Một cán bộ địa chính “biến mất” khó hiểu
Ông Đào Hữu Hùng (SN 1988, cán bộ địa chính xã Phú Mỹ, trú thôn An Lưu, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) đã bỏ đi khỏi địa phương gần 1 tháng qua và không thể liên lạc được.
Một số thông tin từ người dân xã phản ánh, cán bộ Đào Hữu Hùng làm cán bộ địa chính xã, dính nghi vấn tự tiện làm sổ đỏ trái phép cho các hộ dân, mượn tiền một số người để làm sổ đỏ mà chưa làm xong, cầm sổ đỏ của dân… rồi bỗng nhiên “ biến mất”. Ngày 21/10, PV Dân trí đã về làm việc với lãnh đạo xã Phú Mỹ về thông tin này.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, sau khi nghe PV đặt vấn đề đã hẹn… 1 tuần sau mới trả lời. Lý do theo bà Hiền là phải hỏi ý kiến Đảng bộ xã và huyện; bận họp nhiều.
Phóng viên hỏi ông Hùng đã nghỉ làm ở cơ quan bao lâu rồi? Bà Hiền cũng không trả lời với lý do như trên.
Ủy ban xã Phú Mỹ.
Phóng viên gặp ông Đào Hữu Truyền, Bí thư xã Phú Mỹ. Ông Truyền cho biết, trước đây do ông Hùng không hoàn thành nhiệm vụ (hay nghỉ làm, lãnh đạo điện thoại không nghe máy…) nên Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ủy ban xã họp kiểm điểm vai trò trách nhiệm cá nhân ông Hùng. Ngay sau đó, ông Hùng đã bỏ đi. Đến nay (21/10) đã gần 1 tháng, toàn bộ mọi người – kể cả người thân trong gia đình ông Hùng – đều không thể liên lạc được với ông này.
“Trong mấy ngày đầu, chúng tôi có nhờ anh em cán bộ cấp dưới vào facebook của Hùng để xem đang ở chỗ nào thì thấy đang ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Sau đó 2 ngày thì thấy ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Từ đó không thấy tin gì ở trên facebook nữa. Người em của Hùng đã đi tìm anh trai suốt 1 tuần cũng không thấy. Xã đã dùng nhiều hình thức liên lạc, tìm kiếm nhưng đến nay đành bó tay. Cũng lo có chuyện chẳng lành…” – ông Truyền cho biết.
Cũng theo Bí thư xã Phú Mỹ, qua kiểm tra quỹ tiền của xã không thấy thất thoát gì. Tủ hồ sơ của ông Hùng vẫn để lại chìa khóa, trong đó có một số sổ đỏ về đình làng và 5, 6 sổ đỏ của người dân. Xã sẽ tiến hành đối chiếu để làm rõ xem có mất sổ đỏ nào không.
Theo luật cán bộ công viên chức, UBND xã Phú Mỹ đã tiến hành kiểm điểm cán bộ Đào Hữu Hùng ở mức cảnh cáo (không có mặt ông Hùng) vì nghỉ việc thời gian dài. Trong chiều nay (21/10), đảng ủy sẽ tiến hành họp kiểm điểm trách nhiệm đảng viên Đào Hữu Hùng. Phòng Nội vụ huyện Phú Vang đã hướng dẫn xã ra thông báo cho ông Hùng 3 lần, nếu không về làm việc ở xã thì lãnh đạo xã báo cáo lên huyện để xử lý, mức độ cao nhất là đuổi việc. Hiện thông báo đã được gửi về cho gia đình ông Hùng lần thứ 3.
Video đang HOT
Ông Truyền nói thêm: “Ông Hùng trước đây đi bộ đội về, hiện chưa lập gia đình, là người có dấu hiệu hơi trầm cảm. Khi tới làm việc xã, ông hay cúi đầu đi và ít tiếp xúc với mọi người”.
Ông Truyền trao đổi, ở xã cho đến nay vẫn chưa nhận được đơn trình báo, khiếu nại gì của người dân về cá nhân ông Hùng. Ông Truyền yêu cầu bà con nếu có chuyện gì hãy gửi đơn lên xã để xã được biết và có cơ sở làm rõ.
Đại Dương
Theo Dantri
Những phán đoán ban đầu về mỏ neo gỗ khổng lồ dưới đáy biển
Chiếc mỏ neo bằng gỗ dài 8,1m mà anh Nguyễn Văn Chinh (Thuận An, Phú Vang, TT-Huế) vừa mua lại từ một lão ngư có nhiều điểm rất độc đáo, cần được cơ quan chuyên môn vào cuộc xác minh lai lịch, niên đại.
Mỏ neo gỗ khổng lồ có thể thuộc tàu biển xưa cỡ lớn
Theo nhà nghiên cứu chuyên về cổ vật dưới nước tại Huế là ông Hồ Tấn Phan, khi xét đến mỏ neo bằng gỗ khổng lồ, điều quan tâm nhất là tầm vóc của nó. Với kích thước lớn dài hơn 8 mét, khả năng mỏ neo này thuộc tàu đi đường biển Bắc - Nam của Việt Nam vào thời kỳ chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Có thể nghĩ đến là một tàu buồm cỡ lớn của cơ quan nhà nước.
Chiếc mỏ neo dài 8,1 mét
Đây là loại neo có 2 ngạnh.
Tiếp đến, xét về phần gỗ của neo vẫn còn tương đối và phần sắt bọc ở đầu mỏ neo không bị phong hóa quá nhiều, dự đoán nhiều khả năng là thời vua Nguyễn thế kỷ 19.
Vì mỏ neo nằm ngay ở đập Hòa Duân hiện nay - xưa kia là cửa Thuận An cũ, nơi giao thương tàu bè đến kinh đô Huế nên xu hướng đây là 1 tàu có ra vào cửa biển Thuận An chứ không phải tàu đi ngang qua.
Do chưa thể xác định kỹ, nhất là với một bộ phận nhỏ như neo thì khó có thể xác định neo gỗ này thuộc tàu buôn hay tàu chiến. Nhưng hồi đó, tàu phải có cỡ lớn thì mới có neo lớn như chiếc mỏ neo gỗ vừa phát hiện. Nhà nghiên cứu cho biết, khi việc chế tác neo bằng thép, sắt chưa phổ biến, neo bằng gỗ được sử dụng rất nhiều.
"Với 1 cái neo lớn như vậy, theo kinh nghiệm cá nhân của tôi chưa từng thấy. Nếu nói về tàu, thuyền, kỹ thuật đóng tàu dưới thời vua chúa Nguyễn thì có; hay nếu bản vẽ, hình chụp thì cũng chụp tàu thuyền chứ vẽ hay chụp lại cái neo thì ít. Trong sách vở của tôi về tàu thuyền từ xưa cũng ít, mà trong thư tịch còn lại cũng không nhiều. Ngay ở Huế cũng có ít người chuyên nghiên cứu về tàu thuyền cổ.
Đầu ngạnh neo bọc sắt
Chưa xác định được loại gỗ làm neo.
Ở các bảo tàng của Huế chưa có cái neo nào như thế này. Bảo tàng trên cả nước với một cái neo gỗ lớn như vậy cũng rất ít. Tuy nhiên, cần phải khảo sát kỹ để biết chính xác nguồn gốc, niên đại, chất liệu của neo gỗ khổng lồ này" - ông Phan đề xuất.
Dài nhất trong số các mỏ neo tìm thấy tại Việt Nam
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, nhà chơi đồ cổ tại Huế nhận xét: "Tôi cũng đã từng thấy cổ vật mỏ neo bằng gỗ từ một số anh em chơi đồ cổ ở trong miền Nam. Các mỏ neo thu mua được từ dân chài lưới trên sông Đồng Nai có xuất xứ từ các thuyền buôn nhà Thanh, thời chúa Nguyễn nhưng cũng chỉ dài 3-4 mét chứ không được hơn 8 mét như mỏ neo ở Huế này. Đây là một hiện tượng đặc biệt cần đáng quan tâm".
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nếu thời gian tới, xác định mỏ neo này thuộc triều Nguyễn thì rất đáng quý, cần phải được lưu giữ. Hiện ở các bảo tàng tại Huế chưa có mỏ neo nào như vậy.
Ông Nguyễn Lưu (cha anh Nguyễn Văn Chinh - người mua neo gỗ khổng lồ) với kinh nghiệm làm nghề biển lâu năm, cho rằng neo gỗ được làm bằng loại gỗ còn tốt và cứng hơn gỗ lim. Phần mỏ neo có 2 ngạnh không được lấy dây thừng buộc, có thể được nối bằng chốt lọng ở trong và được bịt sắt ngoài nên cực kỳ cứng.
Sách sử ghi chép lại rằng, cửa Hòa Duân (xưa kia là cửa Thuận An) vốn là nơi tàu bè của vua chúa Nguyễn tại Huế giao thương đi vào ra hàng trăm năm trước. Có khả năng một tàu lớn bị đắm hay đứt neo ngay tại cửa biển rồi mỏ neo bằng gỗ nằm ở đó cho đến ngày nay.
Được biết cách đây 15 năm, có ông Quách Văn Địch ở Hà Nội đã mua 2 mỏ neo dài hơn 6 mét bằng gỗ với giá 11 cây vàng. Sau đó, các chuyên gia đã xác định niên đại một neo gỗ một ngạnh có từ thế kỷ 13, chiếc neo 2 ngạnh thuộc thế kỷ 15.
Chiếc mỏ neo khổng lồ vừa được tìm thấy có thể coi là mỏ neo lớn nhất từ trước đến nay, rất xứng đang được quan tâm nghiên cứu.
Lỗ trên thân neo được xác định là chỗ để giằng dây.
Đại Dương
Theo Dantri
Phát hiện 58 vật thể cứng trong khu vực tìm kiếm MH370 Hôm 15/9, đội điều tra do Úc dẫn đầu tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất hôm 8/3 đã phát hiện 58 vật thể lạ dưới đáy Ấn Độ Dương có thể liên quan tới chiếc phi cơ mất tích. Trong cuộc họp báo tại Kuala Lumpur hôm 15/9, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải...