Moscow (Nga) nới lỏng các hạn chế do dịch Covid-19
Trước tình hình dịch Covid-19 ở thủ đô Moscow nói riêng và trên cả nước Nga nói chung đang được cải thiện, chính quyền Moscow đã quyết định nới lỏng một số hạn chế.
Trên trang cá nhân, thị trưởng thành phố Moscow Sergei Sobyanin đã đưa ra thông báo, kể từ ngày 27/1/2021, việc hạn chế hoạt động vào ban đêm (từ 23h-6h) của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, câu lạc bộ đêm, quán bar và các tổ chức khác của ngành vui chơi giải trí sẽ được hủy bỏ. Đồng thời, các cơ sở này vẫn phải tuân thủ các yêu cầu về chỗ ngồi của khách và tuân thủ chế độ vệ sinh do Cơ quan Kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng quy định.
Trước đó, từ ngày 13/11/2020, các quán cà phê, nhà hàng và câu lạc bộ đêm không được tiếp khách từ 23h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ngoài việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh, các tổ chức được khuyến nghị áp dụng hệ thống mã QR.
Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết, dịch bệnh Covid-19 ở Moscow đang giảm. Trong tuần qua, số ca nhiễm mới không quá 2.000-3.000 ca mỗi ngày, số người nhập viện giảm. Ở các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân, lần đầu tiên kể từ mùa hè năm ngoái, có một nửa số giường trống. Người đứng đầu thành phố Moscow cho hay, trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ của chính quyền là tạo điều kiện để phục hồi kinh tế nhanh nhất có thể, trước hết là cho những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của thị trường tiêu dùng.
Video đang HOT
Ông Sobyanin nhấn mạnh, việc chuyển 30% nhân viên của các doanh nghiệp thủ đô sang làm việc từ xa không còn là bắt buộc mà chỉ mang tính chất khuyến nghị. Việc đưa người lao động trở lại văn phòng hoặc giữ họ trong chế độ từ xa tùy thuộc vào quyết định của người đứng đầu các doanh nghiệp và tổ chức cụ thể. Tuy nhiên, yêu cầu về chế độ trực tuyến cho người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính vẫn còn hiệu lực.
Trước đó, từ ngày 22/1, các viện bảo tàng, thư viện và các tổ chức văn hóa khác ở thủ đô đã được hoạt động trở lại. Các nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc có thể bán tới 50% vé thay vì 25%. Chính quyền cũng dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các trung tâm giải trí dành cho trẻ em, phòng dành cho trẻ em ở các trung tâm mua sắm. Sinh viên có thể học theo hình thức toàn thời gian.
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Nga là gần 740.000 người, chiếm 0,5% dân số. Thủ đô Moscow dẫn đầu, với 220.000 người đã được chủng ngừa. Nga đặt mục tiêu tiêm cho 60% dân số trong năm đầu tiên để đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa thu này.
Trước làn sóng dịch bệnh thứ hai kể từ mùa thu năm ngoái, chủ trương của chính quyền Nga là duy trì các biện pháp phòng dịch, nhưng không cản trở các hoạt động kinh tế- xã hội để đảm bảo các mục tiêu về phát triển. Nhờ đó, kinh tế Nga trong năm 2020, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giảm 3,6%, thấp hơn dự kiến trước đó.
IMF cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2021 lên 3%, thay vào mức 2,8%. Theo tổ chức này, việc phê duyệt vaccine và bắt đầu tiêm chủng ở một số quốc gia vào tháng 12/2020 đã làm dấy lên hy vọng về sự chấm dứt hoàn toàn đại dịch. Dù số nạn nhân của đại dịch Covid-19 tăng lên, nhưng hoạt động kinh tế đang thích ứng theo thời gian./.
Ấn Độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 1 triệu nhân viên y tế
Ngày 22/1, Chính phủ Ấn Độ thông báo hơn 1 triệu nhân viên y tế của nước này đã được tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 16/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bộ Y tế liên bang Ấn Độ cho biết tính tới 7h00 (giờ địa phương), khoảng 1.043.534 nhân viên y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong 24 giờ qua, 237.050 người đã được tiêm phòng tại 4.049 điểm tiêm chủng của nước này.
Trước đó, ngày 21/1, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết vaccine phòng COVID-19 hoàn toàn an toàn và hiệu quả. Những vaccine này sẽ chứng tỏ là phương pháp cuối cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Theo chiến dịch tiêm chủng của Ấn Độ được bắt đầu từ ngày 16/1 vừa qua, 30 triệu nhân viên ở tuyến đầu chống dịch bao gồm y bác sĩ, nhân viên vệ sinh và an ninh là những đối tượng được tiêm vaccine đầu tiên. Tiếp theo là khoảng 270 triệu người thuộc các nhóm trên và dưới 50 tuổi hoặc có rủi ro cao về sức khỏe do có sẵn bệnh nền.
Hiện, Ấn Độ là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ hai thế giới (sau Mỹ) với 10.626.200 ca, trong đó có 153.067 ca tử vong.
Cùng ngày, Myanmar đã tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Ấn Độ cung cấp để tiêm chủng cho 750.000 người. Đây là đợt giao vaccine đầu tiên cho Myanmar trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực chống dịch.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Myanmar Khin Khin Gyi, vaccine của Ấn Độ sẽ được trữ tại các phòng làm lạnh đặc biệt ở thành phố Yangon trước khi được phân phối đến các điểm tiêm phòng vào tuần tới.
Theo chương trình tiêm chủng của nước này, các nhân viên y tế sẽ là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine đầu tiên, tiếp đó là người cao tuổi.
Mặc dù vậy, ông Khin Khin Gyi vẫn kêu gọi người dân Myanmar tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ấn Độ đã tặng hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho một loạt nước ở châu Á. Các liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ sản xuất đã được chuyển tới các nước như Maldives, Bhutan, Bangladesh và Nepal.
Tổng thống Hàn Quốc nói về quan hệ với Triều Tiên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm nay đã tổ chức buổi họp báo đầu năm tại Phủ Tổng thống, công bố lập trường về các vấn đề nổi cộm ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, phòng dịch. Đây là buổi họp báo đầu năm đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp Hàn Quốc được tổ chức theo cả hai hình...