Mối thân tình Triều Tiên – Syria trong cuộc chiến chống “kẻ thù chung”
Triều Tiên và Syria, hai quốc gia ở nằm ở hai khu vực khác nhau nhưng đều có chung lập trường chống Mỹ, đã sát cánh bên nhau trên nhiều phương diện từ hàng chục năm qua.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (thứ hai từ trái sang) tiếp phái đoàn Triều Tiên do Bộ trưởng Ngoại thương Ri Ryong Nam dẫn đầu tại thủ đô Damascus năm 2014. (Ảnh: Reuters)
Báo cáo của Liên Hợp Quốc
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc gần đây đã cáo buộc Triều Tiên giúp đỡ Syria trong việc sản xuất vũ khí hóa học bị nghi là để sử dụng trong các chiến dịch tấn công các phần tử thánh chiến và phiến quân nổi dậy ở ngoại ô thủ đô Damascus cũng như một số khu vực khác trên lãnh thổ Syria.
New York Times đã tiếp cận được bản báo cáo dài hơn 200 trang của Liên Hợp Quốc và đưa tin rằng, Triều Tiên được cho là đã cung cấp cho Syria những nguyên liệu có liên quan tới hoạt động chế tạo vũ khí hóa học như các loại gạch chuyên dụng chống axit, vốn được sử dụng cho các dự án công nghiệp hóa chất quy mô lớn, cũng như các loại van, nhiệt kế và công nghệ tên lửa.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên cũng bị cáo buộc gửi người lao động sang hỗ trợ hoạt động sản xuất vũ khí hóa học của Syria. Các nhà khoa học tên lửa Triều Tiên bị phát hiện làm việc tại các cơ sở vũ khí hóa học và tên lửa tại Syria. Đổi lại, Bình Nhưỡng có thể nhận tiền để đầu tư vào chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, theo New York Times.
Mỹ và một số quốc gia từng cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong nhiều vụ tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy, dẫn tới thương vong cho dân thường. Cùng với Nga và Iran, chính phủ Syria đã bác bỏ những cáo buộc này. Tuy nhiên, Washington vẫn dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm lên án chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hồi đầu tháng 2, một nhóm các giám sát viên độc lập của Liên Hợp Quốc đã phát hiện hơn 40 lô hàng không được khai báo do Triều Tiên chuyển tới cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria từ năm 2012-2017. Trung tâm này chịu trách nhiệm giám sát chương trình vũ khí hóa học của Syria.
Các quan sát viên của Liên Hợp Quốc đã kiểm tra các lô hàng trên tàu Triều Tiên bị các quốc gia chặn lại khi đang trên đường tới Syria. Cả hai lô hàng này đều chứa gạch chống axit. Một trong số các quốc gia chặn tàu Triều Tiên cho biết số gạch bị thu giữ có thể được sử dụng để xây tường bên trong nhà máy hóa chất.
Mối quan hệ lâu dài
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) đón Phó Tổng thư ký Đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Ả rập (Đảng Baath) cầm quyền Syria Abdullah al-Ahmar trong chuyến thăm của phái đoàn Syria tới Bình Nhưỡng năm 2013. (Ảnh: KCNA)
Theo Newsweek, Syria đã được hưởng lợi từ mối quan hệ với Nga và Iran, song báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc đã tập trung vào lịch sử mối quan hệ lâu dài giữa Syria và Triều Tiên – hai nước cùng nằm trong danh sách tài trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo sử dụng phương án quân sự với cả hai quốc gia này.
Từ thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, Triều Tiên với sự hậu thuẫn của Trung Quốc và Liên Xô, đã mất 3 năm (1950-1953) cho cuộc xung đột với Hàn Quốc do Mỹ hậu thuẫn. Bình Nhưỡng khi đó đã xem Washington là “kẻ thù” lớn nhất của mình. Tình trạng căng thẳng này tiếp tục lan sang Israel – một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Triều Tiên đã gia nhập nhóm các quốc gia Ả rập và can dự vào chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Bình Nhưỡng từng điều phi công tham gia cùng lực lượng không quân của Syria và Ai Cập trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 và cuộc chiến Yom Kippur nhằm vào Israel năm 1973.
Khi cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad lên nắm quyền đầu thập niên 1970, ông đã đứng về phía Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai phe do Moscow và Washington đứng đầu. Cả Triều Tiên và Syria khi đó đều cung cấp sự hỗ trợ cho các nhóm quân sự cánh tả Palestine, đối đầu với Mỹ và Israel.
Vào năm 1994, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành qua đời và con trai ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-il lên kế nhiệm. 6 năm sau đó, cố Tổng thống Hafez al-Assad qua đời và người kế nhiệm cũng là con trai ông – đương kim Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nhà lãnh đạo Kim Jong-il và Bashar al-Assad đã thắt chặt quan hệ khi cả Triều Tiên và Syria đều bị liệt vào “Trục Ma quỷ” do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush lập ra.
Video đang HOT
Một năm sau khi Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006, Bình Nhưỡng bị Liên Hợp Quốc cáo buộc giúp xây dựng một cơ sở hạt nhân ở tỉnh Deir Ezzor phía đông Syria. Sau đó, Israel đã phá hủy cơ sở này vào năm 2007.
Hỗ trợ lẫn nhau
Tổng thống Assad hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Sin Hong Chol tại Damascus năm 2015. (Ảnh: AFP)
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền tại Triều Tiên sau khi cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il, qua đời vào năm 2011, Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn. Phong trào biểu tình phản đối chính quyền Tổng thống Assad đã bùng nổ thành một cuộc nội chiến khi các tay súng nổi dậy do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả rập vùng Vịnh hậu thuẫn đã chiếm phần lớn lãnh thổ Syria, trong đó có nhiều khu vực sau này rơi vào tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Từ sau khi bạo lực nổ ra, sự hỗ trợ của Triều Tiên dành cho Syria dường như đi theo một hướng khác
Triều Tiên ngay từ đầu đã ủng hộ chính quyền Syria và ca ngợi Tổng thống Bashar al-Assad trong khi phương Tây chỉ trích nhà lãnh đạo Syria. Tương tự Trung Quốc, về mặt chính thức, sự ủng hộ của Triều Tiên với Syria vẫn giới hạn trong phạm vi ủng hộ ngoại giao. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết các lực lượng Triều Tiên đã được triển khai tới Syria để chiến đấu bên cạnh quân đội Syria và các lực lượng liên minh khác, trong đó có một số được hậu thuẫn bởi Iran – quốc gia Triều Tiên ngày càng gần gũi. Theo Diplomat, Bình Nhưỡng cũng điều xe tăng và đưa vũ khí tới Syria.
Hồi tháng 4/2017, Triều Tiên là nước phản đối kịch liệt cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào một căn cứ không quân của Syria. Cuộc tấn công này diễn ra chưa đầy 72 giờ sau khi Washington cáo buộc quân đội Syria tiến hành cuộc tấn công hóa học tại tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát. Chỉ vài ngày sau cuộc tấn công vào Syria, Tổng thống Trump tiếp tục cảnh báo sẽ đưa một hạm đội tàu chiến tới bán đảo Triều Tiên và nổ ra cuộc “khẩu chiến” với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Một phụ nữ cầm cờ Triều Tiên trong lễ khai trương công viên tưởng niệm cố lãnh đạo Kim Nhật Thành ở thủ đô Damascus của Syria năm 2015. (Ảnh: AFP)
Mặc dù đều phải chịu sức ép căng thẳng từ Mỹ, song cả Syria và Triều Tiên đều gặt hái được những “thành tựu” trong năm 2017. Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, đặt phần lớn diện tích thế giới vào tầm tấn công của vũ khí nước này. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch được cho là mạnh nhất từ trước đến nay. Trong khi đó với sự giúp sức của Nga và Iran, chính quyền Tổng thống Assad cũng giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria. Diễn biến cuộc xung đột tại Syria đưa Nga và Iran trở thành những quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong khu vực, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Triều Tiên và Syria.
Đưa tin về sự kiện tại Đại sứ quán Syria ở Bình Nhưỡng hồi tuần trước, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) khẳng định: “Chính phủ Triều Tiên sẽ mở rộng sự hỗ trợ và cổ vũ trước sau như một với cuộc đấu tranh chính đáng của chính quyền và nhân dân Syria nhằm đánh bại các động thái gây hấn của đế quốc Mỹ cũng như chủ nghĩa phục quốc Do Thái, bảo vệ chủ quyền, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ”.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Syria dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Syria Hammouda Sabbagh phát biểu trong cuộc gặp với Đại sứ Triều Tiên tại Syria hồi tháng trước rằng, “Triều Tiên và Syria là hai quốc gia cùng đứng trong một chiến hào chống kẻ thù chung”.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Ám ảnh nỗi đau chiến tranh tại "địa ngục trần gian" ở Syria
Những cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria tại khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Đông Ghouta đã cướp đi sinh mạng của hơn 500 dân thường trong một tuần. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mô tả nơi này là "địa ngục trần gian".
Gần một tuần sau khi các lực lượng chính phủ tiến hành một trong những đợt tấn công khốc liệt nhất trong cuộc nội chiến tại Syria tại các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Đông Ghouta, hơn 520 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. (Ảnh: AFP)
Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, ít nhất 121 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Đông Ghouta - vùng ngoại ô thủ đô Damascus. Nhiều em nhỏ đã may mắn được đưa tới bệnh viện để cấp cứu kịp thời. (Ảnh: AFP)
Những quả bom được ném liên tiếp vào các cơ sở y tế, khiến các bác sĩ làm việc bên trong các cơ sở còn sót lại phải "vật lộn" với thời gian để có thể điều trị cho rất đông những bệnh nhân bị thương. (Ảnh: AFP)
Lực lượng cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng ước tính ít nhất 350 thi thể đã được tìm thấy trong 4 ngày đầu tiên của đợt tấn công. Việc sử dụng các loại bom, đạn pháo và tên lửa khiến việc tìm kiếm và thống kê thi thể nạn nhân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: AFP)
"Có lẽ sẽ còn nhiều người chết nữa. Chúng tôi không thể đếm hết các thi thể vì máy bay chiến đấu vẫn đang oanh tạc trên bầu trời", Siraj Mahmoud, phát ngôn viên của lực lượng Mũ bảo hiểm trắng, nói với Reuters. (Ảnh: AP)
Nhiều người may mắn thoát chết hoặc chỉ bị thương vẫn đang ẩn nấp bên dưới các boong-ke ngầm, song phải đối mặt với tình trạng không có điện nước sinh hoạt và thực phẩm cạn kiệt. (Ảnh: AP)
"Tình hình thực sự thảm họa, lũ trẻ không có gì để ăn trong 2 ngày. Các hội đồng địa phương thậm chí không thể mang đồ ăn tới cho chúng. Người lớn còn có thể chịu được nhưng lũ trẻ thì không. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi không có sữa bột trong khi các bà mẹ không thể cung cấp sữa cho con họ. Chúng tôi cũng có nhiều đứa trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi không có gì để ăn", một nhà hoạt động cho biết. (Ảnh: Alamy)
Chỉ tính riêng trong ngày 24/2, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria ước tính có ít nhất 29 dân thường thiệt mạng ở Đông Ghouta, trong đó có 17 người ở Douma. Các lực lượng liên tục trút bom xuống khu vực với 393.000 người dân đang bị mắc kẹt. (Ảnh: EPA)
Các bác sĩ làm việc gần như cả ngày lẫn đêm để điều trị cho các bệnh nhân. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết ít nhất 13 cơ sở y tế của tổ chức này đã bị tàn phá trong các cuộc tấn công từ ngày 18/2, gây ra không ít khó khăn cho công tác cứu hộ. Nhiều người đã thiệt mạng vì không được cứu chữa kịp thời. (Ảnh: EPA)
"Mỗi phút lại có 10 đến 20 vụ không kích. Tôi điều trị cho một người nhưng chỉ 1-2 ngày sau họ trở lại với một vết thương khác. Liên Hợp Quốc đang ở đâu?", Bác sĩ Bassam làm việc tại Đông Ghouta nói. (Ảnh: EPA)
"Tôi đang chờ cái chết đến với con tôi. Ít nhất sau khi chết cháu sẽ không còn đau đớn nữa. Cháu sẽ được lên thiên đường. Ít nhất ở thiên đường cháu vẫn có cái để ăn!", một bà mẹ Syria đau đớn nói bên cạnh đứa con trai được điều trị trong bệnh viện. (Ảnh: EPA)
Trong khi các lực lượng cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn trong việc tiếp cận khu vực giao tranh ở Đông Ghouta, nguồn thuốc men điều trị cho những người bị thương ngày càng cạn kiệt và lương thực trở thành mặt hàng đắt đỏ với đa số người dân. (Ảnh: Getty)
Chính phủ Syria tuyên bố không nhắm mục tiêu tới dân thường, mà chỉ đang tìm cách giải phóng Đông Ghouta khỏi những "kẻ khủng bố" - cụm từ được sử dụng để mô tả những phiến quân thánh chiến và các nhóm nổi dậy chiếm giữ Đông Ghouta. (Ảnh: Getty)
Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng cảnh báo về tình cảnh sống trong "mưa bom bão đạn" của dân thường Syria. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mô tả các cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria vào Đông Ghouta đã biến nơi này thành "địa ngục trần gian" và kêu gọi lập tức chấm dứt chiến sự. (Ảnh: Reuters)
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mô tả tình hình tại Đông Ghouta là "thảm họa nhân đạo" và cộng đồng quốc tế "không thể để mọi thứ xảy ra theo cách khủng khiếp vậy". (Ảnh: Reuters)
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/2 đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn kéo dài 30 ngày trên toàn lãnh thổ Syria để mở đường cho viện trợ nhân đạo và sơ tán y tế. Lệnh ngừng bắn không áp dụng đối với các hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tổ chức Al-Qaeda, Mặt trận al-Nusra và các nhóm khủng bố khác. (Ảnh: Reuters)
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Đại biểu Syria từ Sochi trở về bị nã tên lửa Ngay khi máy bay chở các đại biểu tham dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi (Nga) trở về, sân bay quốc tế Damascus đã bị nã tên lửa. Thông tin về vụ tấn công này được báo al-Hadath ngày 31/1 dẫn nguồn tin Chính phủ Syria cho biết, sự việc xảy ra chỉ 10 phút sau khi máy bay...