Món ăn nhìn như cục than nhưng ngon quên sầu và giá khá “chát”
Hầu hết những người nhìn thấy món ăn này lần đầu đều nghĩ đó là một cục than đen xì, thế nhưng khi cắn một miếng thì mới ngỡ ra nó là bánh cá chiên.
Chủ một quán cà phê ở Melbourne, Úc cho biết quán có một món ăn rất nổi tiếng, hình dạng của nó trông không khác gì cục than đen xì cháy đen. Chính vì hình dáng đặc biệt bên ngoài cùng với vị ngon lạ miệng của nó mà món ăn này ngay lập tức khiến nhiều người đổ xô tới ăn thử và đăng tải hình ảnh lên MXH.
Quán cà phê này có tên là Long Story Short và món ăn đen xì nổi tiếng kia có giá 19 đô Úc (khoảng 300 nghìn đồng), được làm từ cá và khoai tây trộn với than hoạt tính nên nó có màu đen chủ đạo. Thông thường nó sẽ được ăn kèm với củ cải đường, khoai tây chiên và salad.
Hầu hết mọi người đều công nhận rằng mùi vị của món ăn này thực sự rất tuyệt vời nhưng hình dạng bên ngoài không được hấp dẫn cho lắm. Một người bình luận trên tài khoản Instagram của quán cà phê là: “Khi tôi ăn, tôi sẽ nghĩ nó là một cái bánh mì bị cháy đen, nhưng khi cắn vào thì vị ngon lan tỏa, giòn rụm, thơm. Tôi rất thích mùi vị này”.
Video đang HOT
Một bình luận khác đã viết: “Mặc dù nó có vị như thế nào đi chăng nữa nhưng hình dạng của nó thật tệ. Than hoạt tính sẽ bị biến chất trong quá trình chiên nên tôi nghĩ món ăn này không tốt cho sức khỏe”.
Màu đen của món ăn này được làm than hoạt tính, một thực phẩm sức khỏe nổi tiếng với công dụng làm sạch, thanh lọc và giải độc. Phụ nữ Nhật đã sử dụng nó trong nhiều thế kỷ để chăm sóc da, nhưng gần đây nó mới trở thành một siêu thực phẩm thời thượng, được bán ở dạng viên hoặc bột, thường được cho vào bánh, kem, sinh tố…
Mặc dù món ăn này nhận được nhiều bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng nhưng nó lại lan truyền rất mạnh mẽ, do đó món ăn bán rất chạy.
Các món khác trong thực đơn của Long Story Short bao gồm souvlaki (thịt và rau củ nướng xiên) có giá 336.000 VNĐ, salad trái cây có giá 256.000 VNĐ và tiramisu cà phê có giá 272.000 VNĐ.
Theo News
Khám phá kim chi xứ Hàn
Không chỉ là một món ăn nổi tiếng, kim chi còn là một nét văn hóa gắn liền với đời sống của người dân xứ Hàn
Được coi là một "huyền thoại văn hóa" gắn liền với thời đại cổ xưa ở Hàn Quốc, từ lâu kim chi đã trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người dân xứ Hàn. Trải qua một quá trình lịch sử dài lâu, ngày nay ở Hàn Quốc có đến hàng trăm loại kim chi khác nhau, trong đó nổi tiếng và phổ biến nhất là kim chi cải thảo. Với thành phần chính là cải thảo, tỏi, bột ớt và nhiều gia vị khác, không ít người chỉ ăn thử một lần mà nhớ mãi hương vị cay nồng rất đặc biệt của món ăn lên men này.
Mùa đông ở Hàn Quốc vốn rất khắc nghiệt với những ngày nhiệt độ xuống tới âm độ kéo dài. Đặc điểm khí hậu này khiến cho người dân nơi đây không thể trồng bất cứ loại rau nào trong mùa lạnh, bởi vậy họ đã tìm ra cách lên men thực phẩm với muối để bảo quản và lưu giữ đồ ăn cho mùa đông lạnh kéo dài. Cách thức này không chỉ được được áp dụng cho các loại rau củ mà còn trở thành nghệ thuật bảo quản đồ ăn trong nền văn hóa ẩm thực Hàn Quốc.
Nhiều nguồn thông tin cho rằng, cách ủ men thức ăn bắt đầu được người Hàn sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 7. Và đây cũng là khoảng thời điểm loại kim chi đầu tiên ra đời. Theo ghi chép được tìm thấy trong cuốn Kinh Thi, "kimchi" ban đầu được gọi là "ji" với nghĩa gốc là ngâm, tẩm thấm. Những nghiên cứu về món ăn này cũng chỉ ra rằng "kimchi" đã trải qua một số tên gọi như shimchae (rau muối) - dimchae - kimchae - kimchi, do việc thay đổi ngữ âm theo thời gian.
Trong suốt một thời gian dài, kim chi đơn thuần chỉ được coi như một loại rau muối thông thường, không có ớt đỏ. Và loại kim chi phổ biến trong thời gian đó là củ cải được ngâm trong nước muối chứ không phải là cải thảo.
Từ thế kỷ thứ 12, người dân xứ Hàn mới bắt đầu biến tấu và bổ sung thêm nhiều loại gia vị khác nhau cho món ăn này. Tuy nhiên phải đến thế kỷ thứ 18 thì ớt đỏ mới bắt đầu được sử dụng như một thành phần chính để làm nên kim chi. Mặc dù đã có nhiều thay đổi theo thời gian nhưng loại kim chi chúng ta thưởng thức ngày nay vẫn giữ được những nét đặc trưng của kim chi trước kia.
Quá trình phát triển của kim chi gắn liền với lịch sử các thời đại của Hàn Quốc. Kim chi trong thời Goryeo (918-1392) được thêm vào nhiều thành phần như tỏi, nấm thông, củ cải lớn và loại bắp cải nổi tiếng của Trung Quốc (thường gọi là cải thảo). Vị ngọt của kim chi cũng ra đời từ đây.
Một nhà thơ đã ghi chép lại như sau "món kim chi ngâm trong nước muối đã trở thành món ăn rất tốt trong mùa đông. Đặc biệt, loại bắp cải của Trung Quốc lớn lên từ trong lòng đất có mùi vị giống như quả lê, nhất là sau đêm sương giá đầu tiên trong mùa thu hoạch". Và cũng chính ở giai đoạn này, kim chi bắt đầu được nhiều người sử dụng như một loại thực phẩm hàng ngày chứ không chỉ là món ăn lưu trữ trong mùa đông.
Cho đến triều đại Joseon (1392-1910), kim chi trở nên đa dạng hơn. Muối không còn là chất bảo quản duy nhất mà món ăn này cũng có thể được bảo quản trong nước tương. Là triều đại có nhiều biến động trong lịch sử Hàn Quốc, Joseon cũng kéo theo những sự thay đổi lớn về ẩm thực với nhiều loại kim chi mới ra đời. Ớt đỏ cũng bắt đầu xuất hiện và trở thành thành phần chính không thể thiếu của kim chi. Sự kết hợp giữa vị cay của ớt, vị mặn của muối, vị ngọt của cải thảo cùng nhau làm nên hương vị nổi tiếng của kim chi mà chúng ta thưởng thức ngày nay.
Tính đến năm 1827, Hàn Quốc đã có đến 92 loại kim chi khác nhau, trong số đó có cả những món cá lên men kim chi vô cùng độc đáo. Cho đến ngày nay, kim chi ở Hàn Quốc đã có tới hơn 200 loại khác nhau. Thậm chí người ta còn xây dựng bảo tàng kim chi ở Seoul - thủ đô Hàn Quốc để trưng bày các loại kim chi khác nhau cùng với những thông tin về lịch sử cũng như những tác dụng của món ăn này. Đến thăm quan bảo tàng, du khách cũng có thể tự tay làm thử kim chi trong lớp dạy chế biến kim chi tại đây./.
Theo Dulichvn.org.vn
Đến phố Lò Đúc nhớ ăn cơm gà Hải Nam Cơm gà Hải Nam là món ăn nổi tiếng và được rất nhiều thực khách ưa chuộng, nếu bạn có dịp đi qua con phố Lò Đúc đừng quên ghé qua Kampong Chicken House để thưởng thức món cơm gà này, không thưởng thức món ăn này sẽ là một thiếu sót đó. Nằm trên một con phố ngắn nhưng khá đông đúc,...