Món quà dành cho người đàn ông ghét Giáng sinh
Đó chỉ là một chiếc phong bì nhỏ màu trắng được nhét vào giữa các nhánh của cây thông Noel. Không tên, không xác định danh tính, không cả lời chú thích. Nó được lấy xuống từ những nhành cây giáng sinh cách đây 10 năm về trước….
Mọi chuyện bắt đầu từ việc Mike, chồng của tôi, rất ghét Giáng sinh. À, không phải anh ấy ghét ý nghĩa thực sự của Giáng sinh mà là ghét khía cạnh thương mại của nó – chi tiêu quá nhiều, chạy đi chạy lại đến phút chót để mua cà vạt cho ông Harry, bột lau bếp cho bà nội – những món quà được lựa chọn trong tuyệt vọng bởi bạn chẳng thể nghĩ thêm được gì.
Biết anh ấy cảm thấy vậy nên một năm, tôi đã quyết định không mua những chiếc áo sơ mi, áo len hay cà vạt như thường lệ nữa, mà tìm kiếm cái gì đó đặc biệt cho Mike.
Con trai của chúng tôi, Kevin, khi đó 12 tuổi và đang ở trong đội đấu vật của ngôi trường thằng bé đang theo học. Không lâu trước Giáng sinh, có một trận thi đấu hữu nghị của đội thằng bé với đội được tài trợ bởi nhà thờ của thành phố. Các cậu bé đội bạn mang những đôi giày sneaker trông rách đến nỗi cảm giác như dây giày là thứ duy nhất giữ cho giày được liền vào với nhau, tương phản hoàn toàn với các con của chúng tôi trong bộ đồng phục màu xanh pha vàng và giày thi đấu mới sáng lấp lánh.
Khi trận đấu bắt đầu, tôi rất lo lắng khi thấy đội kia đang vật lộn mà không mang mũ, một loại mũ bảo hiểm nhẹ được thiết kế để bảo vệ tai của đô vật. Đó rõ ràng là một món xa xỉ mà hiển nhiên đội bạn không thể mua được.
Tất nhiên là chúng tôi kết thúc trong chiến thắng, ở tất cả các hạng cân. Mike khi ấy ngồi bên cạnh tôi lắc đầu buồn bã nói: “Anh ước gì chỉ một đứa trong đội bên đó thắng. Bọn trẻ có rất nhiều tiềm năng, nhưng thua thế này có thể lấy đi trái tim của chúng đấy”.
Mike rất yêu trẻ con, tất cả trẻ con. Anh ấy cũng yêu thích việc huấn luyện bóng đá, bóng chày cho bọn trẻ. Và đó chính là khi ý tưởng về món quà Giáng sinh cho anh ấy của tôi xuất hiện.
Video đang HOT
Chiều hôm đó, tôi đi đến một cửa hàng đồ thể thao địa phương, mua một loại mũ và giày đấu vật, gửi nặc danh đến nhà thờ trong thành phố. Vào đêm Giáng sinh, tôi đặt một phong bì nhỏ màu trắng trên cây, ghi chú bên trong nói với Mike những gì tôi đã làm, và đó là món quà tôi dành cho anh ấy.
Nụ cười của Mike chính là điều sáng nhất của Giáng sinh năm đó. Nụ cười ấy cũng đã thắp sáng thành công của những năm khác. Mỗi Giáng sinh, tôi đều theo truyền thống, có năm gửi nhóm trẻ thiểu năng trí tuệ tới tham gia trò chơi khúc côn cầu, có năm thì gửi séc đến cho một cặp anh em lớn tuổi khốn khổ vì nhà của họ bị cháy vài tuần trước Giáng sinh v.v.
Chiếc phong bì trắng nho nhỏ trên cây thông Noel trở thành điểm nhấn trong mỗi Giáng sinh của chúng tôi. Nó luôn là chiếc phong bì cuối cùng được mở vào sáng ngày hôm sau, và các con của tôi thậm chí còn phớt lờ đồ chơi của chúng để đứng chờ bên cạnh, với đôi mắt mở to lắng nghe xem nội dung của chiếc phong bì trắng bố vừa lấy xuống khỏi cây thông Giáng sinh ghi gì.
Khi bọn trẻ lớn, đồ chơi dần được thay thế bằng những món đồ thiết thực hơn, nhưng chiếc phong bì nho nhỏ màu trắng thì vẫn còn ở đó mãi.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Chúng tôi mất Mike từ năm ngoái, vì bệnh ung thư. Giáng sinh đến gần, tôi vẫn đau buồn tới mức không buồn đưa cây lên. Nhưng đêm Giáng sinh, tôi lại đặt chiếc phong bì trên cây. Sáng hôm sau, như một phép màu, tôi thấy thêm 3 chiếc phong bì nho nhỏ màu trắng nữa. Chẳng ai bảo ai, ba đứa trẻ nhà tôi đã tự đặt phong bì của chúng lên cây, để dành cho bố.
Truyền thống gia đình đã phát triển và một ngày nào đó còn mở rộng hơn nữa tới các cháu của tôi, những đứa trẻ sẽ đứng đó, mở to mắt chờ đợi chiếc phong bì đặc biệt được gỡ xuống, hồi hộp chờ đọc nội dung được viết bên trong.
Tâm hồn Mike vẫn ở bên chúng tôi, như tinh thần Giáng sinh vẫn ngập tràn trong ngôi nhà mỗi chúng ta vậy.
Huyền Anh
Theo dantri.com.vn
"Kỳ diệu" chỉ là một cách khác để nói đến từ "yêu thương"
Có những người tưởng như rất khó gần, rất khó ưa. Nhưng thực ra, điều họ cần chỉ là nhiều yêu thương hơn một chút.
Tôi có may mắn được biết một người phụ nữ luôn tìm được lý do để yêu thương.
Tôi gặp bà ấy khi tôi bắt đầu làm một trong những công việc khó khăn nhất mà tôi từng biết trong đời mình - là người trợ giúp trong một trung tâm chăm sóc trẻ em ngoài giờ học. Tôi hoàn toàn không có kỹ năng để làm công việc này: tôi chưa được đào tạo, và tính khí của tôi hình như cũng đặc biệt không phù hợp với vị trí mà mình được giao cho.
Tôi tự nhắc mình rằng, tôi được thuê chỉ để quan sát và đảm bảo an toàn cho bọn trẻ con, thỉnh thoảng chơi với chúng và dạy chúng môn Mỹ thuật, môn Thủ công - chứ không phải là để giải quyết tất cả các vấn đề của chúng (mà các vấn đề đó thì rất nhiều). Và người duy nhất làm việc tại trung tâm này cùng với tôi là bà Tucker - một nhân viên xã hội đã về hưu, 73 tuổi. Đúng, tất cả những gì ở giữa những đứa trẻ và những thảm họa chỉ là tôi và một phụ nữ 73 tuổi. Mà tôi thì không được coi là một bức tường thành vững chãi cho lắm. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng, bà Tucker là một bậc thầy trong việc quản lý những đứa trẻ này.
Hóa ra, bà cụ Tucker lại rất giỏi quản lý những đứa trẻ mà tôi không thể tiếp cận.
"Một số đứa trẻ chỉ cần nhiều yêu thương hơn một chút" - Bà nói như vậy. Trường hợp rõ nhất là Timmy. Timmy nhận được sự giúp đỡ đặc biệt ở trường do cậu bé có một số rối loạn tâm lý. Cậu hơi chậm phát triển hơn các bạn cùng tuổi. Cậu thường đánh nhau với những đứa trẻ khác và cực kỳ hay giật tóc bạn. Tôi không bao giờ lại gần Timmy được - cậu ta chẳng tin tưởng ai. Tức là, trừ bà Tucker. Cậu phản ứng rất tốt khi có mặt bà Tucker. Cậu ta thực sự yêu bà, bởi vì, như tôi dần dần thấy và tin, bà Tucker cũng thực sự yêu cậu.
Một hôm, có trận đánh nhau nổ ra giữa Timmy và một trong những đứa trẻ ở lớp. Sau khi tách hai đứa ra, bà Tuckerbảo Timmy ngồi vào một cái ghế. Cậu ta hét lên: "CHÁU GHÉT BÀ, bà Tucker! Bà đúng là bà già khó ưa! Cháu ghét bà!".
- Timmy, bà biết bây giờ cháu đang ghét bà - Bà Tucker nói bằng giọng kiên quyết - Nhưng bà chắc chắn không để cháu giật tóc các bạn khác, dù sao đi nữa!
Bà Tucker tin rằng, giải pháp cho các vấn đề về con người luôn là yêu thương nhiều hơn.
Một lúc sau, Timmy đã bình tĩnh lại và bà Tucker gọi cậu bé lại gần. Lúc này, mặt cậu bé vẫn bẩn và má thì có những vệt nước mắt đã khô. Tôi không nghe được cuộc nói chuyện giữa bà Tucker và Timmy, nhưng rồi tôi thấy Timmy vòng tay ôm lấy cổ bà. Khi tôi đi ngang qua, tôi nghe thấy cậu bé nói: "Cháu xin lỗi vì cháu đã gọi bà là bà già khó ưa. Cháu yêu bà, thật mà". Tôi biết cậu bé đang nói thật.
Về sau, bà Tucker bảo tôi: "Timmy chỉ cần nhiều yêu thương hơn những đứa trẻ khác một chút".
Vào một dịp khác, tôi nghe thấy mẹ của Timmy nói: "Bà đã tạo nên điều kỳ diệu cho Timmy, thưa bà Tucker. Thằng bé chưa từng nghe lời ai như nghe lời bà".
Có lẽ đúng như thế thật. Nhưng đôi khi, "kỳ diệu" chỉ là một cách nói khác của từ "yêu thương" mà thôi.
Theo hoahoctro.vn
Những bà mẹ "ghê gớm" sẽ có con thành công sớm hơn Nghiên cứu cho thấy những người thành công, đặc biệt là nữ giới, thường được nuôi dạy bởi các bà mẹ nghiêm khắc. Các nhà khoa học tại Đại học Essex, Anh, đã tiến hành nghiên cứu trên 15.000 học sinh ở độ tuổi 13, 14 trong vòng 7 năm. Kết quả cho thấy những đứa trẻ có mẹ nghiêm khắc thường tự...