Món ngon ngày tết diệt sâu bọ
Cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, trên đất Sài thành phồn hoa lại xuất hiện những chiếc bánh ú lá tre dân dã ở khắp các chợ. Ngược dòng thời gian, theo truyền thống Việt Nam trong ngày tết diệt sâu bọ này, dân ta còn có những món ăn dân dã khác, đậm đà hồn Việt.
Nửa năm tròn trịa
Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam – Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.
Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.
Món cơm rượu Gò Công
Dân dã hồn quê
Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng… không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.
Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng.
Cứ đến tháng 5 âm lịch là rộ mùa ốc gạo. Có lẽ vì vậy mà ốc gạo cũng trở thành món ăn truyền thống trong ngày diệt sâu bọ. Hai nơi có ốc gạo nổi tiếng ngon là cồn Phú Đa (Bến Tre) và cồn Tân Phong (Tiền Giang). Con ốc ở hai nơi này vào đúng mùa độ béo, giòn hơn hẳn các nơi khác. Ở cồn Phú Đa, không hổ danh xứ dừa, chỉ với một loại nguyên liệu là ốc gạo mà người dân nơi đây chế biến ra không biết bao nhiêu là món. Đầu tiên là món gỏi cuốn ốc gạo. Thịt ốc gạo, rau thơm, bún tươi, dừa vừa nám vỏ nạo sợi, cuốn bánh tráng chấm tương xay, thiệt đơn sơ mà ngon lạ lùng. Để món ăn có hương thơm vị béo của dừa hơn nữa, người ta còn cho thêm nước cốt dừa vào tương chấm. Kế đến là ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hũ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hũ dừa… mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Còn người dân Tân Phong lại có món ốc gạo luộc đơn sơ, ăn hoài không ngán. Bởi con ốc gạo vùng này vốn đã ngon sẵn rồi, chỉ cần luộc vài phút, thêm vài cọng sả, canh cho con ốc vừa chín tới là đã có món ốc gạo thơm ngát. Ăn kiểu thôn quê thì ra vườn tuốt vài cọng lá dừa hoặc bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để tận hưởng vị giòn ngọt, đậm đà của thịt ốc.
Ngoài ra, dân miệt trái cây Tiền Giang còn có món ốc gạo trộn gỏi đu đủ hoặc món cháo ốc gạo hành nóng hổi, thơm phức. Thành thị hơn có món ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc… thiệt thèm!
Theo PNO
Video đang HOT
[Chế biến] - Rượu nếp đón Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường!
Nguyên liệu:
- 1kg gạo nếp xay lật hay còn gọi là gạo nếp lứt
- 3 quả men rượu
- Nồi gốm, túi khóa zip cỡ to.
Bước 1:
Gạo nếp vo sạch, để ráo.
Cho gạo vào nồi cơm điện, nấu như nấu cơm, tuy nhiên bạn cho lượng nước ít hơn so với nấu cơm bình thường nhé. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể đồ như đồ xôi.
Cơm nếp chín đổ ra mâm rộng, tãi mỏng cơm cho nhanh nguội.
Bước 2:
Men rượu gạt bỏ lớp vỏ trấu bằng cách xát 2 quả men vào nhau.
Giã mịn men.
Bước 3:
Cơm sau khi đã nguội hoàn toàn bạn rây men vào.
Trộn đều cơm và men.
Tiếp tục rắc nốt phần men còn lại, trộn đều.
Bước 4:
Ủ rượu nếp cái ngon nhất là dùng lá chuối khô, tuy nhiên ở thành phố hiện nay để tìm được lá chuối khô là điều không dễ dàng. Mình đã thử tận dụng ngay những vật dụng thường có trong bếp để ủ rượu thì thấy kết quả vẫn ngon. Vật dụng thay cho rổ tre và lá chuối khô mình dùng là nồi gốm và túi khóa zip. Dùng kéo cắt tạo lỗ ở phần đáy túi khóa zip.
Cho cơm đã trộn men vào túi.
Trong nồi gốm đặt 1 bát hoặc đĩa nhỏ sau đó đặt tấm phên tre lên. Để như vậy để khi ủ rượu nước rượu sẽ chảy xuống chứ không bị đọng làm rượu dễ lên men cay.
Đặt túi khóa zip chứa cơm đã trộn men vào nồi.
Kéo miệng túi kín lại rồi đậy vung nồi để chỗ thoáng mát.
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay bạn chỉ cần ủ khoảng 34 tiếng là rượu đã ngấu. Với thời tiết mát mẻ hơn bạn có thể tăng thời gian ủ. Cách kiểm tra cơm rượu đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng, rượu có vị ngọt, thơm, không bị chua hoặc cay.
Sau thời gian ủ, nước rượu chảy xuống dưới khá nhiều, bạn dùng chính nước này để tưới lên cơm rượu nhé.
Bạn nhớ để ý dỡ rượu khi đến độ, tránh ủ lâu sẽ làm rượu lên men cay và hạt cơm rượu bị xác.
Rượu nếp cái ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng. Rượu nếp có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường. Ngoài rượu nếp bạn có thể chuẩn bị các loại trái cây của mùa này như mận, xoài, lê, đào... để có một cái tết Đoan Ngọ thật xôm và đúng điệu nhé!
Chúc các bạn thành công và làm được món rượu nếp thật ngon nhé!
Theo PNO
[Chế biến]-Học cách làm rượu nếp tại nhà chẳng khó tẹo nào Ngày mùng 5-5 âm lịch được gọi là tết Đoan Ngọ hay ngày diệt sâu bọ và theo truyền thống thì ngày này không thể thiếu hoa quả chua và rượu nếp đâu nhé! Chuẩn bị những nguyên liệu sau: - Gạo nếp hoặc nếp cẩm - Men (ở hàng bán gạo có luôn đấy) - Lá sen (giúp cho gạo thơm ngon...