Mong manh lằn ranh sinh tử nơi “tâm sởi”
Tiếng khóc nấc nghẹn của người mẹ trẻ, lưng áo bác sĩ ướt đẫm mồ hôi bởi những nỗ lực cao nhất để cứu bệnh nhi đã ngừng tim vì biến chứng sởi… khiến tất cả những người có mặt tại phòng bệnh lặng đi…
Những ngày này tại các BV, các bác sĩ cũng luôn trong trạng thái căng như dây đàn vì tình trạng bệnh nhân nặng, nguy kịch rất nhiều. Ảnh: T.Anh
Bé T.S (9,5 tháng tuổi) được đưa đến viện hôm 13/4 và phải thở máy ngay. Và chỉ đến trưa hôm sau, ngoài suy hô hấp, bé có thêm dấu hiệu bí tiểu, bắt đầu có biểu hiện của suy thận, suy gan.
3 ngày chăm con tại bệnh viện, đầu luôn căng như dây đàn, cả hai vợ chồng anh Long V (ở Thương Tín, Hà Nội) không thể chợp mắt. Phòng cấp cứu chật hẹp, vợ ở trong thì chồng quanh quẩn ở ngoài, thay phiên nhau không rời nửa bước.
Dù đã được bác sĩ giải thích rõ về tình trạng nguy kịch của con nhưng mỗi lần nghe bác sĩ gọi là vợ chồng anh Long V. giật thót, tim rụng rời vì sợ con nguy kịch. Và cuối cùng, điều mà gia đình lo lắng nhất nhưng không ai dám nói cũng xảy ra.
Khi máy theo dõi nhịp tim bất ngờ kêu tít tít, lập tức các bác sĩ tức tiến hành hồi sức, ép tim cho bé nhưng sau gần một tiếng nỗ lực, các bác sĩ đã không thể giữ sự sống cho bệnh nhi B.T.S .
Không tin đứa con mình rứt ruột đẻ ra, chăm bẵm bao ngày sẽ vĩnh viễn không còn hiện diện trên cõi đời, chị Nguyễn Diệu L (mẹ bé T.S) khóc ngất, lao đến cầu xin bác sĩ tiếp tục ép tim cho con và rồi sụp đổ, ngất lịm khi nhìn thấy ánh mắt hoe đỏ của họ…
Lặng lẽ cùng vợ bên đứa con bé bỏng chưa một lần gọi cha trong căn phòng cấp cứu (khoa Nhi, BV Bạch Mai) chỉ còn tiếng máy kêu tít tít, tiếng khóc nấc nghẹn, ánh mắt hoang mang, lo lắng của những người mẹ có con bị biến chứng viêm phổi đang phải thở máy, đến 19h50 phút tối 14/4, anh Bạch Long V (bố bé T.S) mới làm thủ tục đưa con về an táng.
Giường kế bên, một cặp vợ chồng trẻ khác nước mắt lăn dài bên đứa con đang phải thở máy.
Trước đó, trưa cùng ngày, cặp mắt sưng mọng, gương mặt không giấu nổi lo lắng, anh Long V. chia sẻ: “Đọc thông tin về dịch sởi, gia đình đã rất cảnh giác. Khi con sốt cao, quấy khóc, gia đình đã đưa con đến BV Nhi Trung Ương khám và bác sĩ cho về nhà theo dõi. Đến đêm ngày 12/4, thấy con quấy khóc nhiều, mọc ban ở miệng, gia đình đã bắt xe cho con ra viện khám nhưng không được nhập viện. Quá lo lắng, chúng tôi cũng chẳng dám cho con về nhà mà đến Bệnh viện Nông nghiệp nằm một đêm. Cả đêm hôm ấy con không ngủ, quấy khóc và đến sáng 13/4 thì chuyển thẳng ra bệnh viện Bạch Mai bằng xe cấp cứu và lập tức phải vào thở máy vì suy hô hấp”.
Ngay giường bên cạnh, bé N.D.T (11 tháng tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) cũng mê man thở máy. Bên cạnh là mẹ bé với 2 mắt trũng sâu vì những đêm trắng không chợp mắt vì lo lắng cho con.
Video đang HOT
Anh N.N.P, bố bé D.T cho biết, mới gần 2 tuần con bị ốm, vợ anh đã sụt 4kg vì những giấc ngủ chập chờn, giật mình, thảng thốt phải bồng con.
Gia đình anh cũng luôn ý thức tiêm vắc xin cho con nhưng chưa thể tiêm phòng vì bé D.T rất yếu, ốm suốt. Do đó, khi thấy con sốt, phát ban gia đình đã ôm ngay con đến viện.
Khi mới vào viện, con còn được nằm phòng bệnh bình thường, ban sởi dày đặc toàn thân nhưng diễn biến ngày càng nặng lên, phải vào thở máy từ hôm 12/4. Hiện cháu bị viêm phổi rất nặng, suy hô hấp, rất khó qua khỏi…
Những ánh mắt hoang mang, lo lắng dõi theo con, cháu trong phòng cấp cứu, nguy kịch vì sởi. Ảnh: T.Anh
Những ngày này, không chỉ tại bệnh viện, câu chuyện về sởi và những cái chết thương tâm do biến chứng sởi “ nóng” từ trong câu chuyện nơi văn phòng, khu dân cư đến các diễn đàn. Ai ai nhắc đến sởi cũng đều hoang mang với những câu hỏi “to đùng” không biết đâu là giải đáp đúng.
Chia sẻ trên diễn đàn mạng, chị Phương Hoa đau xót kể lại chính câu chuyện của hai cháu sinh đôi một trai một gái gọi Phương Hoa là dì. Cả 2 bé đều bị biến chứng viêm phổi do mắc sởi và đứa cháu gái bị nhiễm sởi quá nặng mà không qua khỏi.
“Em ở BV Nhi trung ương đúng 10 ngày thì chứng kiến thảm kịch đúng cả 10 ngày. Kinh khủng đến mức không ai có thể tưởng tượng được, các cháu bé ra đi vì sởi quá nhanh, quá nhiều không kịp trở tay. Cháu gái em cũng vậy, con ra đi quá nhanh chóng, trước sự ngỡ ngàng, đau đớn của cả gia đình lẫn các y bác sĩ. Cháu trai may mắn đã qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên hiện một bên phổi vẫn đang bị tổn thương rất nặng. Cháu vẫn đang tiếp tục hàng ngày phải chịu đựng những cơn ho và nỗi đau từ những mũi tiêm kháng sinh liều cao vào cơ thể”, chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa cho biết thêm: “Cùng đợt cháu chị, một bé trai 6 tháng tuổi, là con hiếm muộn của cặp vợ chồng đã ngoài 40 tuổi cũng đã ra đi vĩnh viễn sau 4 ngày chiến đấu với bệnh tật. Khu nhà mình ở, thông tin về dịch sởi được cập nhật mọi lúc mọi nơi. Căn bệnh sởi tưởng vốn hiền hòa thì giờ nó thực sự là một dịch bệnh kinh hoàng mà ai cũng sợ, cũng hoảng hốt, ai cũng trong tâm trạng lo lắng con mình dính sởi”.
“Mỗi ngày nghe tin về dịch sởi, mình như ngồi trên đống lửa. Cháu ruột đang nằm thở máy tại BV Nhi Trung Ương mà gia đình phải hạn chế, không dám đến thăm cháu. Bản thân mình con giai mới được 1 tháng tuổi cũng phải “di cư” về nhà nội ở Quảng Ninh để tránh sởi. Nhưng cũng nơm nớp lo, vì mình không nhớ lúc nhỏ đã được tiêm phòng hay mắc sởi chưa. Ngay sát nhà bà nội cũng đang có bé 9,5 tháng tuổi cũng đang sốt, phát ban… làm ai cũng hoảng sợ. Những áp lực của lần đầu chăm con nhỏ, lại thêm áp lực vì lo lắng con dính sởi khiến mình như kiệt quệ, không còn sức sống”, chị Minh Tâm ( Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ.
Không chỉ người bệnh lo lắng mà bác sĩ cũng hoang mang. Bởi với các bác sĩ, chưa bao giờ chứng kiến sởi lại gây biến chứng nặng nề, tử vong như hiện nay, dù bệnh nhân được thở máy, chăm sóc, dùng những loại thuốc tốt nhất. “Sự ra đi của bệnh nhân, không chỉ khiến gia đình sốc, bàng hoàng mà với những người thầy thuốc chúng tôi cũng thấy quặn thắt, nhói đau bởi sự bất lực, nhìn bệnh nhân dần diễn biến nặng, ra đi mà không thể can thiệp được gì”, một bác sĩ điều trị tâm sự.
Trong bệnh viện, còn nhiều lắm những sinh linh bé bỏng thoi thóp bên giường bệnh. Các bé cùng gia đình, các thầy thuốc vẫn lặng lẽ, âm thầm chiến đấu với bệnh tật. “Nhiều lúc, thấy các bé thoi thóp, ranh giới giữa sinh – tử mong manh, đến bác sĩ điều trị chúng tôi cũng cầu mong một phép màu sẽ đến với các bé. Nhưng để rồi, chẳng phép màu nào xảy ra, những thiên thần bé nhỏ vĩnh viễn rời xa cuộc sống….”, một bác sĩ chia sẻ.
Tú Anh
Theo Dantri
Chuyện lạ: Nhà giàu Hà Nội ăn rau dại "cứu đói"
Các loại rau dại, hay còn gọi là rau "cứu đói" vào những ngày giáp hạt nay bỗng trở thành đặc sản, được dân Hà thành săn mua thay thế các loại rau thường dùng.
Bỏ trăm nghìn mua bữa rau "cứu đói"
Chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) mới đây hớn hở vì mua được 5 mớ rau tầm bóp non mỡ màng tại một hàng rau bán rong trên phố. Chị cho biết, thường ngày, loại rau này hiếm lắm, muốn ăn chị toàn phải đặt tiền mấy bà bán rau ở chợ từ hôm trước.
Chị Linh giải thích, tầm bóp là loại rau dại, mọc ở những khu đất bỏ hoang, bờ ruộng, không phải dân trồng nên không lo ngại về vấn đề thuốc sâu, chất kích thích như mấy loại rau muống, cải, ngót... bán ngoài chợ.
Trước kia, gia đình chị không biết ăn loại rau này. Nhưng từ cuối năm ngoái, khi đến nhà bạn chơi dịp cuối tuần, được chiêu đãi món rau tầm bóp xào tỏi, ăn có vị hơi ngăm ngăm đắng song rất ngon. Sau đó cô bạn có giới thiệu loại rau này mọc dại, ở quê thì nhiều nhưng thành phố thì hiếm. Gia đình cô ấy giờ chủ yếu ăn các loại rau dại như dền cơm, sam, tầm bóp, rau tàu bay... thay cho các loại rau thông thường bán ngoài chợ.
Nhiều người dân thành phố bỏ cả trăm nghìn đồng để mua một bữa rau dại, hay còn gọi là rau cứu đói về ăn (ảnh B.H)
"Cũng từ đó, gia đình tôi đổi dần từ rau nông dân trồng sang các loại rau dại", chị Thùy Linh chia sẻ.
Theo lời chị Thùy Linh, các loại rau dại nhìn chung dễ ăn, có thể chế biến thành đủ các món như: nấu canh, xào tỏi, ăn lẩu hay luộc đều được cả. Tuy nhiên, vì là các loại rau mọc dại nên hiếm, giá thường cao hơn rất nhiều các loại rau thường. Đơn cử, rau tầm bóp 5.000 đồng/mớ (một nhà 5 người ăn thì phải mua khoảng 5-6 mớ, còn nấu canh cũng phải mua tới 3 mớ), rau dền cơm giá 30.000-35.000 đồng/kg, còn rau sam khi nào may mắm mua được giá cũng phải 40.000 đồng/kg.
"Hôm trước nhà có khách, tôi phải bỏ ra hơn 100.000 đồng để ra chợ mua rau tầm bóp về làm lẩu, nếu mua các loại rau khác chắc chỉ hết khoảng 30.000 đồng. Nhưng ăn loại rau này ai cũng khen ngon, lạ miệng", chị nói.
Tương tự, chị Lê Thị Thanh Huyền ở khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) - một người chuyên săn mua các loại rau dại, cho hay, hơn một năm nay, khi không thể phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau bẩn thì gia đình chị tìm đến các loại rau dại nhiều hơn.
Các loại rau dại ở thành phố càng ngày càng hiếm, giá cũng đắt đỏ nhưng được cái an toàn, không lo bị phun xịt thuốc hay sử dụng phân bón như nhiều loại rau trồng nên các bà nội trợ đua nhau chọn mua. "Trước kia ít người biết ăn còn dễ mua chứ giờ thì khó hơn. Hôm nào gặp, người bán có bao nhiêu tôi thường mua hết bấy nhiêu. Không ăn hết để trong tủ lạnh ăn dần đỡ phải mua rau ngoài chợ. Hoặc thi thoảng có bạn bè về quê tôi cũng nhờ mua hộ", chị Huyền cho hay.
Đặc sản mới của người thành phố
Thực tế hiện nay, không ít các bà nội trợ ở thành phố coi các loại rau dại như là những món đặc sản, phải cất công tìm kiếm để mua về ăn.
Dền cơm - một loại rau dại ăn rất mát chỉ có vào mùa hè
Bác Trần Thị Thoa ở ngõ 175 Xuân Thủy (Cầu Giấy) "mắt tròn, mắt dẹt" khi thấy cô con dâu xách một túi rau dại to đùng về khoe hôm nay nhờ người quen về quê nên gửi mua được toàn các loại rau đặc sản. "Rau này hiếm lắm, thi thoảng mới có hàng bán. Muốn có rau ăn đều đều hàng ngày con phải đặt tiền trước họ mới tìm hái cho" - cô con dâu tiết lộ.
"Tôi mở túi ra thấy toàn rau dại như: tầm bóp, rau sắng, rau sam. Những loại rau này, vào những năm 80, khi mùa giáp hạt đến người dân đói không còn gì để ăn phải đi hái rau dại về ăn thay cơm nên mọi người gọi chúng là rau &'cứu đói'. Ấy vậy mà giờ đây, nó lại trở thành thứ rau đặc sản", bác Thoa chia sẻ.
Thừa nhận chuyện này, chị Hoa tiểu thương bán rau tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), nói rằng các loại rau dại giờ hút khách mua hơn rau thường. "Mặc dù giá bán đắt gấp đôi, gấp ba nhưng hôm nào tôi tìm hái được một ít đem ra chợ bán cũng hết veo. Có hôm chỉ đủ bán cho một vài khách quen đặt tiền trước".
Dân giờ sành ăn chọn mua các loại rau dại nhiều, nhất là vào mùa hè bởi các loại rau dại thường có tính mát, tốt cho sức khỏe lại dễ chế biến thành các món ăn.
"Nhiều hôm hàng hiếm, kiếm được mỗi loại mấy lạng tôi trộn lẫn nhau. Giá rau hôm đó đắt ngang thịt, cũng phải tầm khoảng 7.000-8.000 đồng/lạng. Một nhà 4 người ăn phải mua tầm 3 lạng mới đủ nấu canh, vậy mà mọi người vẫn tranh nhau mua", cô Thơm - một người bán rau tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai) - cho biết.
Trao đổi với PV về hàm lượng chất dinh dưỡng có trong các loại rau dại, một chuyên gia thực phẩm cho hay, người dân chọn mua rau dại về ăn là bình thường bởi rau dại thường tự mọc, tự lớn nên an toàn hơn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, khi sơ chế nên rửa, ngâm nước thật sạch bởi nhiều loại rau dại lá, thân có nhiều lông tơ bụi bám rất nhiều.
Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua những loại rau dại quen thuộc, không nên mua những loại rau dại lạ, ít gặp vì nhiều loại rau dại có độc cũng rất giống với các loại rau dại thông dụng. Nếu không nhận biết được rất dễ ăn nhầm, có thể gây hại đến sức khỏe.
Theo Dantri
4 người bị tạt axit khi đang đi tập thể dục Một người đàn ông đang đi tập thể dục lúc sáng sớm cùng 3 người hàng xóm bất ngờ bị 2 đối tượng hất axit gây bỏng nặng. Ngày 14/4, Khoa Phỏng bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đang điều trị cho ông Trần Thanh Hòa (48 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) do bị phỏng axit diện tích 30% cơ...