EU chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại cả với Mỹ và Trung Quốc
Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc chiến thương mại hai mặt trận: căng thẳng leo thang với Trung Quốc và nguy cơ đối đầu thương mại với Mỹ nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 4/11, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước thách thức chưa từng có khi phải đối mặt với khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại trên hai mặt trận: một bên là cuộc “chiến tranh lạnh” đang diễn ra với Trung Quốc, và bên kia là nguy cơ “chiến tranh nóng” với Mỹ nếu ông Donald Trump tái đắc cử.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đang đối mặt với tình thế khó khăn này khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai của mình. Điều đáng lo ngại là ông Trump đã công khai đe dọa sẽ áp thuế trừng phạt lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và từ 10-20% đối với các nước khác nếu ông tái đắc cử.
“Chúng ta cần tránh chiến tranh thương mại và những cú sốc từ cả hai phía”, một quan chức EU chia sẻ trong điều kiện giấu tên. Quan chức này nhấn mạnh EU đã phải chịu đựng quá nhiều thách thức, từ đại dịch COVID-19 đến cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trước mắt, EU đang tập trung đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Mới đây, Brussels đã áp thuế lên đến 35% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất nước này “được hưởng trợ cấp nhà nước không công bằng”. Đáp lại, Bắc Kinh đã có động thái trả đũa, bằng cách điều tra về rượu mạnh, thịt lợn và sữa của châu Âu.
Đến ngày 4/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO), phản đối các biện pháp chống trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với xe điện do nước này sản xuất.
Bộ trưởng Thương mại Pháp Sophie Primas nhấn mạnh: “Tôi không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc. Chúng ta cần tránh sự leo thang này, nhưng đồng thời cũng cần thể hiện sức mạnh của mình”.
Trong khi đó, các trợ lý hàng đầu của bà von der Leyen đang gấp rút chuẩn bị các kịch bản đối phó nếu ông Trump thắng cử và phát động cuộc chiến thương mại toàn diện. Các cuộc họp đã thảo luận về việc Washington có thể rút hỗ trợ quân sự cho Ukraine và mức độ tăng thuế quan.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một kịch bản khác cũng được các chuyên gia cân nhắc. Giáo sư Henry Gao từ Đại học Quản lý Singapore cho rằng các đe dọa của ông Trump có thể chỉ là chiến thuật đàm phán, nhằm buộc EU tham gia liên minh kiềm chế Trung Quốc. Điều này đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi Mỹ, EU và Nhật Bản hợp tác để kiểm soát các hoạt động thương mại của Bắc Kinh.
Cựu đại diện thương mại Mỹ tại châu Âu Dan Mullaney nhận định: “Chúng ta chắc chắn đang ở thời điểm quan trọng liên quan đến chính sách thương mại và thuế quan. Hành động của EU đối với xe điện không nên thúc đẩy một cuộc trả đũa thương mại, vì về cơ bản đây là một công cụ phòng vệ thương mại mà tất cả chúng ta đã sử dụng trong nhiều thập kỷ”.
Hiện tại, EU vẫn đang theo đuổi chiến lược kiểm soát thiệt hại, tuân thủ các quy tắc của WTO trong khi hai đối tác thương mại chính đang căng thẳng. Brussels thậm chí đang cố gắng đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận đặt ra mức giá tối thiểu để tránh việc áp dụng thuế quan mới.
Một điều đáng chú ý là chính quyền Biden cũng đã tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc lên tới 100% vào tháng 5 năm nay, khiến mức thuế 35% của EU có vẻ khá khiêm tốn. Điều này cho thấy, bất kể ai thắng cử ở Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ là đối thủ chính, nhưng với ông Trump, điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng hơn đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Trung Quốc nhắm vào thịt lợn từ EU để trả đũa việc Brussels tăng thuế ô tô điện
Trong một hành động nhằm trả đũa Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế đối với xe điện (EV) Trung Quốc, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra bán giá giá mới và có thể sẽ dẫn tới quyết định tăng thuế đối với thịt lợn EU lên hơn 300%.
Sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn tại nhà máy ở Wolfsburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU sau khi khối này quyết định áp thuế mới đối với xe điện của Trung Quốc.
Cuộc điều tra cuối cùng có thể dẫn tới việc Trung Quốc tăng thuế đối với các sản phẩm thịt lợn của EU, gây tổn hại với Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Pháp.
Hiện tại, Trung Quốc đánh thuế 12% đối với thịt nhập khẩu của EU. Một số nhà phân tích cho biết nếu mức thuế tăng lên 20%, nhiều nhà xuất khẩu châu Âu sẽ cảm nhận được sức nóng của cuộc chiến thương mại. Các nhà xuất khẩu thịt lợn ở EU sẽ khó có thể bù đắp tổn thất ở Trung Quốc, ngay cả khi họ tìm kiếm các thị trường mới như Việt Nam và Philippines.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 17/6 cho biết, cuộc điều tra của họ sẽ tập trung vào thịt lợn nhập khẩu từ EU làm thực phẩm cho người, bao gồm cả thịt nguyên con tươi, khô, hun khói, thịt lạnh và đông lạnh, thịt chế biến cũng như các phần nội tạng như lòng, dạ dày... Theo cơ quan này, cuộc điều tra sẽ bắt đầu ngay lập tức.
Bộ trên nói thêm rằng cuộc điều tra được thúc đẩy bởi đơn khiếu nại do Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc gửi vào ngày 6/6 đại diện cho ngành thịt lợn nội địa ở Trung Quốc. Theo cơ quan này, những người bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bán phá giá như cáo buộc nên liên hệ với Cục Điều tra và Phòng vệ Thương mại của Bộ Thương mại Trung Quốc để phục vụ cuộc điều tra.
Thịt lợn và nội tạng lợn từ EU khó tìm khách mới
Thống kê cho thấy Trung Quốc tiêu thụ tổng cộng 57,94 triệu tấn thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn vào năm 2023 trong khi nước này chỉ nhập khẩu 1,55 triệu tấn.
Khoảng một nửa lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ châu Âu. Từ năm 2014 đến 2020, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tiếp tục tăng. Sau khi đạt đỉnh 4,39 triệu tấn vào năm 2020, con số này đã giảm dần. Năm ngoái sản lượng này giảm xuống còn 1,55 triệu tấn.
Cailianpress.com, một trang web tin tức tài chính Trung Quốc, cho biết thịt lợn nhập khẩu từ EU chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc, do đó nguồn cung từ khu vực này sụt giảm sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá thịt lợn tại Trung Quốc. Ngược lại, trang web này cho biết, nhiều trang trại lợn ở EU sẽ gặp khó khăn vì họ sẽ không thể tìm được khách mua mới cho các sản phẩm nội tạng lợn, chân, đuôi và tai lợn - những thứ thường không được sử dụng trong các món ăn châu Âu.
Trong ẩm thực Trung Hoa, lòng lợn, dạ dày và bong bóng lợn thường được dùng làm món dim sum dùng cho các món lẩu. Thịt chân giò nấu với gừng và giấm. Phổi, đuôi và tai lợn dùng để nấu súp.
Ngày 26/5, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết chính phủ Trung Quốc đang xem xét bắt đầu cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU. Ngày 1/6, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã đến thăm Tây Ban Nha và cho biết các cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện và các sản phẩm khác của Trung Quốc được tiến hành với những lý do sai trái được đưa ra là tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc và cạnh tranh không lành mạnh.
Mẫu xe điện của BYD tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Munich, Đức ngày 8/9/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, những cảnh báo của Bắc Kinh đã không ngăn được EU công bố áp thuế từ 17,4 - 38,1% đối với các thương hiệu xe điện Trung Quốc vào ngày 12/6.
Theo Interporc, hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn của Tây Ban Nha, năm ngoái, nước này xuất khẩu khoảng 560.000 tấn sản phẩm thịt lợn trị giá 1,2 tỷ euro (1,29 tỷ USD) sang Trung Quốc.
Kể từ khi Trung Quốc mở cuộc điều tra về nhập khẩu thịt lợn của EU, Tây Ban Nha đã kêu gọi đàm phán thương mại. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết ông hy vọng sẽ có cơ hội đàm phán để tránh việc áp thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Tây Ban Nha.
Hai quốc gia EU khác là Hà Lan và Đan Mạch cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra chống bán phá giá mới nhất của Trung Quốc khi họ xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm thịt lợn trị giá lần lượt là 620 triệu USD và 550 triệu USD vào năm 2023.
Trung Quốc 'an tâm' về nguồn cung thịt lợn
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết EU không lo lắng về cuộc điều tra chống bán phá giá của Trung Quốc và sẽ can thiệp phù hợp để đảm bảo cuộc điều tra tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo một bài báo được Nhật báo Kinh tế đăng tải hồi đầu năm nay, giá thịt lợn của Trung Quốc đã giảm kể từ tháng 9/2020 do tình trạng dư cung trên thị trường, ngoại trừ giai đoạn phục hồi nhẹ từ tháng 4 đến tháng 11/2022.
Li Pengchen, một nhà phân tích tại Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, được dẫn lời trong bài báo trên rằng nhiều trang trại chăn nuôi lợn đang thua lỗ do chu kỳ suy thoái kéo dài của ngành.
Giá thịt lợn giảm cũng kìm hãm chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc, vốn chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023, so với mức tăng trưởng trung bình 2% trong giai đoạn 2016-2019.
Kể từ tháng 4 năm nay, giá thịt lợn Trung Quốc đã lấy lại đà tăng trưởng. Hôm 17/6, Sichuan Online, một trang web tin tức nhà nước, cho biết nhiều người chăn nuôi lợn ở tỉnh Tứ Xuyên đã có lãi trong tháng này, có nghĩa là ngành thịt lợn có thể đã bước vào chu kỳ đi lên.
Một số nhà bình luận cho rằng nhu cầu thịt lợn ngày càng tăng ở Trung Quốc, vốn hấp dẫn đối với EU, sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi thế hơn trong đàm phán thương mại với khối. Họ cho biết Trung Quốc cũng có thể xem xét nhập khẩu thêm sản phẩm thịt lợn từ Brazil và Nga nếu cần.
WHO cảnh báo số ca bệnh lao cao kỷ lục Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo năm 2023 ghi nhận 8,2 triệu ca mắc bệnh lao mới trên toàn thế giới, mức cao nhất kể từ khi căn bệnh này được theo dõi trên toàn cầu năm 1995. Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh minh hoạ: AFP Báo cáo...