luật dân sự và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu Vietinbank để người khác chiếm đoạt hoặc bị thất thoát số tiền này thì Vietinbank phải bồi thường cho khách hàng", luật sư Đinh Văn Quế nhận định trong văn bản kiến nghị gửi đến tòa.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra ngày mai (7.1) với phần xét hỏi.
Theo Lao động
Mạo danh công an, ép dân mua vé xem kịch Ngày 27/3, trên địa bàn TP Thủ Dầu Một xuất hiện một số đối tượng mạo danh công an địa phương đến nhiều nhà dân vận động, ép mua vé xem kịch với giá 150.000 đồng/vé. Đơn cử, chủ một tiệm internet ở phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một cho biết một nhóm 3 đối tượng ăn mặc lịch sự, mạo danh...