Mối tình xuyên Việt của chàng ’sọ dừa’
Chàng trai Vũng Tàu có biệt danh “sọ dừa” vì 35 tuổi mà thân hình vẫn như trẻ con còn cô gái làm công nhân ở Hà Nội. Tình yêu đã đưa họ về chung một nhà.
Đồng hồ điểm 20h, Phạm Hữu Thọ lăn tròn trên đệm xuống sàn nhà, dùng lực đẩy đầu về phía tủ lạnh. Anh dùng cánh tay phải mềm oặt để bấm công tắc nồi cơm. Xong xuôi, anh tiếp tục lăn về phía chiếc điện thoại, bấm phím nhắn tin: “Vợ về chưa?, Chồng cắm cơm rồi”.
Vừa ra khỏi cổng một khu công nghiệp ở Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Phạm Thanh Hoa gọi luôn cho chồng: “Em đang về rồi. Chờ 10 phút em mua cho hộp cà phê. Anh cần gì nữa không?”. Anh Thọ nhấp nháy đôi mắt, đùa: “Chỉ cần vợ mập thôi”.
Vợ chồng chị Thanh Hoa, anh Hữu Thọ trong căn chung cư thuê tại Đông Anh, Hà Nội, hôm 28/11. Ảnh: Phan Dương.
35 tuổi nhưng Phạm Hữu Thọ vẫn như một em bé. Chân tay không phát triển, khuôn mặt cũng không dễ nhìn. Rất khó khăn để ngồi nên anh chỉ nằm và di chuyển bằng cách lăn. Những năm chưa lấy vợ, sống cùng bố mẹ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thi thoảng anh mới được ra khỏi phòng, đi cà phê. “Tôi như cục thịt, đặt đâu nằm đấy”, anh nói.
Một lần thấy chị họ nhắn tin trên điện thoại, Thọ mê lắm. Song anh nghĩ, mình không biết chữ thì làm sao mà dùng được. Chàng trai mày mò tự học lại bảng chữ cái nhưng cái tai điếc khiến anh mất cả tuần cũng không “ngấm” được mấy chữ.
Một chiều buồn quá, Thọ lên xe lăn ra đầu ngõ uống cà phê, không may bị vấp cục đá, té ngã phải đi viện. Sau hôm ấy người anh đau không nhúc nhích được. Nằm trên giường, ý nghĩ phải học chữ để dùng điện thoại cứ bám riết trong đầu. Thọ nghĩ ra cách nói câu gì thì nhờ anh em viết ra và chỉ cách đọc, dần như thế mà đọc thông. Anh mua điện thoại và chăm nói chuyện với bạn bè tứ phương để viết thạo. Từ năm 2016, Thọ bắt đầu bán hàng qua mạng, công việc đủ để nuôi sống mình, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.
Chị Phạm Thanh Hoa, 40 tuổi, là một khách hàng “ruột” của anh Thọ. Từ hai năm trước chị đã hay theo dõi các livestream bán hàng của Thọ. Mỗi lúc anh vắng khách, chị hay vào bình luận. Thấy anh có tâm trạng, chị cũng hỏi han. Một lần, Thọ tâm sự chuyện yêu đơn phương một cô gái, chị Hoa khuyến khích anh tỏ tình. Có điều cô gái đó bỏ chạy và từ đó tránh anh tránh như tà. Chàng trai hụt hẫng, lại tìm đến chị Hoa để trút bầu tâm sự.
Anh Thọ ít được đi đây đó. Từ ngày chị Hoa đón ra chăm, chị thường xuyên cho anh đi chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bản thân chị Hoa lấy chồng từ năm 18 tuổi theo nguyện vọng của cha mẹ, nhưng cuộc hôn nhân không tình yêu kết thúc khi con gái chào đời. Từ hơn chục năm trước Hoa đã ra Hà Nội làm công nhân và bám trụ tại đây nuôi con học hành, xây được nhà và mua xe hơi. “Lúc trẻ thì chơi với con, khi già thì chơi với cháu”, người phụ nữ quê Triệu Sơn, Thanh Hóa hoạch định cuộc đời.
Từ khi trò chuyện nhiều với anh Thọ, chị càng thấy quý. Anh chỉ ở trong bốn bức tường nhưng cách nói chuyện thông minh, dí dỏm. Nhiều lần, lối suy nghĩ của “ chàng sọ dừa” làm chị phá lên cười giữa những giờ giải lao. Một ngày, bỗng nhiên chị nảy ra ý nghĩ, nhỡ con gái lấy chồng xa, bố mẹ già yếu qua đời, sẽ cũng chỉ có một mình cô quạnh tuổi già. Mà lấy một người chồng lành lặn thì lại sợ họ cờ bạc, rượu chè. “Hay là lấy anh Thọ. Anh ấy nằm ngoan như em bé, dễ nuôi, mà mình thì cũng chỉ cần một người trò chuyện”, chị nghĩ.
Từ phía anh Thọ, thời gian đầu vẫn “kiêu” bởi tiêu chuẩn của anh là một người con gái “gầy và kém tuổi”. Một hôm khác, anh tâm sự về chuyện gia đình và thân phận như “tầm gửi” của mình, chị Hoa khóc. “Thấy cô ấy thương mình nên tôi rung động hơn”, anh chia sẻ.
Kẻ Bắc, người Nam nhưng họ bắt đầu yêu nhau từ mùa hè năm nay. Từ lúc đó, anh Thọ đã thường xuyên bày tỏ mong muốn được đoàn tụ với chị Hoa. Nhưng chị hẹn anh đợi thêm một năm nữa vì vẫn đang phải cố gắng làm để trả nợ mua xe và tích lũy một khoản dự phòng trước khi bỏ phố về quê.
Một tối trước Trung thu, thấy anh Thọ ăn bữa cơm muộn nguội ngắt, nhìn mâm cơm nóng sốt, ăm ắp thức ăn của mình, chị Hoa không cầm lòng được nên muốn vào thăm. Anh Thọ thưa chuyện với gia đình và được ba mẹ đồng ý.
Cuộc sống của anh Thọ và chị Hoa.
Dự định ở lại thăm bạn trai bốn ngày nhưng có một sự cố nhỏ nên sang ngày hôm sau chị phải đặt vé quay ra Bắc. Trước lúc về, chị bày tỏ tâm ý của mình với gia đình anh: “Cháu và anh Thọ thương nhau. Nhưng hiện tại cháu không đủ khả năng đón anh ấy chăm sóc. Cháu xin phép thường xuyên vào đây chơi để mọi người biết anh ấy cũng có một người vợ đang đi làm ăn xa”.
Chị Hoa không thể ngờ vừa về tới nhà thì gia đình anh Thọ báo tin anh bỏ đi. Lúc liên lạc được chị mới biết anh đang bắt xe ra Bắc. Hoảng quá, chị thuyết phục: “Cơ thể anh ngồi xe mấy ngày sau chịu nổi. Xuống đi, em vào”. Trước lúc đi chị nói với con gái có thể sẽ phải đón anh Thọ ra luôn. Con chị ủng hộ: “Mẹ đón ngay đi. Cùng lắm chú ấy chỉ ăn bằng… con mèo của con”.
Lúc gặp lại, anh Thọ đang ở cổng bến xe miền Đông (TP HCM), mặc một áo ba lỗ, quần đùi, không dép, người thậm chí đã bốc mùi. Vừa nhìn thấy chị, anh giơ ra một túi nilon đen nói: “Hôm trước để ý thấy em thích chiếc đồng hồ này. Anh tặng em”.
Khuyên anh về nhà không được, chị đành báo cho gia đình anh, cho địa chỉ nhà và công ty của mình để họ tin tưởng và gom những đồng tiền cuối cùng trong thẻ đặt vé đưa anh đi theo mình. Vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài thì mẹ chị gọi đến than thở: “Đời con sung sướng hơn ai mà còn rước thêm người như thế về chăm?”. Chị nói: “Mẹ thử nghĩ ra đường đụng phải một người như thế thì có cứu không”.
Chị Hoa đưa anh Thọ về căn nhà tập thể công nhân, sống cùng hai mẹ con chị. Hồng Nhung, 22 tuổi, con gái chị Hoa kể, ban đầu mới thấy ngoại hình của chú, em thấy sợ. “Ở vài hôm thì quen. Chú ấy nhiều chuyện và hài hước lắm”, Nhung chia sẻ.
Còn anh Thọ, ban đầu đòi đi theo chị Hoa nhưng cũng sợ “chắc chỉ vài bữa nửa tháng là cô ấy chán, trả về với bố mẹ. Nhưng tôi chấp nhận đánh cược”. “Chàng sọ dừa” không ngờ hai mẹ con chị Hoa đối xử rất tốt với mình. Trước mỗi ngày đi làm, chị nấu sẵn đồ ăn; để nước ép, bánh kẹo trong ngăn dưới cùng tủ lạnh cho anh tiện lấy. Chị hay đưa anh đi cà phê, cuối tuần đi công viên, siêu thị và thăm bạn bè. “Mới ra được một tuần cô ấy đã dám đưa tôi đi dự tiệc cơ quan với rất đông người”, anh hạnh phúc khoe.
Chàng trai “sọ dừa” được vợ đưa đi chơi, thăm thú những cảnh đẹp quanh Hà Nội mỗi khi có thời gian rảnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chị Nguyễn Thị Thu Thương – sáng lập doanh nghiệp xã hội Thương Thương Handmade – cho biết, đã theo dõi câu chuyện tình yêu của Thọ và Hoa từ những ngày đầu. “Đối với những người khuyết tật nặng như chúng tôi, nhìn đã sợ rồi, nói gì ai yêu. Chị Hoa như một ‘cô tiên’, mang đến những điều kỳ diệu cho Thọ”, chị Thương chia sẻ và mong họ sớm có một đám cưới trong tương lai.
Về phần gia đình anh Thọ, hai tháng qua vẫn theo dõi con hàng ngày. Bà Nga, mẹ anh cho biết, ban đầu gia đình bà không dám tin lại có một người phụ nữ thương con mình thật lòng, vì sợ con thiệt thòi nên họ phản đối. “Giờ thấy con hạnh phúc ngày nào thì chúng tôi vui ngày ấy”, bà cho hay.
Đêm Hà Nội trở lạnh, tại một khu chung cư công nhân có người vợ bế chồng leo 5 tầng cầu thang sau khi đi cà phê về. Thấy bước chân vợ chậm lại, anh biết chị đang mệt, liền động viên: “Cố lên vợ yêu, chân vợ đi liêu xiêu”.
Tiếng cười của đôi vợ chồng không còn trẻ phá tan không gian lặng như tờ.
Nam Blue - Streamer top 1 của PUBG Mobile: Bỏ xuất khẩu lao động để theo đuổi nghiệp game, nổi tiếng rồi vẫn ở nhà thuê, đi Grab
Trong cộng đồng game PUBG Mobile, Nam bảo, chỉ gồm 2 nhóm: Những người thích Nam Blue, và những người còn lại.
Không quá nếu nói nhắc rằng nhắc đến PUBG Mobile là người ta nghĩ ngay tới Nam Blue. Dù không đi lên từ con đường game thủ chuyên nghiệp, không có người hậu thuẫn phía sau nhưng Nam Blue hiện đang giữ vị trí top 1 trong bảng xếp hạng các streamer của tựa game này.
Với fanpage hơn 2 triệu lượt theo dõi và hơn 700.000 lượt like, mỗi buổi livestream của anh thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Tháng 4 vừa qua, Nam Blue xô đổ kỷ lục của Chim Sẻ Đi Nắng để trở thành streamer có số lượng người theo dõi livestream vào cùng một thời điểm lớn nhất: 137.000 người.
Nổi tiếng, tài năng nhưng Nam Blue hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Các bài viết về anh đa phần chỉ gồm thông tin cơ bản do một bên thứ ba tổng hợp lại. Đây có lẽ là lần đầu tiên streamer này trải lòng về con đường đưa anh vào nghề, cũng như những vui buồn trong suốt 5 năm làm công việc gắn bó với màn hình, máy quay, chuột và bàn phím.
Nam Blue tên thật là Phan Thanh Nam, sinh năm 1990, hiện đang sống và làm việc tại Vũng Tàu. Biệt danh "Nam Blue" được anh giải thích đơn giản do bản thân yêu màu xanh.
Thời điểm những năm 2013, 2014 Nam Blue làm công nhân tại một xưởng in trong TPHCM. Sau đó, nhận thấy việc này không phù hợp với mình, anh tính chuyển sang hướng đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện thủ tục giấy tờ, Nam Blue biết đến game Truy Kích và bắt đầu học chơi.
Ngày ấy, cộng đồng game chỉ tổ chức các giải đấu dành cho game thủ chuyên nghiệp, còn những người chơi tự do như anh thì không. Vậy là Nam tự đứng ra tổ chức các giải đấu nho nhỏ, với phần thưởng chỉ 20.000 đồng. Lúc thì anh trực tiếp tham gia thi đấu, lúc lại là bình luận viên phía ngoài.
"Mình nhớ buổi đầu tiên livestream chỉ có 3 người xem. Mình không có micro nên phải mượn máy tính của anh rể để phát live. Tự nhiên mình thấy công việc này hay hay, kiểu như gãi đúng chỗ ngứa của mình vậy", Nam Blue vừa cười vừa hồi tưởng lại.
Dần dần niềm đam mê với game vượt qua dự định đi nước ngoài lao động. Giấy tờ đã làm xong nhưng Nam chọn ở lại theo đuổi sự nghiệp với game-con đường mù mịt và chẳng rõ tương lai tại thời điểm ấy. Tất nhiên cả gia đình không một ai ủng hộ lựa chọn của anh.
Suốt 1 tháng trời sau đó, Nam Blue kiên trì thuyết phục bố mẹ cho mượn tiền để làm công việc này.
"Mình nói với bố mẹ rằng đó là công việc mình đam mê và muốn đi đến cùng, có thành công hay thất bại thì mình sẽ tự chịu, vì đó là con đường mình chọn. Cuối cùng, mẹ mình đồng ý cho mượn 17 triệu để mua sắm trang thiết bị. Mình hiểu lúc đó bố mẹ không tin tưởng vào công việc này nhưng bố mẹ tin mình".
Sau một thời gian cố gắng, Nam Blue bước vào hàng cao thủ streamer của game Truy Kích, đạt nhiều thành tích nổi trội như sở hữu 20 tài khoản hạng kim cương (thứ hạng cao nhất và khó nhất trong Truy Kích),... Anh cũng lập kỷ lục về số người xem với hơn 15.000 người cùng theo dõi một lúc.
Sang đến 2018, số lượng người chơi game Truy Kích ít dần, Nam chuyển qua livestream với tựa game mới là PUBG Mobie. Anh cũng từ bỏ hình thức livestream trên Youtube để chuyển sang livestream trên nền tảng Facebook Gaming và tham gia Facebook Gaming Creator, một chương trình nhằm hỗ trợ các streamer phát triển cộng đồng của mình do mạng lưới các nhà sáng tạo nội dung OTA Network triển khai tại Việt Nam.
Thật bất ngờ, những bước chuyển này đã giúp anh vươn tới đỉnh cao sự nghiệp. Khoảng thời gian hai năm được Facebook Gaming và OTA Network hỗ trợ về các hoạt động kết nối với cộng đồng người hâm mộ, tham gia các buổi tọa đàm với chuyên gia, trao đổi kinh nghiệm với các streamer đến từ những tựa game khác,... fanpage của Nam Blue đã tăng từ 200.000 lên mốc 2 triệu người theo dõi.
Bản thân anh cũng đạt hàng loạt các chuỗi kỷ lục cá nhân như Top 1 thế giới về tổng lượng người xem stream trên nền tảng Facebook Gaming (tháng 9/2018) hay Top 3 streamer Facebook Gaming được xem nhiều nhất (thống kê Stream Hatchet công bố tháng 3/2020).
Không có ngoại hình điển trai như tài tử, Nam Blue vẫn là một streamer "hút" fan. Điều này đến từ kỹ năng bắn súng đỉnh cao cùng khả năng nói chuyện thu hút. Giọng nói nhẹ và thái độ rất điềm tĩnh, chuẩn mực, không hơn thua hay cay cú, không dùng từ lóng,... là những điểm mà nhiều fan thừa nhận rằng họ yêu mến nhất ở Nam.
Nhưng nếu chỉ nhìn vào số lượng fan hâm mộ và thành công hiện nay, có lẽ ít người biết trên hành trình đến đỉnh cao, Nam Blue cũng từng có thời trầm cảm, suy sụp tưởng như không thể gượng dậy.
Nam kể đó là giai đoạn nửa đầu 2019, trong một lần livestream với hàng nghìn người xem, tài khoản của anh bất ngờ bị khóa không rõ lý do. Thế là rộ lên nghi vấn Nam Blue hack game nên bị khóa. Sau này, phía đơn vị chủ quản đã vào cuộc điều tra và mở lại tài khoản của Nam-một hành động có thể coi như "minh oan" cho anh. Nhưng quãng thời gian sóng gió ấy thì streamer này chẳng bao giờ quên được.
"Nhiều người bảo mình dùng hack mới làm được. Thật sự mình cảm thấy bất ngờ lắm vì mình nghĩ kỹ năng ấy cũng bình thường thôi, đâu đến mức phải hack. Mình cũng buồn nữa vì công sức mình bỏ ra lại không được công nhận. Số lượng anti đông đến mức có những lúc lên livestream, mình không dám nhìn vào khung chat vì sợ ảnh hưởng tâm lý".
"Sau đó, nhờ gia đình, bạn bè và cộng đồng người ủng hộ luôn ở bên động viên, mình cũng suy nghĩ lại, xác định phải cố gắng hơn nữa để làm cho những người không thích mình thay đổi suy nghĩ. Vậy là mình vượt qua được để đi đến hôm nay. Nhưng mình vẫn là streamer có số anti-fan đông nhất Việt Nam", Nam Blue nói về "di chứng" hậu scandal.
Ở thời điểm hiện tại, là một streamer tự do, không chịu sự quản lý của công ty nào nên Nam Blue hoàn toàn chủ động sắp xếp công việc của mình. Để cân bằng giữa sinh hoạt và nghỉ ngơi, một ngày anh livestream khoảng 5-6 tiếng, 2 tiếng buổi trưa và 3-4 tiếng buổi tối. Cũng có những hôm Nam nghỉ để dành thời gian đi chơi với bạn bè nhưng cuộc sống đôi khi vẫn khiến anh có cảm giác "một màu" và hơi nhàm chán.
Nam Blue tiết lộ anh còn "độc thân vui tính". Không phải vì anh kén chọn mà do quỹ thời gian của streamer đa phần eo hẹp, khoảng dành cho gia đình và bạn bè đã ít chứ chưa nói đến việc có bạn gái.
"Cuộc sống mà, cho dù làm công việc nào bạn cũng phải đánh đổi thôi, không có công việc nào chỉ toàn niềm vui. Với nghề làm streamer, mình nghĩ mình đã được nhiều hơn mất", Nam khẳng định.
Không tiết lộ cụ thể mức thu nhập cá nhân nhưng Nam Blue cho biết công việc này giúp anh không phải nghĩ ngợi về kinh tế và có thể lo cho bố mẹ. Tuy nhiên, nếu nhiều streamer chọn đầu tư vào bất động sản, mua nhà, mua xe thì Nam vẫn ở nhà thuê, đi lại bằng Grab.
"Tiền bạc quan trọng nhưng chỉ là một phần thôi, mình làm vì mình thực sự đam mê công việc này. Mình luôn nói với người xem một câu: Khi nào không ai muốn xem livestream của mình nữa, lúc ấy mình sẽ nghỉ".
Với kinh niệm và kỹ năng thu được sau 5 năm bước chân vào mảng streamer, Nam Blue bộc bạch anh đang ấp ủ kế hoạch mở một học viện. Tại đây những bạn trẻ đam mê như anh ngày xưa sẽ được định hướng bài bản, nhận ra điểm yếu, điểm mạnh để tiếp tục phát triển thành streamer chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng, công việc này có thể đem lại thu nhập tốt và sự nổi tiếng, nhưng nó không dành cho tất cả.
"Với mình để theo đuổi nghề này, điều kiện cần là bạn phải thích chơi game. Vì làm streamer, tất cả các buổi live đều liên quan đến game. Nếu không thích game bạn có thể gắn bó được 1-2 tháng nhưng không thể đi lâu hơn được. Sau điều kiện cần thì đến điều kiện đủ, và cũng là điều kiện quan trọng nhất: Bạn phải thực sự đam mê và quyết đi đến cùng với nghề. Tiền bạc, danh tiếng có thể là động lực để bạn phấn đấu, nhưng không bao giờ là động lực đủ mạnh. Thử nghĩ những ngày đầu bước chân vào livestream, số người xem còn khiêm tốn, nếu không phải đam mê thì đâu sẽ là động lực kéo bạn đi tiếp?", Nam Blue khẳng định.
Trước suy nghĩ của nhiều streamer trẻ cho rằng cần phải có công ty chống lưng phía sau thì mới thành công, Nam phủ nhận hoàn toàn điều này. Anh bật mí về một công thức tưởng như cũ nhưng vô cùng hiệu quả của bản thân: Luôn quan tâm, chú ý tương tác với người xem trong mỗi trận đấu.
"Bạn nghĩ kỹ năng chơi game là quan trọng nhất? Không quan trọng, chỉ 30-50% thôi, tố chất ổn nhất để một streamer đi được đường dài là khả năng tương tác với người xem. Bạn tương tác với người xem tốt thì họ mới yêu quý và trở thành lực lượng nòng cốt ủng hộ bạn. Càng nhiều người như vậy thì càng dễ phát triển".
"Ví dụ như mình, mỗi khi livestream, mình sẽ đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu, khoảng 70% và 30% còn lại mới là game. Khi livestream, mình cũng giống như ngoài đời, hay trêu đùa, chọc mọi người nhưng mình sẽ lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, hạn chế chửi thề, dùng tiếng lóng. Điều ấy làm mình được yêu mến và ủng hộ. Bạn chọn con đường giống mình, cộng với sự nỗ lực, quyết tâm thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ thành công, tuy chậm nhưng mà chắc", Nam Blue kết luận.
Chú rể 18 tuổi bỏ học cưới vợ, biết danh tính và tuổi tác cô dâu càng thêm sốc nặng Chưa đến độ tuổi kết hôn hợp pháp nhưng chú rể này đã quyết định lấy vợ, tuy nhiên tuổi tác của cô dâu càng khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa. Ngày nay, rất nhiều người trẻ quyết định kết hôn muộn, nhưng ở một số nơi vẫn giữ quan niệm cổ hủ, nam nữ kết hôn với nhau khi chưa đủ...