Món Việt ở Auckland New Zealand
Auckland – thành phố lớn nhất New Zealand – không có nhiều người Việt sinh sống. Nhưng tại đây bạn vẫn có thể tìm thấy những món ăn quê chiếm được cảm tình của rất nhiều người địa phương.
Bánh cuốn, món mới trong nhà hàng Việt ở Auckland
Là một thành phố cộng cư, Auckland có rất nhiều trung tâm ăn uống, thường gọi là “ngôi nhà của ẩm thực châu Á”. Nơi đây tập trung các gian hàng ẩm thực đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…
Lọt thỏm giữa những “đại gia” trong làng ẩm thực thế giới, nhưng món ăn Việt có nét rất riêng và chiếm được cảm tình của rất nhiều người địa phương. Món được người châu Âu yêu thích nhất là phở, trong khi người châu Á thích tìm đến gian hàng Việt để thưởng thức hủ tiếu hải sản và cơm tấm sườn.
Những người Việt mở nhà hàng tại Auckland chọn lựa thực đơn thường là những món ăn đặc trưng nhất của ẩm thực Việt như phở, cơm tấm sườn, bún bò Huế, bún chả giò, bánh mì bò kho. Vài gian hàng còn có bánh giò, gỏi cuốn, miến gà.
Video đang HOT
Các gian hàng cũng rất chịu khó đầu tư, thỉnh thoảng lại thấy có bảng treo hôm nay có món mới. Bánh cuốn và bánh mì thịt nướng chính là hai món mới toanh vừa xuất hiện trong nhà hàng Việt thời gian gần đây. Đặc biệt có một nhà hàng nằm trong khu phía đông thành phố gần đây còn có món lẩu trứng vịt lộn. Hỏi làm sao có được trứng vịt lộn thì vợ chồng người chủ cười, bảo là bí mật.
Món tráng miệng trong nhà hàng Việt cũng đầy đủ cả: chè ba màu, sâm bổ lượng, chè sen, sữa đậu nành… Và hầu như nơi nào cũng có cà phê sữa đá theo khẩu vị Việt, nhưng khi phục vụ khách châu Âu, người phục vụ thường hỏi: “Bạn uống khẩu vị Âu hay Việt?”. Cà phê khẩu vị Âu tức là pha cà phê phin theo kiểu Việt nhưng dùng sữa tươi thay vì sữa đặc và pha khá loãng. Còn cà phê Việt đích thực khá ngọt và vị rất mạnh, thích hợp cho người Việt và người châu Á hơn.
Món bún bò Huế ở Auckland
Người Việt sinh sống tại Auckland thích tìm đến gian hàng của cô Liên, một phụ nữ Việt đã sinh sống tại Auckland hơn 10 năm. Cô mở một quầy phở Việt ngay tại khu trung tâm ăn uống bên cạnh tháp truyền hình Auckland. Khách của cô chiếm đến 80% là người Việt. Cô nấu ăn theo khẩu vị người Bắc nên phở rất được người gốc Bắc ưa chuộng. Họ đến đây không chỉ để ăn uống mà còn gặp gỡ những người Việt khác và trò chuyện với nhau.
Một gian hàng ẩm thực Việt trong khu trung tâm
Cái khó nhất trong việc nấu món Việt ở Auckland là không tìm được nhiều loại rau thích hợp với món Việt. Đặc biệt là vào mùa đông, rau khan hiếm và đắt đỏ hơn. Món Việt thiếu rau giảm bớt tính hấp dẫn nên người bán thường dùng giá, rau ngò (rau mùi) làm nguyên liệu chính vì hai thứ này có thể trồng được ở đây. Nhiều người còn trồng rau răm và húng lủi tại nhà để phục vụ nhà hàng của chính mình vì không có ai bán. Các nguyên liệu khác chủ yếu lấy từ các siêu thị Trung Quốc vì người Việt không có siêu thị tại Auckland.
Giữa vô vàn gian hàng ẩm thực đến từ các quốc gia châu Á khác nhau, gian hàng Việt luôn chiếm một vị thế quan trọng, gây được chú ý với nhiều người. Mong rằng những gian hàng này sẽ khiến người Việt sống xa quê vơi đi nỗi nhớ nhà vì có thể tìm được những món ăn quê hương, đồng thời giới thiệu nét đẹp của ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế.
Ước tính chỉ có khoảng 2.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.
Theo tuoitre
Cá bống kho lá ổi món ngon miền Đông Bắc
Đi qua nhiều vùng đất thưởng thức bao món khác nhau nhưng mỗi khi nghe tới cá bống, tôi lại muốn về thăm Quảng Ninh, nơi mảnh đất tôi sinh ra có món cá bống kho lá ổi đậm đà, dân dã trở thành niềm da diết khi nhớ về xứ biển.
Cá bống kho lá ổi phải là loại bống thật nhỏ, càng nhỏ càng ngon. Cá bống đem về, thoạt tiên sẽ được cho vào rổ, lấy một ít lá sả hái ở vườn rau sau nhà, kèm thêm một ít muối sống và xoa nhẹ cho cá sạch vảy, hết nhớt. Công đoạn này phải làm vừa đều tay vừa nhẹ nhàng, để bụng cá đầy trứng không bị bung vỡ. Sau đó, cho cá vào nồi đất, rưới nước mắm xăm xắp, ướp đường, một ít nước màu và vài củ hành xắt nhuyễn. Cá thường được ướp từ một đến một tiếng rưỡi đồng hồ, cho gia vị thấm đều, cá săn cứng, thịt dai dẻo hơn.
Búp ổi, lá ổi non hái về, rửa sạch. Vò nát lá ổi, rải một lượt lá ổi đáy nồi, rồi cứ thế một lớp lá ổi, một lớp cá bống, trên cùng cho lớp lá dày. Băm thêm quả ớt đỏ, cho vào nồi ít gia vị, chờ nóng nồi mới cho xấp xấp nước, đổ nước hàng (kẹo đắng) sao cho trong nồi có màu vàng sậm.
Cá bống kho lá ổi nghe thì đơn giản, nhưng đảo cá, thêm bớt lửa thế nào đều phụ thuộc vào tay nghề người chế biến. Người Quảng Ninh thường nhóm củi cho vừa lửa khi bắt đầu kho, lúc nồi cá sôi lên thì để lửa liu riu cho nước kho đặc lại dần. Người Quảng Ninh ít khi nêm hạt tiêu ngay từ đầu, mà chờ đến khi nước kho gần cạn hết mới rắc đều tiêu khắp nồi. Sau đó, họ rưới thêm vài muỗng mỡ nhỏ rồi nhanh tay bắc ra khỏi bếp. Lúc này nồi cá dậy mùi thơm nức, những con cá bống hòa với lớp nước kho màu vàng cánh gián, nhìn rất ngon mắt! Nồi cá kho ngon là khi ăn vừa có vị ngọt của cá, vị béo ngậy của nước mỡ và bùi bùi của lá ổi, dai dai của con cá được kho khô săn chắc.
Dạo nọ, tôi bước vào một nhà hàng lớn giữa thành phố Hà Nội, giật mình khi cầm thực đơn và thấy cái tên cá bống kho lá ổi nằm ngay trang đầu. Chợt mừng sao khi món ăn của quê nhà nay được nâng niu ở nơi đất khách, và bồi hồi như vừa gặp lại một người bạn thuở thơ ấu đã lâu ngày xa nhau...
Theo PNO
Dân dã đặc sản quê hương với nhà hàng Cua đồng. Sài Gòn được mệnh danh là vùng đất của tinh hoa ẩm thực, ở đây hội tụ rất nhiều đặc sản của các vùng miền trong cả nước và các món ăn nước ngoài. Khi xa Sài Gòn, điều thấy vấn vương không phải là những món cao lương mĩ vị mà lại thấy ghiền và nhớ những hương vị của món ăn...