Món ngon từ bông bí
Bí ngô (bí rợ) là loại cây có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Từ lá bí, thân bí, quả bí hay hạt bí người ta đều tận dụng để chế biến thành những món ăn ngon, bổ. Ngoài ra những bông hoa bí cũng có thể dùng để chế biến nhiều món ăn độc đáo mà không phải ai cũng biết và được thưởng thức.
Trước khi chế biến những món ăn từ bông bí, cần tiến hành sơ chế. Chọn những bông bí đực không thể đậu quả, bông cứng, tươi, có màu vàng đậm, búp bông to, cuống màu xanh. Sau đó đem ngắt bớt cuống và tước vỏ sơ ngoài cuống như tước rau bí, nhặt sạch lá đài, dùng kéo cắt nhụy hoa bên trong bông. Sau đó cho hoa vào nước muối pha loãng ngâm trong vòng 5-10phút rồi vớt ra rổ cho ráo nước và chuẩn bị chế biến món ăn.
Từ bông bí có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Thông dụng có thể kể đến những món như bông bí luộc lẫn rau bí chấm nước thịt cá, chấm tương; bông bí xào thịt, xào tỏi, xào nghêu… Trong đó, cầu kì và công phu phải kể đến món canh bông bí nhồi thịt và chả bông bí.
Hấp dẫn món chả bông bí. Ảnh: Internet.
Canh bông bí và chả bông bí có nguyên liệu về cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở khâu làm chín. Trước hết cần chuẩn bị nhân. Nhân làm chả gồm thịt nạc xay, giò sống, nấm hương bằm nhỏ, gia vị, bột nêm, tiêu, hành hoa, tỏi, nước mắm. Trước nhồi nhân vào bông bí cần ướp thịt với các loại gia vị, hành ngò cho ngấm.
Video đang HOT
Tiếp theo là công đoạn nhồi nhân. Xúc từng thìa nhân cho vào giữa bông bí, không nên nhồi nhiều quá vì trong quá trình làm chín nhân sẽ bị phồng ra ngoài.
Nếu làm món chả bông bí thì cho vào chảo dầu đã đun nóng, chiên vàng. Tới khi chả chín là được. Chả bông bí có thể chấm với xì dầu, nước tương, hay mắm dầm ớt. Nếu muốn nấu canh bông bí thì khi nhồi nhân xong, lấy những cọng lá hành tươi chần qua nước nóng cho mềm và buộc đầu bông bí lại để nhân không bị chìa ra.
Sau đó thì nấu nước dùng. Trong khi nhồi nhân vào bông bí thì bớt lại một phần để cho vào nồi canh. Khi nước sôi, thả những viên thịt đã được ve tròn vào nồi, đun sôi sau đó cho tiếp những bông bí đã nhồi thịt vào, để lửa nhỏ để bông bí chín từ từ. Nêm gia vị cho vừa ăn và ninh cho tới khi canh chín. Canh chín múc ra bát, rắc hành ngò thái nhỏ lên cho canh thơm và nhìn đẹp mắt.
Chả và canh bông bí vừa có vị béo, thơm và ngọt lịm, là món ăn ngon, bổ dưỡng và lý tưởng cho những ngày thời tiết se lạnh.
Theo LĐO
Lạ lùng chuyện 'sống giữa dương gian ăn cơm Âm phủ'
Ngày nay, trở thành một trong những món ngon, độc đáo có mặt trong nhiều nhà hàng sang trọng xứ Huế, ít ai biết rằng cơm Âm phủ có một nguồn gốc khá lâu đời và hết sức dân dã.
Cơm âm phủ là bữa ăn chính, nhiều sắc màu ngon mắt, gồm một dĩa cơm trắng, rắc thêm ít tôm chấy hồng ngon ngọt, một vài lát thịt nướng mặn mà thơm nức lòng, dưa gang bóp chua ngọt, nước mắm ớt chanh tỏi cay cay... trộn đều, ăn "ngậm mà nghe" theo kiểu nói của các mệ Huế thì ngon không kể xiết.
Tương truyền, món này xưa là cơm bán về đêm, chuyên phục vụ cho những người lao động tay chân, làm việc khuya tại đất Cố Đô. Cơm được kết hợp bởi nhiều món ăn còn lại trong ngày từ các tiệm cơm. Cũng chính vì món được phục vụ trong đêm khuya, dưới những ngọn đèn mờ ảo nên dần dần tên gọi Âm Phủ ra đời.
Món cơm Âm phủ giờ có mặt trong nhiều nhà hàng sang trọng. Ảnh: gocbep.com.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, cái tên Âm phủ của món cơm này xuất phát từ giai thoại liên quan tới một vị vua nhà Nguyễn. Chuyện kể rằng, một ngày vị vua này đi vi hành. Luật lệ khi đó cấm trong lúc nhà vua đi vi hành người nào được thấy mặt ngài, vì thế, nhà nhà thường phải đóng cửa và tắt bớt đèn.
Buổi chiều tối hôm đó, sau chuyến đi dài và mệt, nhà vua ghé nhà một bà góa hỏi xin cơm ăn. Bà góa không biết vua tới nên không chuẩn bị gì mà trong nhà có gì thì đem hết ra thết đãi. Bà nấu cơm, xung quanh xếp dưa leo, rau cải bình thường. Vua sau một ngày vi hành vừa đói vừa mệt nên dù ăn thứ đơn giản vẫn thấy ngon và nhớ mãi. Về sau, ngày cho gọi bà góa vào cung nấu lại cho ăn món đó. Nhớ lúc ăn ngồi trong ánh đèn leo loét tù mù, nhà bà góa lại trên 1 bãi đất bị sụp xuống, giống dưới âm phủ nên vua mới gọi món đó là cơm Âm Phủ.
Không biết thực hư các giai thoại và câu chuyện trên thế nào, chỉ biết, món cơm Âm phủ đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực không thể thiếu của đất Cố đô. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, món cơm Âm phủ cũng được nâng cấp lên khá nhiều. Món ăn này giờ không phải chỉ là món cơm làm từ những đồ ăn thừa, còn lại trong ngày của tiệm nữa mà được lựa chọn chế biến tươi ngon, kỹ càng.
Để làm nên một tô cơm Âm phủ, các nhà hàng Huế thường chuẩn bị nguyên liệu bao gồm: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... Trong đó, cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt. Món cơm có thể dùng nồi cơm điện nấu từng ít một. Nhưng để có món cơm mềm, để được lâu mà không bị khô thì nên ngâm gạo trong nước lạnh qua 2 giờ rồi dùng vỉ để hong thành cơm.
Trứng chỉ dùng thuần trứng vịt không nêm nếm gia vị, đánh tan, rồi bắc lên chảo tráng. Tôm hấp chín, lột vỏ, lấy nạc tôm để ráo giã nhỏ bằng chày cối làm tơi nạc tôm. Cho vào chảo không láng dầu, canh lửa vừa nóng ấm, cho tôm vào, dùng đũa tre đảo đều và liên tục cho đến khi tôm tơi ra và khô hẳn là có thể dùng được.
Có thể dùng tay bốc từng nhúm tôm vừa làm xong, chà nhẹ lên một mặt nhám như rây kim loại, rá tre... tôm sẽ tơi ra như bông sợi.
Thịt tùy khẩu vị mà có thể chọn các loại thịt như: thịt heo nạc lưng, nạc mông..., cắt thành miếng mỏng cỡ ba ngón tay. Tẩm ướp thịt với các gia vị như: muối tiêu, nước mắm, đường, tỏi băm. Sắp thịt vào vỉ kẹp để nướng trên lửa than.
Ngoài các nguyên liệu chính trên thì khi ăn còn có thêm các thành phần khác nữa như: chả, rau dưa, đồ chua (kiệu, cà rốt, giấm đường...), tất cả đều cắt thành dạng sợi nhỏ, trải đẹp mắt thành hoa văn trên mặt đĩa cơm. Khi ăn dọn kèm với chén nước mắm chua ngọt do người ăn tự pha, chén hành mỡ, ớt tươi...
Theo ĐVO
Những món ăn độc đáo của cư dân xứ dừa Bến Tre Cư dân xứ dừa Bến Tre cư trú trong một hệ sinh thái đặc biệt: có rất nhiều sông rạch với nhiều nguồn lợi thủy hải sản tự nhiên phong phú, với nhiều sản vật tự nhiên vốn chỉ có trong rừng dừa. Và người Bến Tre đã biết khai thác các nguồn sản vật đặc trưng đó để sáng tạo các món...