Món ngon từ cá song
Cá song sống ở nước mặn, thịt trắng, dai, có vị ngọt thanh khác biệt, là loại cá thơm ngon, thuộc hàng cao cấp. Từ con cá song, bạn có thể chế biến ra rất nhiều món ngon như hấp xì dầu, nấu chua, nấu cháo… Món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn.
Ngoài những cách chế biến kể trên, người Quảng Ninh còn kết hợp với nhiều loại nguyên liệu và gia vị khác nhau để mang tới cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực khác biệt về cá song.
Đậm đà cá song xốt ngũ liễu.
Đầu tiên phải kể đến món cá song xốt ngũ liễu (5 loại rau). Hiểu đơn giản là cá song nấu với 5 loại rau củ, bao gồm: Cà chua, cà rốt, dưa chuột, hành tây và củ cải trắng. Cá song làm sạch, cắt miếng, tẩm bột năng và chiên qua dầu rồi đảo cùng với các loại rau củ thái sợi, cho thêm nước sốt đặc chế từ cà chua và dấm, sẽ có một món ăn hội đủ cả sắc, hương, vị.
Chính vì sự hoàn hảo này mà cá song xốt ngũ liễu trở thành món ăn “chuẩn mực” trong giáo trình dạy nấu ăn của giới đầu bếp. Cũng là món cá song xốt ngũ liễu, nhưng dưới bàn tay của những đầu bếp với cách gia giảm khác nhau lại mang tới những nét ẩm thực riêng.
Video đang HOT
Cá song hấp tàu xì mang phong vị ẩm thực Trung Hoa.
Tiếp đến là cá song hấp tàu xì, món ăn phảng phất phong cách ẩm thực Trung Hoa. Tàu xì, hay còn gọi là đậu mặn, là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Quảng Ninh từ nhiều thập kỷ trước và đến nay đã trở thành món ăn truyền thống của người dân một số vùng miền Đông của tỉnh. Cá song sau khi sơ chế sạch, để nguyên con tẩm ướp với thịt lợn, tàu xì và miến băm nhỏ, cho thêm các nguyên liệu cần thiết, sau đó mang đi hấp.
Cá hấp chín, có thể thưởng thức theo hai cách: Ăn kèm với tàu xì hoặc dùng lá rong biển và bánh đa mỏng để cuốn cá với dứa, cà rốt, dưa chuột thái nhỏ chấm với xì dầu. Vị ngọt của cá, vị mặn của tàu xì, thêm vị thanh mát của rau củ hòa quyện khiến người ăn thực sự hài lòng.
Lẩu cá song thuyền chài đơn giản mà vô cùng tươi ngon.
Như đã nói, cá song có vị ngọt thanh hiếm có, chính vì thế người dân vùng biển Quảng Ninh còn có cách chế biến và thưởng thức cá song tuy đơn giản nhưng lại phát huy hết vị ngọt của cá, đó là lẩu cá song thuyền chài. Chỉ cần ít cà chua, me, hành, thì là, ớt, một nồi nước trắng và ít gia vị cơ bản như mắm, muối, mì chính, là đã có một nồi lẩu cá song thuyền chài đúng vị dân miền biển.
Lẩu cá song nấu theo cách của những ngư dân Quảng Ninh giữ được trọn vẹn vị tươi ngon của cá, chinh phục cả những người sành ăn nhất. Một nồi cá song cùng với các loại rau nhúng vừa tươi ngon, vừa thanh mát, chắc chắn là lựa chọn tuyệt vời cho thực khách khi đến với Quảng Ninh.
Từ con cá song, người dân Quảng Ninh đã sáng tạo ra nhiều món ăn bổ dưỡng và ngon miệng. Những món ăn từ cá song đã trở thành đặc sản không thể bỏ lỡ, góp phần tạo nên thiên đường du lịch ẩm thực Quảng Ninh, níu chân du khách khi đến với vùng đất tươi đẹp, với con người nồng nhiệt, thân thiện và mến khách.
Bánh ít ngũ sắc - bắt mắt, dẻo thơm
Bánh ít mẹ làm, lúc nào màu sắc cũng phong phú. Tôi hay gọi bánh ít của mẹ là bánh ngũ sắc. Lần nào mẹ làm bánh xong, nhìn những chiếc bánh rực rỡ nằm trong đĩa, đẹp đến nỗi tôi chẳng nỡ ăn.
Thơm ngon bánh ít ngũ sắc
Tôi chưa thấy ai đam mê màu sắc như mẹ tôi. Những bữa cơm mẹ nấu, dù có khi chỉ là rau dưa qua bữa, nhưng bao giờ cũng rực rỡ sắc màu. Nhờ đẹp mắt, nên độ ngon miệng càng tăng cao. Trong mấy thứ bánh trái dân dã mẹ hay làm, tôi thích bánh ít nhất. Bánh ít ngoài hàng thường có màu trắng, nhân tôm thịt, hoặc bánh ít lá gai màu đen nhân đậu xanh ngọt lịm, thì bánh ít của mẹ tôi có đến 5 màu rực rỡ. Đã ngon lại còn đẹp. Cái đẹp của những khối màu tự nhiên, vừa rực rỡ, lại ngọt lành. Để làm được điều đó, mẹ cũng kỳ công ghê lắm.
Đầu tiên trong khâu làm bánh, là chuẩn bị màu. Mẹ thường lấy lá dứa sau nhà rửa sạch, xay nhuyễn vắt lấy nước, thế là có màu xanh, vừa đẹp lại còn thơm thơm mùi dứa. Màu vàng thì dễ, chỉ cần lấy ít nước từ củ nghệ tươi là xong. Màu đỏ thì mẹ tạo ra từ lá rau dền, hoặc củ dền đều được. Mỗi khi giàn gấc sau vườn có quả chín, mẹ thay rau dền bằng gấc. Gấc có vị béo, ngọt thơm hơn nhiều. Màu đen của bánh ít nếu muốn thơm ngon, mẹ dùng nước vắt ra từ lá gai. Lá gai ở quê tôi nhiều lắm. Hôm nào siêng ít, mẹ lấy chút cà phê là có ngay màu đen như ý. Màu trắng thì đơn giản lắm, cứ để nguyên màu của bột nếp là được.
Nhân bánh ít, mẹ không dùng tôm thịt, mà dùng đậu xanh đãi vỏ nấu chín, xào với thịt ba chỉ băm nhuyễn, phi dầu cho thiệt thơm, sau khi nêm nếm vừa miệng thì cho hành lá xắt nhỏ vào. Vậy là xong nhân bánh.
Vỏ bánh ít làm từ bột nếp. Chỉ cần cho từ từ nước sôi vào bột rồi nhào là được. Mẹ tôi dặn, muốn vỏ bánh được ngon hơn, cần cho thêm tí muối và dầu ăn vào bột trước khi nhồi. Để có 5 màu, mẹ tôi thường cho bột vào năm chiếc tô để khỏi lem màu. Nước màu nấu sôi lên, rồi đổ vào bột nhồi đều. Mỗi lần bận rộn pha màu, trộn bột, mẹ đều bảo, muốn ăn ngon mà còn nhìn đã con mắt, phải cực vậy đó.
Khi nhân và vỏ đều đã có, chỉ cần ngắt nhúm bột vừa phải, đặt trong lòng bàn tay rồi ép dẹp xuống. Vo tròn nhân cho chặt rồi đặt trong vỏ bánh, gói lại sao cho vỏ bánh bọc kín nhân bên trong, rồi xoay bánh giữa lòng bàn tay cho chiếc bánh tròn vo là được. Bánh ít trần khi hấp phải cho miếng lá chuối làm đế lót trong nồi, khi hấp bánh mới không dính nồi.
Bánh ít ngũ sắc của mẹ, lúc hấp chín lên màu rất đẹp, nhìn chẳng nỡ ăn. Vỏ bánh mềm dẻo. Nhân đậu xanh bùi bùi, thơm nức mùi hành lá, nhai trúng miếng thịt lại béo ngậy, ngon không tả. Buổi sáng ngủ dậy, chỉ cần ăn hai ba cái là no căng bụng. Bánh ăn không hết, đến chiều mẹ lại nấu cho chén chè để cả nhà lót dạ chờ cơm tối. Chỉ cần nấu nước đường, thêm chút gừng cắt sợi vào. Nước sôi, cho bánh ít vào nấu lại hai ba phút là có ngay chén chè trôi nước cho bữa xế. Rắc thêm tí mè hoặc đậu phụng giã dập vào chén, ăn khi còn nóng rất ngon. Chè có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng, nhân bánh mằn mặn, béo béo, bùi bùi, hòa cùng nước đường ngọt lịm, ngon mà không ngán.
Mẹ tôi hay bảo, ngày xưa, mấy đứa tôi thường kén ăn, nên mỗi lần làm bánh trái, mẹ đều nghĩ cách làm sao cho đẹp, cho bắt mắt, để mấy đứa con ăn nhiều hơn một chút. Lâu dần thành quen. Cho đến giờ, dù ăn bánh ít ở bất cứ nơi đâu, có ngon đến mấy, tôi vẫn thấy không bằng bánh ít mẹ làm.
Bí kíp làm bánh chuối chiên giòn tan chuẩn vị cả nhà khen tít mắt Bánh chuối chiên là món ăn quen thuộc của miền Tây, cách làm bánh chuối chiên chẳng những dễ mà nguyên liệu lại còn đơn giản, chất lượng bánh thì khỏi phải chê, vào bếp làm bánh ngay bạn nhé. Bánh chuối chiên là một món ăn vặt phổ biến, có vị ngọt thanh, cho vào miệng giòn tan ăn hoài không ngán....