Moody’s hạ mức tín nhiệm tín dụng, Bộ Tài chính lên tiếng
Bộ Tài chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế.
Ngày 18-12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và điều chỉnh triển vọng xuống tiêu cực.
Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ. Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công, là không xác đáng.
Video đang HOT
Bộ Tài chính nhìn nhận rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời của Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong đã triển khai để cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho bên cho vay.
Bộ Tài chính khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế. Quan điểm này cũng thể hiện rõ qua việc Chính phủ Việt Nam đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
“Trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế. Đồng thời khơi thông nguồn lực để một mặt đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển”- Bộ Tài chính cho hay.
Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
CHÂN LUẬN
Theo plo.vn
Tránh "con sâu làm rầu nồi canh"
Thời điểm đầu năm 2016, nợ công suýt chạm trần cho phép (63,7% GDP) và tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011 - 2015 lên tới 18% (gấp ba lần mức tăng trưởng kinh tế 5,91%). Vậy mà bằng các giải pháp quyết liệt, trong 3 năm từ 2016 - 2018, tốc độ tăng nợ công "hãm phanh", chỉ còn 9,6%, giảm gần một nửa và theo đó chỉ số nợ công năm 2018 đã giảm xuống ở mức 58,4% GDP. Dự kiến, chỉ số này của 2019 là 56,1% và 2020 là 54,3%.
Những kết quả này đã nhận được sự đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế, khi vào tháng 4 và tháng 5/2019 vừa qua, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới là Fitch Ratings và Standard & Poors (S&P) đều đã công bố nâng chỉ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Vậy nhưng, mới tháng trước, có một sự kiện đã gây ra một chút "sóng gió" cho Việt Nam là việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) thông báo xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam. Cơ sở Moody's đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Đây có thể nói là một nỗi "oan ức" không nhỏ của Việt Nam bởi rất có thể gây ra sự hiểu lầm không đáng có đối với cộng đồng các nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Chính phủ và có thể ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Tài chính đã ngay lập tức làm rõ điều Moody's nhắc tới chỉ là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Bộ Tài chính khẳng định Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Thống kê cho thấy, danh mục nợ Chính phủ đến cuối năm 2019 cũng được kiểm soát tốt ở mức 49,2% GDP (giảm xuống tích cực so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017).
Câu chuyện cần làm là các đối tượng sử dụng bảo lãnh Chính phủ cần nghiêm túc hơn trong việc bố trí nguồn trả nợ, tránh "con sâu làm rầu nồi canh", một sự chậm trễ ảnh hưởng đến sự tích cực của cả hệ thống và sự đánh giá của các đối tác quốc tế đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam.
Đông Mai
Theo haiquanonline.com.vn
Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ Liên quan tới việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service xem xét hạ bậc tín nhiệm quốc gia do xét đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ của Chính phủ Việt Nam; chiều 10/10, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, không phải là nợ trực tiếp của...