Món ngon đong đầy ký ức ngày Tết
Trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn những kí ức đẹp đẽ về những bữa cơm cuối năm ngày cũ, có khi chỉ ngon vì nhớ. Ngày tháng cạn dần theo những mùa mưa nắng trôi qua, thấy như mới đầu năm đó mà đã sắp lập đông rồi, tự nhiên ai cũng nghĩ về những ngày sắp Tết.
Ở quê tôi bây giờ mùa mưa đã qua, mùa đông vừa thấp thoáng trong mấy cơn gió heo may và không gian như mới vừa ướp một chút hơi lạnh se se. Cái lạnh vừa đủ để lòng người run rẩy chút nhớ thương về những thứ đã lùi xa trong ký ức.
Múa lân ngày Tết
Tôi chợt nhớ đến má tôi và những ngày cận Tết khi còn ở chung với gia đình lớn của mình, bà là người duy nhất lo lắng tính toán mọi thứ trong nhà. Còn nhớ cái Tết hồi xưa sao mà long trọng và thiêng liêng đến thế.
Sau một năm làm việc vất vả ai cũng cầu mong mấy ngày tết trong nhà được đầy đủ, càng dư dả các thứ càng tốt, những mong năm sắp đến sẽ sung túc, an vui hơn năm cũ. Má tôi lo toan mọi thứ từ rất sớm, qua rằm tháng Chạp đã thấy sắm sửa chuẩn bị ăn Tết.
Hồi đó mấy ngày Tết người ta không họp chợ nên thịt cá, rau củ phải chuẩn bị trước ít nhất cho ba, bốn ngày, món ăn chính cho mấy ngày Tết là bánh tét và thịt kho măng.
Nồi thịt kho măng của nhà tôi được má chăm chút nhiều nhất vì đó là món ăn mà người lớn, trẻ nhỏ trong nhà đều thích.
Chợ Tết bắt đầu rất sớm, đầu tiên má tôi mua măng khô, phải là thứ măng khô của Phan Thiết thì kho mới ngon. Thật tình cho đến bấy giờ tôi cũng không phân biệt được măng khô Phan Thiết với các loại măng khô khác nhưng tôi vẫn chọn nó cho nồi thịt kho măng ngày Tết của nhà mình như lời bà dặn.
Măng khô Phan Thiết. Ảnh Linh Như
Sau ngày đưa ông Táo tôi được phân công rửa măng, ngâm măng, mỗi ngày khi vo gạo nấu cơm thì lấy nước vo gạo ngâm măng. Như vậy ngày nấu cơm hai lần thì sẽ thay nước ngâm hai lần, má tôi nói măng ngâm bằng nước vo gạo sẽ trắng và mau mềm hơn.
Mấy ngày giáp tết qua rất nhanh, tôi chỉ cần loay hoay phụ má rim vài thứ mứt như mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai chớp mắt thấy đến ngày gói bánh tét.
Nhà tôi thường gói bánh tét trong vài ngày cuối năm vì ba tôi thích cái không khí trong đêm canh lửa nấu bánh tét. Không khí rất rộn ràng vì cả nhà ai cũng có việc làm và việc của tôi là luộc nồi măng.
Bánh tét không thể thiếu trong những ngày Tết
Sau mấy ngày ngâm rồi rửa măng khô đã trắng dần chứ không còn vàng sậm như hồi mới mua về. Khi nồi bánh tét được bắt trên cái bếp được kê bằng ba hòn đá chẻ và lửa đã reo ồn ào, má tôi cời than hồng ở một góc bếp và nồi măng sẽ được luộc ké ở đó.
Video đang HOT
Nồi măng được thay nước mấy lần và được nhấc ra trước khi bánh tét chín, để nguội rồi lại rửa cho đến khi nồi nước trong vắt, má tôi dặn rằng phải luộc kĩ như thế thì sau khi kho xong mới để được lâu.
Măng được để nguội, xé sợi lớn nhỏ theo mình thích và để thật ráo. Sau đó thì chuẩn bị kho thịt, má tôi thường kho măng khô với giò heo, má nói phải chọn giò sau mới ngon. Giò heo được chặt lớn hơn ngày thường một chút để khỏi bị nát, vì nồi măng kho sẽ được ăn trong ba bốn ngày tới, phải hâm lại nhiều lần.
Giò heo sau khi chặt phải đem luộc sơ bằng nước sôi vài dạo cho ra hết chất bẩn, nước hầm sẽ trong và thịt sẽ thơm hơn. Sau khi luộc phải đem giò heo rửa lại thật sạch và để ráo, bắc một nồi nước khác đợi sôi rồi bỏ thịt vào hầm.
Bắt đầu lúc này thì tôi không phải làm gì nữa vì má muốn tự tay mình nấu món thịt kho măng theo côn thức độc truyền của bà. Nêm mắm muối, bỏ hành củ, canh lửa, vớt bọt, để lửa riu riu vừa đủ để nước hầm được trong veo thì mới đạt yêu cầu.
Thường má thêm chút xíu đường phèn chừng bằng đầu ngón tay cái sau và nêm nếm lại nồi thịt hầm, rồi mới xào măng.
Xào măng cũng lắm công phu, má đập dập mấy củ hành khô bỏ vào dầu đang sôi cho thơm rồi bỏ măng, má cũng nêm nếm các thứ và xào hơi lâu một chút cho thấm.
Khi giò heo đã hơi mềm má cho măng đã xào lên trên, để nước sôi lại mới để nhỏ lửa cho tới khi mùi thơm tỏa lên mới tắt bếp. Lúc đó là trưa ba mươi tết khi lửa đã tàn trong lò bánh tét và cả nhà rộn ràng sắp sửa mọi thứ để cúng tất niên và đón ông bà về ăn Tết.
Thịt kho măng là món ăn chính trong ngày Tết
Trong mâm cúng tất niên chiều ba mươi Tết năm nào của nhà tôi cũng có hai tô thịt kho măng nằm trang trọng ở giữa bàn. Đây cũng là món ăn chính của nhà tôi, bánh tét chỉ là món ăn kèm cùng dưa món, củ kiệu để tăng hương vị.
Thường là thịt kho măng dùng để cuốn bánh tráng nên trên bàn ăn phải có thêm đĩa rau sống đủ thứ rau thơm, thêm chén mắm chua ngọt thật ngon. Má tôi thường lựa loại bánh tráng hơi dày, có khi phải nhúng sơ qua nước sôi mới mềm.
Trải bánh tráng đã nhúng ra dĩa, xếp một lớp rau sống, một lớp măng,vài miếng thịt, ai thích thì thêm vài lát trứng vịt luộc rồi cuốn thật chặt. Vì nhiều thứ như vậy nên thành phẩm thường là cuốn bánh thật to. Ba tôi hồi đó rất thích cầm cuốn bánh thật to, nhai ngồm ngoàm một cách thú vị.
Ba ngày Tết hình như trên bàn ăn chỉ có bánh tét kèm dưa món củ kiệu, thịt kho măng, bánh tráng, rau sống và chén nước mắm chua ngọt. Nhớ lại và tôi vẫn không hiểu sao ăn như vậy mà không ai kêu chán và đều ăn rất ngon lành.
Nồi thịt kho măng được chăm sóc rất kĩ, sáng nào cũng hâm lại và buổi tối hâm thêm một lần một lần trước khi cất vào tủ. Khi múc ra ăn lỡ không hết thì cho vào nồi riêng hâm lại chớ không được cho vào nồi lớn. vì vậy dù không có tủ lạnh nồi thịt kho măng để ba bốn ngày vẫn không bị hỏng, chỉ là vào ngày cuối thì măng và thịt cũng đã rất mềm.
Món thịt kho măng và bánh tét khi đó mỗi năm chỉ ăn một lần vào ngày Tết nên trở thành món ăn thần thánh được hăm hở chờ đợi mỗi khi Tết đến.
Bữa cơm đoàn viên ngày nay.
Mấy ngày Tết không ai thích ăn cơm, đi đâu về chỉ cần dọn thịt kho măng cuốn bánh tráng và bánh tét với củ kiệu, dưa món. Hết Tết mới nghĩ đến chuyện nấu cơm mà cũng ít ai muốn ăn, cứ như đợi thêm ít ngày là đến Tết khác để ăn thịt kho măng.
Bây giờ mọi thứ đã khác nhiều. Mấy ngày Tết chợ vẫn họp, siêu thị thì đến tối ba mươi tết mới đóng cửa nên chẳng cần mua thứ gì để dành ăn suốt mấy ngày.
Dù cho đã có nhiều sự lựa chọn thì tôi cũng chỉ ăn món thịt kho măng vào ngày Tết. Bây giờ măng khô ngâm sẵn ngày nào cũng có bán ngoài chợ, muốn hầm thịt giò cũng không cần tỉ mỉ như hồi xưa, chỉ bấm nút cái nồi áp suất là xong.
Nhưng mỗi năm tôi cũng ngâm măng khô vào ngày 25 Tết, cũng luộc măng kho thịt như ngày xưa má đã làm. Mâm cơm cúng chiều cuối năm bây giờ vẫn có hai tô thịt kho măng nhưng thật lòng mà nói tôi không còn thấy quá hào hứng như hồi còn nhỏ. Ăn cuộn bánh tráng với măng kho,rau sống, chấm nước mắm chua ngọt, giống hệt như ngày ấy nhưng sao không tìm thấy đúng hương vị ngày xưa.
Hỏi rồi tự trả lời, thời thế đã khác. Cuộc sống bây giờ có đã thêm nhiều thứ so với những ngày mình còn thơ dại. Trẻ con bây giờ cũng không như mình hồi còn nhỏ, không thích ăn những món mà mình yêu thích ngày xưa.
Không phải những người trẻ thờ ơ với cái cũ mà bởi vì họ đã có những điều khác để yêu thích và thương nhớ. Những bữa cơm chiều ba mươi Tết gần như chỉ còn ý nghĩa của bữa cơm đoàn viên, ăn gì cũng được, ăn gì cũng ngon, chỉ là được quây quần cùng nhau trong cái không gian tinh tươm trong buổi chuyển giao linh thiêng của đất trời là đủ.
Dù vậy trong lòng tôi vẫn nguyên vẹn những kí ức đẹp đẽ về những bữa cơm cuối năm ngày cũ, có khi chỉ ngon vì nhớ.
Bánh xoài – hương xưa vị cũ
Tháng Chạp ở miền Trung lạnh lẽo mưa phùn, trong gian bếp ấm nồng, biết bao đứa trẻ như tôi đã quây quần bên bà, bên…
Bánh xoài hương xưa vị cũ
Tháng Chạp ở miền Trung lạnh lẽo mưa phùn, trong gian bếp ấm nồng, biết bao đứa trẻ như tôi đã quây quần bên bà, bên mẹ háo hức chờ từng mẻ bánh xoài thơm tho quyện trong khói bếp.
Đầu tháng Chạp, mưa phùn lây rây giăng đầy, gió bấc ù ù, bầu trời xam xám dễ làm người ta không cớ mà lòng buồn buồn man mác và hoài niệm những điều xưa cũ. Năm xưa, khi chúng tôi còn thơ bé, cứ độ này lại thấy bà tất bật đào củ dong (khoai chuối), xay củ, lọc bột, phơi khô chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu cho món bánh xoài ngày Tết. Phải, ngày chưa xưa lắm ấy, cuộc sống khó khăn bộn bề, các thức hàng quà ngày hiếm hoi nên bánh xoài là thứ bánh ngon nhất đời, một thứ hàng xa xỉ, phải chờ đến Tết mới có.
Tên là bánh xoài nhưng nguyên liệu làm bánh không hề có thành phần nào từ cây xoài hay quả xoài mà là do hình dáng, màu sắc của bánh gần giống với quả xoài. Ảnh: Phúc Nguyên
Một buổi sáng đi học về, nghe nhà trên có tiếng đũa phình phịch đánh nhịp nhàng là biết ngay, bà chuẩn bị đổ bánh xoài. Năm nào chị em chúng tôi cũng hóng hớt vây quanh nhìn bà đánh trứng, cân đường, sao bột chuẩn bị cho món bánh không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên chiều 30 với một sự háo hức khó tả. Lên 9, lên 10, tôi đã biết phụ bà làm đủ việc. Có "phụ tá" nhưng bà vẫn không yên tâm nên vẫn luôn miệng nhắc "nho nhỏ lửa thôi, kẻo cháy bột", "rây cho tròn tay kẻo bột hất ra ngoài"... và rất nhiều điều khác. Cái cách thức làm món bánh thơm tho ấy qua lời nhắc của bà mà dần ăn sâu vào trí nhớ của chị em chúng tôi. Đến 13, 14 tuổi đã có thể tự làm bánh từ khâu đầu đến khâu cuối.
Làm bánh xoài, mệt nhất là khâu đánh trứng. Trứng gà bà đã gom để dành cả vài chục quả để đầy rá con. Bà nhanh tay nhặt trứng đập vỏ, đổ vào thau. Những cái lòng đỏ tròn xoay xoay như mắt bọn con nít đang cười hoan hỉ. Với nắm đũa tre đan tay bà lại bắt đầu nhịp nhàng đánh cho trứng tan đều. Những cái bóng bóng trứng phồng lên rồi tan đi theo nhịp tay bà. Chừng lâu sau, khi trứng dậy, bà mới bỏ đường, bột vào đánh chung. Đến lúc này, đôi tay thật sự mỏi bởi bột hòa với đường, trứng làm thau nguyên liệu sánh đặc lại, vàng mơ, tiếng đũa không còn lách cách nhẹ nhàng gõ vào đáy thau nữa mà đã chuyển thành phình phịch, phình phịch... đều đều. Thỉnh thoảng bà lại nhúc nhích chuyển tư thế vì mỏi. Thau bột - trứng càng đánh càng dậy, tay đũa cũng nhẹ hơn.
Lúc này, ông tôi bỏ bàn trà, ra sau chái bếp, rút một thành tre khô, chẻ nhỏ chuốt thành một que tăm lớn, dài chừng hơn gang tay. Một đầu vuốt nhọn, đầu kia chẻ đôi, nhét một mớ bông, xoay xoay cho mớ bông tròn lại và cột chặt để sẵn sàng bên cái khuôn gang đã rửa sạch, úp bên bếp. Mỗi lúc vậy, bà thường gọi ông mang cho bà một cốc rượu trắng, gừng thẻ già cạo bỏ vỏ, giã nhuyễn vắt lấy một chén nước cốt hòa chung vào thau bột rồi tiếp tục đánh đều. Bà nói, phải có rượu, nước gừng bánh mới thơm dậy, không còn mùi tanh của trứng. Thau bột dậy lên sập sình theo tay đũa, vậy là xong, chuẩn bị đổ bánh thôi nào!
Mẻ bánh xoài mới ra lò. Ảnh: Lam Lê
Bếp than hoa đã quạt đỏ hồng, ấm sực. Mấy bà cháu xúm xít vây quanh. Chờ khuôn nóng, bà nhúng que tăm có đầu quấn bông vào chén mỡ rồi ngoáy tròn vào từng ô khuôn, mỡ nóng xèo xèo, tay bà thoăn thoắt như múa. Từng thìa con múc bột trứng nhẹ nhàng rót vào khuôn, mỡ dềnh ra ai bên mép khuôn mươn mướt. Nắp khuôn phủ đầy than hoa đậy lại, tay quạt của bà ve vẩy bên đám than hồng. Đổ bánh khó nhất là giữ cho lửa đều, bánh chín vàng, dậy đôi khuôn, xé miệng mới thành công.
Mỗi lần bọn trẻ chúng tôi lao xao chuyện, bà sợ sao nhãng, lửa già, bánh cháy nên cấm tiệt. Không ồn ào! Mỗi lần bà cầm đũa cả gạt gạt mấy hòn than, tra vào quai nắp, he hé xem chừng được chưa là cả mấy đứa cháu nín thở. Gương mặt đứa cháu giãn ra, nụ cười thoáng trong mắt bà vì mẻ bánh đẹp mới ra khuôn. Trở đầu que tăm, tay bà lại thoăn thoắt chích những cái bánh cho ra thúng, để riêng chuẩn bị cho công đoạn sấy, thoăn thoắt ngoáy mỡ trong khuôn...
Bếp lửa. Tranh: Hoàng Bá Linh
Khi còn thơ bé, sân vườn, bếp nhà bà là cả một bầu trời. Tôi cứ nghĩ, chỉ có quê mình mới có thứ bánh xoài thơm tho. Lớn lên, chân trời rộng mở, mới biết rằng suốt dải đất miền Trung, tháng Chạp lạnh lẽo mưa phùn, trong gian bếp ấm nồng, biết bao đứa trẻ cũng quây quần bên bà, bên mẹ háo hức chờ từng mẻ bánh. Mùi bánh mới ra khuôn thơm lừng quyện trong khói bếp đã thành mùi hương báo hiệu ngày Tết đã cận kề.
Rồi cuộc sống cũng khá dần lên. Hàng hóa nhiều hơn, bánh xoài được làm bằng máy, đổ khuôn hàng loạt. Bánh vẫn hiện diện trong bàn nước mỗi nhà, nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu chút hương xưa đã hằn in trong kí ức - mùi bánh thơm vấn vít chái bếp chiều đông.
Bánh xoài ngày nay được làm bằng máy, đổ khuôn hàng loạt. Ảnh: Phúc Nguyên
Có phải vì thế chăng, khi mà các mặt hàng bánh trái được sản xuất bằng dây chuyền, máy móc, bao bì xanh đỏ bắt mắt được bày bán đầy cửa hàng, cửa hiệu vẫn có xu hướng hàng handmade như là một sự trở về gần gũi với thiên nhiên và hoài niệm hương xưa vị cũ?
Và tôi chợt giật mình, từ ngày lấy chồng, sinh con, mình đã bị cuốn theo bao lo toan mà không còn làm bánh xoài nữa. Dẫu các con vẫn biết thức bánh này, nhưng chưa bao giờ các con được hưởng cái không khí mẹ con, bà cháu quây quần bên bếp than, hồi hộp nhìn tay bà he hé nắp vung xem bánh đã chín chưa, hít hà mùi thơm tỏa ra ngọt ngào. Miền kí ức của con đã không có hương bánh xoài lẫn trong khói bếp bay bay!
Bếp xưa của mẹ
Tôi sinh ra ở miền quê nghèo Vĩnh Bảo - Hải Phòng, tuổi thơ tôi là những cánh đồng lúa thơm ngát cùng khói bếp lam chiều...
Thịt kho không đã ngon, cho thêm thứ này hương vị hấp dẫn lên 2 lần, cắn một miếng đã hài lòng Món thịt kho măng vừa ngon lại không hề ngấy, thịt mềm tan trong miệng, măng hơi giòn vô cùng hấp dẫn. Cùng thực hiện nhé. Nguyên liệu: 400g thịt ba chỉ, 200g măng khô, hẹ, gừng, tỏi, quế, hoa hồi, lá nguyệt quế, ớt đỏ khô, đường phèn, rượu nấu ăn, nước tương nhạt, hắc xì dầu,bia. Chuẩn bị nguyên liệu. Cách...