Món Cháo Môn Bình Dương ngon lạ miệng
Món cháo môn là món ăn bình dị của vùng đất Thủ, xứ Bình Dương. Món cháo này phổ biến ở vùng nông thôn nhưng nay trở thành món ăn lạ lẫm bởi không nhiều người nấu ngon và không dễ tìm được món ăn bình dị này.
Món Cháo Môn – Bình Dương ngon lạ miệng
Cách nấu món cháo môn:
Cháo được nấu từ gạo rang hoặc gạo vo sạch. Củ môn được gọt sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với gạo cho mềm.
Khi cháo nhừ, củ môn đã vừa chín, người nấu hạ nhỏ lửa nhưng vẫn giữ cho nồi cháo sôi trên bếp.
Bẹ môn được lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn. Khi nồi cháo đang sôi thì cho bẹ môn vào và giữ cho lửa đều đều, không tắt. Đến khi bẹ môn mềm nhũn ra là ăn được.
Video đang HOT
Mách nhỏ:
Nếu chỉ nhúng bẹ môn vào cháo cho mềm thì không “khử” được ngứa của môn. Khi đó, bẹ môn chạm vào môi, ngứa không cách gì trị được.
Nếu đã lỡ nuốt vào thì cuống họng ngứa mãi không thôi. Vì thế, khi nấu, người ta rất cẩn thận và quan sát suốt thời gian nấu đến khi chắc chắn cọng môn đã chín mềm.
Thưởng thức món cháo môn Bình Dương:
Cháo môn được ăn chung với nhiều món kèm. Đơn giản nhất là ăn với thịt kho, cá kho như ăn cháo trắng, cháo đậu vậy. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo môn với cá.
Nhưng ngon nhất là nấu cháo môn với lươn. Người ta chọn con lươn ngon khoảng một ký, làm sạch nhớt và rửa sạch. Để lươn ngọt thì không nên mổ bụng khi làm thịt, giữ nguyên máu trong cơ thể lươn khi nấu.
Lươn chín, thực khách chỉ cần lấy dao mổ bụng, lấy phần ruột bỏ và ăn thịt lưng. Cháo môn nấu với lươn là món ăn bổ dưỡng, tốt cho cơ thể người bệnh hoặc làm việc mệt mỏi, cần bồi bổ cho mau lại sức.
Chúng ta thưởng thức món cháo môn nấu với lươn trong sự khoan khoái. Nồi cháo mang ra thơm phức. Màu trắng của cháo pha chút màu xanh của bẹ môn, màu vàng của lươn cùng với hành tiêu, củ hành phi… tạo sự đa sắc cho món ăn và mùi thơm phưng phức, làm bao tử cồn cào. Từ những muỗng cháo đầu tiên, mồ hôi đã tuôn ra. Càng ăn càng thấy ngon và cảm giác sức khỏe được phục hồi.
Bản đồ ẩm thực: Bánh bèo bì, món ngon trăm tuổi ở Bình Dương
Ngoài gỏi gà măng cụt, Bình Dương còn thu hút những thực khách sành ăn tìm đến bởi nơi đây có món bánh bèo bì với tuổi đời hơn trăm năm.
Theo baobinhduong.vn, món ăn này có nguồn gốc từ gia đình bà Nguyễn Thị Ba, 86 tuổi, chủ quán bánh bèo Mỹ Liên ở thị xã Thuận An. Qua lời kể của bà, bánh bèo bì do bà ngoại của bà nghĩ ra và chỉ với gánh hàng rong bán bánh bèo mà đã nuôi lớn biết bao thế hệ con, cháu trong gia đình. Đến thời mẹ bà thì được nâng cấp lên thành quán ăn tại khu chợ Búng và hiện nay quán nằm trên đường ĐT745. Như vậy, trải qua nhiều thế hệ, món ăn này vẫn được duy trì và tuổi đời của nó có khi hơn trăm năm.
So với bánh bèo ở một số vùng miền khác thì bánh bèo bì có đôi chút khác biệt. Cụ thể, thay vì ăn kèm với tôm, thịt thì bánh bèo bì lại dùng bì heo làm điểm nhấn. Ấy thế mà lại được nhiều thực khách đón nhận, không chỉ người dân trong tỉnh mà người các khu vực lân cận như TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước hay Tây Ninh cũng tìm đến thưởng thức.
Tuy thành phần món ăn chỉ gồm bánh bèo, bì và nước mắm nhưng chứa đựng trong nó là sự tỉ mỉ, chỉn chu của thợ nấu trong từng công đoạn, làm sao bánh bèo phải chuẩn vị, bì giòn sần sật và nước mắm ngọt thanh.
Bàn về công đoạn đổ bánh bèo thì cũng lắm công phu. Đầu tiên, người thợ sẽ ngâm gạo qua đêm, để ráo nước rồi xay nhuyễn cùng nước lọc để có được bột đổ bánh. Rồi khi đổ bánh thì phải canh lửa và thời gian sao cho bánh vừa chín tới, nếu quá chín sẽ bị dai.
Trong khi đó, bì heo được làm từ thịt heo phần nạc lưng luộc chín, đảo qua nước dừa lấy vị ngọt rồi trộn cùng da heo luộc chín thái sợi nhỏ, rắc thêm ít thính để tạo thêm độ bùi cho bì heo. Thành phần cuối cùng của món ăn này là nước mắm, hỗn hợp gồm nước mắm nguyên chất, đường, giấm được pha chế theo bí quyết riêng của từng quán.
Khi thực khách gọi món, chủ quán sẽ gắp những chiếc bánh nhỏ tròn, trắng phau cho lên đĩa. Tiếp đến, quết ít đậu xanh lên mặt bánh rồi phủ lớp bì kèm thêm ít rau, dưa leo thái mỏng, mỡ hành. Khi thưởng thức, mọi người chỉ việc rưới nước mắm lên đĩa bánh và dùng muỗng xắn phần thức ăn tùy thích.
Tuy ngày nay, tại TPHCM đã có một số hàng quán bán bánh bèo bì nhưng hương vị không được như ở Bình Dương. Thế nên, nhiều người tranh thủ dịp cuối tuần, về Bình Dương ghé thăm các vườn trái cây, thưởng thức những loại trái cây ngon và nhâm nhi vài đĩa bánh bèo bì thơm ngon.
Bản đồ ẩm thực: Gỏi gà măng cụt Bình Dương Là tỉnh nằm giáp ranh TPHCM, Bình Dương tuy không quá nổi bật về du lịch - ẩm thực nhưng nơi này cũng có cho riêng mình một đặc sản mà ai nấy ghé thăm cũng đều háo hức thưởng thức. Đó chính là gỏi gà măng cụt, món ngon hòa quyện bởi vị ngọt thanh của thịt gà và chút chua nhẹ...