Món ngon từ măng tre gai
Năm nay mùa mưa bão về sớm. Chợ vắng bóng cá tươi. Mất điện, nhiều loại thực phẩm thường dùng cũng theo đó mà thưa thớt. Nhưng đừng quá lo lắng, buổi chợ ngày bão chỉ cần mua miếng thịt ba rọi; trong bếp nhà vẫn còn gói măng khô được cất kỹ từ năm trước đến giờ.
Măng tre tươi – Ảnh: Đăng Khôi
Nồi măng kho ba rọi có mặt trong hầu hết các mâm cơm của người quê tôi vào những dịp tết Nguyên đán. Ở miền Đông Nam bộ, măng tre gai được nhiều gia đình phơi khô cất trữ quanh năm, lỡ như bất chợt thèm măng mà không đúng dịp tết thì vẫn có thể kho được một nồi. Tất nhiên nồi này nho nhỏ thôi, chủ yếu giải quyết cơn thèm bất chợt, đợi đến ngày xuân sẽ làm hẳn một nồi mừng năm mới.
Thường niên độ khoảng tháng tư âm lịch trở đi, khi nắng vàng bớt gắt nhường chỗ cho vài cơn mưa báo hiệu vụ mùa, người ta hay đón sẵn dọc đường để chờ tiếng xe đạp cọc cạch của những phụ nữ về từ phía rẫy. Đó là người nội trợ trong gia đình có chồng hoặc con trai tạm gác việc đồng áng để theo nghề thời vụ: bẻ măng.
Vào những sớm tinh sương, giỏ măng mới luộc còn nóng ấm nằm chễm chệ trên yên sau xe đạp, ấy là giỏ măng được người mua hồ hởi săn đón nhất. Hai ba người cùng nhau nhấc giỏ xuống, đem cân, rôm rả bán mua trong tiếng nói cười. Khi người bán cất tiền, thong thả xuôi về chợ, ấy là lúc người mua đem dao rổ ngồi tỉ mỉ cắt gọt, tranh thủ làm cho xong để phơi măng kịp lúc nắng lên.
Video đang HOT
Măng tre gai cắt bỏ những xơ cứng, ước lượng độ giãn nở của miếng măng sau khi kho mà tước miếng măng trước khi phơi. Tùy mỗi gia đình có người già trẻ khác nhau, hàm răng “mạnh” hay “yếu” mà quyết định tước măng sợi to hay nhỏ. Nhưng thường thì chỉ nên tước sợi vừa, bởi quá to khi kho lâu thấm, còn quá nhỏ hâm đi hâm lại nhiều ngày miếng măng bị nát mất ngon.
Tranh thủ những ngày nắng trong, nên phơi miếng măng cho thật khô giòn. Sau đó gói trong bao cất kỹ. Theo kinh nghiệm của bà tôi thì cất hai ba năm ăn vẫn ngon, khi lấy ra kho miếng măng vẫn vàng ươm như mới tắm nắng tức thì. Kho một nồi ăn dần trong mùa mưa bão thì phù hợp. Đem măng đi ngâm nước lạnh vài giờ, sau đó cực nhất là khâu luộc. Nhóm bếp củi, cứ luộc sôi rồi xả lại nước lạnh, làm như vậy khoảng ba bốn lần. Luộc kỹ măng sẽ “nhả” hết độc, cả những tạp chất bám vào khi gọt, phơi.
Thịt ba rọi mua từ buổi chợ sớm đem về rửa sạch, ướp hành tỏi, bắc lên bếp đảo đều tay. Cho nước lạnh vào kho rệu, nêm nếm. Sau đó mới trút rổ măng đã luộc, vắt ráo nước vào, chụm lửa liu riu chờ măng thấm. Cần nhớ lúc đầu nêm lạt, bởi vì nồi măng kho để dành ăn lâu, hâm đi hâm lại nước cạn sẽ mặn dần.
Mùa này vườn điều xác xơ trong bão, thay vì chờ khi điều chín, cả nhà phải xúm xít lượm dọn trái non. Rồi thì thu nhặt ngói rơi, sửa mái nhà dột, chằng chống những loại cây ăn trái sau bão còn cứu được. Nhiều gia đình dồn sức cứu lúa, hoặc chuẩn bị vụ gieo trồng mới. Vậy nên mỗi trưa hoặc buổi chiều về, đỏ bếp nấu nồi cơm, dọn kèm với ít măng kho là đã no lòng, ngon giấc…
Theo TNO
Ký ức mùa nhót quê hương
Mỗi độ xuân về, trong màn mưa bụi những cây nhót ở quê tôi lại bắt đầu ra hoa. Những chùm hoa nhỏ li ti, màu trắng phủ kín cành cây như báo hiệu một mùa nhót xum xuê đang đến gần.
Khi những cánh hoa mong manh bị những cơn gió xuân thổi rụng rơi cũng là lúc từ bên trong nhụy hoa bắt đầu xuất hiện những trái nhót nhỏ xíu. Trái nhót ban đầu chỉ như hạt đỗ, mươi ngày sau đã bằng đốt ngón tay người và lớn dần lên, bắt đầu nhú thịt. Những thớ thịt căng mọng nằm bên trong lớp vỏ màu xanh và được bao phủ bởi một lớp phấn trắng.
Đến cuối tháng 3, gió thổi đung đưa vòm lá, trên những cành nhót đã bắt đầu xuất hiện những quả nhót chín đỏ chót. Trong màu nắng vàng nhạt, những quả nhót hiện lên càng sinh động hơn. Màu nắng chiếu vào lớp phấn trắng phủ bên ngoài làm nó ánh lên như sắc kim tuyến.
Hồi nhỏ, nhà tôi không trồng nhót nhưng tôi lại rất thích ăn nhót vì cái vị chua chua, ngọt ngọt, chan chát của nó làm cho tôi không sao cầm lòng được. Nhiều hôm, tôi cùng mấy đứa bạn rủ nhau "đột kích" vườn nhót nhà hàng xóm. Mấy đứa tranh thủ vặt nhót nhét đầy túi quần, túi áo rồi về chia nhau. Cả lũ hí hửng cầm nhót lau vào gấu quần, gấu áo để lớp phấn ngoài bay đi và lộ ra lớp vỏ ngoài căng mịn, đỏ chót. Cắn một miếng, vị chua, chát của nó làm cho đứa nào mặt cũng nhăn nhó nhưng lạ thay càng ăn càng thấy ngọt. Vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi làm cho đứa nào ăn rồi cũng muốn ăn nữa. Nhót chín chấm với muối ớt thì đúng là ngon tuyệt mà không loại quả nào ngon bằng.
Còn nhớ nhiều hôm đi học, lũ bạn tôi mang đầy một cặp sách nhót chín. Thế là đến lớp cả lũ chúi đầu vào ăn mà quên mất đang trong giờ truy bài nên bị cô giáo mắng nhưng tất cả đều thấy rất hào hứng.
Có lẽ ở quê tôi, nhót không phải là thứ quả đặc sản nhưng khi nhót đã chín rộ, các bà, các mẹ vẫn bứt xuống xếp đầy thúng và mang quang gánh ra chợ bán. Từng thúng, từng thúng được xếp đầy. Nhìn cả thúng nhót chín đỏ mà lũ học trò chúng tôi ứa nước bọt.
Nhót chín rất nhanh, chỉ độ trong vòng một tháng là hết mùa. Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nhót sẽ được bày bán khắp những con đường Hà Nội. Từng gánh hàng rong sẽ nhuộm màu đỏ của những trái nhót to và chín mọng. Thế nhưng, với tôi, những trái nhót quê hương cùng với những kỉ niệm thời thơ ấu khó có thể nào quên.
Theo LĐO
Chua ngọt thanh trà miền Tây Có dịp về miền Tây vào mùa hè, khi xe dẫn qua cầu Cần Thơ (phía Bình Minh), du khách sẽ thấy những sạp bán hàng 2 bên lề đường treo lủng lẳng những chùm thanh trà màu vàng cam thật bắt mắt, khiến du khách không cưỡng lại được phải dừng xe mua vài ký ăn và làm quà. Thanh trà (còn...