Món bánh dây đặc sản Bồng Sơn: Trông dân dã mà đã ăn là không thể dừng đũa
Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là món bún xào, nhưng câu trả lời là nhầm rồi nhé! Bình Định vẫy gọi du khách với không ít cảnh đẹp và món ngon từ bánh xèo tôm nhảy đến bánh ít lá gai…
Thế nhưng, một khi đã đến Bồng Sơn, có món bánh mà nhất định phải thử đó chính là bánh dây.
Bánh dây là món ăn đặc sản của vùng quê Bồng Sơn. (Ảnh: tienlamit)
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là món bún bởi vẻ ngoài là những sợi bánh dài, vàng nhạt dính với nhau. Cũng bởi vậy mà bánh còn có tên gọi khác là bún dây, đây là đặc sản của thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.
Đĩa bánh dây dễ bị nhầm lẫn với bún xào bởi hình dáng những sợi bánh khá giống như bún. (Ảnh: huynhanh82)
Cũng được làm từ gạo như bao loại bánh khác, nhưng bánh dây mang một hương vị thơm ngon khác hẳn, và công đoạn để làm ra cũng không hề đơn giản.
Gạo được sử dụng để làm bánh dây phải là gạo lúa cũ – loại gạo xay bởi lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Việc sử dụng gạo lúa cũ sẽ giúp sợi bánh có vị dai đặc trưng, tạo nên điểm nhấn của món ăn. Sau khi được vo sạch, người thợ sẽ đem gạo ngâm với nước tro củi trong 6 tiếng đồng hồ.
Công đoạn để cho ra những sợi bánh dây đầy công phu. (Ảnh: Diệp Khánh Linh)
Tiếp đó, gạo sẽ được đem xay thành bột và hấp chín, đến khi đặc thì ngắt thành miếng nhỏ cho vào khuôn ép thành sợi. Những sợi bánh này lại được đem đi hấp cách thủy một lần nữa cho chín đều.
Thành phẩm đạt chất lượng là những sợi bánh màu vàng nhạt rất đẹp mắt dính với nhau. Lúc này, bánh dây đã có thể sẵn sàng để chế biến.
Video đang HOT
Thành phẩm bánh dây với màu vàng nhạt tự nhiên. (Ảnh: Diệp Khánh Linh)
Bánh dây sẽ được người bán xé rời và ngắt thành từng đoạn ngắn, thoa thêm ít dầu hẹ, rắc thêm chút đậu phộng rang thơm lừng ăn kèm rau sống cùng nước mắm tỏi ớt. Vậy là đã có một bữa ăn dân dã nhưng không kém phần ngon miệng.
Chỉ ăn kèm với chút rau sống và đậu phộng nhưng món bánh dây lại lôi cuốn đến lạ. (Ảnh: chudu24)
Chỉ đơn giản là sợi bánh với ít nguyên liệu nhưng vị dai của bánh dây hòa cùng nước mắm được pha chuẩn vị ngọt ngọt, mằn mặn quyện cùng mùi thơm của các loại rau sống và chút bùi bùi của đậu phộng, khiến người ăn không muốn dừng đũa.
Nước chấm cũng là một trong những thành phần quan trọng để làm nên vị ngon của món bánh dây. (Ảnh: Nguyen Thi Binh An)
Món bánh dây mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần kỳ công này chắc chắn sẽ đem lại cho du khách một trải nghiệm ẩm thực khó quên.
Nếu có dịp đến Bình Định, ngại gì không thử một đĩa bánh dây để bổ sung trải nghiệm ẩm thực của mình thêm một món ăn ngon. (Ảnh: Diệp Khánh Linh)
Hiện nay, bánh dây không chỉ được bán gói gọn trong khu vực thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn mà có mặt ở rất nhiều nơi tại Bình Định. Mặc dù vậy, nếu muốn thưởng thức đĩa bánh dây chính gốc thơm ngon, cũng như nghe thêm câu chuyện đằng sau những sợi bánh kỳ công này thì nhất định phải ghé đến Bồng Sơn.
Ngoài mì Quảng, cao lầu, Quảng Nam còn 1 món phở đặc sản ngon xuất sắc
Đến với đất Quảng nắng gió, thực khách sẽ được thưởng thức một hương vị phở đầy mới lạ với nguyên liệu từ củ sắn.
Nhắc đến Quảng Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món mì Quảng nức tiếng hay cao lầu mang danh "đặc sản Hội An". Nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu như cái tên phở sắn không được nhắc đến, bởi đây cũng là một món ăn độc đáo và có hương vị không hề thua kém những đặc sản cùng quê vừa kể trên.
Phở sắn bắt nguồn từ thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Gọi là phở sắn đơn giản bởi vì sợi phở được làm từ nguyên liệu chính là củ sắn, và đây cũng là điểm nhấn đặc biệt của món ăn này.
Phở sắn là món ăn đặc sản ở vùng Quế Sơn, Quảng Nam. (Ảnh: tapihealthyfoodandcafe)
Những sợi phở không làm bằng bột gạo cũng không đổ theo dạng dẹt và dài như các loại phở mà chúng ta vẫn ăn thông thường. Sợi phở sắn được đổ theo hình lưới trông rất lạ mắt. Và tất nhiên, để chế biến ra món phở này cũng đòi hỏi các công đoạn cầu kỳ.
Những sợi phở có hình lưới, vị bùi bùi dai dai chính là điểm nhấn của món ăn. (Ảnh: heritagevna.magazine)
Chỉ những cây sắn đạt tiêu chuẩn mới được sử dụng để thái miếng mỏng, đem đi phơi khô và sau đó xay thành bột mịn. Tiếp đó, bột sẽ được đem đi ngâm để khử chua rồi được khuấy đều cho đến khi thành bột đặc. Người thợ làm phở sẽ tiếp tục ngâm cho đến khi bột được khử chua hoàn toàn rồi sau đó nấu bột, tiến tới công đoạn cuối cùng là ép bột thành những sợi nhỏ như chúng ta thấy.
Quá trình để làm ra những bánh phở sắn cũng rất kỳ công. (Ảnh: heritagevna.magazine)
Nhiều năm trước, các công đoạn này đều được làm thủ công, nhưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phở sắn đã có quy trình sản xuất hiện đại và nhanh gọn hơn rất nhiều.
Để hoàn thiện một tô phở sắn thì không quá tốn công sức như làm ra những sợi phở. Trước khi ăn, sợi phở sắn được ngâm nước lạnh chừng 5 phút vớt ra để ráo rồi chan nước dùng cùng đồ ăn đi kèm.
Hình ảnh hấp dẫn khó cưỡng của phở sắn. (Ảnh: trungbuii)
Món ăn này được chế biến với nhiều vị nước lèo như cá lóc, lươn... Trong đó, người Quế Sơn thường ăn phở sắn với nước cá nục, cá ngừ biển tươi ngon.
Món ăn này có thể được chế biến với nhiều loại nước dùng, nguyên liệu ăn kèm như các loại cá, tôm... (Ảnh: chuttlee)
Trong số đó thì phiên bản phở sắn cá lóc cũng khá phổ biến. (Ảnh: oanhnguyen1209)
Phở sắn còn có phiên bản trộn khô, nhưng nhìn chung, dù với hình thức nào, loại nước dùng nào thì điểm nhấn vẫn chính là sợi phở dai dai, bùi bùi cùng hương thơm tự nhiên từ sắn. Vị ngọt của cá, tôm, thịt, hòa cùng mùi thơm của rau húng, quế, ngò, hoa chuối non hòa cùng sợi phở sắn đã tạo nên một hương vị khó quên và không lẫn vào đâu được.
Phở sắn còn có thể ăn theo kiểu trộn khô. (Ảnh: tapihealthyfoodandcafe)
Dù có không ít biến tấu, nhưng điểm nhấn là sợi phở hình lưới độc đáo chính là điều tạo nên sắc thái và hương vị riêng biệt của phở sắn. (Ảnh: tapihealthyfoodandcafe)
Phở sắn - Một món ăn mang đậm hương vị đất Quảng không thể bỏ lỡ. (Ảnh: hongtramid)
Nếu có dịp về Quảng Nam, nhất định phải một lần thử qua món phở sắn. Chắc chắn trải nghiệm ẩm thực tuy dân dã nhưng không kém phần độc đáo này sẽ không khiến bạn thất vọng.
Cách làm chả giò rế giòn ngon hấp dẫn Nhắc đến các món ăn đặc sản của nền ẩm thực Việt Nam, không thể không nhắc đến món "chả giò rế" truyền thống được lưu truyền qua biết bao thế hệ. Có thể nói đây là món ăn dễ chịu nhất vì ta chỉ cần biết cách làm lớp vỏ, còn phần nhân bên trong có thể kết hợp với nhiều loại...