Món Huế và Highlands Coffee sau kế hoạch IPO bất thành
Cùng kinh doanh chuỗi nhà hàng F&B với tham vọng IPO trên sàn chứng khoán, nhưng kết quả của Món Huế và Highlands Coffee lại diễn ra trái ngược sau khi kế hoạch này bất thành.
Tại thị trường Việt Nam, Highlands Coffee hiện là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất cả nước với gần 300 cửa hàng. Trong khi đó, trước thời điểm phải đóng hầu hết cửa hàng, Món Huế cũng nằm trong nhóm chuỗi nhà hàng ẩm thực có số lượng nhiều nhất với 77 cửa hàng trên cả nước.
Tham vọng IPO của ông chủ 2 chuỗi F&B
Cùng kinh doanh lĩnh vực chuỗi nhà hàng F&B, cả Món Huế và Highlands Coffee từng nuôi tham vọng chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng IPO để gọi vốn mở rộng thị trường.
Cuối năm 2015, trang FinanceAsia cho hay, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi Món Huế) đã lên kế hoạch gửi hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Thương vụ được dự đoán sẽ tiến hành vào đầu năm 2016, tuy nhiên, phía Huy Việt Nam không công bố số lượng cổ phần phát hành. Theo dữ liệu của FinanceAsia, hãng dự báo đại diện phía Việt Nam có thể huy động khoảng 100 triệu USD trong đợt IPO này.
Chủ sở hữu Món Huế từng có tham vọng IPO chuỗi này trên sàn chứng khoán Hong Kong vào đầu năm 2016. Ảnh: Hữu Phúc/DealStreetAsia.
Trong đó, Công ty chứng khoán Citic CLSA và ngân hàng CIMB sẽ cùng hỗ trợ bảo lãnh phát hành cho Huy Việt Nam.
Tại thời điểm công bố kế hoạch IPO trên, Huy Việt Nam vận hành và quản lý khoảng 100 nhà hàng với 3 thương hiệu chính gồm Món Huế, Cơm Thố Cháy và Phở Ông Hùng. Trước đó, đầu năm 2014, ông Dennis Nguyen (khi đó là Phó chủ tịch Huy Việt Nam) cũng cho hay đang cân nhắc để tăng quy mô vốn thông qua việc niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Hong Kong.
Huy Việt Nam cũng chính là doanh nghiệp đứng ra nhận hàng chục triệu USD đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Đến nay, kế hoạch IPO trên sàn Hong Kong của Huy Việt Nam vẫn chưa được diễn ra trong khi hầu hết cửa hàng ẩm thực trong nước đã phải đóng cửa vì thua lỗ.
Cũng có tham vọng IPO để gọi vốn, Superfoods Group (chủ sở hữu và vận hành thương hiệu Highlands Coffee) đến nay vẫn chưa hoàn tất kế hoạch của mình.
Video đang HOT
Cụ thể, cuối năm 2016, DealStreetAsia cho biết, hãng đồ ăn nhanh của Philippines Jollibee Foods Corp và đối tác Công ty Việt Thái Quốc tế đã lên kế hoạch niêm yết chuỗi cửa hàng Highlands Coffee lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quy mô cũng như giá trị của đợt IPO không được tiết lộ, nhưng theo kế hoạch, Superfoods sẽ IPO trước hoặc trong tháng 7/2019.
Ngoài Highlands Coffee, liên doanh này còn sở hữu và vận hành chuỗi nhà hàng Phở 24, nhượng quyền thương hiệu chuỗi Hard Rock Café tại Hong Kong, Macau và Việt Nam.
Highlands Coffee hiện có gần 300 cửa hàng trên cả nước. Ảnh: Highlands Coffee.
Tuy nhiên, đến tháng 7 vừa qua, trong một thông báo gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Philippines (PSE), Jollibee cho biết kế hoạch IPO của Highlands Coffee sẽ không thể diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ phải đánh giá lại hiệu quả. Đến nay, chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đợt IPO của chuỗi cà phê này.
Highlands Coffee mở rộng, Món Huế đóng cửa hàng loạt
Cùng thất bại trong kế hoạch IPO, nhưng tình hình kinh doanh của Món Huế và Highlands Coffee tại thị trường Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược.
Trong khi Highlands Coffee không ngừng mở rộng và trở thành chuỗi cà phê lớn nhất cả nước thì Món Huế lại hụt hơi so với các đối thủ và đã phải dẹp bỏ hầu hết cửa hàng.
Cụ thể, số liệu của Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) cho biết, Highlands Coffee hiện là chuỗi cà phê có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Ước tính năm gần nhất (2018), chuỗi này đạt hơn 1.628 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 31% so với năm 2017.
Cùng năm, chuỗi đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm so với mức 132 tỷ năm 2017. Tuy vậy, đây vẫn là chuỗi cà phê có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường.
Tính riêng tại Việt Nam, Highlands Coffee đang vận hành 298 cửa hàng, cùng với đó là 43 cửa hàng cà phê tương tự tại Philippines.
Ngược lại, báo cáo tài chính của Món Huế cho biết, đến cuối năm 2018, công ty này đang lỗ lũy kế gần 107 tỷ đồng.
Năm 2015, sau khi nhận hàng chục triệu USD từ các quỹ đầu tư, số lượng cửa hàng cũng như doanh thu của chuỗi Món Huế tăng mạnh, đạt trên dưới 200 tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận lại có xu hướng lao dốc. Từ mức có lãi năm 2016, trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm Món Huế lỗ hơn 50 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của công ty đạt hơn 750 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên vượt mức 841 tỷ.
Hiện tại, hầu hết cửa hàng trong chuỗi Món Huế đều đã đóng cửa, các cửa hàng Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea cũng ngừng hoạt động tại nhiều nơi. Món Huế cũng đang bị các nhà cung cấp tố nợ hàng chục tỷ đồng tiền nguyên vật liệu, trong khi nhân viên, nhà đầu tư đã bị mất liên lạc với ban lãnh đạo.
Quang Thắng
Theo Zing.vn
Nhà đầu tư Món Huế vẫn chưa tiếp cận được chứng từ của Huy Việt Nam
Người đại diện nhóm nhà đầu tư ngoại của Món Huế cho biết chưa tiếp cận được các tài liệu, chứng từ, nên chưa có thông tin tin cậy để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nhóm nhà đầu tư này gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital.
Đại diện nhóm cho biết họ đại diện cho tất cả cổ đông của công ty, trừ ông Huy Nhật. Từ năm 2013 đến nay, nhóm này đã đầu tư hơn 70 triệu USD vào Huy Việt Nam. Nhóm này cũng khẳng định không liên quan đến bà K.H., người cũng nhận là nhà đầu tư của Huy Việt Nam và đang ngỏ ý muốn mua lại chuỗi Món Huế.
Trả lời Zing.vn chiều 31/10, đại diện nhóm các nhà đầu tư cho biết chưa thể tiếp cận với các tài liệu, chứng từ của công ty Huy Việt Nam, do đó chưa có thông tin tin cậy để đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp hay có phương án giải quyết công nợ, tiền lương. Sự nỗ lực kiểm soát, phục hồi hoạt động của công ty vẫn đang được tiến hành.
Ông Huy Nhật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Huy Việt Nam, chưa xuất hiện bất chấp khủng hoảng của chuỗi Món Huế. Ảnh: Huy Việt Nam.
Trước đó, theo báo cáo tài chính được công bố, doanh thu của Món Huế trong 3 năm gần nhất duy trì ở mức 200 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, lợi nhuận xuống dốc nhanh. Từ chỗ có lãi năm 2016, trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm Món Huế lỗ hơn 50 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của Món Huế tới cuối năm 2018 là trên 100 tỷ đồng, nợ phải trả lên đến 841 tỷ đồng.
Thời điểm này, cả nhóm nhà đầu tư ngoại lẫn bà K.H. đều khẳng định chưa thể liên lạc với ông Huy Nhật, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh và các thành viên khác trong ban quản trị.
Nhóm nhà đầu tư ngoại cho rằng ông Huy Nhật "đang trốn tránh và từ chối chịu trách nhiệm cho những hành vi lừa đảo của mình", dù vẫn đang ở Việt Nam.
Các nhà đầu tư ngoại xác định "ưu tiên hiện nay là lãm rõ hành vi lừa đảo và đưa những người này ra trước pháp luật".
"Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi ông Huy Nhật, bà Ngô Thị Mỹ Hạnh và các thành viên trong ban quản trị, hoàn trả lại cho công ty các khoản tiền quỹ đã bị chiếm dụng và giải quyết vấn đề hiện nay với các nhà cung cấp, các nhân viên, cơ quan thuế và tập trung vào việc phục hồi hoạt động của Huy Việt Nam", nhóm nhà đầu tư nói.
Công ty Huy Việt Nam Group Limited sở hữu các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.
Hiện tại, hệ thống Món Huế đã đóng cửa hầu hết chi nhánh trên toàn quốc. Các chuỗi Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea cũng ngừng hoạt động tại một số địa điểm.
Zing.vn liên tục liên hệ đến Công ty TNHH Món Huế và Công ty Huy Việt Nam cũng như ban lãnh đạo công ty nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tính đến chiều 31/10, số tiền Công ty Huy Việt Nam đang nợ hơn 60 nhà cung cấp được thống kê đã lên đến hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, ngày 28/10, chỉ 2 nhà cung cấp xác nhận đã được thanh toán một phần.
Đại diện một đơn vị cung cấp thịt bò, với 395 triệu đồng công nợ, cho biết đã nhận được số tiền 50 triệu đồng từ Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Một nhà cung cấp khác cũng đã nhận được 100 triệu đồng thanh toán, dù món nợ lên đến gần 3 tỷ đồng.
Về phía 1.500 lao động mất việc làm do việc đóng cửa các nhà hàng, quán trà sữa thuộc hệ thống Huy Việt Nam, họ cho biết bị nợ 70% lương tháng 9 và toàn bộ lương tháng 10. Đến nay, số lương này vẫn chỉ là hứa hẹn.
Lan Anh
Theo Zing.vn
Món Huế trả nợ cho nhà cung cấp, "người có, kẻ không" Nhà cung cấp nào may mắn thì được Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế trả nợ từ 50 - 100 triệu đồng, không may thì tiền vẫn chưa vào tài khoản như cam kết Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế đã thanh toán 50 triệu đồng cho nhà cung cấp thịt bò. Đại diện một doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt...