Món ăn tăng lực cho tim
Ngoại trừ bẩm sinh, còn lại, những bệnh tim mắc phải la do trong quá trình sống và làm việc liên quan nhiều đến ăn uống.
BS Đào thị Yến Phi – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết: “Những món ăn buộc tim làm việc quá sức gồm: những món chứa nhiều chất béo, chứa nhiều đường đơn, nhiều đạm. Ngoài ra, các chất kích thích thần kinh trung ương như cà phê, thuốc lá, thực phẩm chức năng làm tăng hoạt động của hệ thần kinh đồng thời kích thích cơ tim hoạt động như: chất tăng lực, cafein”.
Ảnh: SS
Do đó, hằng ngày cần ăn nhiều acid béo không no để hỗ trợ hoạt động của tim mạch như: dầu mè, dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu hướng dương… Tuy nhiên, dầu dù tốt đến đâu, nếu nấu lâu trên bếp, các mối liên kết hóa học cũng vỡ và hình thành chất mới. Vì thế, khi nấu nướng nên cho dầu vào sau cùng. Như vậy, các món có lợi cho tim mạch là các loại trộn dầu giấm. Có thể dùng rau và cả trái cây để trộn, bữa ăn vừa ngon mắt hơn, vừa nhiều sinh tố và chất béo có lợi cho cơ thể. Các món đề nghị gồm: bắp lể lấy hạt hấp chín, rau xà lách, cà chua trộn dầu giấm; các loại đậu đen, đậu đỏ, đậu bo, nấm hấp chín trộn xà lách, gỏi vịt trộn bắp cải, hoa chuối, gỏi gà… Các món gỏi trái cây trộn xốt trứng gà cũng tốt cho tim mạch như: táo, lê, dưa hoàng kim, dâu tây trộn với muối, chanh, một chút sữa và xốt trứng gà. Không ăn những món chiên ngập dầu ở nhiệt độ cao, vì chúng chứa nhiều chất béo, không tốt cho sức khỏe. Trong bữa cơm hằng ngày nên có “hàng kèm” là món canh rau các loại có tác dụng ngăn cản hấp thu chất béo tại thành ruột như: đậu bắp hấp, mướp luộc, canh rau mồng tơi, canh măng khô…
Bên cạnh những chất béo no có hại thì chế độ ăn nhiều bột đường cũng góp phần làm mệt tim. Vì thế, cần tránh ăn những gói snack bởi thành phần của chúng chỉ có hương liệu, bột, muối và dầu chiên. Các loại khoai tây chiên đóng hộp cũng chứa nhiều dầu và muối, buộc tim phải lao động cật lực. Nên hạn chế ăn các món có mùi thơm quyến rũ như: bắp rang bơ (nhiều chất béo no và đường), bánh bông lan, bánh kem bơ… Mỗi tuần nên ăn cá từ hai đến ba lần. Chẳng hạn các món cá điêu hồng nấu riêu, cá hồi nướng, cá chẽm xốt cà chua, cá chẽm chưng tương, cá điêu hồng nướng, cá trích xốt cà, cá ngừ nấu với thơm, cà… Theo BS Đào Hữu Trung – Bệnh viện tim Tâm Đức TP.HCM, cân hạn chế ăn món kho vì những món kho thường mặn mới ngon miệng (ăn nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới cao huyết áp). Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt heo…
Video đang HOT
Nên ăn uống đều đặn, không ăn lượng thực phẩm nhiều hơn so với nhu cầu. Bởi, khi ăn quá nhiều, tim phải co bóp liên tục để cung cấp máu giúp hệ tiêu hóa làm việc. Không ăn trước giờ ngủ vì như thế là “bóc lột” sức lao động của trái tim.
Tập thể dục nhẹ nhàng và kéo dài để phát triển cơ tim và mạch máu. Sự vận động nhanh và mạnh chỉ tăng cơ, không tăng mạch máu nên tim to ra nhưng thiếu máu nuôi.
Theo PNO
Cẩn thận với đau thắt ngực trái
Đau ngực trái có thể là khởi đầu của bệnh mạch vành, nếu chậm trễ để xảy ra biến chứng thì nguy cơ tử vong rất cao.
Chủ quan không thăm khám
Bà N.T.H (52 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị đau ngực trái từ 3-4 năm nay, nhưng mức độ đau chỉ là thỉnh thoảng nhói nhẹ. Vì thế bà nghĩ đó chỉ là những rối loạn thông thường ở người cao tuổi chứ không hề nghĩ đến bệnh của tim. Thực tế, bà H. vẫn đi đứng, làm việc bình thường.
Một ca mổ xử trí bệnh tim mạch
Năm ngoái, bà H. bị một cơn đau nặng phải nằm ở nhà. Con cái lo lắng giục đưa bà đi khám, nhưng bà không chịu. Gần đây, trong lúc đi du lịch, đường xa, trời nắng, đi lại nhiều, lại phải leo bậc thang khiến bà mệt mỏi, ngực thắt lại, mắt hoa lên, bà nằm lăn ra bất tỉnh. Bà H. được đưa đến Bệnh viện 103, Hà Nội. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy động mạch vành nhánh trái của bà bị vữa xơ, trên bản ghi điện tim, bà bị thiếu máu cơ tim vùng trước bên, diện rộng...
Đáng ngại khi bệnh không biểu hiện
Bệnh mạch vành là tình trạng hẹp hoặc tắc động mạch vành gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ hay nhồi máu cơ tim. Cần biết, cơ tim vô cùng nhạy cảm với thiếu máu. Chỉ cần một thiếu máu nhỏ cũng có thể gây đau, chỉ cần một thiếu máu trong một thời gian ngắn cũng có thể gây ra hoại tử.
Đau ngực là dấu hiệu sớm nhất, dễ nhận thấy nhất của bệnh mạch vành. Thông thường thì khi mạch vành bán tắc hoặc tắc gần như hoàn toàn thì chúng ta sẽ có cảm giác đau ngực trái. Cơn đau này được gọi là cơn đau thắt ngực: đau bên ngực trái, đau như thắt bóp, đè ép tim. Đau có xu hướng lan lên vai trái, xuyên ra sau lưng và lan xuống cánh tay trái.
Nhưng không phải mọi trường hợp bệnh mạch vành đều đau ngực trái rõ ràng, mà nhiều khi chỉ có biểu hiện một cảm giác nhói bên ngực trái hoặc đau rất nhẹ. Nhiều trường hợp mạch vành bị hẹp lại thực sự, cơ tim bị thiếu máu thực sự nhưng lại hầu như không có hoặc có rất ít triệu chứng. Trường hợp này thuộc dạng bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng hay thể câm. Thể này là thể đáng ngại nhất vì dễ gây ra tử vong nhất do người bệnh không chú ý đề phòng.
Vì thế, với bất kỳ dạng nào của bệnh mạch vành, chúng ta tuyệt đối không nên coi thường, phải để ý những cơn đau ngực trái. Nhất là những người tuổi cao, nghiện rượu, hút thuốc lá, béo phì, có tiền sử bệnh mạch vành, tăng huyết áp thì cần đi khám bệnh cẩn thận.
Theo TNO
Làm sao chọn được dầu ăn đảm bảo? Tôi được biết hiện có nhiều loại dầu ăn được sản xuất bằng công nghệ không đảm bảo có chứa Trans Fat gây nhiều bệnh. Vậy xin hỏi, thế nào là dầu ăn đạt tiêu chuẩn? "Tôi được biết hiện có nhiều loại dầu ăn được sản xuất bằng công nghệ không đảm bảo có chứa Trans Fat gây nhiều bệnh. Vậy xin...